30. ANH EM ĐÙA NHAU

Lý Tử Bạch của huyện Nội Hương làm quan đến chức hàn lâm kiểm thảo, em là Lý Tập Mỹ dừng lại ở Tăng Quảng ban tước rất lâu mà không được thăng cấp.

Tử Điền (Tử Bạch) viết thư cho em trai nói:

- “Năm nay em Tăng Quảng, sang năm Tăng Quảng, không biết đã tăng bao nhiêu, rộng (quảng) bao nhiêu?”

Tập Mỹ cũng phúc đáp lại anh:

- “Năm nay anh kiểm thảo, sang năm kiểm thảo, không biết kiểm cái gì, thảo được cái gì?”

(Ký Viên Ký Sở Ký)

Suy tư 30:

Người ít đi xưng tội chế giễu người năng xưng tội: tuần này xưng tội, tuần sau xưng tội, tội gì mà xưng lắm thế ! Thế là lên tiếng cãi nhau.

Người năng xưng tội trách người không đi xưng tội: tháng này không xưng tội, tháng sau không xưng tội, không xưng tội thì sao được rỗi linh hồn ! Thế là lên tiếng cãi nhau.

Bí tích Giải Tội như một dòng suối thiêng thiêng rửa sạch tội lỗi của chúng ta, với một điều kiện là: thành tâm thống hối chừa bỏ tội lỗi, người công giáo nào cũng hiểu điều đó, cho nên, năng xưng tội và không xưng tội thì cũng vì ích lợi và không ích lợi cho linh hồn mình mà thôi.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các thánh và những người thánh thiện thì năng đến với tòa cáo giải là dấu chỉ của người được rỗi linh hồn, bởi vì không ai càng tắm mà lại càng dơ bẩn.

Không nên cãi nhau về việc lãnh nhận các bí tích, nhưng nên tự vấn lương tâm: tôi đã lãnh nhận các bí tích với thái độ và lương tâm như thế nào?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info