Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, “vô cùng thất vọng” với quyết định của Vatican trong việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc, và Ủy ban đã bày tỏ những thất vọng của mình với các cơ quan hữu quan chính phủ Hoa Kỳ.

“Với tư cách là một người Công Giáo, tôi chắc chắn hiểu rằng Vatican đang chơi trò chơi lâu dài ở đây và không nghĩ đến những tình huống trước mắt, nhưng tôi nghĩ rằng những thỏa thuận này đã không tạo ra bất kỳ sự cải thiện nào về tự do tôn giáo cho người Công Giáo ở Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng Tòa thánh nên thực sự suy nghĩ lại quyết định của mình đừng khiêu vũ với Tập Cận Bình trong toàn bộ công việc này,” Ủy viên USCIRF Stephen Schneck nói với Crux.

Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm Schneck, một người Công Giáo, vào ủy ban chín người vào tháng Sáu. USCIRF là một ủy ban liên bang độc lập, lưỡng đảng theo dõi và báo cáo về tự do tôn giáo cho chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ. Cơ quan này tách biệt với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Người Công Giáo ở Trung Quốc từ lâu đã bị chia rẽ giữa những người thuộc giáo hội chính thức, được nhà nước công nhận và một giáo hội thầm lặng trung thành với Đức Giáo Hoàng.

Vài tháng trước khi Schneck được bổ nhiệm, USCIRF đã công bố báo cáo năm 2022, trong đó tuyên bố rằng “bất chấp thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu và giam giữ các linh mục Công Giáo thầm lặng từ chối tham gia hiệp hội Công Giáo do nhà nước kiểm soát, chẳng hạn như Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) năm nay 64 tuổi, Giám Mục của giáo phận Tây Hương (Xixiang, 西乡县) tỉnh Hà Bắc.

Sau thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ vừa nêu.

Cũng có trường hợp của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người cùng với 5 người khác, bị bắt vào tháng 5 theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt vì bị cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Họ phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng vì không ghi danh với cảnh sát địa phương cho một quỹ cứu trợ hiện không còn tồn tại nhằm trợ giúp pháp lý và y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019.

Ngoài ra, ông trùm truyền thông Công Giáo và người ủng hộ dân chủ Jimmy Lai hiện đang thụ án 20 tháng tù giam vì các cáo buộc liên quan đến vai trò của anh ta trong các cuộc biểu tình trái phép trong các cuộc biểu tình năm 2019. Anh ta đang chờ xét xử về các tội danh liên quan đến luật an ninh quốc gia, trong đó anh ta có thể bị kết án tù chung thân. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 12.

Schneck nêu bật tình hình đối với những người Công Giáo thầm lặng và trường hợp của Đức Hồng Y Quân và Lai khi đặt câu hỏi về quyết định của Tòa thánh trong việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc.

“Tôi rất lo ngại,” Schneck nói. “Thật khó để tưởng tượng rằng họ có thể hy vọng bất cứ điều gì trong một trận đấu dài hơi; Tình hình trước mắt ở Trung Quốc đối với người Công Giáo là điều mà tôi nghĩ Tòa thánh nên quan tâm”.

Ủy viên USCIRF nói thêm rằng một phần của vấn đề là sự thiếu minh bạch từ Vatican về những gì trong thỏa thuận. Và anh ấy lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc “Nhất thể hóa” tôn giáo ở Trung Quốc về cơ bản làm cho các tôn giáo tồn tại phù hợp với văn hóa và xã hội Trung Quốc.

Schneck nói: “Tôi không thể tưởng tượng được những gì đang diễn ra bây giờ lại đáng giá như vậy trong tương lai. Trên thực tế, tôi muốn nói rằng đây là nhận xét của cá nhân tôi, nhưng tôi thấy rằng trên thực tế, Trung Quốc có thể đang sử dụng thỏa thuận này để đàn áp hơn nữa đối với những người Công Giáo Trung Quốc, và nếu đó là tình huống, thì Vatican thực sự đang mất vị thế với Trung Quốc, và không giành được vị trí nào cả.”

Vào ngày 22 tháng 10, Tòa Thánh đã thông báo rằng thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục đã được gia hạn thêm hai năm. Thỏa thuận được ký kết vào tháng 9 năm 2018 và được gia hạn vào tháng 10 năm 2020. Các điều khoản chính xác của thỏa thuận chưa bao giờ được công khai, nhưng nó được cho là cho phép Tòa thánh bổ nhiệm các giám mục từ một số ứng cử viên do chính phủ Trung Quốc đề xuất.

Chỉ có sáu giám mục Trung Quốc được bổ nhiệm kể từ khi thỏa thuận được thực hiện. Năm 2020 và 2021, Giám mục Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tianhao, 陈天皓) và Giám mục Phanxicô Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪) đã nhậm chức trong các giáo phận tương ứng của họ, với sự sắp xếp và công bố của chính quyền Trung Quốc, mà không có bất cứ thông báo nào rằng họ đã được lựa chọn và phê duyệt bởi Tòa thánh, và các cuộc cử nhiệm họ không xuất hiện trong bản tin hàng ngày về các cuộc bổ nhiệm do văn phòng báo chí Vatican phát hành. Nói cách khác, Tòa Thánh hoàn toàn không hề hay biết gì về việc bổ nhiệm hai Giám Mục Tôma Trần Thiên Hạo và Phanxicô Thôi Khánh Kỳ.

Trong thông báo, Tòa thánh cho biết Vatican “cam kết tiếp tục đối thoại với sự tôn trọng và mang tính xây dựng với Đảng Cộng sản Trung Quốc để thực hiện có hiệu quả Hiệp định và phát triển hơn nữa quan hệ song phương, nhằm thúc đẩy sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo và những điều tốt đẹp của người Trung Quốc.”

Khi được hỏi thông điệp mà sự gia hạn thỏa thuận này gửi đến những người Công Giáo ở Trung Quốc là gì, Schneck nói rằng đó là một thông điệp gây ra hoang mang.

“Ai là mục tử đức tin của họ khi các vị này đến từ một giáo hội của nhà nước?”
Source:Crux