CHIỀU KÍCH VÔ CÙNG
“Các dân nước sẽ đổ về đó!”.
Trong cuốn “The Fight”, “Cuộc Chiến”, John White viết, “Một nhân chứng tốt, khác với một người bán hàng; người ta nhấn mạnh vào một con người hơn là một sản phẩm! Người ấy như một bảng chỉ dẫn; không quan trọng già, trẻ, đẹp, xấu; chỉ cần nó chỉ đúng hướng và dễ hiểu. Là nhân chứng của Chúa Kitô, chúng ta phải sống làm sao để chỉ được ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mùa Vọng, mùa gẫm suy ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi dân, mọi nước. Bàn tiệc Lời Chúa của Mùa Vọng cống hiến những món ăn tuyệt vời từ các bài đọc Cựu Ước, đặc biệt với ngôn sứ Isaia. Chẳng hạn hôm nay, Isaia và Matthêu mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đã đến giữa loài người, với tư cách một con người; ‘một chồi lộc Đavít’ được sinh ra trong khung cảnh tăm tối của Bêlem, rồi đây sẽ trở thành Ánh Sáng Muôn Dân!
Isaia nói đến “Núi nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, muôn dân nước sẽ đổ về đó”. Ở Cận Đông cổ đại, các ngọn núi được coi là nơi sinh sống của bậc thần linh. Isaia nghĩ đến núi nhà Chúa ở Giêrusalem, nơi ông nhìn thấy các dân tộc từ khắp nơi tuôn về để tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa. Mùa Vọng, mùa chúng ta nghĩ đến đền thờ của giao ước mới, Đền Thờ Giêsu; Ngài đã sống lại vinh quang “cao hơn những ngọn núi, vượt trên mọi ngọn đồi”. Nơi Đền Thờ Giêsu, qua nhiều thế kỷ, các quốc gia và các dân tộc với con số vô ngần đã tìm về. Trong những ngày đầu của Kitô giáo, nào ai có thể nghĩ rằng, một ngày nào đó, mối hiệp thông của nó sẽ lên tới con số ‘tỷ’ người, một con số không có trong bất kỳ từ vựng nào vào thời đó!
Sau khi các môn đệ của Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ Giêrusalem, Tin Mừng đã loan truyền đến mọi hang cùng ngõ hẻm, bất chấp mọi biên cương, vượt quá mọi lãnh thổ, đạt đến một ‘chiều kích vô cùng’, kể cả các tâm hồn. Và thật lạ lùng, Giêrusalem không còn là trung tâm thờ tự; vì ở đâu có các cộng đoàn Kitô hữu, ở đó có Đền Thờ, Đền Thờ chính là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Thông điệp được rao truyền là thông điệp yêu thương và hoà bình, “Họ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”, một thông điệp được lắng nghe nhưng cần được lắng nghe nhiều hơn nữa! Là Kitô hữu, chúng ta có rất nhiều việc phải làm để mang Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài cho bao người chưa nhận biết ơn cứu độ. Để làm điều đó cách hiệu quả, chúng ta cần đón nhận Ngài, mời Ngài vào nhà mình và rồi, cùng Ngài ra đi, đến với các tâm hồn; nói với họ như Isaia đã nói, “Hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa”; để cùng họ cất lên, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca!
Tin Mừng hôm nay nói đến việc mời Chúa Giêsu vào nhà của viên đại đội trưởng, một người thuộc dân ngoại, khi ông cầu xin Ngài chữa lành cho đứa đầy tớ. Trước niềm tin của ông, Chúa Giêsu sững sờ, “Nghe vậy, Ngài ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Ngài, “Quả thật, Tôi bảo các ông, Tôi không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Tôi cũng nói cho các ông biết, nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời””. Bữa tiệc Chúa Giêsu nói đến là bữa tiệc trong Vương Quốc của Cha, bữa tiệc mà thực khách đến từ phương đông, phương tây vốn sẽ nói lên ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ!
Anh Chị em,
“Nhân chứng như một bảng hướng dẫn, chỉ cần chỉ đúng hướng và dễ hiểu!”. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến, sống, và hoạt động giữa chúng ta, là thông điệp trọng tâm của lễ Giáng Sinh mà chúng ta phải chỉ cho người khác. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta coi lại sự hiện diện của Ngài trong trái tim mình! Bằng cách tự coi mình không xứng đáng, viên đại đội trưởng vô tình tỏ ra rất xứng đáng để Chúa Giêsu không chỉ đến nhà ông mà còn vào trong lòng ông; vì vào nhà mà không vào lòng cũng bằng không. Ngài đã từng vào nhà một người biệt phái kiêu hãnh, Simôn, nhưng chẳng có chỗ trong lòng ông. Như vậy, ngay khi có Ngài trong nhà, nếu không có chỗ cho Ngài trong lòng, Ngài cũng chẳng có lấy “một nơi để gối đầu!”. Thế nhưng, một khi đã đầy ắp Ngài, chúng ta được cứu độ, và ra đi đến mọi nơi, gặp mọi người, biến Nước Trời thành hiện thực.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để cách sống của con khiến Tin Mừng bị mai một; cho con trở thành chứng nhân, để khi nhìn vào con, mọi người nhìn thấy một ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Các dân nước sẽ đổ về đó!”.
Trong cuốn “The Fight”, “Cuộc Chiến”, John White viết, “Một nhân chứng tốt, khác với một người bán hàng; người ta nhấn mạnh vào một con người hơn là một sản phẩm! Người ấy như một bảng chỉ dẫn; không quan trọng già, trẻ, đẹp, xấu; chỉ cần nó chỉ đúng hướng và dễ hiểu. Là nhân chứng của Chúa Kitô, chúng ta phải sống làm sao để chỉ được ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mùa Vọng, mùa gẫm suy ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi dân, mọi nước. Bàn tiệc Lời Chúa của Mùa Vọng cống hiến những món ăn tuyệt vời từ các bài đọc Cựu Ước, đặc biệt với ngôn sứ Isaia. Chẳng hạn hôm nay, Isaia và Matthêu mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đã đến giữa loài người, với tư cách một con người; ‘một chồi lộc Đavít’ được sinh ra trong khung cảnh tăm tối của Bêlem, rồi đây sẽ trở thành Ánh Sáng Muôn Dân!
Isaia nói đến “Núi nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, muôn dân nước sẽ đổ về đó”. Ở Cận Đông cổ đại, các ngọn núi được coi là nơi sinh sống của bậc thần linh. Isaia nghĩ đến núi nhà Chúa ở Giêrusalem, nơi ông nhìn thấy các dân tộc từ khắp nơi tuôn về để tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa. Mùa Vọng, mùa chúng ta nghĩ đến đền thờ của giao ước mới, Đền Thờ Giêsu; Ngài đã sống lại vinh quang “cao hơn những ngọn núi, vượt trên mọi ngọn đồi”. Nơi Đền Thờ Giêsu, qua nhiều thế kỷ, các quốc gia và các dân tộc với con số vô ngần đã tìm về. Trong những ngày đầu của Kitô giáo, nào ai có thể nghĩ rằng, một ngày nào đó, mối hiệp thông của nó sẽ lên tới con số ‘tỷ’ người, một con số không có trong bất kỳ từ vựng nào vào thời đó!
Sau khi các môn đệ của Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ Giêrusalem, Tin Mừng đã loan truyền đến mọi hang cùng ngõ hẻm, bất chấp mọi biên cương, vượt quá mọi lãnh thổ, đạt đến một ‘chiều kích vô cùng’, kể cả các tâm hồn. Và thật lạ lùng, Giêrusalem không còn là trung tâm thờ tự; vì ở đâu có các cộng đoàn Kitô hữu, ở đó có Đền Thờ, Đền Thờ chính là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Thông điệp được rao truyền là thông điệp yêu thương và hoà bình, “Họ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”, một thông điệp được lắng nghe nhưng cần được lắng nghe nhiều hơn nữa! Là Kitô hữu, chúng ta có rất nhiều việc phải làm để mang Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài cho bao người chưa nhận biết ơn cứu độ. Để làm điều đó cách hiệu quả, chúng ta cần đón nhận Ngài, mời Ngài vào nhà mình và rồi, cùng Ngài ra đi, đến với các tâm hồn; nói với họ như Isaia đã nói, “Hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa”; để cùng họ cất lên, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca!
Tin Mừng hôm nay nói đến việc mời Chúa Giêsu vào nhà của viên đại đội trưởng, một người thuộc dân ngoại, khi ông cầu xin Ngài chữa lành cho đứa đầy tớ. Trước niềm tin của ông, Chúa Giêsu sững sờ, “Nghe vậy, Ngài ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Ngài, “Quả thật, Tôi bảo các ông, Tôi không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Tôi cũng nói cho các ông biết, nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời””. Bữa tiệc Chúa Giêsu nói đến là bữa tiệc trong Vương Quốc của Cha, bữa tiệc mà thực khách đến từ phương đông, phương tây vốn sẽ nói lên ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ!
Anh Chị em,
“Nhân chứng như một bảng hướng dẫn, chỉ cần chỉ đúng hướng và dễ hiểu!”. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến, sống, và hoạt động giữa chúng ta, là thông điệp trọng tâm của lễ Giáng Sinh mà chúng ta phải chỉ cho người khác. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta coi lại sự hiện diện của Ngài trong trái tim mình! Bằng cách tự coi mình không xứng đáng, viên đại đội trưởng vô tình tỏ ra rất xứng đáng để Chúa Giêsu không chỉ đến nhà ông mà còn vào trong lòng ông; vì vào nhà mà không vào lòng cũng bằng không. Ngài đã từng vào nhà một người biệt phái kiêu hãnh, Simôn, nhưng chẳng có chỗ trong lòng ông. Như vậy, ngay khi có Ngài trong nhà, nếu không có chỗ cho Ngài trong lòng, Ngài cũng chẳng có lấy “một nơi để gối đầu!”. Thế nhưng, một khi đã đầy ắp Ngài, chúng ta được cứu độ, và ra đi đến mọi nơi, gặp mọi người, biến Nước Trời thành hiện thực.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để cách sống của con khiến Tin Mừng bị mai một; cho con trở thành chứng nhân, để khi nhìn vào con, mọi người nhìn thấy một ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”, Amen.
(Tgp. Huế)