Pluralism, Theological
Đa nguyên thần học, đa dạng thái thần học. Là sự đa dạng của các lập trường thần học trong Giáo hội Công giáo. Các lập trường này thay đổi theo các tiền đề hoặc định đề được sử dụng trong sự suy tư về nguồn mặc khải, theo phương pháp học được sử dụng, và theo truyền thống văn hóa mà trong đó thần học được nghiên cứu. Trên nền tảng đầu tiên, hai tiền đề triết học chính là triết học Plato, được nhấn mạnh trong học thuyết Âu Tinh; và triết học Aristotle, được nhấn mạnh trong học thuyết thánh Tôma Aquinas. Ở cấp độ thứ nhì, các nền thần học khác nhau là do phương pháp luận kinh thánh, hay tín lý, hay lịch sử hoặc mục vụ của chúng. Và trên nền tảng thứ ba, văn hóa của dân tộc sẽ giúp tạo dáng cho nền thần học mà họ phát triển, chẳng hạn giữa Đông phương thần bí và Tây Phương thực tế hơn, hoặc giữa Địa Trung Hải suy tư hơn và vùng Anglo-Saxon khoa học hơn. Giáo hội không chỉ cho phép các sự đa dạng này, mà còn cổ vũ họ, luôn cho rằng các nhà thần học Công giáo cần phải tôn trọng luật đức tin, và vâng lời quyền giáo huấn của các phẩm trật Giáo hội dưới quyền Đức Giám mục Roma.
Pluriformity
Đa dạng, nhiều hình thái. Là tính đa dạng trong việc sống đạo trong Giáo hội Công giáo, được phản ảnh trong các nghi lễ khác nhau, thích nghi đức tin duy nhất và không thay đổi với truyền thống văn hóa khác nhau của các dân tộc.
Podium
Bục, bệ cao. Nhưng đặc biệt là bục danh dự, mà trên đó Đức Giáo hòang ngồi và được khiêng đi, khi ngài chủ sự trong một cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa. Một phần của bục danh dự là ghế quỳ hoặc ghế ngồi cho Đức Giáo hòang khi ngài chầu Thánh Thể. (Từ nguyên Latinh podium, bệ cao, lan can, ban công.)
Poenit
Poenit, Poenitentia—sám hối, hối tội, đền tội.
Poenit. Ap.
Poenit. Ap., Poenitentiaria Apostolica—Văn phòng của Tòa Ấn giải Tối cao.
Pointe Aux Trembles
Đền thánh Pointe Aux Trembles. Là đền thánh quốc gia Canada dâng kính Thánh Tâm được thành lập năm 1866, một chi nhánh của Đền thánh Thánh Tâm tại Montmartre ở Paris. Các tu sĩ quản lý đền thánh lần lượt là tu sĩ Phanxicô, Đaminh và Dòng Thánh Thể, và linh mục Gioan của Dòng này khởi xướng và tích cực họat động cho Cuộc Thập tự chinh Chuộc tội, vốn đem lại cho đền thánh tên gọi phụ hiện nay là “Nhà nguyện Chuộc Tội.” Năm 1921 tu sĩ Dòng Phanxicô Lúp Vuông được yêu cầu chăm sóc Đền thánh; họ xây dựng một tu viện bên cạnh và tiếp tục Cuộc Thập tự chinh. Số lượng người hành hương không ngừng gia tăng đến nỗi hiện nay hàng ngàn người tham gia vào công tác nổi bật của đền thánh, đó là đi Đường Thánh giá công cộng, như một cách thức thích hợp nhất để chuộc tội với Thánh Tâm bị thương tích của Chúa Kitô. Tổng phụng hội Cầu nguyện và Sám hối có trụ sở chính tại Pointe aux Trembles, và tuần Cửu nhật chuẩn bị cho Lễ Thánh Tâm Chúa được trực tiếp truyền thanh từ đây đi khắp Canada và Mỹ.
Polarization
Phân cực, phân liệt. Là tiến trình hay tình trạng tập trung vào hai lập trường đối lập nhau. Là một hiện tượng ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội hiện đại, do biện pháp rộng rãi với ảnh hưởng của các ông Hegel và Marx, với sự nhấn mạnh vào vai trò của xung đột như là điều kiện cần thiết cho sự tiến bộ. Từ ngữ này cũng áp dụng cho sự xung đột, về các điều chính yếu trong đức tin và luân lý, trong Giáo hội Công giáo kể từ Công đồng chung Vatican II.
Politicization
Chính trị hóa. Là hành động hoặc phương pháp thay đổi một vấn đề hay một định chế tôn giáo bằng một vấn đề chính trị. Điểm chính yếu cho tiến trình này là sự chuyển mục tiêu từ cự cam kết cho đức tin đến quyền lợi riêng tư, và việc đưa các cơ chế của thỏa thuận chính trị vào mối quan hệ giao kèo với Chúa.
Polyandry
Chế độ đa phu, chế độ nhiều chồng. Là hôn nhân cùng lúc của một phụ nữ với hai hoặc nhiều đàn ông. Về lịch sử, nơi đâu có chế độ đa phu này, nó thường kèm theo việc giết hại trẻ sơ sinh gái, như một sự đối trọng hợp lý với chế độ hôn nhân mà trong đó một bà có nhiều chồng. Chế độ đa phu là không hề được phép hoặc được khoan thứ suốt thời kỳ Cựu Ước hoặc nơi các dân ngoại thời xa xưa, cả nơi những dân tộc dung thứ nạn mại dâm. (Từ nguyên Hi Lạp polyandros, có nhiều chồng.)
Polygenism
Đa tổ thuyết. Thuyết cho rằng, bởi vì sự tiến hóa là một sự kiện được chứng minh rõ, mọi con người trên trần gian này không phát sinh từ một cặp vợ chồng duy nhất (Adam và Eve), nhưng từ nhiều tổ tiên lòai người khác nhau. Thuyết này là trái với giáo huấn chính thức của Giáo hội, chẳng hạn Đức Giáo hòang Piô XII đã tuyên bố: “Thật không thể hiểu được, làm cách nào một ý kiến như thế lại có thể thích hợp với những gì mà các nguồn chân lý mặc khải và các văn kiện của Huấn quyền Giáo hội dạy về tội nguyên tổ, vốn phát sinh từ tội thật sự của cá nhân ông Adam, và qua ông đến mọi người thuộc các thế hệ kế tiếp ông” (Thông điệp Humani Generis, 1950, đọan 38). (Từ nguyên Latinh poly, nhiều + gen, sắc tộc + ism.)
Polyglot Bible
Kinh thánh đa ngữ. Là một cuốn sách in các bản văn Kinh thánh bằng nhiều ngôn ngữ. Trong số các Kinh thánh đáng chú ý này có các Kinh thánh đa ngữ Antwerp, Paris, và London. Kinh thánh đa ngữ cổ xưa nhất là kinh thánh Complutensian ở đầu thế kỷ 16. Nó gồm có các bản in Cựu Ước bằng tiếng Do Thái cổ, Hi Lạp và Latinh, và bản văn Tân Ước bằng tiếng Hi Lạp và Latinh. (Từ nguyên Hi Lạp polygl_ttos, nhiều thứ tiếng.)
Polygyny
Chế độ đa thê, chế độ nhiều vợ. Là hôn nhân cùng lúc của một người nam và hai phụ nữ hoặc nhiều hơn. Thông thường hơn (mặc dầu không đúng kỹ thuật) là chữ “tục đa thê” (polygamy.) (Từ nguyên Hi Lạp polygamos, có nhiều vợ.)
Polytheism
Đa thần giáo. Là niềm tin vào nhiều vị thần, và thờ phượng các thần này ngang bằng nhau hết. Từ ngữ kinh thánh về việc này thường là “thờ ngẫu tượng” (idolatry.) (Từ nguyên Hi Lạp polus, nhiều + theos, thần.)
Pomp
Tráng lệ, long trọng, sang trọng. Là bất cứ sự tráng lệ hoặc sự trưng bày sang trọng nào. Nó mang khái niệm của sự phô trương, như một người phô trương là người tự xem mình là quan trọng và làm ra vẻ sang trọng hơn thực tế của người ấy. Cụm từ “sự sang trọng của ma quỷ” nhắc đến việc Chúa bị cám dỗ trong hoang địa, khi ma quỷ hứa ban cho Chúa Cứu thế mọi của cải đời này nếu Chúa Kitô thờ lạy ma quỷ. Trong nghi thức Rửa tội, người dự tòng được hỏi: “Anh chị em có từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỉ không?" Trước đây “các lời hứa rỗng” gọi là “sự sang trọng.” Nghĩa đen là “sự cám dỗ” (seductiones).
Pont
Pont, Pontifex—Giáo hoàng, Giáo chủ, Giám mục, giáo trưởng, trưởng tế.
Pont
Pont, Pontificatus—chức Giáo hòang, triều đại Giáo hòang.
Pontifex Maximus
Pontifex Maximus, Thượng tế ở Roma, Đức Giáo chủ. Lúc đầu cũng được dùng cho các giám mục nữa, nhưng từ thế kỷ thứ năm trở về sau, từ ngữ được dành trong thực tế cho Đức Giáo hòang.
Pontiff
Giáo trưởng, trưởng tế, Giáo chủ, Giáo hòang. Là thầy cả thượng phẩm, và do đó là bất cứ giám mục nào, vì là người kế vị các thánh Tông đồ. Hiện nay, từ ngữ được dùng như là tước hiệu của Đức Giáo hòang. Trong thời tiền-Kitô giáo, các giáo chủ là thầy cả thượng phẩm ở Roma, và được tặng tên này, là bởi vì hoặc các ngài là “người bắc cầu” (pontem facere), giữa các thần và con người, hoặc các ngài dâng hy tế (puntis). (Từ nguyên Latinh pontifex, thượng tế; nghĩa đen, người bắc cầu; nghĩa nguyên thủy phổ biến: người làm đường, người tìm đường.)
Pontifical
Sách nghi thức của Giám mục. Là cuốn sách phụng vụ, xuất hiện sớm ít là vào thế kỷ thứ tám, và chứa các kinh nguyện và cử hành nghi thức dành riêng cho một Giám mục. Sách thường có: 1. kinh nguyện và hướng dẫn cho các buổi cử hành không Thánh lễ; 2. nghi lễ cử hành bí tích với các lời ban phép lành và truyền chức, cung hiến; và 3. hành vi thuộc quyền tài phán. Các tuyển tập này thường được gọi là Liber Episcopalis, Liber Pontificalis, hoặc Ordinarium Episcopi. Sách nghi thức của Giám mục đầu tiên được xuất bản năm 1485.
Pontifical Chapel
Nhà nguyện Giáo hòang. Là một nhóm giáo sĩ của Nhà nguyện Giáo hòang, thường tham dự các lễ nghi phụng vụ của Đức Giáo hòang, các Hồng y, giám chức của văn phòng Quản gia Giáo hòang.
Pontifical Commission For Russia
Ủy ban Giáo hòang đặc trách nước Nga. Được Đức Giáo hòang Piô XI thành lập năm 1930, Ủy ban giải quyết các vấn đề Giáo hội Công giáo tại Nga. Năm 1934 Ủy ban được giao nhiệm vụ chú ý đến các sách phụng vụ, và quan tâm đến các nhu cầu của tín hữu Nga thuộc nghi lễ Latinh.
Pontifical Commission For Sacred Art
Ủy ban Giáo hòang đặc trách Nghệ thuật thánh. Được Đức Giáo hòang Piô XI thành lập năm 1924, có mục đích là duy trì và củng cố việc đánh giá tài sản của Giáo hội trong nghệ thuật và kiến trúc ở Ý. Năm 1944 Ủy ban được giao công tác giám sát việc tái thiết các nhà thờ và đền thánh, vốn bị phá hỏng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1967, Đức Giáo hòang Phaolô VI công bố thêm các chỉ thị để Ủy ban hợp tác với các Ủy ban phụng vụ giáo phận tại nước Ý.
Pontifical Commission Of Sacred Archaeology
Ủy ban Giáo hòang đặc trách Khảo cổ học. Được Đức Giáo hòang Piô IX thành lập năm 1852, “nhằm trông coi các nghĩa trang thánh cổ xưa, đưa ra các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ nghĩa trang, và cố gắng phát hiện thêm, điều tra và nghiên cứu, bảo tồn các lưu niệm cổ nhất của các thế kỷ Kitô giáo đầu tiên, các đền đài lớn và các vương cung thánh đường ở Roma, vùng ngọai ô, và vùng chung quanh Roma, và trong các giáo phận khác nữa, với sự đồng ý của các Đấng bản quyền hữu quan.” Năm 1925 Giáo hòang Piô XI nâng Ủy ban lên bậc Ủy ban Giáo hòang, và mở rộng quyền bính cho Ủy ban, nhất là sau Hiệp ước Lateran năm 1929. Như thế Ủy ban cũng chịu trách nhiệm về các hang tọai đạo Do Thái của tỉnh Roma. Không gì thay đổi được thực hiện, nếu không có phép của Ủy ban, tại những nơi đã giao cho Ủy ban trông coi; Ủy ban chịu trách nhiệm hoàn toàn về bất cứ công việc gì đang tiến hành, và công bố các phát hiện của công việc ấy. Ủy ban cũng đặt ra quy định cho việc công chúng và các học giả đến thăm các nghĩa trang thánh, và quyết định tầng hầm nhà thờ nào, với sự đề phòng nào, có thể được dùng làm nơi cử hành phụng vụ.
Pontifical Committee For Historical Sciences
Ủy ban giáo hòang Khoa học Lịch sử. Được Đức Giáo hòang Piô XII thành lập năm 1954 để tiếp nối công việc của Ủy ban các Hồng y nghiên cứu lịch sử, vốn đã được Đức Giáo hòang Lêô XIII thành lập năm 1883. Mục đích của Ủy ban là cổ vũ sự phát triển các khoa học lịch sử bằng các phương tiện hợp tác quốc tế.
Pontifical Household, Prefecture Of
Văn phòng Quản gia Đức Giáo hòang. Được Đức Giáo hòang Phaolô VI thành lập năm 1967, Văn phòng có nhiệm vụ sắp xếp các buổi tiếp kiến riêng tư và công khai của Đức Giáo hòang, các chuyến đi của Ngài, và phụ trách quản gia Đức giáo hòang, tổ chức các nghi lễ ngoài phụng vụ, và cấm phòng cho giáo triều Roma.
Pontificalia Insignia
Tông thư Pontificalia Insignia. Là tông thư của Đức Giáo hòang Phaolô VI, ra sắc lệnh cho phép những ai, ngòai các Giám mục, có thể sử dụng phẩm phục Giáo hòang (Giám mục) và sách nghi thức. Có sự giảm nhiều trong các đặc ân này đối với các viện phụ và một số giám chức khác (ngày 21-6-1968).
Pontificalis Romani
Tông hiến Pontificalis Romani. Là tông hiến chấp thuận nghi thức mới cho việc truyền chức các phó tế, linh mục và tấn phong Giám mục. Đức Giáo hòang Phaolô VI nói: “Sách nghi thức này, Chúng tôi ra lệnh và thiết lập về chất thể và mô thức để truyền chức cho mỗi Chức thánh. Chúng tôi quyết định việc này dựa vào quyền Tông tòa tối cao của chúng tôi" (ngày 18-6-1968).
Pontifical Mass
Thánh lễ đại triều. Thánh lễ trọng thể được Đức Giáo hòang, Hồng y, Giám mục hoặc Viện Phụ cử hành với nghi thức quy định. Thánh lễ được cử hành với đầy đủ nghi thức tại ngai tòa trong nhà thờ chính tòa của Giám chức ấy.
Pontifical Masters Of Ceremonies
Giám đốc Nghi lễ của Đức Giáo hòang. Chức vụ này phát sinh trong hình thức hiện tại từ dưới thời Đức Giáo hòang Piô IV năm 1563, quyền lợi và nghĩa vụ của chức này thường được duyệt lại. Nhiệm vụ của Giám đốc nghi lễ là hướng dẫn các nghi thức thánh trong các nhà nguyện Giáo hòang và các mật hội. Giám đốc nghi lễ cũng chịu trách nhiệm về phụng vụ, do quyền của mình hay khi được mời, trong các dịp khác, chẳng hạn lễ cung hiến nhà thờ, lễ truyền chức hoặc các cuộc thăm chính thức trong và ngòai thành phố Roma của Đức Giáo hòang.
Pontificals
Biểu nghi Giám mục. Là các dấu hiệu phẩm chức được các Hồng và Giám mục sử dụng trong thánh lễ và các nghi thức khác của Giáo hội, khi cử hành với sự long trọng đầy đủ. Các Viện phụ cũng có thể dùng các biểu nghi này, nhưng chỉ trong Phụng vụ Thánh thể trong tu viện của các ngài mà thôi. Các biểu nghi thông thường gồm có bít tất, giày, bao tay, áo phó tế, áo phụ phó tế, nhẫn, thánh giá ngực và mũ lễ. Trong các biểu nghi đặc biệt cho một số nhân vật có gậy, khăn phủ đầu gối, dây pallium, và thánh giá rước kiệu tổng giám mục.
Pontificate
Triều đại Giáo hòang. Là triều đại hoặc thời kỳ trị vì của một Đức Giáo hòang với tư cách là Đức Giáo chủ Roma. Một khi được bầu chọn cách hợp lệ, và chấp nhận việc bầu chọn mình, Đức Giáo hoàng, với quyền Chúa ban, nhận lãnh ngay quyền tài phán tối cao trọn vẹn trên mọi Kitô hữu.
Pontmain
Đền thánh Pontmain. Là đền thánh dâng kính Đức Mẹ Hy Vọng, cách Laval 30 dặm (48 km), ở góc tây bắc của Mayenne tại Pháp. Người Đức xâm chiếm Paris trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870, và tiến về phía tây. Họ hy vọng sẽ sớm chiếm Laval. Trước ngày 17-1-1871, Đức Mẹ hiện ra trên bầu trời. Ngài khiến cho hai trẻ tên là Joseph, 10 tuổi, và Eugène Barbedette, 12 tuổi, nhìn thấy Ngài trong nhiều giờ. Một Nữ tu dạy trường mồ côi gần đó đưa đến một số trẻ em, các em đều nhìn thấy Đức Mẹ, nhưng chính Nữ tu lại không nhìn thấy. Các em vỗ tay khi nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, nhưng các nữ tu không thấy gì. Theo gợi ý của một linh mực, các em đều quỳ gối và cầu nguyện. Đức Mẹ tươi cười hiện ra với một cuộn giấy trải ra dưới chân Ngài, và người ta đọc thấy câu “Các con hãy cầu nguyện, Chúa sẽ nghe lời các con. Con Mẹ tự cho phép bị đánh động bởi lòng trắc ẩn.” Ngày hôm sau khi tin này đến với người Đức, họ đã rút lui vào lúc Đức Mẹ biến đi. Nhiều phép lạ tại đó chứng minh việc Đức Mẹ hiện ra. Một Vương cung thánh đường được xây dựng ngay nơi Đức Mẹ hiện ra, và một tượng Đức Mẹ trong nhà thờ được làm đúng theo lời mô tả của các em về Đức Mẹ.
Pont. Max.
Pont. Max., Pontifex Maximus—Đức Giáo Chủ, Giáo hòang, Thượng tế ở Roma.
Poor Box
Thùng tiền cho người nghèo. Là một thùng tiền để nhiều người tự nguyện đóng góp tiền bạc vào đó, nhằm giúp đỡ người nghèo. Ở một số nơi, thùng tiền này gọi là corbona (hộp của cải) và đặt trong nhiều nhà thờ thời Kitô giáo sơ khai.
Poor Clares
Nữ tu Dòng thánh Clara nghèo khó. Là một cộng đoàn nữ đan tu do thánh nữ Clara (1194-1253) thành lập theo cảm hứng lối sống của thánh Phanxicô Átxidi (Assisi). Lúc đầu thánh nhân đưa Clara đến sống ở một tu viện Biển Đức, nhưng sau đó, khi có nhiều người nữ đi theo lối sống của Clara, hai vị thành lập một cộng đoàn theo đường hướng Phan sinh. Clara trở thành nữ bề trên đầu tiên (năm 1215) và ngài giữ chức vụ này cho đến chết. Nhiều nhà con được thành lập khi Clara còn sống, tại Ý, Pháp và Đức. Duy trì tinh thần thánh Phanxicô, sự khắc khổ của các Chị Clara Nghèo khó là nghiêm ngặt nhất trong số các Dòng nữ cho đến thời ấy. Một số nhà nhánh được miễn khỏi luật nguyên thủy về nghèo khó tuyệt đối, không chỉ cho các cá nhân, mà còn cho cả cộng đoàn. Nhưng cộng đoàn San Damiano tại Átxidi, cùng các cộng đoàn ở Perugia và Florence, được Đức Giáo hòang Gregory IX ban cho “đặc ân nghèo khó”, giúp họ sống tinh thần nguyên thủy của Dòng. Trong những năm kế tiếp, các sửa đổi và cải cách đã phân chia Dòng Clara Nghèo khó thành nhiều tu hội khác nhau, trong đó có Dòng Urbano và Dòng thánh Colette. Dòng nhấn mạnh vào sự hãm mình, chầu Thánh thể, và hát Thần tụng.
Poor Men Of Lyons
Người nghèo thành Lyons, người thuộc phái Vanđensê (Waldensian). Đây là tên gốc, mà với tên này những người thuộc phái Vanđensê bị Đức Giáo hòang Lucius III lên án năm 1184.
Poor Souls
Linh hồn nghèo đói. Là các linh hồn trong luyện ngục, đang chịu hình phạt tạm do tội lỗi của họ. Các linh hồn này được gọi là “nghèo đói” bởi vì họ không đáng được tha về nhưng khổ cực họ đang chịu, nhưng tùy thuộc vào lời cầu nguyện và việc lành của các tín hữu ở trần thế này.
Pope
Giáo hoàng, Đức Giáo hoàng. Là tên gọi của thủ lĩnh hữu hình của Giáo hội Công giáo. Ngài được gọi là Đức Giáo hòang (chữ Hi lạp là pappas, tiếng trẻ em dùng gọi cha, bố), bởi vì quyền bính của ngài là tối cao, và bởi vì quyền này được thực thi theo cách của một người cha, theo gương Chúa Kitô.
Pope, Election
Bầu chọn Giáo hòang. Là việc bầu chọn vị Giám mục Roma, vốn được thông qua bằng nhiều phương pháp khác nhau qua nhiều thế kỷ. Năm 1975, Đức Giáo hòang Phaolô VI công bố một tông hiến, trong đó Ngài đưa ra một số thay đổi về cách bầu chọn Giáo hoàng. Theo đường hướng của các luật trước đó, Ngài tuyên bố rằng chỉ có các Hồng y--tối đa là 120 vị dưới 80 tuổi—là cử tri. Như thế không có người trợ lý cá nhân cho các Hồng y trong mật nghị Hồng y, và có các điều khoản về an ninh và biện pháp xử lý các tình huống khó khăn, vốn có thể xảy ra khi bầu chọn.
Popular Consent
Sự đồng ý toàn dân, thỏa thuận toàn dân. Là một thuyết của chính quyền dân sự nói rằng Chúa trực tiếp trao quyền bính cho toàn dân đoàn kết cách dân sự, rồi người dân trao quyền cho một cá nhân hoặc một nhóm người để thành lập chính phủ được họ chấp thuận. Thỏa thuận này không thiết lập xã hội chính trị, nhưng chỉ thành lập chính quyền và người thủ lĩnh. Mọi chính quyền tồn tại bằng sự đồng ý, ít là ngầm hiểu, của những người dân được cai trị. Thuyết này được nêu ra lần đầu tiên cách rõ ràng bởi thánh Robert Bellarmine (1542-1621) trong cuốn Disputationes de Controversiis, nhất là trong cuốn De Laicis, III, 6; và Francis Suarez (1548-1617) trong cuốn De Legibus, III, II, 3, 4, và sau đó thuyết được khai triển bởi John Locke (1632-1704) tại Anh, và bởi Thomas Jefferson (1743-1826) tại Mỹ, và đã trở thành chỗ dựa chính của các nền dân chủ chính trị hiện đại.
Population Explosion
Bùng nổ dân số. Là sự gia tăng nhanh về dân số thế giới, nhờ sự chăm sóc y tế được cải thiện nhiều cho người cao tuổi và người trẻ. Từ ngữ này thường dùng như một lập luận ủng hộ việc ngừa thai, như là cách thức hữu hiệu nhất để ngăn chặn số dân đông quá.
Pornography
Khiêu dâm, dâm thư, sách báo khiêu dâm. Là sự mô tả hay tranh vẽ một người hay một hoạt động, vốn cố ý kích thích tình cảm tính dục đồi bại. (Từ nguyên Hi Lạp porne, đĩ điếm + graphe, bài viết.)
Portable Altar
Bàn thờ nhỏ, bàn thờ xách tay. Là một bàn thờ lưu động gồm một phiến đá tự nhiên, đủ lớn để đặt Mình Thánh Chúa và chén thánh. Trên phiến đá có khắc năm thánh giá, vốn được xức dầu thánh khi được cung hiến theo nghi thức phụng vụ. Gần một góc của phiến đá, có một chỗ lõm để chứa thánh tích của hai vị thánh tử vì đạo, và được trám lại với xi măng. Cũng còn được gọi là “đá bàn thờ” (an altar stone.)
Porter
Thầy giữ cửa. Trước dây là một trong các chức nhỏ, là chức thấp nhất trong bốn chức nhỏ. Còn gọi là “thầy giữ cửa”, vì là một chức biểu tượng mà trong thời Giáo hội sơ khai có chức năng rõ ràng. Đức Giáo hòang Phaolô VI đã hủy bỏ chức nhỏ này năm 1972, nhưng chức vụ có thể được ban như một tác vụ đặc biệt, với sự cho phép của Tòa thánh, nếu một Hội đồng Giám mục quyết định rằng chức này sẽ là hữu ích hay cần thiết cho địa hạt của các ngài.
Port Royal
Tu viện Port Royal. Là tu viện Biển Đức dành cho nữ tu, thành lập năm 1204, và tọa lạc tại Chevreuse, gần Versailles (Pháp.) Năm 1609 tu viện trở thành thành trì của bè Jansen (đạo lý khắc khổ) dưới quyền của Linh mục St. Cyran, và năm 1638 các thành viện tu viện rời Paris để thành lập một tu viện Port Royal thứ hai gần tu viện “Cánh đồng." Năm 1709 Đức Giáo hòang Clement XI dẹp bỏ cộng đoàn Port Royal. Các tòa nhà bị bình địa theo lệnh Vua Louis XIV, nhưng tòa nhà của tu viện thuở đầu vẫn còn y nguyên.
Porziuncula
Nhà thờ Porziuncula. Ban đầu đây là một nhà thờ rất nhỏ tại Assisi (Átxidi), nơi thánh Phanxicô nhận được ơn gọi từ Chúa ngày 24-2-1208. Phanxicô biến nơi đây thành trụ sở của ngài cho đến hết đời mình. Thị trấn được lấy tên đặt cho Đại xá Porziuncula, và hiện nay người ta có thể hưởng đại xá này bằng cách đến viếng một số nhà thờ (nhất là nhà thờ Dòng Phanxicô) ngày 2-8, hoặc ngày Chủ nhật sau đó.
Positive International Law
Luật quốc tế thực chứng. Là các khía cạnh của luật các quốc gia, vốn là thành quả của các thỏa thuận ngầm hay công khai giữa các quốc gia, và không rút ra trực tiếp từ luật tự nhiên. Chẳng hạn quyền miễn trừ ngoại giao dành cho các đại sứ, hay sự neo đậu của tàu chiến ở các nước trung lập trong thời chiến tranh.
Positive Law
Luật thực chứng. Là sắc lệnh hợp lý của một quan chức hợp pháp, trở thành một luật chung và chính đáng cho công ích của các thành phần xã hội, và được phổ biến bằng một dấu hiệu bên ngoài nào đó.
Positive Theology
Thần học thực chứng. Là một phần của thần học tìm cách thiết lập chân lý của giáo huấn Giáo hội từ bằng chứng của Kinh thánh, thánh truyền, và sự loại suy đức tin, nghĩa là phù hợp với toàn bộ giáo lý Công giáo.
Positivism
Thuyết duy thực nghiệm, thuyết duy thực chứng. Là quan điểm cho rằng chỉ có nhận thức giác quan là thật sự, và chỉ có điều gì người ta cảm nghiệm cá nhân là đúng thật sự. Như thế chỉ có các sự kiện mới có thể được khẳng định cách chắc chắn. Theo Auguste Comte (1798-1857), người đặt ra từ ngữ “Thuyết duy thực nghiệm,” lịch sử nhân loại có thể mô tả trong ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là khi tâm trí con người bị thống trị bởi thần học và mê tín dị đoan; giai đoạn thứ hai là khi lý trí thắng thế; và giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn cuối cùng là khi các tín điều và triết học được thay thề bằng kiến thức về sự việc cụ thể. Từ đó có sự ưu thắng của các khoa học vật lý, tâm lý và xã hội trong thời hiện đại.