RẤT ĐỖI ƯU ÁI
“Vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa”.
“Điều duy nhất nơi tôi khiến tôi hãnh diện, là tôi thấy nơi tôi chẳng có gì để hãnh diện!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi thấy nơi tôi chẳng có gì để hãnh diện!”. Lời của chị thánh Catherine Genoa đưa chúng ta về với kinh Magnificat của bà Anna, mẹ Samuel và của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu qua Lời Chúa hôm nay. Có thể nói, Magnificat, và toàn bộ lịch sử cứu độ, được tóm tắt trong cụm từ này, ‘rất đỗi ưu ái!’. “Ưu ái” là động cơ thực sự của Giáng Sinh; Thiên Chúa ưu ái con người!

Nhiều lần, chúng ta xem đời sống thiêng liêng của mình như một nỗ lực bản thân, để mỗi người có thể trở nên đẹp lòng Chúa; và từ đó, kéo xuống các ân phúc của Ngài. Điều này có nghĩa một cách nào đó, rằng, nên thánh là việc tự sức của chúng ta. Thực ra, không phải thế! Thiên Chúa không mắc nợ ai. Không bao giờ, Ngài buộc phải ban cho ai ân điển này, phúc lộc kia. Không! Chúng ta không xứng đáng với bất cứ ân tứ nào từ Ngài. Đời sống thiêng liêng của chúng ta cần được xem xét một cách trần trụi trước mặt Chúa như tình trạng thực sự của mỗi người, tình trạng của một tội nhân! Đặt những yếu đuối của mình trước sự toàn năng của Thiên Chúa, chúng ta nhìn nhận lòng từ tâm đầy ưu ái của Ngài; chính Ngài nâng chúng ta lên khỏi cảnh khốn cùng, nhận chúng ta làm con cái. Đây cũng là điều đã xảy ra với bà Anna và Mẹ Maria, “Vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa”. Từ đó, hai người phụ nữ được ưu ái này có thể cất lên, “Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Để chứng tỏ tình yêu Ngài dành cho chúng ta, Thiên Chúa đã hiến thân cho chúng ta; vì ‘rất đỗi ưu ái’, Ngài đã trở thành một trong chúng ta. Tình yêu khiến người ta tìm cách trở nên giống người mình yêu hơn. Làm sao Thiên Chúa có thể trở nên một tạo vật dấu yêu của Ngài hơn? Không cách nào khác, Ngài không chỉ chọn cách trở thành người, mà còn chia sẻ thân phận của người nghèo nhất trong số những người nghèo. Rất ít người, ngay cả trong những người cùng cực, phải sinh ra trong chuồng súc vật, chính xác là một máng lừa ăn. Dù giàu có, Ngài trở nên nghèo khó, để chúng ta giàu hơn. Những ngày Mùa Vọng còn lại, chúng ta cần tự hỏi, tôi đang làm gì để nên giống những người tôi yêu thương hơn; tôi đang làm gì để noi gương Chúa Kitô trong sự tự hiến của Ngài? Chúng ta đã học cách gạt bỏ những ý tưởng bất chợt và ảo tưởng sang một bên để làm điều đẹp lòng người phối ngẫu, con cái, cha mẹ, hoặc anh chị em trong cộng đoàn tu trì của mình chưa? Đây là những cách chuẩn bị cho bản thân đón mừng một lễ Giáng Sinh tràn đầy.

Anh Chị em,

“Tôi thấy nơi tôi chẳng có gì để hãnh diện!”. Không lẽ tôi lại hãnh diện về những hèn yếu tội lỗi của tôi? Điều tôi hãnh diện là những gì thuộc về Chúa. Phần còn lại của Magnificat là tôn vinh Thiên Chúa, ghi nhận những ân huệ Ngài ban, “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh”. Thực sự, có rất nhiều điều đáng để chúng ta biết ơn. Thách đố trong đời sống Kitô hữu là lưu tâm đến các phúc lành của Chúa và tìm cách tri ân Ngài, từ những của ăn phần xác đến tinh thần; từ Lời Chúa, các Bí tích, những con người, các thầy dạy, những gương sáng, một cuốn sách hay… Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Ngài bằng cách trở nên giống Chúa Giêsu. Được như thế, đến lượt mình, chúng ta cũng được những người khác gọi là “có phước”, bởi thái độ hiếu thảo của chúng ta đã mở ra cánh cửa cho Thiên Chúa bước vào; Ngài sẽ làm nhiều điều tốt lành hơn qua chúng ta. Nhờ đó, lòng thương xót của Thiên Chúa cũng có thể chạm đến tâm hồn những con người chúng ta phục vụ, và ân sủng Ngài cũng chạm được họ; hầu họ cũng có thể cảm nhận một Thiên Chúa “rất đỗi ưu ái”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để chuẩn bị tâm hồn cho Chúa Giáng Sinh, con mời Chúa bước vào ngôi nhà khiêm tốn của con. Xin đừng đi ngang qua mà không ban phước lành cho linh hồn tội nghiệp của con. Con cần sự ‘ưu ái’ của Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)