Nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đi thăm Bình Đại (Bén Tre) và Cồn Bà (Mỹ Tho)
MỸ THO -- Sau chuyến đi kết hợp một lần hai nơi (Long Khánh và Biên Hòa) thành công tốt đẹp, chúng tôi lại hăm hở lên đường thực hiện một chuyến khác mà nơi đến là huyện Bình Đại (Bến Tre) và Cồn Bà (Mỹ Tho) với hành trang là yêu thương và tấm lòng rộng mở của một số độc giả VietCatholic.
Chúng tôi đi bốn người. Đây là một model mới mà nhóm Bông Hồng Xanh áp dụng có hiệu quả tốt vì kiểu cũ là đi từng đoàn mười đến mười lăm người, đổ quân đến một địa phương rầm rầm rộ rộ chia quà kiểu đại trà, phát vé… không còn phù hợp nữa; vừa tốn kém, lại không len lỏi được vào cuộc sống thực tế của những gia đình nghèo. Đi âm thầm theo kiểu du kích công việc lại trở nên nhẹ nhàng hơn.
Xe khách công cộng từ Sài Gòn đến Bến Tre chỉ có 2 usd một người, lại có cả máy lạnh, tivi nữa. Tôi không thể cầm trí cầu nguyện vì trên xe mở đĩa nhạc Pháp có khiêu vũ, nên chỉ thầm thì cầu xin Chúa cho chuyến đi được an lành. Lúc xuống xe một người trong chúng tôi nói: “Cám ơn bác tài! Xin chúc một ngày tươi đẹp! ” Anh tài xế xúc động rồi cười toe toét làm cho hàm râu cá chốt lay động rất tự nhiên.
Chúng tôi chỉ đi qua một phà là phà Rạch Miễu. Trẻ con bán hàng rong ít hơn sáu năm về trước. Mỗi lần có dịp về miền Tây, đi qua các phà như Mỹ Lợi, Cần Thơ, Vàm Cống, Hàm Luông….. tôi cứ thầm mong mình có nhiều tiền để nhờ các bạn trẻ tiếp cận các em, tụ tập thành nhóm, làm một điều gì đó như chen vào cách kiếm sống của các em một chút văn hóa, nhân bản, hay nâng cao hơn đời sống tinh thần vốn đơn sơ và bụi bặm, đầy va chạm nơi bến xe phố chợ của các em. Nhưng đó là một chương trình lớn mà tầm tay tôi còn cách xa.
Đường vào huyện tráng nhựa, hai bên cây cối xanh mướt, không khí trong lành. Người ta thấy dễ chịu khi đi trên các con đường vào ấp.
Cũng như những lần trước, việc phát học bổng được tiến hành ưu tiên. Chúng tôi đến từng nhà. Lại những căn nhà gỗ mục, vách lá dừa nước, nền đất khô cứng, bên trong trống trải, đồ đạc mốc thếch. Có một thằng bé tròn ủng, cả bố và mẹ đều chết hết. Ngoài giờ học nó phải đi quét chợ cùng cô ruột. Vì gần chợ, người này cho cái bánh, người kia cho quả chuối, nó mập tròn cũng đúng thôi! Khi được chụp hình riêng, nó sung sướng, hãnh diện với mấy đứa khác.
Có cháu gái ốm nhom, mẹ nó bị câm, không hiểu sao lại sinh ra nó. Mà ngay cả mẹ nó cũng không diễn tả được cha nó là ai. Nó nhận quà một cách nhút nhát. Có đứa anh dắt theo hai đứa em. Nó vừa viết tên vào giấy nhận tiền vừa khóc. Tôi hỏi nó chỉ im lặng. Mấy người chung quanh nói má nó chết vì ung thư, dì nó không có chồng đang nuôi chúng nó thì tự nhiên chết vì bệnh gan. Ba nó buồn uống rượu miết.
Có một thằng bé nó bơi nhanh như con rái. Nó hay cùng cha nó lái đò. Ngày hôm sau ba nó hứa chở tôi qua Cồn Bà, Mỹ Tho. Giá cả vẫn được thỏa thuận, ba nó mừng như là gặp được khách quí.
Đang chụp hình cho các em, tôi nghe tiếng rầy là sau lưng: “Mày đâu có tên trong danh sách đâu mà cũng đến lãnh.” Thằng bé mặc áo cũ rích xị mặt xuống: “Ông Năm ơi, con chỉ xin 5 cuốn tập thôi mà!”. Tôi vội cầm tay nó: “Được rồi, được rồi, con vào đây, con muốn xin gì cũng được! ” Thì ra mẹ nó bỏ đi. Bố nó lượm ve chai. Mấy đứa nhỏ mách với tôi rằng nó nghịch phá lắm. Tôi chỉ cười.
Căn nhà gỗ rộn rã tiếng nói cười được một lát rồi thưa dần. Ở ấp Phú Thuận này đa số người dân đi làm mướn. Ai có vườn thì trồng tỉa. Người ta trồng dừa, trồng nhãn. Những trái nhãn cơm vàng dày cùi thơm ngon được lái buôn vào tận vườn mua sỉ. Nhãn lồng có vỏ tươi hơn nhưng cây ra trái không đều. Ở đây người ta kiếm tiền có vẻ khó khăn.
Nhà thờ Phú Thuận màu cam hồng, có phần vắng vẻ. Nghe đâu người ta vì cuộc sống khó khăn mà ít đến nhà thờ. Cả tuần chỉ có lễ chiều thứ bảy và sáng Chúa nhật, vì không có cha ở đó.
Buổi chiều, chúng tôi đi tham quan lò làm kẹo. Để thành một gói kẹo dừa thơm ngon, phải qua những công việc này: như sau: dừa được xay và ép ra nước, sau đó cho đường và nước dừa lên cảo nấu, quay đều trên lửa nhỏ. Nếu trộn thêm sầu riêng thì thành kẹo dừa sầu riêng, trộn dứa thì thành kẹo dừa dứa, kẹo dừa chuối…..Đổ kẹo từ chảo ra cho nguội rồi cho vào khuôn gỗ có những rãnh dài, cho lên thớt cắt thành từng viên. Những công nhân ngồi quây quần gói những viên kẹo vào giấy, sau cùng là đóng bao. Những viên kẹo làm ngọt cho những cái miệng chúm chím của trẻ con, như cái miệng của thiên thần.
Buổi tối ở Bình Đại người ta vui với cái tivi. Người không có tivi thì đi coi nhờ hoặc ngủ sớm. Không có bóng dáng tệ nạn xã hội ở các xã của xứ sở cây dừa này. Nếp sống bình dị ở đây làm cho những người thích yên tĩnh, mến chuộng sự mộc mạc chất phác rất phù hợp.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi đi qua nơi họp chợ quê để ra bến đò lên ghe sang Cồn Bà, Mỹ Tho. Chợ quê đầy vẻ hiền lành. Người ta bán hàng với số lượng nhỏ, nhưng xem ra không có gì phải vội vã, bon chen. Con đò nhỏ đưa chúng tôi đi dọc dòng sông Cửa Đại. Đây là cửa sông chảy ra biển lớn nhất miền Tây. Nhìn trời mây, sông nước, cây cối ven bờ chúng tôi thấy mình nhỏ bé mong manh như thân phận con người giữa vũ trụ bao la của Chúa.
Cồn Bà là một xã nhỏ, có chiều dài 15km, ngang là khoảng cách giữa hai con sông. Xã chỉ có mấy ngàn dân. Người dân ở đây làm ruộng và trồng dừa, nhưng đa số là đi câu mực. Làm ruộng thì cũng như bao nơi khác, nhưng trồng dừa thì vui. Một trái dừa được hình thành trong vòng 6 tháng, nhưng những gốc dừa ra quả liên tục nên mỗi tháng người ta phải đi “giựt dừa”, tức là cầm cây tre có móc sắt leo lên thang giật cho quả dừa rơi xuống. Dừa xấu thì bán cho nhà máy hoặc lò làm kẹo. Còn dừa xuất khẩu thì sau khi bóc vỏ bên ngoài phải đạt 1kg một trái mới đạt yêu cầu. Anh thư ký hội đồng giáo xứ nói: “Ở đâu hiếm lá dừa trong ngày Lễ Lá chứ ở đây mỗi người mang hẳn một cây dừa đến nhà thờ cũng chẳng sao! ” Câu mực ở đây không giống như miền Trung, mỗi người một thúng. Ở đây chủ có một ghe lớn, mướn mười lăm người, ngồi dọc hai bên thành ghe để cùng câu. Mực câu được sẽ xẻ ra phơi cho ráo. Vì mỗi chuyến đi thường kéo dài hơn 20 ngày. Lợi tức thu được sau khi trừ các chi phí thì chia đôi, chủ ghe một nửa, người câu một nửa. Trung bình người câu được chia khoảng từ 60 –70 usd một tháng nên đời sống còn nghèo.
Trường học đơn sơ và nghèo quá. Tôi trao đổi với anh hiệu trưởng trẻ và hứa rằng sẽ có dịp chia sẻ với trường của anh trong tình chị em đồng nghiệp.
Giáo xứ Cồn Bà nằm sát bờ sông, trông hiền hòa hơn những con sóng đang đập vào bờ kè đá do một cha xứ xây lên. Chỉ có 1.200 giáo dân, nhưng được biết ở đây người ta sống đạo rất sốt sắng. Trước đây giáo xứ có linh mục, nhưng mấy tháng nay cha đổi đi xứ khác. Chúng tôi đến đây đúng lúc nhà xứ đón tiếp một thầy về giúp. Cha xứ Rạch Cầu, người phụ trách thêm xứ này cùng thầy quỳ trước bàn thờ cầu nguyện cho việc phục vụ được tốt lành. Hội Đồng Giáo Xứ ở đây rất vui, quây quần, dù rằng giáo xứ chỉ có đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và ca đoàn chứ không có đoàn thể nào khác.
Chúng tôi trở về Sài Gòn bằng ngả phà Rạch Miễu để ghé vào Cồn Phụng, nơi trước đây có ông Đạo Dừa, một người mà chúng tôi cứ thắc mắc, nên hôm nay nhất định ghé vào tìm hiểu xem sao. Cồn Phụng tại ấp 10, xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, đứng ở phà Rạch Miễu là nhìn thấy, nay trở thành một điểm du lịch dịch vụ thương mại.
Ông Đạo Dừa có tên là Nguyễn Thành Nam, sinh năm 1910, xuất thân trong một gia đình giàu có, du học ở Pháp tám năm. Về nước cũng lấy vợ, sinh con rồi mở cơ sở xay xát lúa gạo để sinh sống. Nhưng công việc làm ăn không thành công, ông buồn rồi quy y tại một chùa ở Châu Đốc. Hai mươi năm tu luyện ông chỉ uống nước dừa và ăn trái cây, cũng không ăn tương chao, đường muối như các vị tu hành khác. Mỗi ngày ông ăn một lần vào lúc mười hai giờ trưa. Mỗi năm tắm một lần. Sau này ba năm mới tắm một lần bằng nước thường.
Năm 1964 ông chọn Cồn Phục để lập chùa Nam Quốc Phật. Ông hòa trộn giáo lý của bốn đạo: Thiên Chúa, Phật Giáo, Cao Đài, Tứ Ân Hiếu Nghĩa (thờ ông bà) để tạo thành đạo DỪA VỪA. “Vừa” ở đây tức là vừa phải. Ông chết vào năm 1990 vì bị ngã trong quá trình chạy trốn chính quyền. Ông để lại hai công trình kiến trúc là Sân Rồng và Cửu Đỉnh. Sân rồng có chín cột tượng trưng cho chín nhánh sông Cửu Long, là nơi Đạo Dừa tiếp khách, họp mặt tín đồ. Cửu Đỉnh mô phỏng hàng cửu đỉnh ở kinh thành Huế, mang một ý nghĩa là thánh địa của Đạo Dừa sẽ bền vững theo thời gian.
Chúng tôi lên xe về Sài Gòn thì trời đã tối hẳn. Nỗi thấm mệt được thay vào đó là nỗi lo âu vì đi xe công cộng mà về quá trể. Tôi thầm thì đọc kinh, còn ba bạn trẻ chỉ ngủ. Tại sao chỉ có một dúm tiền mà chúng tôi lại đi tỉnh này, tỉnh nọ. Như thế có vẽ chuyện không nhỉ? Thưa không. Phải đi để biết Long Khánh người ta bóc vỏ lụa hạt điều chỉ được hơn 1 usd /chục ký; biết dệt vải mùng ở Biên Hòa giá tiền 1 mét cũng rất thấp; biết ở Bến Tre mười trái dừa chỉ có 1 USD, biết đi câu mực ở Mỹ Tho một tháng chưa được 100 USD…
Với hành trang là dấn thân phục vụ và tấm lòng bác ái của Vietcatholic và độc giả, đi đến nơi nào chúng tôi cũng thấy là đủ.