CN 26 B
“Nguyên Tắc Cởi Mở”
Công đồng Vatican II đã mở ra cho Giáo hội một cái nhìn mới về mối tương quan giữa người Công Giáo với những anh chị em Tin Lành và cả những người thuộc các tôn giáo khác nữa.Những văn kiện của Công đồng, đặc biệt là sắc lệnh Đại kết (Unitatis redintegratio) và tuyên ngôn Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra aetate), đã giúp chúng ta nhìn anh chị em ngoài Giáo Hội với thái độ cởi mở, thân thiện và đoàn kết hơn. Công đồng đã đưa chúng ta trở về nguồn cội của bình an và hòa thuận là Thần Khí của Thiên Chúa và tinh thần của Chúa Giêsu, như được diễn tả trong bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay.
Bài đọc 1 kể chuyện, thời ông Môsê dẫn dân Ítraen ra khỏi Aicập. Thiên Chúa đã lấy một phần Thần Khí Người ban cho ông Môsê để chia sẻ cho các kỳ mục. Có hai kỳ mục tên là Enđát và Mêđát không có mặt tại Lều hội ngộ lúc Thần Khí xuống trên bảy mươi kỳ mục kia, nhưng Thần Khí vẫn ngự xuống trên hai ông đang khi họ ở trong trại. Được đầy Thần Khí, hai ông bắt đầu nói tiên tri trong trại. Người ta báo cáo việc này cho ông Môsê và ông Giôsuê còn lên tiếng xin ông Môsê hãy ngăn cản hai kỳ mục kia. Ông khuyên họ hãy nhận biết đó là việc Thiên Chúa làm và việc hai kỳ mục thi hành tác vụ ngôn sứ là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Bản thân ông Môsê không coi việc Thiên Chúa “lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục” là một sự thiệt hại cho ông. Trái lại, ông còn vui mừng ước mong Thần Khí không những xuống trên ông và các kỳ mục, mà còn xuống “trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ nữa”. Đối với ông, hai kỳ mục kia đã làm công việc của Thiên Chúa,vì thế ông không được “ngăn cản” họ chỉ vì họ không cùng có mặt với ông và bảy mươi kỳ mục khác. Đúng như Chúa Giêsu sẽ nói sau này: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Bài Tin Mừng thuật chuyện, khi thấy một số người mặc dù không thuộc nhóm các môn đệ của Chúa Giêsu mà lại ra tay trừ quỷ, ông Gioan tìm mọi cách để cản ngăn. Ông hãnh diện về việc này và kể công với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cấm, vì người ấy không theo chúng ta”. Ông Gioan đã cùng với các bạn cố “ngăn cản” người nhân danh Chúa mà trừ quỷ, vì người ấy “không theo chúng ta”. Ông Gioan và các bạn tông đồ không muốn nhìn nhận tác vụ trừ quỷ của người kia chỉ vì người ấy không cùng phe với họ. Các ông quên mất rằng việc trừ quỷ là do Thiên Chúa đã ban đặc ân cho người trừ quỷ. Chúa Giêsu đưa ra một Nguyên tắc cởi mở: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan). “Chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn sinh: bất cứ ai làm công việc của Thiên Chúa thì đương nhiên là “theo chúng ta” rồi! Làm công việc của Thiên Chúa không lệ thuộc vào phe nhóm hoặc nhờ cái nhãn hiệu. Trừ quỷ là nhờ “dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ” (Mt 12,28), chứ đâu phải dựa vào phe nhóm. Tinh thần phe nhóm là khí giới ma quỷ sử dụng thường xuyên nhất để tạo nên ganh ghét hận thù.
Chứng kiến điều kỳ diệu, đó là Danh Thầy Giêsu được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh Thầy Giêsu có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì “người ấy không theo chúng ta”. “Không theo chúng ta”, nhưng họ đang làm việc trừ quỷ, tức là họ đang làm được những việc tốt lành, việc thiện. Mà mọi điều tốt lành phải từ Thiên Chúa mà đến. “Họ không theo chúng ta”, nhưng họ đều được Thiên Chúa tạo dựng và có quyền gọi Thiên Chúa là cha như “ chúng ta”. Chúa cũng muốn các tông đồ bao dung tha thứ. “Họ đã lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ”, cho dù chưa được sự cho phép của Chúa Giêsu, nhưng chứng tỏ Danh Chúa đã được họ tôn trọng yêu mến. Điều đó chứng tỏ họ cũng được Thiên Chúa trao cho bổn phận loan báo hồng ân cứu độ nơi Chúa Giêsu một cách nào đó.Do vậy “chúng ta” không được phép ngăn cản, ghen tị hay tự đắc độc quyền với việc loan báo hồng ân ấy.
Ngày nay người ta lên án mọi hình thức độc quyền: độc quyền về điện nước, xăng dầu, sách giáo khoa... Những thứ độc quyền này đã và đang làm suy yếu nền kinh tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác nữa. Trong đời sống tôn giáo, cũng có một thứ độc quyền mà Chúa Giêsu mạnh mẽ đả phá, đó là độc quyền về ơn sủng, độc quyền làm điều thiện.Đàng sau sự độc quyền là lòng kiêu căng, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng sợ mà lịch sử cho thấy qua những cuộc chiến tranh, đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác…
“Nguyên Tắc Cởi Mở”của Chúa Giêsu là việc tốt, việc thiện, việc lành do bất cứ ai làm nhân danh Ngài đều có giá trị.Hơn thế nữa, một việc tốt, việc lành, nhất là việc phục vụ anh chị em đồng loại, dù nhỏ bé tầm thường đến mấy vẫn không mất công phúc: “Thầy bảo thật anh em, ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41). Ta có thể cho nhiều hay cho ít, điều đó không quan trọng. Ðiều quan trọng là ta đã cho “như thế nào”, bao nhiêu tình yêu mến được đặt vào nghĩa cử mà ta làm cho người khác. Ðôi khi chỉ cần cho một chén nước lã mà lại được ghi công. “Cho một chén nước lã” là một cử chỉ tầm thường, nhỏ bé, song lại lớn lao trước mắt Thiên Chúa khi được thực hiện nhân danh Người, khi thực hiện với tình thương. Giá trị của nó còn nằm ở chỗ : “Làm cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa” (Mt 25,40).
Những người sống “Nguyên Tắc Cởi Mở” thì sẵn sàng đón nhận những khác biệt, nhất là những khác biệt có thể mang lại ích lợi chung. Điều này càng đúng cho thời đại hôm nay, vì thế giới ngày càng đa cực, đa diện hơn trong cách ứng xử, tiếp cận chân lý. Đừng sợ sự khác biệt, hãy bao dung đón nhận những người không thuộc phe nhóm với mình, nhưng cùng hoạt động cho thiện ích chung của xã hội, Giáo hội. Chúng ta hãy tỉnh táo phân định xem mục tiêu của công việc, những phương thế để đạt mục tiêu, ngõ hầu cùng hợp tác làm việc chung. Không nên vội vàng hấp tấp loại trừ họ chỉ vì họ không phải “phe ta”! Dấu chỉ để nhận ra bàn tay của Thánh Thần thúc đẩy là sự hiệp nhất, yêu thương và xây dựng. Phá đổ, nói xấu, dèm pha, ngăn cản điều tốt là do ma quỷ. Việc của ma quỷ đôi khi đội lốt đạo đức, đó là khi người ta lấy Danh Chúa mà cản trở việc tốt của anh em.
Người Công Giáo chúng ta đang sống trong một xã hội đa tôn giáo, nên cần phải loại bỏ tinh thần độc tôn, không nên nghĩ rằng chỉ có người trong đạo mình mới làm được những việc tốt đẹp, rồi đánh giá thấp những công việc tích cực của anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Thật ra, Chúa không chỉ muốn những người Công Giáo làm việc tốt, mà Chúa còn muốn cho tất cả mọi người đều làm việc tốt, để nhân loại được hưởng nhờ, vì thực thi việc tốt là bổn phận không của riêng ai. Hãy loại bỏ tinh thần độc tôn, đừng cho rằng Đoàn Thể của mình là quan trọng nhất, đừng nghĩ rằng chỉ có Nhóm của mình là có đặc ân tối ưu, rồi xem thường những người không “cùng hội cùng thuyền” với mình. Bởi lẽ, trong việc nên thánh, không ai có thể nên thánh một mình, cũng không ai được độc quyền khi nên hoàn thiện.
Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Nước Thiên Chúa được loan báo đến cho mọi người. Trong một thế giới đa nguyên về ý thức hệ, văn hóa và tôn giáo, sống tinh thần bao dung của Chúa Kitô thật quan trọng. Thay vì loại trừ người khác chỉ vì họ không thuộc về nhóm của mình, chúng ta được mời gọi để nhận ra trong thế giới đầy dẫy khác biệt này vẫn có đông đảo những người đứng về phía sự thật, họ là những người ủng hộ Chúa Kitô bởi vì họ không chống lại Ngài.
Khi thường nhìn người khác một cách nghi kỵ và khắt khe: “Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”, nếp sống của con người trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan với “Nguyên Tắc Cởi Mở”: Ai không chống đối các con là ủng hộ các con. Chắc chắn với cái nhìn này đời chúng ta sẽ vui tươi hơn và sẽ làm việc thoải mái hơn.