NGƯỜI XUỐNG THUYỀN CỦA PHÊRÔ
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM C
Suy niệm bài Tin Mừng này, trong suy nghĩ của tôi vừa có hình ảnh thánh Phêrô đi lưới cá, vừa có hình ảnh cuộc sống từng người hôm nay. Vì thế, tôi để lời Tin Mừng dẫn dắt suy nghĩ của bản thân về Hội Thánh trong đời sống đức tin, nơi đã từng có mặt của thánh Phêrô trong trách nhiệm Giáo hoàng tiên khởi, và có mặt của từng người chúng ta.
Thánh Luca cho biết: Chúa Giêsu thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ. Chúa bước xuống một trong hai. Đây là chi tiết thánh Luca tinh tế nhận ra: Chiếc thuyền mà Chúa bước xuống là thuyền của thánh Phêrô. Tôi tự hỏi, có cần phải ghi thêm chi tiết thuyền của thánh Phêrô? Vì nếu không ghi câu này, Tin Mừng vẫn đủ ý nghĩa? Chắc chắn thánh Luca có dụng ý khi ghi nhận: “Người xuống một chiếc thuyền, THUYỀN ĐÓ CỦA ÔNG SIMON”. Thuyền của Simon chứ không phải của ai khác!
Vậy xuống thuyền của thánh Phêrô, Chúa nhắm điều gì? Hay là thuyền của thánh Phêrô đẹp hơn, bảo đảm hơn, chắc chắn hơn? Tôi không nghĩ đơn giản như thế. Phải có lý do để thánh Luca nhắm tới trong chi tiết này?
Thánh Luca muốn đưa ra một cái nhìn của đức tin.
Chúa Giêsu, trong khi đi rao giảng, đã không viết để lưu giữ bất cứ điều gì. Tin Mừng của Chúa được viết sau khi Chúa về trời mấy chục năm. Đó cũng chính là thời gian các môn đệ của Chúa nói riêng, Hội Thánh nói chung, bắt đầu bôn ba tiếp nối bước chân của Thầy trên cánh đồng truyền giáo.
Các ngài thấy cần ghi lại Lời giảng của Chúa để phục vụ việc rao giảng. Và Tin Mừng chỉ được viết cho từng đối tượng mà các môn đệ phục vụ. Tin Mừng cũng được viết giữa lòng cuộc đời các Kitô hữu. Nó chất chứa, nó phản ánh kinh nghiệm sống, cầu nguyện, suy tư của các Kitô hữu đầu tiên.
Bởi vậy, khi bạn và tôi đọc hay lắng nghe Tin Mừng ấy, thì không phải đọc, không phải nghe như một câu chuyện, nhưng phải khám phá những bí ẩn chất chứa bên trong, khám phá ý nghĩa, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm cầu nguyện và suy tư mà cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi để lại, và chúng ta được vinh phúc thừa hưởng.
Thánh Luca không khác. Những gì viết ra là những gì thánh nhân phản ánh. Những gì ta đọc thấy đều là tâm tư của lớp lớp Kitô hữu ghi khắc.
Quan trọng tuyệt đối: những gì Thánh Kinh cho biết, cũng là những gì Lời Chúa muốn nói với dân của Chúa.
Do đó thánh Luca, dẫu chép Tin Mừng, vẫn chỉ thụ động trước Thánh ý Chúa. Từng lời của Chúa là giáo huấn mà ta có nhiệm vụ học hỏi và sống.
Bởi đó, chi tiết Chúa bước xuống thuyền của thánh Phêrô chắc không đi ngoài giáo huấn mà Chúa muốn dạy chúng ta. Đó cũng chính là cái nhìn của đức tin mà thánh Luca mời ta suy niệm.
Con thuyền trên biển cả, vốn là hình ảnh của Hội Thánh. Thánh Phêrô chính là vị thủ lãnh đầu tiên của con thuyền Hội Thánh. Chính trên con thuyền và nơi thuyền trưởng Phêrô, Chúa có mặt và vẫn hiện diện để nuôi dưỡng, giáo huấn dân Chúa.
Ý nghĩa này quan trọng. Vì ta vẫn biết, vẫn được nhắn nhủ rằng, Kitô hữu hãy chọn Chúa Giêsu là Đấng hướng dẫn đời mình. Nhưng vấn nạn mà nhiều người đặt ra là: Đúng là phải chọn Chúa làm Đấng hướng dẫn, nhưng có thấy Chúa đâu? Giả như đọc Thánh Kinh, đọc Tin Mừng, thì có biết bao nhiêu vấn đề thời sự mà mình không thể tìm thấy trong Thánh Kinh, trong Tin Mừng. Ví dụ: sinh sản vô tính, thụ thai trong ống nghiệm, vấn đề hạt nhân, và nhiều thử nghiệm của phòng thí nghiệm bị coi là vô luân…
Đúng là Chúa Giêsu không có mặt một cách hữu hình. Đúng là Tin Mừng không có sẵn lời giải đáp cho mọi vấn đề thời sự. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện trong lòng Hội Thánh.
Cũng ngay giữa lòng Hội Thánh, Chúa tiếp tục giảng dạy, giáo huấn dân của Chúa. Đó là lý do lớn, là lời giải đáp tuyệt vời cho hình ảnh Chúa Giêsu bước vào khoang thuyền của thánh Phêrô (chứ không phải bất cứ con thuyền nào khác).
Đó cũng là ý nghĩa rất đẹp cho con thuyền Hội Thánh, dù biển yên hay sóng nổi, dù thăng hay trầm, Chúa vẫn luôn đồng hành cùng Hội Thánh. Chính Chúa lèo lái con thuyền mà tay Chúa tạo ra và chuộc về bằng giá máu của mình.
Đó là lý do khiến người Công Giáo lắng nghe giáo huấn Hội Thánh, cụ thể là vâng phục Giáo hoàng. Tôi nghe giáo huấn của Giáo hoàng không vì Giáo hoàng thông thái. Đức Piô XII; Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phalô II… được coi là những nhà thông thái. Nhưng Đức Gioan XXIII đâu phải nổi bật, vậy mà ngài đã làm một cuộc cách mạng cả thể khi triệu tập Công Đồng Vatican II. Từ đó, tôi càng tin chắc, Chúa Kitô vẫn luôn hoạt động.
Lắng nghe các ngài vì trong đức tin, tôi thấy Chúa Kitô ngự trong lòng Hội Thánh, giảng dạy nhờ Hội Thánh. Đây là xác tín quan trọng. Vì Có nhiều người tách biệt giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Họ vẫn la to: “Tôi tin Giêsu, nhưng không tin Hội Thánh. Tôi quý Giêsu nhưng không chấp nhận giáo huấn của Hội Thánh”. Tách biệt như vậy là sai lầm, đi ngược chính Thánh ý của Chúa, vì Chúa đã dùng Hội Thánh để cứu độ loài người.
Tôi rút ra bài học: thánh Luca muốn gieo vào tâm hồn ta những hình ảnh: Hội Thánh vừa là Mẹ, vừa là Thầy yêu thương, dẫn dắt, dạy dỗ, giáo huấn con cái mình. Đó cũng là trách nhiệm loan báo Tin Mừng mà Chúa Kitô trao cho Hội Thánh. Vì khi chăm sóc đoàn con, Hội Thánh đang thực hiện công tác truyền giáo, có Chúa Kitô cùng hoạt động không ngừng.