Indonesia có 13.000 hòn đảo lớn nhỏ, Philippines cũng có tới 7.100 hòn đảo. Thomas Merton viết cuốn sách mang tựa đề “No man is an Island” (Không ai là một hòn đảo). Đúng như thế. Mỗi người chúng ta không phải là một hòn đảo đứng trơ trơ bất động giữa biển cả. Cho dù là “Đảo Kim Cương” đi nữa! Con người đâu phải là sỏi đá vô cảm, một mình sống trong một thế giới mà mọi người và mọi vật khác đềàu xa lạ, nếu không là thù địch với mình.

Con người chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống khi có được mối hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Được tạo dựng bởi tình yêu Thiên Chúa, vì thế con người chỉ sống đích thực khi nào đáp trả tình yêu đó bằng cách sống trọn vẹn tương giao thông hiệp với Chúa là Cha và với mọi người như anh em trong một nhà.

Trong Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, các Đức Giám Mục Việt Nam cũng đã nói lên nhu cầu cấp thiết này: “Cần thiết phải xây dựng Giáo Hội như một gia đình của những con cái Thiên Chúa hơn là như một phẩm trật được phú ban với những cơ cấu và luật lệ nghiêm minh. Giáo hội như một gia đình sẽ hoà nhập tốt hơn vào xã hội Việt Nam.”

Lá thư mục tử tháng 07, Đức Giám Mục Giáo Phận nhấn mạnh đến việc cần làm trong Năm Thánh 2010 là canh tân “Ngôi Nhà Giáo Hội” dựa vào bản thiết kế “Giáo hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ”. Bản thiết kế này nhằm giúp xây dựng, hoàn chỉnh và canh tân những gian nhà “giáo hội tại gia” là gia đình tín hữu, “giáo hội tại cộng đoàn” là dòng tu, tu hội, giáo xứ, các giới và đoàn thể, “giáo hội tại địa phương” là giáo phận cùng cộng đồng dân Chúa…

Thi sĩ xã hội Sully – Prud’homme trong “Một Giấc Mộng” đã kể lại cơn ác mộng như sau: Nhà nông đến bảo tôi trong giấc mộng: Ta không giúp mày nữa, mày phải cuốc đất cấy cầy lấy cơm mà ăn – Người thợ nề bảo tôi, mày hãy xây nhà để ở – Người thợ may nói tôi: May áo mà mặc. Tất cả mọi người đều ruồng bỏ tôi. Tôi đi lang thang, mắt nhìn lên trời để van nài Thượng Đế, thì bị thú dữ ra chặn đường. Tôi hoảng hốt, sợ hãi, ngã lòng, muốn chết. Tôi giật mình, tỉnh cơn ác mộng. Sung sướng nhìn thấy thợ hồ còn xây nhà, thợ may đang cắm cúi bên hàng chỉ, ngoài đồng văng vẳng tiếng cày cuốc của nông dân… và tôi tin rằng ở đời muốn sống còn, ta phải nhờ vả lẫn nhau. Nhạc sĩ họ Trịnh thì hát rằng: “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” Ta cần có nhau, nương tựa nhau để sống. Những chất liệu, thành phần trong “gian nhà giáo hội “ phải nối kết, ăn khớp, hài hòa với nhau thì gian nhà mới bền chắc được. Đó là sống mầu nhiệm hiệp thông. Tuy nhiên trong thực tế, gió lốc mối mọt của sự phân hoá, chia rẽ, bè phái ganh tị, tranh hơn tranh thua, không những không cần có nhau mà thậm chí còn loại trừ nhau nữa…Tất cả đã phá huỷ sự hiệp thông, làm hư hại mái vách cột kèo, suy yếu nền móng, làm sai với bản thiết kế ban đầu như ý Chúa muốn.

"Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy.” (1 Cr 12,12).

Điều Phaolô nhấn mạnh ở đây không phải ở nhiều chi thể, mà vào một thân thể. Nhiệm vụ của từng bộ phận bị phân cách riêng rẽ sẽ không bao giờ là sự biểu lộ của toàn thân thể. Ngón tay không bao giờ là sự biểu lộ của thân thể. Chức năng của chân là để đi, nhưng nó sẽ không có nghĩa gì cả nếu thiếu thân thể. Con mắt có nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng nó không nhìn cho chính mình, mà chức năng nhìn của nó là cho toàn bộ cơ thể.

Cũng thế, nóc nhà ở trên cao làm sao đứng vững được nếu không có nền móng vững chắc. Một vị bề trên, một cha xứ, một người trưởng nhóm làm được gì nếu không có con chiên, không có bề dưới và những người thừa hành. Một cánh cửa, một bức tường, dù nó đẹp thế nào chăng nữa cũng không làm nên căn nhà. Một ca đoàn hát thật hay chưa phải là đại diện cho cả giáo xứ. Một đoàn thể nổi bật, một giới kinh doanh trí thức giầu có chưa phải là tất cả giáo phận “Thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi…Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Gỉa như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một.” (1 Cr 12,14-20). Làm sao có được sự hiệp thông nếu cá nhân hay một nhóm tự cho mình là đại diện cho toàn thể không cần đến ai khác?

Trong một thân thể, một căn nhà, mỗi thành phần cấu thành, dù là nhỏ bé tầm thường nhất cũng đều có một vị trí quan trọng và cần thiết không thể thiếu được. Ta không được xem thường hay bỏ quên bất cứ thành phần nào trong căn nhà giáo hội, nhất là không được có sự phân biệt đối xử, “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Có phải người gác cửa, đánh chuông không quan trọng bằng ông trùm bà quản không? Có phải nhóm âm thầm thăm kẻ liệt, quét nhà thờ là tầng lớp thấp kém so với giới doanh nhân, hay các vị trong hội đồng mục vụ giáo xứ không? Hãy nghe Phaolô nhắc nhở: “Những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất, và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả…nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1 Cr 12, 22-26)

Một đặc điểm không thể thiếu của thân thể hay căn nhà là sự phối hợp hài hòa của tất cả các thành phần trong đó. Nếu thiếu sự phối hợp này thì toàn thân thể không hoạt động hữu hiệu được, toàn căn nhà không sử dụng hiệu quả được, thậm chí như bị tê liệt, bỏ phế vậy. Khi đôi tay muốn hoạt động, nó cần mắt để xem và chân để mang nó đến nơi thích hợp. Một buổi lễ muốn sốt sắng thì cần có sự phối hợp của cả cộng đoàn chứ đâu phải chỉ cần ca đoàn hay vị chủ tế. Một giáo xứ, một giáo phận muốn sinh động và đồng tiến thì cần có sự cộng tác phối hợp nhịp nhàng của các thành phần dân Chúa với vị chủ chăn, chứ không thể để vài người thân cận có thế giá thế lực điều khiển cả tập thể.

Ý muốn của Thiên Chúa trong việc xây dựng ngôi nhà giáo hội là kết hợp những chi thể lại thành một thân thể, để tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau, để nên một “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ ĐƯỢC NÊN MỘT như chúng ta là một.” (Ga 17, 20 -22). Như vậy họ sẽ “thành một cộng đoàn luôn liên kết và chia sẻ cho nhau mọi hồng ân Chúa ban, đồng cảm và đồng hành với nhau, trong vui buồn, lo âu và hy vọng (Lời cầu xin “xây nhà trên đá” 7-2010)

Một bộ phận của thân thể, tự nó không toàn vẹn, mà nó tuyệt đối cần những chi thể khác. Dù từng phần khác nhau có thể đứng riêng một mình, nhưng nó không thể làm tròn chức năng được chỉ định. Các chi thể của thân thể Đức Kitô cũng không thể đứng riêng một mình, mà phải kết hợp với nhau để làm tròn chức năng của nó là biểu lộ thân thể của Đức Kitô. Nếu như vì một chức năng hoặc một nhiệm vụ mà lập các nhóm riêng rẽ khỏi thân thể thì chúng ta đã mất sự hiệp thông, và Chúa phải chịu đựng như thế nào khi thân thể của Ngài bị phân rẽ. Thánh Phao lô đã khuyến cáo sự chia rẽ trong hàng ngũ giáo dân Côrintô “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.” Người thì nói “Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô”, kẻ thì nói “ Tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô”. Đến nỗi Phaolô phải kêu lên: “Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ?” (1 Cr 1,10-13).

Đức Kitô bị chia năm xẻ bảy khi chúng ta giữ đạo một cách méo mó, dễ bị phân hóa, chia rẽ, bè đảng. Ai cũng mong tìm vinh dự cho mình, hăng say tranh đấu cho quyền lợi của nhóm mình, của tổ chức, đoàn hội của mình. Không ai chịu nhường ai. Cánh nào cũng muốn “chơi nổi”. Không chịu “xấu chung hơn tốt lỏi”. Cuối cùng đi đến chỗ “đoàn kết để chia rẽ”! Vô hình chung chúng ta đã loại trừ nhau, không nhận nhau là anh em mặc dù miệng vẫn rộn rã đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Như thế chúng ta không biết Cha, mà cũng chẳng biết Con làm sao chúng ta giữ đạo. Đức Giêsu nói: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt, 11,27) Muốn giữ đạo cho đích thực, muốn hiệp thông với nhau trọn vẹn phải hiệp nhất vơiù Đức Kitô, và trong Đức Kitô. Như vậy, mỗi người chúng ta không ai là một hòn đảo lẻ loi, cô độc, nhưng là chi thể của một thân thể, và có liên hệ mật thiết với nhau.

Tuy nhiên tính ghen tương đố kỵ, đầu óc hơn thua nơi con người đã biến họ thành những hòn đảo cô độc. Đó là bệnh chung của con người, khó ai có thể tránh khỏi. Không ai muốn người khác giỏi hơn mình. Người khác càng giỏi bao nhiêu, mình càng thấy cái dốt của mình lộ ra bấy nhiêu. Đoàn thể này đông hơn, nổi hơn thì càng làm cho các đoàn thể khác khó chịu bấy nhiêu. Hai ca đoàn không khen nhau bao giờ. Có người giảng hay hơn ta, thu hút người khác nhiều hơn ta, chắc hẳn làm ta thấy khó chịu lắm. Người ta ít chân nhận giá trị của người khác mà phần lớn hay chê bai, cũng như ít ai vui mừng vì thành công của người khác. Chúng ta sợ kẻ khác tốt hơn mình như Bàng Quyên sợ Tôn Tẩn giỏi hơn mình. Họ Bàng sợ họ Tôn giỏi hơn mình, đến nỗi đem lòng ghen ghét mà gán cho người bạn đồng môn của mình vào tội chặt cả hai chân và đổ mực vào mặt để trừ... hậu họa !

Có khi ghen tương đưa đến trả thù bằng cách vu khống, nói hành nói xấu cho bõ ghét vì những thành công của kẻ khác. Nếu đã có tính ghen tương đố kỵ thì không bao giờ người ta có thể hiệp thông với người khác được. Làm thế nào họ có thể chia sẻ niềm vui với kẻ khác, trong khi họ đang hậm hực vì thành công của người ấy ? Họ chỉ vui mừng hả hê khi thấy người hơn họ phải đau buồn vì họ đã trả thù được người kia. Lòng thương xót không có thì làm sao có sự hiệp thông ?

Trong thông điệp “Đấng Cứu chuộc con người” ở số 6, Đức Gioan Phaolô II nhắn nhủ: “Chúng ta phải tìm kiếm sự hiệp nhất, mà không nản lòng trước những khó khăn có thể xảy đến hoặc chồng chất dọc theo con đường này, bằng không, chúng ta sẽ không trung thành với lời Đức Kitô, chúng ta sẽ không thi hành lời di chúc của Ngài. Có được phép liều lĩnh như vậy không ?”

Cố nhiên là những ngày Đại Hội Dân Chúa, rồi Năm Thánh 2010 cũng đến ngày khép lại, nhưng vấn đề “sống mầu nhiệm hiệp thông” vẫn cứ phải tiếp tục mãi mãi. Muốn tiến đến hiệp thông trọn vẹn, căn nhà giáo hội cần được canh tân trong đức tin và tình yêu. Mỗi thành phần trong căn nhà đó cần phải “chung sức gia cố nền nhà và làm mới bốn cột trụ, là chân lý và tình thương, hoà bình và công lý” Nếu không, với bao nhiêu sự chia rẽ, bè phái, ngôi nhà thiếu nền móng vững chắc ấy sẽ bị bão tố xô đổ tan tành lấp vùi trong cát bụi.

Lệnh truyền của Thầy Giêsu nơi bàn tiệc tạ ơn dạy tất cả những người hiệp thông hãy yêu thương nhau. Nhưng ngày nào vẫn còn chia rẽ, phân bì, bất hòa, hiểu lầm, tranh chấp giữa những người tin vào Đức Kitô, giữa hàng giáo sĩ, giữa cha xứ và cha phó, bề trên với bề dưới, cha sở với giáo dân, hội đoàn này với hội đoàn khác, giới này với giới khác, xứ này với xứ khác, cá nhân này với cá nhân khác... thì ngày đó chúng ta vẫn chưa thi hành lệnh truyền của Thầy Chí Thánh và Đức Kitô còn phải thất vọng về những chi thể của Ngài biết chừng nào !

Chúng ta nói về bản thiết kế “Giáo hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ” suốt Năm Thánh 2010. Đã có nhiều tài liệu, nhiều khóa học hỏi, thảo luận sôi nổi về đề tài này, nhưng tất cả sẽ chỉ nằm tại bàn giấy, chỉ là lý thuyết suông, nếu mỗi thành phần trong căn nhà giáo hội không nỗ lực “sống mầu nhiệm hiệp thông” với nhau bằng cách làm mới lại những tương quan sáo mòn giả tạo, hàn gắn nối kết những tương quan rạn nứt đổ vỡ, và khai thông những tương quan bế tắc do thành kiến, hiểu lầm nghi ngờ ghen tuông đố kỵ. Có như vậy, những gian nhà giáo hội là “giáo hội tại gia”, “giáo hội tại cộng đoàn” và “giáo hội tại địa phương” mới thực sự được canh tân “theo như ý chúa và như hội thánh dạy”. Nếu không “sống mầu nhiệm hiệp thông” thì mãi mãi việc “hiệp thông là một mầu nhiệm”, mầu nhiệm chỉ để suy tư học hỏi bàn luận mà chẳng bao giờ thành hiện thực trong cuộc sống đạo.

Hiệp nhất chỉ là ý tưởng, một ý niệm, còn hiệp thông là phương thức, phương cách nhẹ nhàng và hữu hiệu nhất để hợp lực, hợp quần mọi thiện chí, thiện tâm, mọi năng lực ở nhiều cấp độ khác nhau như một thể đồng nhất đầy đủ ý nghĩa vì đa dạng. Và đó là ý nghĩa chân chính của hiệp nhất. Đó cũng là xu hướng nhất thiết của thiên niên kỷ 21 này.

(Sàigòn,những ngày náo nức chuẩn bị Đại Hội Dân Chúa)

MỘT CÁCH SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

Ngày thứ năm 02-09 và 07-10-2010, Cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót giáo xứ Chí Hoà đã phát tổng cộng 1150 HỌC BỔNG LÒNG THƯƠNG XÓT. Học bổng này dành cho các em học sinh, sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn ở trong thành phố cũng như các tỉnh thành vùng sâu vùng xa. Học bổng Lòng Thương Xót niên học 2010- 2011 trao tặng mỗi em học sinh cấp I (500 ngàn đồng); cấp II (800 ngàn đồng), cấp III (một triệu đồng) và sinh viên (hai triệu đồng).

Ngày thứ hai 20-09-2010, cộng đoàn cũng đi thăm và phát quà cho 570 gia đình nghèo và 770 phần quà Trung Thu cho các em thiếâu nhi không phân biệt tôn giáo ở giáo điểm Suối Giây, Thánh Mẫu và Hoà Thạnh, thuộc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Campuchia.

Mỗi ngày cộng đoàn vẫn cung cấp 70 phần cơm miễn phí cho các bệnh nhân và người nuôi bệnh có hoàn cảnh khó khăn tại Trung Tâm Ung Bướu Thành Phố.