ĐỢI ĐỂ BỔ SỨC
“Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”.

Một cậu bé thường xuyên đi học về muộn; ngày kia, nó về muộn hơn bao giờ hết. Bà mẹ gặp cậu ở cửa, không nói nửa lời. Bữa ăn tối hôm đó, cậu bé nhìn vào đĩa của mình: một lát bánh mì và một cốc nước; nhìn sang đĩa của bố và em gái, đầy ắp… rồi nó lại nhìn bố, nhưng bố vẫn im lặng. Cậu bé đã bị nghiền nát! Đợi cho im lặng hoàn toàn chìm sâu vào trong, người cha lặng lẽ lấy đĩa của con trai, đặt trước mặt mình; lấy đĩa đầy thịt và khoai tây của mình, đặt trước mặt cậu bé… và ông mỉm cười với nó. Khi cậu bé trở thành một người đàn ông, anh ấy nói, “Cả đời tôi, tôi biết Thiên Chúa là như thế nào qua những gì cha tôi đã làm vào đêm hôm ấy; thì ra, Ngài đợi tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ, khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy, Thiên Chúa còn là Đấng đợi chờ! Ngài nhẫn nại với con người, sẵn sàng ‘đợi để bổ sức’ cho nó. Hôm nay, Ngài nói với Giêđêôn, “Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”; Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”.

Từ lịch sử, Israel trải nghiệm, Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa kiên nhẫn, đợi chờ và canh thức vì họ. Cụ thể, sách Thủ Lãnh hôm nay mở đầu thế này, “Trong những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới cây sồi ở đất Êphra”, Ngài ngồi đợi Giêđêôn đó! Thiên thần nói với Giêđêôn, Chúa sai ông đi giải thoát Israel khỏi tay Mađian; Giêđêôn dể ngươi, “Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel?”; Chúa bảo, “Ta sẽ ở với ngươi!”. Giêđêôn liều lĩnh xin một dấu để chứng tỏ chính Chúa phán dạy ông; Chúa nói, cứ việc, “Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”. Và Chúa cho lửa từ khối đá thiêu rụi của lễ ông dâng; ông khiếp sợ vâng lĩnh thánh ý Ngài và gọi nơi ấy là “Bình An của Chúa”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Ngài!”.

Với bài Tin Mừng, các môn đệ sững sờ khi nghe Chúa Giêsu nói, “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời!”; họ thốt lên, “Vậy thì ai có thể được cứu độ?”. Chúa Giêsu nói, “Đối với loài người thì không thể; nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”.
Theo một truyền thống, “lỗ kim” được dùng để chỉ một cánh cổng trong tường thành Giêrusalem. Ban ngày, một cánh cổng lớn mở ra để lạc đà đi qua dễ dàng; nhưng ban đêm, một cánh cổng lớn hơn bị đóng lại, và chỉ có một khe hở nhỏ ở giữa cánh cổng, cho phép mọi người đi qua. Như vậy, lạc đà không thể đi qua khe hở nhỏ hơn đó, trừ khi nó khuỵu gối xuống, rồi trườn qua. Với hình ảnh này, thánh Anselmô nói, “Người giàu không thể đi vào đường hẹp dẫn đến sự sống, cho đến khi người ấy trút bỏ được gánh nặng tội lỗi và sức nặng của sự giàu có; nghĩa là, bằng cách ngừng yêu chính mình!”. Vì vậy, có thể nào một con lạc đà đi vào qua “lỗ kim” mà không tháo cởi và khuỵu gối, cũng như một người giàu làm sao vào được thiên đàng? Đúng! Chỉ với điều kiện, bằng sức mạnh của Thiên Chúa, họ quỳ gối, hạ mình và loại bỏ ‘hành trang’ cồng kềnh trĩu nặng. Thánh Gioan Thánh Giá hiểu rất rõ điều này; ngài nói, “Để đạt được sở hữu mà bạn không có, bạn phải đi bằng con đường mà bạn không sở hữu!”.

Sự giàu có là một trở ngại để con người tiến về phía trước khi nó quá gắn bó với vật chất, đến nỗi không còn chỗ cho Thiên Chúa. Như một người leo núi thiêng liêng, linh hồn phải thanh thoát! Một chiếc thuyền quá tải sẽ chìm, không phải vì nó không có khả năng nổi, nhưng vì trọng lượng của nó lớn hơn sức chở của nó. Chúng ta chỉ có thể đến với Thiên Chúa khi trở nên trống rỗng, và để cho ân sủng Ngài ngập tràn lòng mình. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”, và Ngài cũng từng nói, “Tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”. Phải! Ngài đang ‘đợi để bổ sức’ cho chúng ta.

Anh Chị em,

Kinh nghiệm bởi tình yêu của cha mình, cậu bé trong câu chuyện đã thốt lên, “Thiên Chúa đợi tôi!”. Ngài đợi tôi để đổi chiếc đĩa trống rỗng gây ra bởi tội lỗi thành chiếc đĩa đầy ân sủng! Ngài đợi tôi để vun đắp niềm tin còm cõi nơi tôi như đã vun đắp cho Giêđêôn. Hôm nay, Chúa Giêsu đang ‘đợi để bổ sức’ cho chúng ta! Thánh Thể Ngài không chỉ là ‘lương thực nuôi hồn’ nhưng còn là ‘linh dược chữa hồn’, cả khi chúng ta không thể đến được với Ngài trong những ngày dịch bệnh. Ngài đợi để tăng sức cho chúng ta, vì Ngài biết chúng ta đã chồn chân mỏi gối, sức hơi đã mỏn! Vấn đề là chúng ta có biết khuỵu gối, quỳ xuống để van vỉ Ngài hết lòng không? Cầu nguyện không chỉ là thờ lạy, chiêm ngắm hoặc van xin; nhưng còn là để cho mình được tẩy rửa, tháo cởi những ràng buộc tục luỵ, những ‘hành trang’ cồng kềnh trĩu nặng … để có thể quỳ mọp và trườn tới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con thấy được giá trị của những kho tàng ân sủng và lòng thương xót của Chúa; cho con biết rằng, Ngài đang ‘đợi để bổ sức’ cho con”, Amen.

(Tgp. Huế)