TRAO TẶNG CHÍNH MÌNH
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”.
Trong cuốn “Closer Walk!”, tạm dịch, “Bước Tới Gần Hơn!”, tác giả viết, “Cuộc sống thật bi thảm đối với một người có quá nhiều thứ để sống, nhưng không biết sống cho ai, sống cho cái gì! Nói cách khác, người ấy không biết ‘trao tặng chính mình!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng cho thấy, Đấng mà chúng ta cần “Bước Tới Gần Hơn” đó chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn thành tín với giao ước; một Thiên Chúa luôn ‘trao tặng chính mình!’. Những ngày còn lại, Hội Thánh mời gọi chúng ta noi gương Mẹ Maria, ra đi và ‘trao tặng chính mình’ như Thiên Chúa đã trao tặng!
Với ngôn sứ Mikha, Thiên Chúa hứa ban cho dân Ngài một mục tử, “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel”; bên cạnh đó, Mikha còn nói đến một phụ nữ, “Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Người con được báo trước ấy là Giêsu Cứu Thế, Ngài sẽ là mục tử thực hiện những lời hứa cổ xưa, mở ra một thời đại hoà bình. Ngài là tư tế sẽ ‘trao tặng chính mình’ làm lễ dâng của giao ước mới như tác giả thư Do Thái, bài đọc hai nói đến, “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa!”; Ngài sẽ thi hành thánh ý đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá!
Tin Mừng hôm nay nói đến cuộc ra đi của Đức Maria, một phụ nữ, lòng đầy Chúa đi đến với gia đình Zacharia. Cuộc gặp gỡ của hai người mẹ, ‘một già, đại diện cho giao ước cũ; một trẻ, đại diện cho giao ước mới’ đưa chúng ta về các giao ước mà Thiên Chúa cam kết thực hiện. Mẹ Maria, biểu tượng cho giao ước mới, ‘trao tặng chính mình’ khi đến phục vụ người chị họ; qua đó, Mẹ trao tặng Giêsu. Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm những bước chân thật đẹp của tình người, nhưng cũng là những bước chân thật đẹp đầy tình Chúa.
Mô tả của Luca cho thấy cả hai phụ nữ này đều được chúc phúc rất nhiều khi họ đến với nhau. Mỗi người là nguồn ân phúc cho người kia! Elizabeth và Gioan, con bà, đã được chúc phúc bởi lời chào của Mẹ Maria; ngược lại, Elizabeth cũng là nguồn ân phúc cho Mẹ Chúa Giêsu. Khung cảnh cuộc gặp gỡ nhắc nhở chúng ta rằng, sự hiện diện của chúng ta cho nhau vào thời điểm dịch bệnh này thật quan trọng; và nó có một ý nghĩa sâu sắc hơn trong những ngày áp lễ Giáng Sinh. Những cuộc gặp gỡ của chúng ta không phải lúc nào cũng có chất lượng như cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và người chị họ. Tuy nhiên, thật tốt khi lưu ý về sự khác biệt mà chúng ta có thể tạo ra cho nhau bằng cách hiện diện với nhau; chúng ta đều có thể là người trao tặng Giêsu cho người khác khi mỗi người biết ‘trao tặng chính mình’.
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”. Ước gì mỗi người chúng ta sẽ là “Mẹ Chúa” cho người khác! Chúa có thể hoạt động mạnh mẽ qua mỗi người chúng ta để chúc phúc và ban ân sủng cho người khác. Nhờ phép Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành nguồn phúc lành của Thiên Chúa cho người khác, trở thành máng thông chuyển ân sủng Chúa cho người khác. Chúng ta làm điều đó với chất lượng hiện diện của Mẹ Maria; một sự hiện diện chu đáo, yêu thương, chấp nhận, kiên nhẫn và quan tâm.
Anh Chị em,
Mẹ Maria ra đi để hiện diện, đem niềm vui, và nhất là để phục vụ. Đây cũng là mục đích và cách thức Con Thiên Chúa đến với nhân loại. Ngài đến để ở cùng chúng ta, mang cho chúng ta niềm vui ơn cứu độ và phúc lộc từ trời. Mẹ Maria ra đi, mang theo Giêsu, khác nào một “Nhà Tạm” lưu động đầu tiên có mặt trên trần gian. Ngày nay, Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể tiếp tục ‘trao tặng chính mình’ cho chúng ta; Ngài không chỉ đến viếng thăm mà đã huỷ mình để nên máu huyết của chúng ta, hoà nhập với chúng ta, đến độ không còn là Ngài; ngõ hầu qua chúng ta, Chúa Giêsu tiếp tục trao tặng cho nhân loại này muôn ân phúc bởi trời. Điều này có nghĩa là, chúng ta phải trở nên những “Mẹ Chúa”, quà tặng cho tha nhân, cho những người gần gũi chúng ta nhất.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, lễ Giáng Sinh, lễ Chúa trao tặng phẩm vị thần linh cho nhân loại, xin dạy con trao tặng chính Chúa cho tha nhân khi con ‘trao tặng chính mình’ qua việc yêu thương và phục vụ”, Amen.
(Tgp. Huế)