1. Tổng giám mục Dublin cảnh báo: 'Bệnh dịch ma túy đang hoành hành ngoài tầm kiểm soát',
Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell của tổng giáo phận Dublin cho biết thành phố này đang trải qua một cơn dịch ma túy hoành hành ngoài tầm kiểm soát. Đức Cha phàn nàn rằng, ngày nay ở Ái Nhĩ Lan, một số người bây giờ dùng ma túy cũng giống như uống rượu vậy. Ngài nói: “Việc 'bình thường hóa' văn hóa sử dụng ma túy ở Ái Nhĩ Lan là một vấn đề xã hội lớn.
Đức Cha nói: “Ngay giữa đại dịch coronavirus, một 'đại dịch' khác — đó là ma túy và bạo lực đã xảy ra. Nguyên nhân của đại dịch ma tuý mà chúng tôi đang gặp phải ở thành phố này, và rộng rãi hơn trên toàn quốc, rất phức tạp và sâu xa,” nhưng ông tin rằng “bệnh dịch ma túy hoành hành ngoài tầm kiểm soát, có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu tất cả chúng ta đều làm việc cùng nhau. “
Phát biểu trong một thánh lễ ở Nhà thờ St Andrews tại Westland Row, Đức Tổng Giám Mục nói rằng, “dựa trên thiện chí và nhiều nỗ lực tận tâm của các nhóm cộng đồng, chính phủ và các nhà lãnh đạo tôn giáo”, những nguyên nhân này có thể được giải quyết.
Giải pháp “không chỉ nằm ở việc ngăn chặn cơn lũ ma túy bất hợp pháp, triệt phá các băng đảng, đặc biệt là các băng đảng ma túy, trị an hiệu quả hơn, cải cách hệ thống tư pháp hình sự, đầu tư vào các khu vực có lịch sử khó khăn, mà đó còn là vấn đề về giáo dục”.
“Câu trả lời thực sự không chỉ là một chương trình ma túy tốt hơn, mà là sự sẵn sàng hành trình với những gia đình có các thành viên bị gài bẫy bởi những người bán ma túy, những người bán rong cái chết. Để đưa mọi người trở lại, chúng tôi cần phải đồng hành với họ.”
Chúng ta là “tất cả anh chị em gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu chúng ta đánh mất cảm giác liên kết với nhau, chúng ta cũng đánh mất lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và trách nhiệm đối với nhau”
Ngài nhấn mạnh rằng: “Có những người trong thành phố này, trong Nhà thờ, trong trường học, trong khu nhà và trong gia đình của chúng ta, những người cam kết chăm sóc những người bị ma túy làm hại. Họ nổi bật qua những nỗ lực phục vụ những người bị mắc vào vòng nghiện ngập”.
Chờ đợi, được đánh dấu bằng mùa Vọng, “đã tiến vào trung tâm cuộc sống của chúng ta theo những cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được cách đây hai năm ngắn ngủi: người dân khắp nơi chờ đợi các xét nghiệm Covid-19, và sau đó là chờ đợi kết quả. Giờ đây, nhiều người đang háo hức chờ đợi một mũi tăng cường Covid-19”.
Ngài nói thêm: “Có những người mắc bệnh nan y đang chờ đợi để từ giã cuộc sống này” và “có những gia đình chờ đợi sự lây lan của ma túy được xóa bỏ”.
Source:Irish Times
2. Các giám mục ủng hộ cuộc sống hàng đầu: Giáo Hội Công Giáo phải chuẩn bị nếu phán quyết Roe được lật ngược
Giáo Hội Công Giáo phải chuẩn bị hành động nếu Tối Cao Pháp Viện quyết định lật ngược vụ án Roe kiện Wade, hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc vào năm 1973. Tân Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nhận định như trên.
Tưởng cũng nên nhắc lại là sau khi Tổng thống Trump đã bổ nhiệm được hai Thẩm Phán phò sinh vào Tối Cao Pháp Viện là Thẩm Phán Neil Gorsuch và Thẩm Phán Brett Kavanaugh; bà Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg đột nhiên qua đời. Điều này tạo cho Tổng thống Trump cơ hội bổ nhiệm một Thẩm Phán thứ ba trong nhiệm kỳ của mình.
Với tỷ số nghẹt thở 52-48, ngày 26 tháng 10, năm ngoái, Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu xác nhận Thẩm Phán Amy Barrett vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Sau cuộc bỏ phiếu, một nghị quyết xác nhận chính thức được gửi tới Tòa Bạch Ốc để xin chữ ký của Tổng thống Trump. Cố nhiên, Tổng thống Trump ký ngay lập tức và tham dự lễ nghi nhậm chức của Thẩm Phán Amy Coney Barrett diễn ra tức khắc.
Barrett đã là vị Thẩm Phán Công Giáo thứ 6 trong số 9 Thẩm Phán tại Tối Cao Pháp Viện, cùng với Chánh án John Roberts và các Thẩm phán Thomas, Samuel Alito, Sonia Sotomayor, và Brett Kavanaugh.
Chiến thắng này tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ. Chính vì thế, theo Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của tổng giáo phận Baltimore, Tân Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của USCCB, cơ may Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ lật ngược phán quyết cho phép phá thai hồi năm 1973 là lớn hơn bao giờ hết. Nhiều người cho rằng nếu kỳ này mà không lật ngược được phán quyết Roe chống Wade thì chúng ta đành cam chịu.
Đức Tổng Giám Mục William Lori nói:
“Nếu phán quyết Roe bị lật ngược, vấn đề, theo tôi hiểu, sẽ được đưa về cho các tiểu bang quyết định và phản ứng của các tiểu bang sẽ không đồng đều. Bất kể thế nào, Giáo hội vẫn phải ở đó và phải tiếp tục giảng dạy một cách thanh thản, vững chắc, nhất quán và đầy yêu thương.”
Đức Cha Lori đã cho biết như trên trong cuộc họp mùa thu hàng năm của USCCB được tổ chức tại Baltimore. Bình luận của ngài được đưa ra khi Tòa án Tối cao chuẩn bị xét xử các tranh luận trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, một vụ án liên quan đến luật của tiểu bang Mississippi hạn chế hầu hết các ca phá thai sau 15 tuần. Vụ án này thách thức hai vụ án mang tính bước ngoặt: Roe kiện Wade, là vụ án năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai và vụ Planned Parenthood kiện Casey, vào năm 1992.
Nếu phán quyết Roe bị lật ngược, Đức Tổng Giám Mục Lori hình dung rằng một số tiểu bang sẽ phản ứng bằng cách gia tăng mạnh mẽ các chính sách gọi là “bảo vệ quyền phá thai”, trong khi những tiểu bang khác sẽ cấm phá thai gắt gao hơn.
Ngài nói: “Nếu có sự gia tăng của các bà mẹ phá thai, thì Giáo hội phải đứng lên và có mặt ở đó. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe của chúng ta phải mạnh mẽ hành động. Các tổ chức bác ái Công Giáo của chúng ta, các giáo xứ của chúng ta phải hành động”.
Bất kể điều gì xảy ra, “Nghĩa vụ nâng niu và nuôi dưỡng cuộc sống con người luôn là một phần trong chương trình của chúng ta.”
Khi được hỏi về kế hoạch của mình trong tư cách là Chủ tịch Ủy Ban Phò Sinh, Đức Tổng Giám Mục Lori nói với CNA rằng ưu tiên hàng đầu của bất kỳ của các uỷ ban nào của USCCB phải là loan báo Tin Mừng.
“Trong trường hợp này, đó là phúc âm của cuộc sống. Không có gì khác ngoài Phúc Âm của cuộc sống, Phúc Âm của sự sống phải chiến thắng tâm trí và trái tim của càng nhiều người càng tốt.”
Ngài nhấn mạnh rằng, đối với người Công Giáo, “những cách hỗ trợ văn hóa phò sinh là rất, rất dễ tiếp cận và rất nhiều”.
“Một điều quan trọng, điều tối quan trọng, là cầu nguyện. Nếu tất cả chúng ta quỳ xuống và cầu xin ân sủng để tạo ra một nền văn hóa sự sống và nền văn minh của tình yêu, như Thánh Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta làm, thì điều đó sẽ tạo nên một sự khác biệt”.
Ngài cũng khuyến khích người Công Giáo “nhìn xung quanh và quan sát kỹ những gì trong cộng đồng của anh chị em.”
Ngài nói thêm rằng ngay cả một việc nhỏ như gọi điện thoại cho ai đó bị chôn chân ở nhà vì bệnh tật hoặc tuổi tác cũng giúp nuôi dưỡng văn hóa cuộc sống.
“Con đường nhỏ, như Thánh Têrêxa đã chỉ cho chúng ta, thực sự là con đường lớn”
Source:Catholic News Agency
3. Giám mục Công Giáo 'sốc và đau buồn' khi Jersey bỏ phiếu ủng hộ trợ tử 'về nguyên tắc'
Một giám mục Công Giáo đã nói rằng ngài “bị sốc và đau buồn” trước một cuộc bỏ phiếu trên đảo Jersey trong eo biển Anh để chấp thuận việc tự sát được hỗ trợ “về nguyên tắc.”
Đức Cha Philip Egan của giáo phận Portsmouth, Anh quốc, bày tỏ sự thất vọng của ngài sau khi các thành viên quốc hội của hòn đảo, ủng hộ đề xuất tự sát được hỗ trợ với 36 phiếu thuận 10 phiếu chống, và ba phiếu trắng, vào ngày 25 tháng 11.
“Tôi bị sốc và đau buồn trước kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua về an tử và trợ tử ở Jersey”
“Nó cho thấy sự thiếu quan tâm đến việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta.”
Jersey là một hòn đảo với dân số ước tính khoảng 107,800 người gần bờ biển Tây Bắc nước Pháp. Jersey phụ thuộc vào Vương quốc Anh, nhưng không phải là một phần của Vương quốc Anh. Jersey có chính phủ và hệ thống pháp luật riêng.
Nếu hòn đảo thay đổi luật, Jersey sẽ là nơi đầu tiên ở Quần đảo Anh cho phép trợ tử.
Đề xuất sẽ cho phép các bác sĩ trợ tử cho những cư dân trưởng thành với “nguyện vọng tự nguyện, rõ ràng, quyết tâm và được thông báo đầy đủ, và muốn kết thúc cuộc sống của chính mình”.
Họ phải được chẩn đoán mắc một căn bệnh nan y “dự kiến sẽ dẫn đến đau khổ không thể chịu đựng được mà không có cơ may giảm bớt” và được đánh giá là chỉ còn sống được dưới sáu tháng, hoặc một tình trạng bệnh lý nan y dẫn đến “đau khổ không thể chịu đựng và không thể thuyên giảm”
Đức Cha Egan, có trụ sở tại Portsmouth, miền nam nước Anh, nhưng giám quản Giáo Hội Công Giáo ở Quần đảo Channel, nói rằng nếu đề xuất này trở thành luật, nó sẽ “thay đổi về cơ bản vai trò của các bác sĩ và nhân viên y tế”.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình hợp pháp hóa 'tự sát được hỗ trợ'; do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng và thách thức bất kỳ luật nào được đề xuất trong những tháng tới.”
Vào năm 2018, cơ quan lập pháp của Guernsey, một đảo khác trong eo biển Anh, đã bác bỏ đề xuất trợ tử, và được Đức Cha Egan khen ngợi.
Source:Catholic News Agency