CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN
TÌNH BẠN CỦA CHÚA GIÊSU
St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện rất nhân bản và dễ thương, đó là câu chuyện Chúa Giêsu sau những ngày vất vả truyền giáo, hôm nay trở về thăm những người bạn của mình ở Bêtania. Câu chuyện được kể như sau:
“Chúa Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ.”
Làng này là Bêtania và nhà này là nhà của Ladarô. Hai chị em là Mácta và Maria. Chúa Giêsu thích dừng chân và nghỉ ngơi ở đây mỗi khi lên Giêrusalem.
Hình ảnh Maria mải mê ở bên Chúa Giêsu để lắng nghe Chúa nói. Cô cứ ngồi dưới chân Chúa như cung cách người Đông Phương hôm nay vẫn làm. Với Maria, nói chuyện với Chúa, lắng nghe Chúa mới là quan trọng, là việc cần nhất. Vì Chúa có lời hằng sống.
Trong khi đó, hình ảnh của Mácta thì tất bật lo lắng bếp núc, nấu các món ăn để thiết đãi Chúa. Cô có nhiều việc phải làm mà Maria thì cứ ngồi bên Chúa. Nên Mácta nói với Chúa bằng một giọng điệu nửa giận nửa đùa: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?”
Chúa Giêsu đáp lại: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc10,41).
Truyền thống nhìn thấy nơi hai chị em này một biểu tượng của đời sống hoạt động và chiêm niệm. Hoạt động và cầu nguyện bổ túc và nâng đỡ nhau. Bởi thế, phụng vụ hôm nay chọn trích đoạn từ sách Sáng Thế nói về việc Ápbraham nồng nhiệt đón tiếp ba vị khách thần linh viếng thăm gia đình ông dưới cây sồi Mamrê. Lời Chúa đề cập đến lòng hiếu khách và giới thiệu cho chúng ta mẫu gương về sự hiếu khách để chúng ta noi theo.
Tuy nhiên, một trong những chủ đề nổi bật nhất đó là tình bạn. “Chúa Giêsu yêu mến Mácta, em cô và cả Ladarô” như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Gioan (11,36).
Đối diện với nỗi đau buồn của hai chị em, Người đã xúc động và rơi lệ, đến nỗi những người hiện diện phải thốt lên: “Hãy xem kìa, ông ấy thương cậu biết bao!” (Ga 11,13).
Thật là tuyệt vời và an ủi khi chúng ta biết rằng Chúa Giêsu ý thức nuôi dưỡng tình bạn, vốn là tình cảm đẹp đẽ và quý báu đối với chúng ta!
Khi nói về tình bạn, chúng ta phải trích lời của thánh Augustinô: “Tôi biết thời gian là gì, nhưng nếu ai đó xin tôi giải thích, tôi không biết giải thích thời gian là gì nữa.” Nói cách khác, trực cảm về tình bạn thì dễ hơn là giải thích tình bạn là gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói điều gì đó về tình bạn.
Thật vậy, tình bạn là sự hướng về nhau và hiểu biết sâu sắc giữa hai người, nhưng nó không có tương quan tính dục như các đôi vợ cHồng Yêu nhau. Đây là một sự hiệp nhất của hai tâm hồn, chứ không phải hai thân xác. Theo nghĩa này, người xưa nói rằng tình bạn có “cùng một tâm hồn trong hai thân xác.” Tình bạn có thể trở thành sợi dây liên kết mạnh mẽ hơn cả sợi dây gia đình. Tương quan gia đình hệ tại trong việc có cùng một dòng máu trong người đó. Còn trong tình bạn, họ có cùng một sở thích, cùng lý tưởng, cùng sự quan tâm…
Tình bạn được thiết lập dựa trên điều chính yếu đó là cùng nhau tìm kiếm điều tốt lành và chân thật cho nhau. Nếu người ta kết bạn để cùng nhau làm điều ác thì đó không phải là tình bạn, mà đó là sự đồng lõa, là “băng đảng thối nát.”
Tình bạn cũng khác biệt với tình yêu dành cho người thân cận. Yêu người thân cận phải bao gồm mọi người, cả những ai không biết đáp trả, cả kẻ thù nữa, trong khi tình bạn đòi hỏi có đi có lại, nghĩa là người này đáp trả lại tình yêu của người kia.
Tình bạn được nuôi dưỡng nhờ sự tin tưởng vào nhau. Càng tin tưởng nhau thì càng gia tăng sự gắn bó và hiểu biết nhau.
Kinh Thánh có nhiều lời ca ngợi về tình bạn. Chẳng hạn: “Có người bạn trung thành là một sự nâng đỡ lớn; ai tìm được bạn hiền là tìm được một kho báu” (Hc 6,14tt).
Nền tảng của tình bạn là sự trung thành. Người ta thường nói: “Còn tiền còn bạc, còn bạn hữu.” Người bạn đích thật là người còn ở với chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn. Như lửa thử vàng, gian nan thử đức. Tình bạn đích thực là mãi mãi trung thành với nhau, nhất là lúc gặp thất bại. Thử thách là liều thuốc thử của tình bạn.
Người ta có thể tiếp tục xây dựng tình bạn với nhau khi một người đi kết hôn? Câu trả lời là rất có thể. Bởi lẽ, kết hôn không có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn các mối tương quan tình bạn mà một người đã xây dựng trước đó. Tuy nhiên, cần phải đặt lại trật tự các mối tương quan để tránh những hiểu lầm.
Tình bạn sẽ trở nên vững chắc nếu các vợ chồng biết nuôi dưỡng cho nhau. Trong hoàn cảnh này, kết bạn với người cùng giới sẽ có ít vấn đề có thể xảy ra hơn so với kết bạn với người khác giới.
Đối với những người sống đời tu trì, thường có nhiều tình bạn được xây dựng với những người sống trong cùng một cộng đoàn. Khi nói về Ladarô, Chúa Giêsu không nói “bạn tôi Ladarô” nhưng “bạn của chúng tôi Ladarô.” Ladarô và chị em anh trở thành những người bạn của các Tông Đồ theo nguyên tắc được mọi người biết đến: “Những người bạn của bạn tôi cũng là bạn của chúng tôi.”
Trong lịch sử Giáo Hội, có những tình bạn rất thánh thiện và tuyệt vời. Đó là những tình bạn giữa một số vị thánh – như trường hợp giữa Phanxicô Assisi và Clara. Phanxicô là anh và là cha của tất cả các chị; Clara là chị và là mẹ của các thầy.
Để sống nhân bản tròn đầy và phong phú, chúng ta cần xây dựng tương quan tình bạn một cách trưởng thành, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau như Chúa đã làm gương cho chúng ta. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/