Tuần cửu nhật bắt đầu ngày hôm nay 16/6/18 và kết thúc ngày 25 tháng 6, đó cũng là ngày đỉnh điểm cuả tuần cửu nhật, với chủ đề “Ngày cầu nguyện cho sự thống nhất trong hòa bình của nhân dân Hàn Quốc”.
Các giám mục Hàn Quốc đã từng thực hiện nhiều sự kiện như thế để cầu nguyện cho sự hòa giải và thống nhất của bán đảo Triều Tiên. Theo Đức Tổng Giám Mục Kim Hee-joong ở Gwangju, người Công Giáo Hàn Quốc đã dùng ngày 25 tháng 6 hằng năm là một ngày cầu nguyện cho bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1965.
Tuần cửu nhật đầu tiên dành cho việc hòa giải và đoàn kết của Hàn Quốc đã được tổ chức vào tháng 6 năm 1993, khi Bắc Triều Tiên bắt đầu rơi vào nạn đói triền miên. Đó là kết quả cuả một nên kinh tế cộng sản phụ thuộc nặng nề vào Liên Xô đã bị xụp đổ. Theo ước tính của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, thì có khoảng từ 500.000 đến 600.000 người đã chết vì đói ở Bắc Triều Tiên từ năm 1993 đến năm 2000.
Tuần cửu nhật là một thời gian chín ngày liên tiếp để cầu nguyện cho một ý định cụ thể nào đó, thí dụ như xin một vị thánh ban ơn lành. Đó là một mô hình dựa theo sự việc các thánh tông đồ đã cầu nguyện chín ngày trong khoảng thời gian giữa lễ thăng thiên của Chúa Giêsu và Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Linh.
Chín ý chỉ cầu nguyện cuả giáo hội Hàn quốc trong dịp này cũng phản ảnh 9 vấn đề mà bán đảo Triều Tiên đang phải đối mặt.
Ngày 17 tháng 6: Cầu nguyện cho việc chữa lành của một quốc gia bị chia cắt.
Gần 3 triệu người Hàn Quốc đã chết trong cuộc chiến tàn bạo từ năm 1950 đến năm 1953, tương đương với 10% dân số. Nhưng về mặt kỹ thuật thì bán đaỏ Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh dù đã 65 năm sau khi bản đình chiến được ký năm 1953.
Kể từ khi phân chia dọc theo vĩ tuyến 38, Bắc và Nam đã phân hóa đáng kể về mặt kinh tế và văn hóa.
Vào ngày 27 tháng 4 năm nay, hai nhà lãnh đạo hai miền đã ký Tuyên bố Panmunjom, trong đó họ cam kết tiếp tục các cuộc họp trong tương lai với mục tiêu chính thức chấm dứt Chiến tranh.
Ngày 18 tháng 6: Cầu nguyện cho các gia đình bị chia ly.
Hàng trăm ngàn người đã bị chia ly ở 2 bên vĩ tuyến. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, thì hơn một nửa số người Hàn Quốc bị chia ly đã không còn sống nữa, những người còn sống thì đã rất già, tuổi trung bình là 81.
Chính phủ Bắc và Nam Triều Tiên đôi khi đã tổ chức các cuộc họp mặt đầy nước mắt cho các gia đình bị chia ly. Tại một cuộc hội ngộ vào năm 2015 , một người vợ 85 tuổi đã đoàn tụ với người chồng mà bà đã không được gặp sau 65 năm. Họ chỉ có 12 giờ ở bên nhau trước khi phải quay trở lại quốc gia của họ.
Ngày 19 tháng 6: Cầu nguyện cho các anh chị em Bắc Triều Tiên
Có 25 triệu người sống ở Bắc Triều Tiên, là một đất nước có một trong những hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Một cuộc điều tra của LHQ năm 2014 đã đưa ra một báo cáo dầy 372 trang về các tội ác chống lại nhân loại, bao gồm xử tử, bắt làm nô lệ, tra tấn, giam cầm, cưỡng bức phá thai và cố ý kéo dài nạn đói .
Hiện tại có từ 80.000 đến 120.000 người bị giam trong sáu trại tù chính trị ở Bắc Triều Tiên, trong đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tìm thấy nhiều bằng chứng về nạn đói, lao động cưỡng bức và tra tấn.
Ngày 20 tháng 6: Cầu nguyện cho những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên
Hiện có 31.530 người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên đang sống ở Hàn Quốc. Gần như tất cả những người đào thoát đã băng qua biên giới phía bắc để đi vào Trung Quốc trước khi bắt đầu một cuộc hành trình nguy hiểm khác để thoát ra khỏi Trung Quốc, những người trốn tránh nếu bị phát hiện trên đất Trung Quốc sẽ bị hồi hương. Nhiều phụ nữ tị nạn đã phải buôn bán tình dục ở Trung Quốc.
Căn bệnh PTSD (biến chứng tâm não) là phổ biến ở những người Bắc Triều Tiên sống sót, và họ phải đấu tranh rất nhiều để thích nghi với cuộc sống ở miền Nam, nơi họ thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Giáo Hội Công Giáo đã và vẫn làm việc với nhiều người đào thoát Bắc Triều Tiên để giúp họ thích nghi với xã hội Hàn Quốc.
Ngày 21 tháng 6: Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc
Trở thánh lãnh tụ của Bắc Triều Tiên vào năm 2011, ông Kim Kim Jong Un đã tạo ra lịch sử vào năm 2018 sau khi bước qua lằn biên ranh giới quân sự để gặp Tổng thống Moon Jae-In vào tháng Tư và sau đó, ông trở thành nhà lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ hồi tháng Sáu. Các giám mục Hàn Quốc đã xin cầu nguyện cho ông Kim sẵn sàng thay đổi Bắc Triều Tiên.
Ông Moon Jae-In đắc cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5 năm 2017 sau khi người tiền nhiệm của ông bị truy tố về tội tham nhũng. Ông Moon là người Công Giáo, cựu luật sư nhân quyền, và là con của những người tị nạn đến từ Bắc Triều Tiên. Ông đặt ưu tiên ngoại giao vào sự tìm kiếm hòa bình với miền bắc, ngay cả trong những thời điểm căng thẳng.
Ngày 22 tháng 6: Cầu nguyện cho việc phúc âm hóa Bắc Triều Tiên
Theo Hội đồng Giám mục Hàn Quốc thì vào năm 1945, có khoảng 50.000 người Công Giáo tại các giáo xứ ở Bắc Triều Tiên, và số các tín hữu Tin Lành thì hơn gấp đôi số đó. Trước Chiến tranh, Bình Nhưỡng đã từng được gọi là "Jerusalem của phương Đông" và được coi là một trung tâm Kitô giáo ở Đông Bắc Á.
Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, thì hầu hết các linh mục ở Bắc Triều Tiên bị bắt, bị giết, hoặc biến mất. Quá trình phong chân phước đã bắt đầu cho 40 tu sĩ và nữ tu của Tu viện Tokwon Benedictine , đã bị Cộng sản giết đi.
Vào năm 1988, một "Hiệp hội Công Giáo Hàn Quốc" đã được chính phủ Cộng sản tạo ra và đã đăng ký 800 thành viên. Hiệp hội này không được Vatican công nhận, nhưng có một trong ba nhà thờ do nhà nước bảo trợ và hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Cộng sản.
Thánh lễ thỉnh thoảng được tổ chức tại Nhà thờ Changchung ở Bình Nhưỡng khi có một linh mục nước ngoài đi du lịch qua, vào các ngày Chúa Nhật, phụng vụ được cử hành bởi một cư sĩ do nhà nước bổ nhiệm.
Sự đàn áp Kitô hữu ở Bắc Triều Tiên thì tồi tệ hơn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, theo bảng Theo dõi của Open Doors, người ta ước tính rằng có thể có tới 300.000 Kitô hữu đang thực hành đức tin “chui” ở Bắc Triều Tiên. Các Kitô hữu bị “lật tẩy” thì sẽ bị bắt giữ, cải tạo trong trại lao động, hoặc, trong một số trường hợp, bị hành quyết vì đức tin.
Nhiều linh mục và mục sư đã lén đi vào Bắc Triều Tiên với hy vọng bí mật truyền giáo và nhiều người đã bị bắt, nhưng các tổ chức Kitô giáo ở Seoul tiếp tục phát thanh Tin Mừng qua miền Bắc với hy vọng rằng ai đó sẽ có thể bắt được làn sóng phát thanh.
Ngày 23 tháng 6: Cầu nguyện cho các cuộc giao lưu giữa Bắc và Nam Hàn
Một phần của Tuyên bố Panmunjom là cam kết trao đổi hợp tác nhiều hơn giữa hai nước. Trong quá khứ, những trao đổi này vừa mang tính văn hóa vừa kinh tế. Chủ đề hàng năm của các giám mục Hàn Quốc, họp vào ngày 21 tháng 6 tại Đại học Công Giáo Daegu, sẽ là xem xét sự trao đổi và hợp tác giữa 2 nước Hàn Quốc trong tương lai.
Vào ngày 13 tháng 6, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một chương trình trao đổi chính thức giữa 2 trường đại học hàng đầu của hai nước là Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Kim Il Sung.
Ngày 24 tháng 6: Cầu nguyện cho sự hòa giải thực sự giữa hai miền Bắc Nam
"Hòa giải" là một từ mà các giám mục Hàn Quốc thường xuyên sử dụng khi thảo luận về Bắc Triều Tiên. "Cho đến khi hòa bình được thiết lập vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên và những người bị chia ly được đoàn tụ, thì Giáo Hội Công Giáo tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm một hiệp ước để hòa giải và đoàn kết giữa các người dân Hàn Quốc", theo lời Đức Tổng Giám Mục Hee-joong.
Kể từ khi phân chia, hai quốc gia đã tập trung các lời tuyên truyền vào việc phỉ báng lẫn nhau. Lời kinh trong tuần Cửu Nhật bao gồm những dòng này, "Xin hãy tha thứ cho chúng tôi vì đã vu khống và đấu chọi lẫn nhau và xin hãy chữa lành những vết thương chia rẽ, xin ban cho chúng tôi ân sủng hòa giải."
Ngày 25 tháng 6: Cầu nguyện cho sự thống nhất trong hòa bình của người dân Hàn Quốc
Đối với nhiều Kitô hữu Hàn Quốc, sự thống nhất hòa bình của bán đảo Triều Tiên là mục tiêu tối hậu. "Cũng giống như giáo hội ở Đức đóng một vai trò quan trọng trong việc thống nhất Đông và Tây Đức, giáo hội Hàn Quốc sẽ nâng cao tiếng nói của mình cho hòa bình của hai miền Triều Tiên", theo lời cha Timothy Lee Eun-hyeong, thư ký của Ủy ban giám mục cho sự hòa giải của người dân Hàn Quốc.
"Quốc gia Hàn Quốc là biểu tượng của một thế giới bị chia rẽ và chưa thể trở thành một thế giới hòa bình và công bằng", Thánh Gioan Phaolô II đã từng nói về chuyến tông du đến Hàn Quốc vào năm 1989, "nhưng vẫn có một con đường phía trước. Hòa bình thực sự - shalom mà thế giới đang cần có một cách khẩn trương- luôn được thúc đẩy từ một tình yêu bí ẩn và vô cùng phong phú cuả Thượng Đế. ”
Thánh Gioan Phaolô II tiếp tục, “Là những Kitô hữu, chúng ta tin rằng Đấng Kitô phục sinh đã mang lại sức mạnh của sự sống và mang lại tình yêu vượt qua tất cả mọi sự dữ và mọi sự phân ly.”