NGÃ GIÁ
“Ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhưng xin bao nhiêu, tìm bao lâu, và gõ bao lần mới đủ? Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến việc ‘ngã giá!’. Abraham ‘ngã giá’, Chúa Giêsu ‘ngã giá’, và Chúa Cha trên trời cũng ‘ngã giá!’.

Bài đọc Sáng Thế là một cuộc đối thoại hiếm hoi giữa con người với Thiên Chúa khi Abraham mặc cả với Ngài; ông ‘ngã giá’, chèo kéo với Chúa, một sự chèo kéo chỉ có giữa những người bạn! Abraham thoáng biết ý định nghiêm phạt Sôđôma và Gômôra của Chúa; vì thế, ông nại vào một số người lành, để xin Ngài tha cho hai thành. Ông không cầu cho bản thân, nhưng xin cho tha nhân; không cầu cho người nhà, nhưng xin cho người xa lạ; tuyệt hơn, không cầu cho người lành, nhưng xin cho kẻ dữ, “Vậy Chúa sắp tiêu diệt người công chính với kẻ tội lỗi sao?”.

Ông ‘ngã giá’ từ 50 xuống 10 người khiến ai đọc cũng đều cảm thấy xấu hổ. Nhưng, thật tiếc, Abraham không dám đi đến cùng! Dường như ông đã kiệt sức, và chỉ dừng lại đó. Ông không dám đánh cược với Chúa một lần nữa, ông không dám tiến xa hơn, tiến vào cõi vô bờ của trái tim Ngài để nói với Chúa rằng, ông không tìm ra ngay cả một người... Và nhất là ông không biết rằng, nguyên việc ông đứng ra cầu xin cho người tội lỗi, có thể cũng đủ để Thiên Chúa thứ tha cho cả hai thành. Thế nhưng, bài học ở đây chính là mối tương quan tuyệt vời của Abraham với Chúa, một tương quan của con với cha; của một người bạn với một người bạn!

Thánh Phaolô trong thư Côlôssê cũng nói đến việc Chúa Giêsu ‘ngã giá’ để chuộc lấy chúng ta. Giá Ngài đưa ra là mạng sống Ngài; thập tự của Ngài là giá cứu độ, thứ tha mọi tội lỗi của chúng ta. Vì thế, ai dìm mình vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, người ấy sẽ mặc lấy sự sống mới, sự sống con cái Thiên Chúa và trở nên nghĩa thiết với Ngài.

‘Nên nghĩa thiết’ với Ngài là sống mối tương quan giữa những người bạn, vốn được Chúa Giêsu minh hoạ qua dụ ngôn một người bạn đến để ‘ngã giá’, ngồi lì, quấy rầy một người bạn giữa đêm khuya hầu có bánh mang về cho một người bạn khác; ‘nên nghĩa thiết’ với Ngài còn là sống tương quan giữa con với cha; “Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá?”. Chúa Giêsu kết luận, “Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời; Ngài sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài”. Thật bất ngờ, chính Thiên Chúa đem cả Thánh Thần của Ngài ra để ‘ngã giá!’.

Một người đưa tin đến một toà nhà cũ kỹ, anh nhấc thanh gõ và gõ cửa. Không ai trả lời! Anh lại gõ… vẫn im ắng. Nhưng anh biết trong nhà có người, vì thấy họ thấp thoáng trên cửa sổ. Giận sôi lên, anh lại gõ cả chục lần. Một người bước ra, ôn tồn hỏi xem anh có muốn vào không. Vị khách nói như mê sảng, “Này ông, chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi?”. Chủ nhà từ tốn trả lời, “Ồ, ông biết đấy, có nhiều trẻ con đến đây, chúng gõ cửa rồi bỏ chạy, nên chúng tôi không cần để ý. Nhưng khi nghe ông gõ, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa!”.

Anh Chị em,

“Ai gõ thì sẽ mở cho!”. Là con cái của Cha trên trời, hãy như Abraham, chúng ta tha thiết, kiên trì để cầu xin cho người xa lạ và cho kẻ có tội! Thiên Chúa ước mong chúng ta là những con người “thực sự muốn vào” để thông truyền sự sống mới, ban Nước Trời và Thánh Thần cho chúng ta; thế mà nhiều khi chúng ta lại như các trẻ nhỏ, gõ cửa rồi bỏ chạy! Hãy kiên trì gõ và “ước mong vào thực sự!”. Thiên Chúa sẽ đổ Thánh Thần tình yêu của Ngài cho chúng ta; và đây quả là ân ban tuyệt vời trên tất cả mọi sự. Vì thế, đừng ngại xin, gõ và ‘ngã giá’ với Ngài! Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con gõ lộn cửa, tìm nhầm người, và xin điều không đúng. Cho con yêu mến việc cầu nguyện, vui thích cầu nguyện và khát khao cầu nguyện!”, Amen.

(Tgp. Huế)