MỘT MÓN NỢ KHÔNG BAO GIỜ TRẢ NỔI
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi!”.
Mark Twain mỉa mai, “Chúng ta mang một món nợ ân tình đối với Ađam, vị đại ân nhân đầu tiên của loài người, đã mang cái chết xuống trần gian!”. Một nhà tu đức lại an ủi, “Chúng ta mang một món nợ ân tình đối với Giêsu, vị đại ân nhân đầu tiên của loài người, mang sự sống đời đời cho nhân loại; Ngài đã thay nó, trả cho Thiên Chúa ‘một món nợ không bao giờ trả nổi!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Một món nợ không bao giờ trả nổi’, cũng là một trong những chủ đề chúng ta dừng lại hôm nay! Lời Chúa đưa chúng ta về một Đại Thực Thể toàn thánh, toàn tha và toàn thiện! Một Đại Thực Thể có tên là Thiên Chúa, Đấng toàn trí, toàn trị và toàn tri! Mọi tạo vật, kể cả con người, không ai và không thọ tạo nào mà không mắc nợ Ngài. Tuy nhiên, dẫu quyền phép và mạnh mẽ vô song; Ngài vẫn là một Thiên Chúa rất mực nhân từ, hằng xót thương và luôn tha thứ!
Sách Đaniel tường thuật câu chuyện ba người bạn của ông vốn bị đày từ Giêrusalem về Babylon; bất tuân lệnh vua, buộc họ bái lạy tà thần, họ bị ném vào lò lửa. Giữa hoả hào, họ kêu cầu danh Chúa không chỉ cho mình, mà cho cả dân tộc, sản nghiệp của Ngài, “Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa”. Chúa uy quyền đã cứu họ! Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài!”.
Với bài Tin Mừng, Phêrô hỏi Chúa Giêsu, “Khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha cho họ mấy lần?”. Chúng ta có khuynh hướng nói, “Tôi không thể tha trừ khi…”; đối với Chúa Giêsu, không có “trừ khi!”. Chúng ta thích nói, “Tôi chỉ có thể tha đến…”; đối với Chúa Giêsu, không có “đến…!”. Ngài trả lời Phêrô dứt khoát, “Bảy mươi lần bảy!”; nghĩa là phải tha cho người khác theo cấp số nhân, tha luôn và tha mãi. Lời dạy này không có nghĩa là chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước một người không ngừng làm tổn thương mình! Tha thứ không chỉ đơn thuần là nói ra lời; nó liên quan đến việc khôi phục một mối quan hệ đã tan vỡ; liên quan đến sự hàn gắn của cả hai bên. Mối quan tâm chính của chúng ta không phải là bản thân mình, nhưng là hạnh phúc của người khác mà hành động của họ đang thực sự làm họ tổn thương! Mẹ Têrêxa nói, “Nếu thực sự muốn yêu thương, chúng ta phải học cách tha thứ!”.
Sau đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn hai người mắc nợ; qua đó, Ngài cho thấy, chúng ta nợ Thiên Chúa ‘một món nợ không bao giờ trả nổi!’. Từ đó, chúng ta hiểu đầy đủ ý nghĩa câu đọc trong Kinh Lạy Cha, “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Những lời này chứa đựng một sự thật quyết định: không ai có thể đòi hỏi sự tha thứ của Thiên Chúa nếu người ấy không tha thứ cho anh em mình. Đó là một điều kiện! Thánh Phaolô nói, “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô”. Chỉ có lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài trong Chúa Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta khỏi một món nợ như vậy. Nếu Thiên Chúa tha cho chúng ta món nợ rất lớn, thì chúng ta cũng phải tha cho người khác món nợ họ có đối với chính mình.
Anh Chị em,
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi!”. Thiên Chúa thương chúng ta vô ngần, Ngài đã sai Con Một đến thế gian để trả ‘một món nợ không bao giờ trả nổi’ thay chúng ta; nhờ đó, chúng ta được sống muôn đời. Vậy khi yêu thương và tha thứ cho người khác, thì không phải chúng ta nhân đức hay vì người xúc phạm chúng ta tỏ lòng ăn năn hoặc biết lỗi, nhưng chỉ vì Thiên Chúa, Đấng đã tha thứ cho chúng ta! Khi yêu thương và tha thứ, chúng ta đang nên giống Thiên Chúa, Đấng không ngừng yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Những ngày Chay Thánh, Giáo Hội muốn con cái mình hướng lên Đại Thực Thể toàn thánh, toàn tha và toàn thiện để kết hiệp mật thiết với Ngài; nhờ tương quan thân tình đó, chúng ta biết sống cho Ngài, như Ngài và vì Ngài… bằng cách tỏ lòng xót thương đối với anh chị em mình!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Máu Thánh Chúa đã chuộc lại con, trả cho con ‘một món nợ không bao giờ trả nổi’; xin dạy con nhân từ và biết xót thương anh chị em con, như Chúa đã thương xót con!”, Amen.
(Tgp. Huế)