Hành Trình Emmaus 3 - Bài chia sẻ trong thánh lễ ngày 26/8/2009

Người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em hãy có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35)

Tạ ơn Chúa hôm nay chúng con được hiện diện trong lòng ngôi nhà thờ chánh toà giáo phận Oakland Christ the Light, Chúa Kitô Ánh Sáng, do L.M. Đồng Minh Quang và cộng đoàn đa văn hoá nơi đây đã hoàn tất cách đây vài tháng. Đây là niềm vui và hãnh diện “vẻ vang dân tộc Việt” mà người anh em linh mục chúng ta đã đóng góp cho Giáo hội Hoa Kỳ. Tôi nghe kể Ánh Sáng Chúa Kitô thể hiện qua ánh sáng thiên nhiên ngoài trời có thể chiếu sáng mọi chỗ trong thánh đường kể cả những nơi khuất lấp; ước gì ánh sáng tình thương và chân lý Chúa Kitô hôm nay sẽ soi tỏ nhiều góc cạnh sâu thẳm của mỗi đền thờ tâm linh chúng con nơi đây, nhất là những nơi ẩn khuất, mờ tối cần nhiều đến ơn Chúa.

Trong những ngày qua, tinh thần Emmaus của hai môn đệ đã được cha Nghị nhấn mạnh qua giá trị của thiên chức linh mục và sự hiệp nhất của các môn đệ. Hôm qua cha Thảo đẩy đi xa hơn, rộng hơn khỏi ngôi làng Emmaus để tiến tới Jêrusalem, và toàn cõi đất với tinh thần mở rộng làm viêc chung, gắn bó với nhau. Hôm nay con xin phép được đi sâu hơn một chút về tâm linh của mỗi đền thờ môn đệ Chúa đang ngồi đây: Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong để nhận biết rõ hơn chân tướng của mình hầu cuộc sống chúng con được tự do hơn, biết yêu hơn và hạnh phúc hơn trên đường nghĩa vụ tông đồ.

“Anh em hãy có lòng yêu thương nhau” mà chúng con nghe rất thường xuyên là sứ điệp chính quan trọng không kém lòng yêu mến Thiên Chúa. Thực tế phũ phàng trong đời người là chia rẽ, ganh ghét, hận thù vẫn bao trùm, đôi khi kéo ghì chúng con xuống vực thẳm. Chuyện kể rằng có hai con đại bàng. Một con thì luôn bay bổng trên bầu trời xanh lơ với những điệu múa thật đẹp để trang điểm làm đẹp cho đời. Trong lúc đó thì con thứ hai thường xuyên nhảy lò cò dưới đất như con gà, lúc nào cũng bới móc giun dế, vạch lá tìm sâu để đong đầy cái bao tử không bao giờ no đủ của mình. Một hôm có bác thợ săn đi qua, chú đại bàng dưới đất này không kềm hãm được cơn tức giân của mình khi nhìn lên chú đại bang trên trời nên yêu cầu bác thợ săn “bắn nó đi” cho bõ ghét.

- “Xin lỗi tôi chỉ mang theo cung mà không có tên.”

- “Không sao, lông của tôi đây, cứ bắn đi.”

Bắn gần hết lông, đến cái cuối cùng mà vẫn không trúng. Bực mình, thất vọng, điên tiết lên, chú đại bang gầm gừ với bác thợ săn:

- “Sao ông dở thế! Thế mà cũng đòi làm thợ săn!”

- “Chú à! Cung phải đi với tên. Mũi tên để bắn, lông chim để tô điểm cuộc đời. Chú muốn tôi bắn người ta với bộ lông mềm mại nhẹ tâng của chú thì sao tôi làm được? Thôi thì tôi đang nấu cháo. Nồi cháo cần thịt tươi. Vậy mời chú vào nồi cháo của tôi nhé!”

Than ơi! Tàn đời một kiếp đại bàng với quyết định nóng nẩy ngu xuẩn của chính mình.

Tại sao cuộc đời nghiệt ngã đến thế? Muốn yêu thương bay bổng như đại bàng nhưng đôi khi giật mình tỉnh giấc, ta lại thấy mình nhỏ nhen ích kỷ như đàn gà cục tác cựa quậy đá nhau. Tại sao vậy? Có lẽ ai cũng muốn những điều tốt lành thánh thiện cả nhưng thực tế chúng ta còn nhiều tham sân si, hỉ, nộ, ái, ố, sầu bi. Mục tiêu thì cao cả giống nhau nhưng phương cách thì mỗi người một phách nên mới có nhiều cảnh cười ra nước mắt. Ai cũng muốn hoà bình hạnh phúc cả nhưng có người thì thích áp dụng yêu thương nhường nhịn, san sẻ cho nhau như lời Chúa dạy; kẻ khác thì lại thích dùng bạo lực, hận thù, trả đũa,… Cách lựa chọn của chúng ta chưa đúng nên hậu quả là đau khổ và nước mắt; chiến tranh và thù hận còn tiếp diễn dài dài.

“Anh em hãy có lòng yêu thương nhau” đòi hỏi chúng con phải sống chân tình từ trong ra ngoài, mặt trong và mặt ngoài của tâm hồn phải có sự gần gủi tương đồng chứ không thể diễn tả qua “lối sống hai mặt” (double standards) được.

Bài phúc âm hôm nay (Mt 23:27-32) nghe như tin buồn thay vì Tin Mừng của Chúa. Những điệp khúc “Khốn cho các ngươi…” nghe như những lời nguyền rủa hoặc chúc dữ của Chúa cho kẻ tội lỗi. Tuy nhiên nếu khiêm nhường lắng đọng tâm hồn trong tinh thần cầu nguyện thì đây có thể là lời chúc lành. Hãy nghe lại lời nhắc nhở của Sư huynh An-Phong hôm qua về cảm nghiệm gặp Chúa của một em bé: “Cầu nguyện là trái tim của con được kết hợp với trái tim Chúa Giêsu”; đây là lời cảnh báo tha thiết và trung thực nhất mà Thiên Chúa muốn chúng con nhìn vào nếp sống hai mặt của mình.

- “Khốn cho các con giống như mồ mả tô vôi: bên ngoài có vẻ đẹp đẽ nhưng bên trong đủ thứ ô uế, bên ngoài có vẻ công chính trước mặt người khác nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác.”

- “Khốn cho các con là những người xây mồ tô mả cho các ngôn sứ và những người công chính, nhưng trong lòng các con vẫn thông đồng với nhau để giết các ngôn sứ và người công chính của Thiên Chúa.”

Lối sống hai mặt bởi đâu mà ra?

Thưa quý đồng môn, quý ông bà, và anh chị em!

Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong nhắc nhở chúng con về căn tính Kitô hữu của mình: “Con là ai?” Chúa Kitô nổi bật và xác tín về căn tính của mình khi Ngài bước tới nhận phép rửa từ ông Gioan. Giọng Chúa Cha từ trời hướng về ngài vang lên rõ ràng và dứt khoát: “Con là con yêu dấu! Con đẹp lòng Cha mọi đàng”. Ngày đầu tiên bước vào nhà dòng, con được chào đón bởi một câu dán trên tường: “Tu sĩ Dòng Tên là những người tội lỗi, được Chúa thương, mời gọi đồng hành với Chúa Kitô trên con đường phục vụ”. Càng theo Chúa nhiều năm, con càng xác tín và tin tưởng thâm sâu trong lòng: con là kẻ tội lỗi nhưng được Chúa thương (I am a loved sinner). Trong sự ý thức sâu xa này, con có khuynh hướng dễ đồng cảm với chính mình và anh em con hơn khi có người té ngã, vấp phạm vì bất cứ lý do gì.

Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong đánh thức chúng con về ơn gọi của mỗi người: Sống hết mình trong ân sủng, trong bể tình yêu của Thiên Chúa. Ơn gọi của chúng con không phải nhắm đến toàn hảo: chỉ thánh thiện, tốt lành, gương mẫu thì Chúa mới thương. Chính khuynh hướng cậy dựa vào sức riêng có nguy cơ tự công chính hoá chính mình, đóng vai Thiên Chúa kết án người khác, hoặc là sẽ thất vọng, giả hình, sống hai mặt khi mình không hoàn tất được những điều đoan hứa. Ơn gọi của chúng con là môn đệ Chúa nhắm đến sống trong ân sủng hơn là cắm đầu làm việc cho Chúa mà thiếu cái tâm; chấp nhận và vui sống với tất cả tài năng, tiềm năng cũng như yếu đuối, bất toàn của con người. Ơn gọi của chúng con là chia sẻ ân sủng của Chúa, biết cử mừng cuộc sống với ân sủng “Bê béo” tuôn tràn trên cả “người con hoang đàng” lẫn “người anh cả có vẻ toàn hảo” trong dụ ngôn Người cha nhân hậu. (Lc 15}

Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong củng cố sứ vụ tông đồ của mỗi người. Chúng con được Chúa sai đi như Môisen ngày xưa nhận lãnh sứ vụ dẫn dắt dân Chúa băng qua sa mạc tiến về Đất Hứa. Nếu đọc lại bài phúc âm trước đây một hai tuần, chúng con có nghe Chúa nhắc đến hai cái “Khốn…” khác mà có liên hệ trực tiếp tới sứ vụ mục tử chăm sóc đền thờ.

- Khốn cho các con, khi có người chỉ vào đền thờ mà thề thì các con lại nói là cũng như không; nhưng khi họ chị vào vàng bạc trang trí tường đền thờ thì các con lại khẳng định là bị ràng buộc. (Mt 23:15)

- Khốn cho các con, khi ai chỉ bàn thờ mà thề thì các con cho là vô giá trị; nhưng khi họ chỉ vào lễ vật trên bàn thờ thì các con lại kết luận là bị ràng buộc.( Mt 23:18)

Đất Hứa hay sa mạc, đâu là đích điểm? Đền thờ là nơi Chúa ngự hay vàng bạc trang trí đền thờ? Bàn thờ là nơi kết hợp với Chuá hay tế phẩm dùng để diễn tả lòng người?

Sứ vụ chính của chúng con: đồng hành và dẫn dắt dân Chúa tiến về Đất Hứa gặp Chúa chứ không phải thành lập các tượng đài ru ngủ dân Chúa trong sa mạc. Đất Hứa mới là đích điểm, những sự khác chỉ là bóng mát bên đường.

Kính thưa anh em, Năm Thánh Linh Mục đã bắt đầu. Đức Giáo Hoàng Bênêdictô vị chủ chăn gương mẫu mời gọi chúng ta canh tân đời sống tận hiến của mình. Con thiết nghĩ kiếp người giống như tuổi thọ của chim đại bàng: bẩy mươi tuổi. Khi đạt tới tuổi bốn mươi thì đại bàng phải đối diện với một “tiến trình lột xác”. Vào tuổi này, lông cánh của nó mọc ra rậm rạp và cằn cỗi hơn làm nó không thể bay cao được. Mỏ của nó thì quặp lại nên không thể ăn uống như xưa. Các móng vuốt của nó uốn co quắp lại nên khó có thể săn mồi. Đài bàng có hai lựa chọn trước mắt: một là không làm gì, chấp nhận sống èo uột để rồi chết đói và chết yểu; hai là trải qua tiến trình lột xác kéo dài năm tháng trời ròng rã trước khi bước vào cuộc sống mới.

Nếu quyết định nhập cuộc, đại bàng sẽ bay lên núi thật cao, làm tổ và ẩn mình thao luyện. Hằng ngày nó phải cắn răng nhổ từng sợi lông để rồi lông mới mọc ra mượt mà, óng ả với sức sống mới. Hằng gìờ nó phải cà mỏ trên những phiến đá, chấp nhận máu mủ rỉ ra để rồi cuối cùng mỏ cũ bật ra và mỏ mới mọc lên thẳng muốt thật đẹp. Lần này qua lần khác nó phải nghiến răng mài dũa từng cái móng để rồi móng cũ chết đi thay vào đó những móng mới từ từ mọc ra cứng cát mạnh mẽ hơn cho việc săn mồi. Sau một trăm năm mươi ngày lột xác, giờ đây chim đại bàng hồi sinh sung sướng bay lượn trên nền trời cao xanh đầy ánh mặt trời cho tới cuối đời.

Năm Thánh Linh Mục này là năm chúng con được mời gọi hồi sinh, canh tân lý tưởng.

No pain, no gain! No cross, no crown! Con đường hồi sinh đòi hỏi một tiến trình gian khổ với đầy hy vọng.

Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong, lột xác chính mình qua việc xét lại căn tính, ơn gọi, và sứ vụ tông đồ của mỗi người.

Ước gì những mồ mả tô vôi của chúng con, nhờ ơn Chúa giúp, sẽ trở nên nấm mộ Phục Sinh để Chúa Kitô đem đến chúng con một cuộc sống mới đầy tự do và yêu thương như lòng ao ước của Chúa Giêsu: “Người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em hãy có lòng yêu thương nhau”

Trong niềm khao khát hồi sinh và canh tân này, xin cho Lời Chúa qua miệng tiên tri Ezekiel được ứng nghiệm trong cuộc sống của từng người chúng con:

Ta sẽ tặng các con một quả tim mới

Sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng

Lấy khỏi mình các con quả tim chai đá

Ban tặng các con một quả tim biết yêu thương
.”