Elon Musk bế con trai trên vai tại Điện Capitol Hoa Kỳ sau buổi họp báo với doanh nhân Vivek Ramaswamy (thứ 2 từ phải sang), và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, R-La. (thứ 3 từ phải sang), vào ngày 5 tháng 12 năm 2024, tại Washington, D.C. (ảnh: Andrew Har


Peter Laffin của National Catholic Register, ngày 16 tháng 12 năm 2024, cho hay: Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cùng các chức sắc từ khắp nơi trên thế giới đến Paris để tham dự lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà. Không ai ngạc nhiên khi ông đi cùng với tỷ phú Tesla Elon Musk — hai người đã không thể tách rời trong nhiều tháng.

Chắc chắn, một cá nhân giàu có quay quanh một tổng thống không phải là điều gì mới mẻ trong nền chính trị Hoa Kỳ. Nhưng sự giàu có chưa từng có của Musk — gần đây ông đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử tích lũy được khối tài sản hơn 400 tỷ đô la — và xu hướng thay đổi tiến trình lịch sử của ông đã làm tăng thêm rủi ro cho mối quan hệ đối tác. Ông trùm kỹ thuật bí ẩn, người sở hữu hệ thống internet vệ tinh (Starlink) và công ty tàu vũ trụ (SpaceX) của riêng mình, ngoài việc sở hữu nền truyền thông hàng đầu thế giới (X, trước đây gọi là Twitter), hoạt động không phải với tư cách là một công dân tư nhân mà là một thứ gì đó gần giống với một quốc gia độc lập.

Và theo các báo cáo, Musk đã quyên góp 277 triệu đô la cho các nỗ lực tái tranh cử của Trump, làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng của ông đối với chính phủ mới.

Đối với David Barrett, nhà sử học về tổng thống và giáo sư chính trị tại Đại học Villanova, không có tiền lệ lịch sử nào cho mối quan hệ đối tác Musk-Trump. Mặc dù những công dân quyền lực đã giúp đỡ các tổng thống trong quá khứ — ví dụ như chủ ngân hàng J.P. Morgan đã giúp Grover Cleveland ổn định nguồn cung tiền của Hoa Kỳ — nhưng không ai sở hữu sự giàu có hoặc ảnh hưởng của Musk đối với xã hội.

"Không ai khác xuất hiện trong tâm trí tôi", ông nói với Register. "Nhưng ai biết mối quan hệ này sẽ kéo dài bao lâu? Hay Musk sẽ có ảnh hưởng như thế nào trong bốn năm? Nhiều thành viên nổi tiếng của các chính quyền trước đây đã "quá tự tin" và không trụ vững trong suốt nhiệm kỳ tổng thống".

Người Công Giáo nghĩ gì về ông trùm kỹ thuật quyền lực và việc ông liên minh với Trump? Các giá trị và ưu tiên của ông phù hợp với giáo lý của Giáo hội đến mức nào?

Để người Công Giáo hiểu được ý nghĩa của vai trò quá lớn của ông trong đời sống người Mỹ, cần phải xem xét kỹ lưỡng đức tin và tính cách của ông, cũng như cam kết của ông đối với quyền tự do ngôn luận và sự tham gia của ông vào các nỗ lực của chính quyền sắp tới nhằm giảm quy mô của chính phủ.

Hiệu năng của chính phủ

Quyết định của Trump khi bổ nhiệm Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo Bộ Hiệu quả của Chính phủ (DOGE) mới được thành lập sẽ thử thách ảnh hưởng của Musk trong giai đoạn đầu của chính quyền tiếp theo. Mặc dù không phải là một bộ liên bang thực sự mà chỉ là một ban cố vấn — Musk và Ramaswamy đã tự mô tả mình là "những người tình nguyện bên ngoài" trong nỗ lực này — nhưng nó sẽ tìm cách xác định các khoản chi tiêu, quy định và nhân viên khiến chính phủ trở nên kém hiệu năng.

Musk đã nói rằng DOGE sẽ tìm thấy 2 nghìn tỷ đô la tiền tiết kiệm của chính phủ, giám sát các đợt sa thải hàng loạt và thậm chí đóng cửa toàn bộ các cơ quan.

Joseph Kaboski, giáo sư về giáo huấn và kinh tế Công Giáo tại Đại học Notre Dame, tin rằng giáo lý xã hội Công Giáo ủng hộ những nỗ lực này, miễn là chúng được thực hiện với sự ưu tiên cho người nghèo.

“Giáo huấn xã hội Công Giáo sẽ ủng hộ những điều này về nguyên tắc vì chúng đóng góp cho lợi ích chung”, ông nói với Register. “Nhưng các giám mục đã nhấn mạnh rằng ngân sách là văn bản đạo đức, phản ảnh các ưu tiên của chúng ta. Đạo đức của những điều ‘về nguyên tắc’ so với ‘trong thực tế’ đôi khi có thể khác nhau. Với bất cứ khoản cắt giảm ngân sách nào, các giám mục Hoa Kỳ đã và sẽ luôn đứng về phía người nghèo và những người bị thiệt thòi, vì vậy họ muốn đảm bảo rằng các chương trình dành cho người nghèo được bảo vệ”.

Musk đã nói rằng ông sẽ cung cấp hai năm trợ cấp thôi việc cho những công nhân liên bang bị cơ quan này cắt giảm.

Một khía cạnh khác của sứ mệnh DOGE có ý nghĩa đạo đức là cách nó tương ứng với nguyên tắc phụ trợ (subsidiarity), đòi hỏi các quyết định và trách nhiệm phải được xử lý ở mức thấp nhất có thể. Việc cắt giảm các công nhân và cơ quan liên bang can thiệp vào chính quyền địa phương sẽ phù hợp với giáo huấn xã hội Công Giáo về vấn đề này.

DOGE có nên khuyên chính quyền Trump xóa bỏ Bộ Giáo dục liên bang không, chẳng hạn, là một ý tưởng mà cả Musk và Ramaswamy đều đã ra hiệu là cởi mở, nó sẽ được coi là một chiến thắng cho nguyên tắc phụ trợ.

Đối với Trump, dự án DOGE có ý nghĩa to lớn.

"Nó có khả năng trở thành 'Dự án Manhattan' của thời đại chúng ta", ông viết về DOGE trên X. "Các chính trị gia Cộng hòa đã mơ về các mục tiêu của 'DOGE' trong một thời gian rất dài".

Tự do ngôn luận

Cam kết của Musk đối với quyền tự do ngôn luận, mà ông tuyên bố đã thúc đẩy việc ông tiếp quản Twitter vào năm 2022, và sau đó đổi tên thành "X", là một lĩnh vực khác có ý nghĩa đối với người Công Giáo Hoa Kỳ. Musk, người thường tự mô tả mình là "người theo chủ nghĩa tuyệt đối về quyền tự do ngôn luận", đã thực hiện các chính sách nhằm giảm kiểm duyệt nội dung trên X và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận.

“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động, và Twitter là quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận", Musk đăng trên nền tảng truyền thông xã hội sau khi tiếp quản.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với người Công Giáo vì dưới quyền sở hữu trước đây của X, nội dung ủng hộ sự sống phải chịu sự kiểm duyệt dường như ngẫu nhiên và các tài khoản ủng hộ sự sống thường xuyên bị cấm mà không có lý do.

Vào tháng 1 năm 2021, Twitter đã xóa hàng nghìn người theo dõi khỏi các tài khoản ủng hộ sự sống mà không có lời giải thích. Tài khoản Susan B. Anthony Pro-Life America đã mất 12% số người theo dõi trong cuộc thanh trừng. Trong khi đó, các tài khoản ủng hộ phá thai tiếp tục tăng thêm hàng nghìn người.

Chế độ trước đây tại Twitter cũng trừng phạt những người Công Giáo đã bày tỏ quan điểm Kinh thánh một cách tôn trọng về bản chất của tình dục và giới tính. Cũng vào đầu năm 2021, Twitter đã đình chỉ tài khoản của Catholic World Report vì mô tả Đô đốc Rachel Levine, trợ lý bộ trưởng y tế tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, là "một người đàn ông sinh học tự nhận mình là phụ nữ chuyển giới".

Sau khi Musk tiếp quản, nhiều người bảo thủ hơn tin rằng nền tảng này "chủ yếu là tốt" cho nền dân chủ và thành phần tư tưởng của người dùng đã cân bằng sau nhiều năm chiếm ưu thế theo chủ nghĩa tự do.

Và trong khi một nghiên cứu năm 2023 của Media Research Group (MRC) phát hiện ra rằng kiểm duyệt vẫn là một vấn đề tại X sau khi Musk tiếp quản, MRC quy điều này cho cuộc nổi loạn nội bộ chống lại Musk của những nhân viên cấp tiến.

"Nhờ Elon Musk, người Công Giáo một lần nữa có thể tuyên bố trên phương tiện truyền thông xã hội sự thật cơ bản rằng đàn ông là đàn ông và phụ nữ là phụ nữ", Chủ tịch MRC Brent Bozell nói với Register. "Các công ty kỹ thuật lớn đã thức tỉnh, nhưng những nỗ lực của Elon đã biến X thành một nền tảng nơi chúng ta có thể nêu sự thật mà không bị kiểm duyệt".

Musk đã duy trì chính sách tại X cho phép người dùng đăng "nội dung người lớn" khiêu dâm nếu nội dung đó được "sản xuất có sự đồng thuận" và được dán nhãn đúng cách.

"Biểu đạt tình dục, dù bằng hình ảnh hay văn bản, đều có thể là một hình thức biểu đạt nghệ thuật hợp pháp", trang web của công ty viết.

Túi hỗn hợp về các vấn đề xã hội

Theo Musk, hoạt động chính trị của ông ít nhất một phần là do "lời thề tiêu diệt vi-rút tâm trí thức tỉnh" của ông, mà ông đổ lỗi cho "phẫu thuật chuyển đổi giới tính" của con trai mình. Musk hiện đã xa lánh con mình. Trước đây được gọi là Xavier Alexander Musk, chàng trai 20 tuổi này hiện sử dụng tên Vivian Jenna Wilson và mong muốn không "có quan hệ họ hàng với cha ruột của mình theo bất cứ cách nào, hình thức nào".

"Về cơ bản, tôi đã mất con trai mình", Musk nói với tờ Daily Wire vào tháng 6. "Họ gọi đó là 'tên chết' vì một lý do. Lý do họ gọi đó là 'tên chết' là vì con trai của bạn đã chết".

Musk liên tục tuyên bố trong những tháng tiếp theo rằng các bác sĩ thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoặc triệt sản cho trẻ em phải ngồi tù chung thân.

Tuy nhiên, quan điểm của Musk về vấn đề phá thai cho thấy ông ít quan tâm đến việc làm hại trẻ em trong bụng mẹ hơn nhiều.

Tháng này, có thông tin cho rằng Musk là nhà tài trợ duy nhất của siêu PAC có tên là RBG PAC, tổ chức này đã chạy quảng cáo vào tháng 10 để ca ngợi sự ủng hộ của Trump đối với "những ngoại lệ hợp lý đối với hiếp dâm, loạn luân và tính mạng của người mẹ" và lời hứa sẽ không ký lệnh cấm phá thai trên toàn quốc. Tổ chức mà Musk đã quyên góp 20.5 triệu đô la cho, được đặt tên để tỏ lòng tôn kính với cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, mục đích của tổ chức này là thuyết phục cử tri rằng quan điểm phá thai của Trump tương tự như quan điểm của bà.

Trong chiến dịch tranh cử vào mùa thu năm nay, Musk đã đưa ra quan điểm rằng phá thai được phép trước thời điểm "thai nhi có khả năng sống".

“Không có câu trả lời nào cho câu hỏi này mà không làm mất lòng một số người,” ông nói tại một điểm dừng. “Theo tôi, nếu một đứa trẻ có thể sống sót bên ngoài tử cung, thì không thể phá thai. Không thể. Nếu một đứa trẻ có thể sống sót bên ngoài tử cung, nếu thai nhi đã đủ lớn để có thể sống sót bên ngoài tử cung, thì tại thời điểm đó, đó không phải là phá thai, mà là giết người.”

Musk, người được cho là không theo bất cứ tôn giáo cụ thể nào nhưng đã tuyên bố tin vào lời dạy của Chúa Kitô, có 12 người con với ba người phụ nữ khác nhau và ông đã kết hôn với hai trong số những người phụ nữ đó. Ông thường nói đùa rằng ông đang làm phần việc của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng dân số thấp.

Đối với Charles Camosy, giáo sư nhân văn y khoa tại Trường Y khoa Đại học Creighton, tình hình này là lời nhắc nhở quan trọng đối với những người Công Giáo ủng hộ sự sống để họ giữ vững lập trường về sự sống mặc dù đồng ý với chính quyền mới trong các lĩnh vực khác.

"Chúng ta phải cảnh giác hoàn toàn để không biến việc đạt được mục tiêu của mình thông qua chính trị thế tục thành một loại thần tượng thúc đẩy chúng ta đầu hàng hoặc làm ngơ trước các vấn đề cơ bản về đức tin và đạo đức", ông nói với Register. "Chúng ta cần phải kiên quyết nhất có thể trong việc bảo vệ sự thật và chống lại sự sùng bái chính trị, nhưng chúng ta nên làm điều này theo cách tạo ra cơ hội hợp lý để đối thoại và tương tác với những người mà chúng ta hy vọng sẽ thay đổi suy nghĩ và trái tim của họ và trở thành người bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất".

Một vấn đề đạo đức gây tranh cãi khác liên quan đến Musk là vai trò của ông trong việc mở ra kỷ nguyên siêu nhân [transhumanism], niềm tin rằng con người có thể biến hóa vượt ra ngoài trạng thái thể chất và tinh thần hiện tại của họ thông qua khoa học và kỹ thuật, thông qua công ty Neuralink của ông. Vào đầu năm 2024, Neuralink trở thành công ty đầu tiên cấy ghép chip não vào một bệnh nhân, cho phép anh ta di chuyển con trỏ [cursor] máy tính chỉ bằng suy nghĩ của mình.

Trong khi sự phát triển này là cơ sở để phấn khích về lợi ích sức khỏe của kỹ thuật mới này, thì vẫn có những lo ngại về những hàm ý đạo đức của nó. Sự mờ nhạt giữa tự nhiên và nhân tạo này ẩn chứa nhiều ẩn số, và nó có khả năng làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giữa con người bằng cách tạo ra những con người "tiên tiến" mới và một tầng lớp thấp kém "chưa tiên tiến".

Ít bác ái

Mặc dù Musk đã có một số đóng góp bác ái đáng kể trong những năm qua, tờ New York Times đưa tin vào thứ năm rằng tổ chức bác ái của ông đã không quyên góp số tiền tối thiểu trong năm thứ ba liên tiếp.

Hồ sơ khai thuế cho thấy Quỹ Musk, đơn vị giám sát hoạt động bác ái của CEO Tesla và SpaceX, đã thiếu 421 triệu đô la so với số tiền quyên góp tối thiểu vào năm 2023. Nếu không quyên góp được số tiền đó vào cuối năm, tổ chức này sẽ phải trả tiền phạt của IRS. Theo luật, các tổ chức bác ái tư nhân phải tặng 5% tài sản của mình mỗi năm. Điều này được thực hiện để đảm bảo rằng các tổ chức bác ái giúp đỡ công chúng chứ không chỉ nhận được các lợi ích về thuế mà họ được hưởng.

Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh trách nhiệm của người giàu là phải quyên góp số tiền dư thừa của mình cho người nghèo.

“Lời Chúa dạy rằng anh chị em chúng ta là sự kéo dài của sự nhập thể cho mỗi người chúng ta,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong tông huấn Niềm vui Tin mừng. “‘Khi các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, tức là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25:40). Cách chúng ta đối xử với người khác có một chiều kích siêu việt: ‘Các ngươi đong bằng đấu nào thì sẽ được đong đấu ấy’ (Mt 7:2).”

Mặc dù cam kết của Musk đối với việc làm bác ái còn đang bị nghi ngờ, nhưng ông đã không ngần ngại cống hiến tài năng của mình vì lợi ích chung.

Tuần trước, Musk đã chia sẻ chức danh ưa thích của mình trong chính quyền mới.

“Chức danh ưa thích của tôi trong chính quyền mới là Cố vấn Kỹ thuật Thông tin tình nguyện,” ông đã đăng trên X. “Cần phải sửa chữa cơ sở hạ tầng Kỹ thuật Thông tin để chính phủ hoạt động. Đây là một công việc khó khăn và không mấy vinh quang, nhưng chúng ta không thể làm cho chính phủ hiệu năng và khắc phục tình trạng thâm hụt nếu máy tính không hoạt động.”