“Anh em đã chịu lấy Lời giữa bao nỗi gian nan, trong sự hoan hỷ của Thánh Thần” (1Tx1,6)
Không phải cuộc sống của con người cứ chịu đựng đau khổ, cứ hy sinh thời giờ, sức lực, tiền của cho lý tưởng của mình đến độ phải tù đầy mạng vong, thì những cái ấy sẽ làm cho người ta trở nên vĩnh cửu cao cả! Thật sự cho dù những cái đó xuất phát từ lòng dũng cảm hay chí khí anh hùng của người ta chăng nữa, thì tất cả chỉ là phù vân. Như Kinh Thánh nói: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Nhưng những vui buồn sướng khổ, lao nhọc, tù đầy và sự chết của con người hữu hạn, muốn trở thành vô hạn trong vĩnh cửu, thì phải ở trong chương trình cứu độ, nghĩa là phải dính dự vào cuộc khổ nạn phục sinh của Đức Kitô, phải xuất phát từ đó, từ sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Muốn nhìn và đánh giá các vị tử đạo cho đích thật, chúng ta đừng nhìn vào công lao, khổ nhục, gông xích, tù đầy và sự chết thê thảm của các ngài, vì chỉ những cái ấy mà thôi chẳng nói lên được điều gì. Những người chết vì lý tưởng thế gian, cũng đã từng chịu đau khổ như thế, hoặc còn hơn thế nữa.
Muốn đánh giá các thánh tử đạo cho đúng thì trước hết phải nhìn vào Đức Giêsu, hạt lúa đầu tiên của nhân loại đã vì tuân phục ý Cha mà chết đi. Và từ sự chết đó mới nảy mầm sự sống phục sinh cho thế gian, để cho những ai tin vào Người thì dù đau khổ hay sự chết cũng không quật ngã được, vì họ đã trở nên một danh phận với Con Thiên Chúa: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2Tm 2, 11-12)
Khi Hội Thánh Việt Nam mừng kính các Thánh Tử Đạo của quê hương mình, tất cả chúng ta phải tạ ơn Chúa biết bao nhiêu ! Vì thương xót dân tộc nhỏ bé này mà Ngài đã cho sự vinh quang của Nước Trời bừng lên từ những làng mạc khiêm tốn, những lũy tre xanh, những thôn xóm hiu quạnh rải rác trên khắp giải đất Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Thiên Chúa đã làm những việc lớn lao ở đây, trên 117 con người vô danh bé mọn, đại diện cho tất cả những người bé mọn khác. Suốt đời họ chưa hề mơ tưởng đến hai chữ anh hùng, thế mà lại được trở thành vô cùng quyền năng dũng mạnh, làm sửng sốt các vua quan suốt hai thời Trịnh, Nguyễn. Và hôm nay, những con người ấy đã được nên đồng hình đồng dạng với Đấng Thiên Chúa cứu độ của mình: Đức Giêsu Kitô. Cả triều thần trên Vương Quốc của Thiên Chúa đang vang lên lời ca ngợi sự lạ lùng của Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng yêu thương không thiên vị một dân tộc nào (Cv 10,34). Và thế giới trần gian cũng nhận ra trong hân hoan của Thánh Thần rằng những con người Việt Nam từ trước tới nay xa lạ với họ, hôm nay lại là những vị thánh đáng yêu đáng mến của mình.
Đó là diện mạo đích thực của các thánh tử đạo Việt Nam. Là người Việt Nam, chúng ta càng phải thinh lặng để suy niệm về lòng từ ái vô biên của Đấng đã lôi dân tộc chúng ta, từ cõi tối tăm vô đạo mà đưa vào vùng ánh sáng của Ngài.
Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chỉ là ơn, không phải công lênh của một ai để mà “xin Chúa trả công bội hậu” như ta vẫn thường nghe câu điệp khúc quen thuộc này nơi những bài diễn văn cảm ơn trong các dịp lễ lớn. Kể cả nơi Đức Maria, cũng chỉ là ơn, Đức Mẹ đã sấp mình trước lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa mà hết lòng cảm tạ.
Trong thời buổi cấm đạo ở nước Việt Nam từ thế kỷ 16 đến 19, có rất nhiều giáo dân đã bỏ đạo, nhiều kẻ đã sẵn sàng bước qua thập giá để mưu cầu sự sống tạm bợ của mình. Trong thời chúng ta, vào những ngày sau năm 75 cũng vậy, thiếu gì người Kitô hữu xiêu vẹo nghiêng ngả “chưa đánh đã khai” hoặc không dám khai vào lý lịch tôn giáo thật của mình, mặc dù chưa có ai đe dọa cấm cách gì mình. Nhưng việc đó chỉ là bình thường thôi. Một cái bình bằng sành bằng đất va chạm vào một vật gì cứng hơn nó thì phải bể tan tành là lẽ đương nhiên.
Sức lực của con người ta trước những khổ hình đòn vọt chỉ có thể đầu hàng và thối lui. Đó là lẽ thường tình. Nhưng một con người sức lực yếu đuối, run sợ trước khổ hình, mà lại hiên ngang xưng danh Đức Giêsu trước vua quan quyền thế, rồi cuối cùng chấp nhận mất mạng sống mình chứ không chịu mất Đức Giêsu, đó mới là sự bất bình thường. Vì một quyền năng của ai đó đã ở trong con người ấy. Quyền năng ấy là quyền năng của Đức Kitô, Chúa chúng ta. Thánh Phaolô đã nhận mình là yếu đuối như cái bình sành, lọ đất, nhưng lại xác tín mạnh mẽ: “Chúng tôi toàn thắng nhờ Đức Giêsu yêu mến chúng tôi” (Rm 8,37).
Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta khiêm tốn xin Đức Giêsu đặt tấm lòng mỗi người vào tấm lòng của Người. Để bên ngoài, tuy được bao trùm bằng nhiều nghi thức tưng bừng nhộn nhịp, nhưng bên trong chúng ta không bị rơi vào cái huyền thoại tử đạo, nghĩa là kéo những gì thuộc giới Thiên Chúa trở thành giới phàm trần, rồi vì phấn khởi quá mà tự phong cho các vị tử đạo thuộc quê hương mình bao nhiêu tước hiệu của trần thế: chí khí anh hùng, máu chảy đầu rơi cũng không sá gì... Như thể là tất cả công nghiệp tử đạo là do công sức riêng của các Đấng, hoặc do đất nước này đã sản xuất được những người con anh dũng như vậy. Trước mặt Thiên Chúa: một ông thánh tử đạo và một ông thánh ẩn tu, ai anh hùng hơn ai ? Cả hai làm thánh đều do sức mạnh của Thánh Thần.
Hãy nhìn vào Đức Giêsu để thấy chân tướng các vị tử đạo. Trước hãi hùng của thập giá, Đức Giêsu cũng run rẩy sợ hãi, Người nói với các môn đệ: “Tâm hồn thầy buồn đến chết được!” (Mt 26,38). Tất cả những ai thấy mình bất lực yếu đuối, rồi hoàn toàn cậy nhờ vào Thiên Chúa, kẻ ấy sẽ được Thiên Chúa làm cho thành vị đại thánh. Trong suốt bốn Tin Mừng, không chỗ nào nói Đức Giêsu hiên ngang anh dũng bước lên thập giá. Đức Giêsu run rẩy sấp mặt xuống trước Cha mà cầu nguyện (Mt 26,39). Đức Giêsu hoàn toàn cậy nhờ vào Cha, bám chặt lấy ý Cha và vâng phục ý Cha cho đến chết, nên đã được phục sinh vinh quang, và được siêu tôn làm Chúa muôn loài. Và từ thập giá Đức Giêsu Kitô, nhân loại mới được hưởng tràn đầy ơn cứu chuộc.
Tử đạo, nghĩa đích thật là người làm chứng (hay chứng nhân như thường gọi). Đức Giêsu Kitô là vị tử đạo đầu tiên. Người đã chết vì làm chứng cho Cha của Người. Đức Giêsu chết trong thinh lặng, không biện luận, không tranh cãi, như chiên con ngậm câm để người ta dẫn đến lò sát. Mỗi người Kitô, nếu muốn thành một chứng nhân đích thực, thì phải là chứng nhân trong Đức Kitô. Do đó, tử đạo không phải là một anh hùng hiệp sĩ cứu khốn phù nguy giữa thế gian, rồi luôn hô hào khẩu hiệu: “vì anh em, với anh em”, nhưng phải là người đặt đời mình vào thánh ý Thiên Chúa, để cho Thần Khí Đức Kitô hoạt động, điều khiển đời mình cho đến chết. Một Kitô hữu muốn là chứng nhân đích thực thì phải xác tín được như thánh Phaolô: “Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được tỏ hiện nơi chúng tôi” (2Cr 4,10).
Ý nghĩa tử đạo là như vậy, các thánh tử đạo Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam cũng chỉ sống một niềm tin như thế. Trước mọi biến cố, Hội Thánh Việt Nam chỉ chăm chú nhìn vào Đức Giêsu qua các bậc tiền nhân tử đạo của mình, để thinh lặng trước mọi chống đối, từ bên trong ra cũng như từ bên ngoài vào, không biện luận, không tranh cãi, mà cũng không hoảng hốt lo âu, chỉ im lặng với lòng yêu mến thiết tha và tâm tình phó thác cho quyền năng Thiên Chúa, Đấng mà tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết, sẽ làm cho tất cả những kẻ ghét Ngài, bỏ vạ cáo gian cho Ngài, kể cả những kẻ giết và làm khổ Hội Thánh Ngài, được ơn quay về và trở thành con cái của ƠN CỨU ĐỘ.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng nhân cho Đức Kitô ngoài phố chợ cũng như trong gia đình, khi sản xuất cũng như chỗ buôn bán, trong xí nghiệp cũng như ở trong trường lớp, trong Thánh đường cũng như nơi giải trí. Tất cả mọi nơi, mọi lúc, chúng ta mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để ánh sáng tình yêu của Đức Giêsu luôn tỏ hiện bằng cuộc sống lương hảo, hiền từ, vui vẻ, dễ thương, yêu thương phục vụ và sẵn lòng tha thứ của chúng ta, để cho những người đang ghét đạo Chúa, hoặc không biết Đức Giêsu, nhìn vào những chứng nhân của Ngài, sẽ yêu mến Đức Giêsu và đón nhận Ngài vào cuộc đời mình.
Đừng để cuộc sống của chúng ta làm cớ cho người ta ghét đạo và xa rời Đức Giêsu hơn nữa. Đừng để người đời mỉa mai: “Tin Đạo chứ không tin người có Đạo” hoặc: “Họ chỉ giữ Đạo mà không sống Đạo”.
Lạy Đức Giêsu Kitô là Đấng đã yêu mến các Thánh tử đạo, chúng con tin rằng chúng con cũng đang được yêu mến bằng chính trái tim mà Chúa đã yêu mến các vị tử đạo.
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, xin cho chúng con trở nên chứng nhân của Đức Kitô đích thực, trong lòng yêu mến của Thiên Chúa nơi mọi người, và luôn đặt đời con trong bàn tay của Đức Giêsu Kitô. Amen.
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS (SSS là viết tắt của 3 chữ Societas Sanctissimi Sacramenti: Dòng Thánh Thể)
Không phải cuộc sống của con người cứ chịu đựng đau khổ, cứ hy sinh thời giờ, sức lực, tiền của cho lý tưởng của mình đến độ phải tù đầy mạng vong, thì những cái ấy sẽ làm cho người ta trở nên vĩnh cửu cao cả! Thật sự cho dù những cái đó xuất phát từ lòng dũng cảm hay chí khí anh hùng của người ta chăng nữa, thì tất cả chỉ là phù vân. Như Kinh Thánh nói: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Nhưng những vui buồn sướng khổ, lao nhọc, tù đầy và sự chết của con người hữu hạn, muốn trở thành vô hạn trong vĩnh cửu, thì phải ở trong chương trình cứu độ, nghĩa là phải dính dự vào cuộc khổ nạn phục sinh của Đức Kitô, phải xuất phát từ đó, từ sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Muốn nhìn và đánh giá các vị tử đạo cho đích thật, chúng ta đừng nhìn vào công lao, khổ nhục, gông xích, tù đầy và sự chết thê thảm của các ngài, vì chỉ những cái ấy mà thôi chẳng nói lên được điều gì. Những người chết vì lý tưởng thế gian, cũng đã từng chịu đau khổ như thế, hoặc còn hơn thế nữa.
Muốn đánh giá các thánh tử đạo cho đúng thì trước hết phải nhìn vào Đức Giêsu, hạt lúa đầu tiên của nhân loại đã vì tuân phục ý Cha mà chết đi. Và từ sự chết đó mới nảy mầm sự sống phục sinh cho thế gian, để cho những ai tin vào Người thì dù đau khổ hay sự chết cũng không quật ngã được, vì họ đã trở nên một danh phận với Con Thiên Chúa: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2Tm 2, 11-12)
Khi Hội Thánh Việt Nam mừng kính các Thánh Tử Đạo của quê hương mình, tất cả chúng ta phải tạ ơn Chúa biết bao nhiêu ! Vì thương xót dân tộc nhỏ bé này mà Ngài đã cho sự vinh quang của Nước Trời bừng lên từ những làng mạc khiêm tốn, những lũy tre xanh, những thôn xóm hiu quạnh rải rác trên khắp giải đất Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Thiên Chúa đã làm những việc lớn lao ở đây, trên 117 con người vô danh bé mọn, đại diện cho tất cả những người bé mọn khác. Suốt đời họ chưa hề mơ tưởng đến hai chữ anh hùng, thế mà lại được trở thành vô cùng quyền năng dũng mạnh, làm sửng sốt các vua quan suốt hai thời Trịnh, Nguyễn. Và hôm nay, những con người ấy đã được nên đồng hình đồng dạng với Đấng Thiên Chúa cứu độ của mình: Đức Giêsu Kitô. Cả triều thần trên Vương Quốc của Thiên Chúa đang vang lên lời ca ngợi sự lạ lùng của Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng yêu thương không thiên vị một dân tộc nào (Cv 10,34). Và thế giới trần gian cũng nhận ra trong hân hoan của Thánh Thần rằng những con người Việt Nam từ trước tới nay xa lạ với họ, hôm nay lại là những vị thánh đáng yêu đáng mến của mình.
Đó là diện mạo đích thực của các thánh tử đạo Việt Nam. Là người Việt Nam, chúng ta càng phải thinh lặng để suy niệm về lòng từ ái vô biên của Đấng đã lôi dân tộc chúng ta, từ cõi tối tăm vô đạo mà đưa vào vùng ánh sáng của Ngài.
Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chỉ là ơn, không phải công lênh của một ai để mà “xin Chúa trả công bội hậu” như ta vẫn thường nghe câu điệp khúc quen thuộc này nơi những bài diễn văn cảm ơn trong các dịp lễ lớn. Kể cả nơi Đức Maria, cũng chỉ là ơn, Đức Mẹ đã sấp mình trước lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa mà hết lòng cảm tạ.
Trong thời buổi cấm đạo ở nước Việt Nam từ thế kỷ 16 đến 19, có rất nhiều giáo dân đã bỏ đạo, nhiều kẻ đã sẵn sàng bước qua thập giá để mưu cầu sự sống tạm bợ của mình. Trong thời chúng ta, vào những ngày sau năm 75 cũng vậy, thiếu gì người Kitô hữu xiêu vẹo nghiêng ngả “chưa đánh đã khai” hoặc không dám khai vào lý lịch tôn giáo thật của mình, mặc dù chưa có ai đe dọa cấm cách gì mình. Nhưng việc đó chỉ là bình thường thôi. Một cái bình bằng sành bằng đất va chạm vào một vật gì cứng hơn nó thì phải bể tan tành là lẽ đương nhiên.
Sức lực của con người ta trước những khổ hình đòn vọt chỉ có thể đầu hàng và thối lui. Đó là lẽ thường tình. Nhưng một con người sức lực yếu đuối, run sợ trước khổ hình, mà lại hiên ngang xưng danh Đức Giêsu trước vua quan quyền thế, rồi cuối cùng chấp nhận mất mạng sống mình chứ không chịu mất Đức Giêsu, đó mới là sự bất bình thường. Vì một quyền năng của ai đó đã ở trong con người ấy. Quyền năng ấy là quyền năng của Đức Kitô, Chúa chúng ta. Thánh Phaolô đã nhận mình là yếu đuối như cái bình sành, lọ đất, nhưng lại xác tín mạnh mẽ: “Chúng tôi toàn thắng nhờ Đức Giêsu yêu mến chúng tôi” (Rm 8,37).
Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta khiêm tốn xin Đức Giêsu đặt tấm lòng mỗi người vào tấm lòng của Người. Để bên ngoài, tuy được bao trùm bằng nhiều nghi thức tưng bừng nhộn nhịp, nhưng bên trong chúng ta không bị rơi vào cái huyền thoại tử đạo, nghĩa là kéo những gì thuộc giới Thiên Chúa trở thành giới phàm trần, rồi vì phấn khởi quá mà tự phong cho các vị tử đạo thuộc quê hương mình bao nhiêu tước hiệu của trần thế: chí khí anh hùng, máu chảy đầu rơi cũng không sá gì... Như thể là tất cả công nghiệp tử đạo là do công sức riêng của các Đấng, hoặc do đất nước này đã sản xuất được những người con anh dũng như vậy. Trước mặt Thiên Chúa: một ông thánh tử đạo và một ông thánh ẩn tu, ai anh hùng hơn ai ? Cả hai làm thánh đều do sức mạnh của Thánh Thần.
Hãy nhìn vào Đức Giêsu để thấy chân tướng các vị tử đạo. Trước hãi hùng của thập giá, Đức Giêsu cũng run rẩy sợ hãi, Người nói với các môn đệ: “Tâm hồn thầy buồn đến chết được!” (Mt 26,38). Tất cả những ai thấy mình bất lực yếu đuối, rồi hoàn toàn cậy nhờ vào Thiên Chúa, kẻ ấy sẽ được Thiên Chúa làm cho thành vị đại thánh. Trong suốt bốn Tin Mừng, không chỗ nào nói Đức Giêsu hiên ngang anh dũng bước lên thập giá. Đức Giêsu run rẩy sấp mặt xuống trước Cha mà cầu nguyện (Mt 26,39). Đức Giêsu hoàn toàn cậy nhờ vào Cha, bám chặt lấy ý Cha và vâng phục ý Cha cho đến chết, nên đã được phục sinh vinh quang, và được siêu tôn làm Chúa muôn loài. Và từ thập giá Đức Giêsu Kitô, nhân loại mới được hưởng tràn đầy ơn cứu chuộc.
Tử đạo, nghĩa đích thật là người làm chứng (hay chứng nhân như thường gọi). Đức Giêsu Kitô là vị tử đạo đầu tiên. Người đã chết vì làm chứng cho Cha của Người. Đức Giêsu chết trong thinh lặng, không biện luận, không tranh cãi, như chiên con ngậm câm để người ta dẫn đến lò sát. Mỗi người Kitô, nếu muốn thành một chứng nhân đích thực, thì phải là chứng nhân trong Đức Kitô. Do đó, tử đạo không phải là một anh hùng hiệp sĩ cứu khốn phù nguy giữa thế gian, rồi luôn hô hào khẩu hiệu: “vì anh em, với anh em”, nhưng phải là người đặt đời mình vào thánh ý Thiên Chúa, để cho Thần Khí Đức Kitô hoạt động, điều khiển đời mình cho đến chết. Một Kitô hữu muốn là chứng nhân đích thực thì phải xác tín được như thánh Phaolô: “Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được tỏ hiện nơi chúng tôi” (2Cr 4,10).
Ý nghĩa tử đạo là như vậy, các thánh tử đạo Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam cũng chỉ sống một niềm tin như thế. Trước mọi biến cố, Hội Thánh Việt Nam chỉ chăm chú nhìn vào Đức Giêsu qua các bậc tiền nhân tử đạo của mình, để thinh lặng trước mọi chống đối, từ bên trong ra cũng như từ bên ngoài vào, không biện luận, không tranh cãi, mà cũng không hoảng hốt lo âu, chỉ im lặng với lòng yêu mến thiết tha và tâm tình phó thác cho quyền năng Thiên Chúa, Đấng mà tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết, sẽ làm cho tất cả những kẻ ghét Ngài, bỏ vạ cáo gian cho Ngài, kể cả những kẻ giết và làm khổ Hội Thánh Ngài, được ơn quay về và trở thành con cái của ƠN CỨU ĐỘ.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng nhân cho Đức Kitô ngoài phố chợ cũng như trong gia đình, khi sản xuất cũng như chỗ buôn bán, trong xí nghiệp cũng như ở trong trường lớp, trong Thánh đường cũng như nơi giải trí. Tất cả mọi nơi, mọi lúc, chúng ta mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để ánh sáng tình yêu của Đức Giêsu luôn tỏ hiện bằng cuộc sống lương hảo, hiền từ, vui vẻ, dễ thương, yêu thương phục vụ và sẵn lòng tha thứ của chúng ta, để cho những người đang ghét đạo Chúa, hoặc không biết Đức Giêsu, nhìn vào những chứng nhân của Ngài, sẽ yêu mến Đức Giêsu và đón nhận Ngài vào cuộc đời mình.
Đừng để cuộc sống của chúng ta làm cớ cho người ta ghét đạo và xa rời Đức Giêsu hơn nữa. Đừng để người đời mỉa mai: “Tin Đạo chứ không tin người có Đạo” hoặc: “Họ chỉ giữ Đạo mà không sống Đạo”.
Lạy Đức Giêsu Kitô là Đấng đã yêu mến các Thánh tử đạo, chúng con tin rằng chúng con cũng đang được yêu mến bằng chính trái tim mà Chúa đã yêu mến các vị tử đạo.
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, xin cho chúng con trở nên chứng nhân của Đức Kitô đích thực, trong lòng yêu mến của Thiên Chúa nơi mọi người, và luôn đặt đời con trong bàn tay của Đức Giêsu Kitô. Amen.
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS (SSS là viết tắt của 3 chữ Societas Sanctissimi Sacramenti: Dòng Thánh Thể)