Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Việc chọn phong thánh cho hai vị cùng một ngày thật là đầy ý nghĩa. Cả hai vị đại Giáo Hoàng đều có những ảnh hưởng sâu đậm không những trên Giáo Hội mà còn cả trên vận mệnh của thế giới đương đại.
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli sinh ngày 25 tháng 11 năm 1881. Ngài là người con thứ tư trong gia đình có mười bốn đứa con. Cha mẹ ngài là những tá điền sống trong một ngôi làng ở Lombardy, Italia.
Ngài được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1904 và đảm trách nhiều chức vụ khác nhau như sứ thần Tòa Thánh tại Pháp, Bulgaria và Hy Lạp.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tấn phong Hồng Y cho ngài ngày 12 Tháng Giêng năm 1953 và đặt ngài làm Thượng Phụ Thành Venice cũng như Hồng Y đẳng linh mục hiệu tòa Santa Prisca.
Đức Roncalli được bầu làm giáo hoàng vào ngày 28 tháng 10 năm 1958 ở tuổi 76 sau mười một vòng bỏ phiếu. Những nhà bình luận thời ấy thường xem ngài như một vị Giáo Hoàng tạm thời. Tuy nhiên, Đức Gioan XXIII đã làm kinh ngạc họ với những dấu ấn ngài để lại cho Giáo Hội và thế giới.
Ngài đã triệu tập Công Đồng Vatican II lịch sử với phiên khai mạc đầu tiên vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 và kéo dài cho đến ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8 tháng 12 năm 1965.
Ngày 14 tháng 10 năm 1962, tức là ba ngày sau khi Đức Thánh Cha Gioan XXIII khai mạc Công Đồng, máy bay do thám Mỹ phát hiện ra Cuba và Liên Xô đã bắt đầu xây dựng các dàn phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung và tầm xa có khả năng tấn công hầu hết tất cả các thành phố trên nước Mỹ.
Tổng thống Kennedy đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh, ráo riết triển khai các dàn phóng tên lửa hướng về Mạc Tư Khoa và Havana, phong toả Cuba, trong khi buộc Liên Sô và Cuba phải tháo gỡ các tên lửa. Bí thư đảng cộng sản Liên xô là Nikita Khrushchev không nhượng bộ còn đưa thêm tàu chiến áp sát Cuba và cho phép các tư lệnh chiến trường phóng các vũ khí hạt nhân chiến thuật, nếu Cuba bị Mỹ xâm lược.
Thế giới tiến gần đến gần ngày tận thế hơn bao giờ hết. Hàng triệu người theo dõi các cuộc thách thức trên truyền hình. Hai phía dường như không còn có con đường nào để thoát ra khỏi một cuộc chiến được dự đoán là không thể tránh khỏi.
Trước tình trạng mây đen chiến tranh đang tụ dần, che kín chân trời thế giới, ngày 25 tháng 10 năm 1962, trên radio Vatican, Đức Thánh Cha Gioan XXIII, đọc một diễn văn quan trọng bằng tiếng Pháp gởi tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới.
Ngài nói:
“Chúng tôi xin tất cả các chính phủ đừng giả điếc với tiếng kêu than của nhân loại. Họ cần phải làm tất cả những điều có thể trong thẩm quyền của mình để cứu vãn hòa bình. Như thế, họ sẽ tránh cho thế giới khỏi các nỗi kinh hoàng của một cuộc chiến tranh, mà hậu quả đáng sợ của nó không ai có thể dự đoán được. Họ cần tiếp tục các cuộc thương thảo, vì lối cư xử thành thật và cởi mở này có giá trị to lớn như một chứng tá cho lương tâm của mọi người, và trước lịch sử. Cổ vũ, ủng hộ, chấp nhận các cuộc đối thoại, ở mọi cấp và bất kỳ lúc nào, là một quy luật của sự khôn ngoan và thận trọng, đem lại những ơn lành của trời và đất”.
Ngày hôm sau, thông điệp của Đức Giáo Hoàng xuất hiện trên các tờ báo trên khắp thế giới, trong đó có tờ Pravda (Sự thật), tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Liên Xô. Nhan đề trong bài báo là: "Chúng tôi xin tất cả các chính phủ đừng giả điếc với tiếng kêu than của nhân loại”.
Với lời nài xin của mình, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã cho thủ tướng Khrushchev một lối thoát trong danh dự. Bằng cách rút lui ngay lúc ấy, ông có thể được xem như là một con người của hòa bình, chứ không phải là một kẻ hèn nhát. Hai ngày sau, ông Khrushchev, một người vô thần, lãnh tụ của một đất nước luôn hăng máu hủy diệt tôn giáo, luôn cố gắng nuôi dưỡng một cuộc chiến tranh tuyên truyền không mệt mỏi chống Vatican, đã đồng ý rút các tên lửa. Đổi lại, Kennedy cũng đã bí mật đồng ý rút các tên lửa của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Có một việc công chúng thời đó ít người biết là vào ngày 23 tháng 9 năm 1962, chỉ một tháng trước khi khai mạc Công Đồng Vatican II và giúp thế giới thoát khỏi bờ vực chiến tranh, kết quả việc chụp X-quang cho Đức Thánh Cha Gioan XXIII biết là ngài bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Ngài biết là mình sắp từ giã cõi đời này. Trong lúc bi đát như thế, ngài vẫn tiếp tục cống hiến hết sức mình cho Giáo Hội và thế giới.
Ngài được Chúa gọi về ngày 3 tháng 6 năm 1963.
Những người thời đó đều lưu giữ một ký ức sống động về cảm xúc lan toả trong những ngày ấy. Quảng trường thánh Phêrô lúc đó trở thành một đền thánh ngoài trời, đón tiếp cả ngày lẫn đêm các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và thành phần xã hội, lo lắng và cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng. Toàn thể thế giới đã nhìn nhận Giáo Hoàng Gioan là một vị mục tử và một người cha của nhân loại. Điều gì đã làm nên con người ngài như thế? Làm thế nào mà ngài có thể chạm đến trái tim của của những con người quá khác biệt nhau như thế, thậm chí ngay cả những người không phải là Kitô hữu nữa?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể liên tưởng đến khẩu hiệu Giám mục của ngài: oboedienta et pax: vâng phục và bình an. "Những từ này," –Giám mục Roncalli đã ghi lại trước ngày thụ phong trong cuốn “Nhật Ký Một Linh hồn, tĩnh tâm để chuẩn bị thụ phong giám mục, 13-17 tháng 3 năm 1925”.
Bình an là khía cạnh rõ ràng nhất người ta dễ dàng nhận thấy nơi Đức Angelo Roncalli : bình an tự nhiên, thanh thản và thân ái. Đây rõ ràng là một nét đặc biệt về nhân cách của ngài, giúp ngài xây dựng tình huynh đệ bền chặt ở khắp mọi nơi, chẳng hạn trong thừa tác vụ là Đại Diện Tòa Thánh. Ngài đảm nhận cương vị này gần 3 thập niên, thường tiếp xúc với những môi trường và thế giới cách xa Thế Giới Công Giáo, nơi ngài được sinh ra và lớn lên. Chính trong những môi trường này mà ngài tỏ ra là người thợ dệt hữu hiệu các mối quan hệ và một người vô địch của tinh thần hiệp nhất, cả trong cộng đoàn Hội Thánh lẫn bên ngoài. Hơn thế nữa, ngài mở ra cuộc đối thoại với các Ki- hữu thuộc các Giáo Hội khác, với những người đại diện của Do thái giáo và thế giới Hồi giáo, và với nhiều người thiện chí khác.
Đức Giáo Hoàng Gioan đã chuyển ban bình an đến với những ai tiếp xúc với ngài bởi vì tâm hồn ngài chìm ngập trong bình an: ngài đã để cho Chúa Thánh Thần tạo nên bình an trong tâm hồn. Và tâm hồn ấy tràn ngập bình an là hoa trái của một công trình lâu dài và thách thức trên chính bản thân ngài, mà những dấu vết phong phú đã để lại trong cuốn “Nhật Ký của một Tâm Hồn”. Trong đó chúng ta có thể thấy Roncalli - người chủng sinh, linh mục, giám mục – bám chặt vào tiến trình tiệm tiến là thanh tẩy tâm hồn. Chúng ta thấy ngài, ngày qua ngày, nỗ lực nhận ra và loại trừ những ước muốn bắt nguồn từ tính ích kỷ của bản thân và biện phân những soi sáng của Chúa, để mình được hướng dẫn bởi những vị linh hướng khôn ngoan và được truyền cảm hứng từ những bậc thầy như thánh Phanxicô đệ Salê và thánh Carolo Boromeo. Đọc những bài viết đó, chúng ta thực sự thấy được một linh hồn đang được hình thành dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đang hoạt động trong Hội Thánh Người, trong các tâm hồn; chính Chúa Thánh Thần, cùng với những xu hướng tốt đó, đã đem lại bình an cho tâm hồn Roncalli.
Giờ đây chúng ta hãy đề cập đến với từ thứ hai và có tính quyết định, đó là từ: "Vâng phục". Cho dù bình an là nét bên ngoài, thì thiên hướng bên trong của Roncalli hệ tại là vâng phục. Quả thế, vâng phục là phương tiện để đạt được bình an.
Trước tiên, nó có một ý nghĩa rất đơn sơ và thực dụng: chu toàn trong Hội Thánh một việc phục vụ mà các bề trên của ngài yêu cầu, bằng cách không hề tìm kiếm bất kỳ điều gì cho bản thân, không trốn tránh bất kỳ điều gì được đòi hỏi, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải rời bỏ quê hương để đối diện với những thế giới mà mình không biết và sống nhiều năm ở những nơi có rất ít người Công Giáo và ở xa nhau. Đó là tinh thần sẵn sàng để được dẫn dắt như một đứa trẻ, tinh thần này đã tôi luyện đời hoạt động của ngài như một linh mục, như các bạn đã biết rất rõ; thư ký của Giám Mục Radini Tedeschi và đồng thời giáo sư và cha linh hướng trong đại chủng viện của giáo phận; Đại Diện Tòa Thánh ở Bungari, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Pháp; Thượng Phụ Giáo Chủ Venice và cuối cùng, Giám Mục Rôma. Tuy nhiên, qua sự vâng phục này, Roncalli, trong tư cách linh mục rồi Giám mục, cũng đã sống một sự trung thành sâu xa, mà ta có thể gọi là, như ngài đã từng nói, sự phó thác vào Thiên Chúa Quan Phòng. Ngài luôn nhìn nhận trong đức tin rằng qua lối sống theo cách này, dường như được dẫn dắt bởi người khác chứ không theo sở thích hoặc dựa trên sự nhạy cảm thiêng liêng của chính mình, Thiên Chúa đang phác hoạ một kế hoạch của riêng Người. Ngài là con người quản trị, người lãnh đạo. Nhưng ngài là một nhà lãnh đạo được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, bởi sự vâng phục.
Qua sự phó thác hàng ngày cho thánh ý Chúa, Giáo Hoàng Gioan tương lai đã sống ngày càng sâu xa hơn một cuộc thanh tẩy cho phép ngài hoàn toàn từ bỏ chính mình và bám chặt vào Đức Kitô. Chính theo cách này mà ngài làm cho sự thánh thiện toả sáng, sự thánh thiện mà Hội Thánh sau này đã chính thức nhìn nhận. Đức Giêsu nói với chúng ta: "Bất cứ ai mất mạng sống mình vì thầy thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9, 24) Đây là nguồn mạch đích thực của sự tốt lành của Đức Giáo Hoàng Gioan, của sự bình an mà ngài đã gieo vãi trên khắp thế giới. Chính nơi đây mà cội rễ của sự thánh thiện của ngài được tìm thấy: trong sự vâng phục theo tin mừng của ngài.
Đó là bài học cho mỗi một người chúng ta, nhưng cũng cho Hội Thánh trong thời đại chúng ta: Nếu chúng ta để mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta có thể chết đi cho tính ích kỷ để dọn chỗ cho tình yêu Chúa và Thánh ý Người, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an, chúng ta sẽ là những người xây dựng bình an và sẽ lan toả bình an chung quanh chúng ta. Nửa thế kỷ sau cái chết của ngài, sự hướng dẫn khôn ngoan và đầy tình phụ tử của Đức Giáo Hoàng Gioan, tình yêu của ngài đối với truyền thống của Hội Thánh và ý thức về nhu cầu đổi mới không ngừng, trực giác tiên tri khi triệu tập công đồng Vatican II và sự dâng hiến cuộc sống của ngài cho sự thành công của công đồng, có giá trị như là cột mốc trong lịch sử Hội Thánh của thế kỷ hai mươi; và như là ngọn đuốc sáng cho hành trình đi về phía trước.