NGƯỜI TÌNH CỦA CHÚA
“Thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận!”.

Phillip Brooks nói, “Thánh Kinh như một viễn vọng kính. Người biết ‘nhìn xuyên qua’ viễn vọng kính của mình, sẽ nhìn thấy những thế giới bên ngoài; nhưng nếu chỉ ‘nhìn vào’ viễn vọng kính của mình, anh ta sẽ không nhìn thấy gì khác ngoài nó. Thánh Kinh, Lời tỏ tình của Chúa, là một thứ cần ‘nhìn xuyên qua’ để thấy bao điều mới lạ bên ngoài; nhưng hầu hết mọi người chỉ ‘nhìn vào’ nó, nên họ chỉ thấy đó là những bức thư chết; họ không phải là ‘người tình của Chúa!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Phillip Brooks gợi ý, chúng ta hãy đọc Lời Chúa như những ‘người tình của Chúa!’. Thật thú vị, đó là một đề nghị khá bất ngờ cho chúng ta nhân Chúa Nhật Lời Chúa hôm nay.

“Thưa ngài Thêophilê!”. Thánh sử Luca đã bắt đầu câu chuyện của ngài bằng cách viết như thế cho người bạn của mình! Thật ý nghĩa và lãng mạn! “Thêophilê”, “Theophilus” tiếng Latin, có nghĩa là ‘người tình của Chúa’. Khá nhiều lời, Luca muốn nói với người bạn của mình và với chúng ta rằng, ‘Tôi viết cho bạn câu chuyện lạ lùng nhất mà nhân loại từng biết; câu chuyện mà đã nhiều lần, nhiều nhân chứng và sứ giả của Lời đã công khai giải thích. Tôi muốn bạn và tất cả những ai đọc tường thuật của tôi “hiểu chân lý các giáo huấn” liên quan đến Chúa Giêsu người Nazareth, Đấng được Cha trên trời sai đến, cũng là Đấng được xức dầu bởi Thánh Thần; Đấng đó đã đến để loan báo cho chúng ta Nước Thiên Chúa, mang lại cho chúng ta niềm vui được lắng nghe Tin Mừng, cũng là niềm vui được giải thoát khỏi mọi xiềng xích gông cùm.

Nhờ Luca, Giáo Hội được ban tặng một kiệt tác chuyện kể về những gì ít ai biết nhất về Chúa Giêsu. Không có Luca, chúng ta sẽ không biết gì về cuộc Truyền Tin, Thăm Viếng; không có Luca, chúng ta không có câu chuyện Đứa Con Hoang Đàng, hay lần hiện ra của Chúa Phục Sinh khi Ngài bẻ bánh cho hai môn đệ trên đường Emmaus. Chúng ta cũng sẽ không có sự chứng thực về các phép lạ và các tường thuật về cuộc khổ nạn được các tác giả Phúc Âm khác kể lại một cách khái quát; vì nhờ Luca, chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn việc đổ mồ hôi máu của Con Thiên Chúa hay sự đùa cợt của hai tên trộm cạnh thập giá Ngài.

Như vậy, Luca đã cung cấp cho chúng ta một biên niên sử về một câu chuyện vĩ đại nhất trong lịch sử. Quả vậy, Tin Mừng vốn được gọi là Tin Mừng lòng thương xót và sách Công Vụ Tông Đồ của Luca đã giúp cho những ‘người tình của Chúa’ khám phá sự phong phú của cuộc đời Chúa Giêsu, lời dạy của Ngài; đặc biệt, hoạt động của Thánh Thần Ngài trong những ngày đầu của Hội Thánh; nhờ đó, bảo vệ những người đọc Lời Chúa khỏi những sai lầm nhờ sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh. Bởi lẽ, “Lời Chúa là thần trí và là sự sống!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Phaolô nói rất rõ về những người lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Đó là những “Thêophilê”, ‘người tình của Chúa’; đó là tất cả chúng ta, những chi thể sống động trong Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, tức là Hội Thánh, “Như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy”.

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta rằng, Lời Chúa, Thánh Kinh là một quà tặng ngoài sức tưởng tượng; đó là một món quà từ Thiên Chúa, qua đó, Ngài bày tỏ tình yêu hoàn hảo và kế hoạch toàn bích của Ngài cho sự cứu rỗi của con người. Chúng ta cần học biết, đào sâu hơn Thánh Kinh, đọc Thánh Kinh thường xuyên hơn; đọc với niềm yêu mến và lòng kính trọng; cầu nguyện với Thánh Kinh và cho phép tất cả những gì được tiết lộ trong những trang sách đó trở thành nền tảng của cuộc sống chúng ta; và quan trọng hơn, đem áp dụng cụ thể vào đời sống hàng ngày của mình. Ngoài ra, chúng ta còn phải ưu tư một cách đặc biệt đến việc loan báo về sự phong phú của Lời Chúa vốn không thể tát cạn này cho thế giới, cho những người khác nữa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin Lời Chúa có sức biến đổi, nâng đỡ con trong mọi hoàn cảnh; cho con biết ngày càng yêu mến và sống Lời Chúa, hầu luôn xứng đáng là ‘người tình của Chúa’”, Amen.

(Tgp. Huế)