MỘT LẦN GẶP GỠ

Chúa Nhật 31 Thường Niên năm C: Lc 19,1-10:

Suy niệm

Nhìn lại lịch sử, tác giả sách Khôn Ngoan khám phá được đường lối hành xử của Thiên Chúa: Ngài xử rất khoan hồng đối với những người tội lỗi. Tác giả cũng thấy được lý do của cách hành xử ấy, là “vì Chúa yêu sự sống” và không muốn ai phải chết. Bởi thế “những ai sa ngã, Ngài sửa dạy từ từ… để họ bỏ điều ác.” (Kn 11,22–12,2). Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng cụ thể hơn nữa về lòng khoan dung của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng “đến để tìm và cứu những gì đã hư mất.”

Đang trên lộ trình ngang qua thành Giêricô để về thành Giêrusalem thì Đức Giêsu gặp Giakêu, một người giàu có nổi tiếng ở thành Giêricô, nhưng ông bị coi là kẻ tội lỗi, là người bị “hư mất”, vì là người “đứng đầu những người thu thuế”. Không biết tên ông là Giakêu, hay thánh Luca có ngụ ý đặt tên đó cho ông. Vì Giakêu có nghĩa là “người trong sạch”. Một người tội lỗi làm nghề thu thuế mà lại gọi là người trong sạch, nghe có vẻ khôi hài. Nhưng lạ thay, đó là điều mà ông sẽ trở thành.

Có lẽ Giakêu đã từng nghe biết về Đức Giêsu, nên nhân cơ hội này ông tìm cách để xem Ngài như thế nào. Nhưng dân chúng quá đông mà thân hình ông lại thấp bé, tầm nhìn bị vây chắn. Ông phải chạy lên phía trước và trèo lên một cây sung. Nhưng trèo lên cây như vậy không mất thể diện lắm sao? Là một vị quan thuế chứ đâu phải trẻ con. Nhưng để thấy Đức Giêsu, đòi ông phải can đảm thay đổi thái độ. Để có thể chiêm ngưỡng những gì cao hơn, phải chăng người ta cần phải hạ mình thấp hơn? Lùi một bước sẽ thấy trời cao đất rộng. Khi trèo lên, ông liền nhìn thấy Đức Giêsu, và ngay lúc đó Ngài cũng chợt nhìn thấy ông. Hai cái nhìn bắt gặp nhau từ tấm lòng rộng mở. Hai trái tim cùng hớn hở đón nhận nhau. Đức Giêsu liền cất tiếng: “Giakêu xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Lời Ngài làm ông ngỡ ngàng và sung sướng: “Ông vội vàng tuột xuống và mừng rỡ đón rước Ngài”.

Đức Giêsu vào nhà Giakêu với thái độ thân thiết, chẳng đòi hỏi ông điều gì, cũng chẳng bắt ông phải hoán cải hay bỏ nghề thu thuế. Thấy vậy, dân chúng xì xầm phê bình, chỉ trích: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào”. Dân chúng nói cũng phải thôi, Đức Giêsu là một người được dân chúng kính tôn mà lại đến ngụ nhà một người bất xứng. Nhưng sứ mạng của Ngài là“đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”.

Giakêu có thể hoán cải là nhờ Chúa Giêsu đã quan tâm tới và đối xử nhẹ nhàng với ông. Đại thi hào Goethe từng nói: “Nếu ta đối xử với một người đúng như người ấy là, thì người ấy sẽ xấu hơn. Nhưng nếu ta đối xử với người ấy như người ấy phải là hoặc như người ấy muốn là, thì người ấy sẽ tốt hơn. Bởi vì những mong ước trong chúng ta chính là phần tốt nhất của con người chúng ta”. Chẳng ai hoàn toàn xấu. Ai cũng có một phần tốt và một phần xấu. Đức Giêsu đã khơi lên cái phần tốt ấy nơi Giakêu.

Xem ra ánh mắt, lời nói, thái độ của Ðức Giêsu đã chạm đến tim của Giakêu, khiến lòng ông tan chảy. Bỗng chốc lòng ông cảm thấy nhẹ nhàng buông xả. Một cách hồn nhiên, ông dâng nửa gia sản cho người nghèo, và xin đền gấp bốn những thiệt hại mà ông đã gây ra cho người ta. Đón rước Chúa vào nhà, xem ra ông bị mất mát nhiều, nhưng cái mất đó là những cái đáng phải mất, để được những điều cần phải được. Đó là sự trao đổi để Thiên Chúa có thể biến đổi một con người. Thật vậy, Giakêu đã thành con người mới, không còn ray rứt bất an và mặc cảm, không còn bị vật chất và lợi lộc trói buộc, không còn những ngày héo hắt với tâm hồn cô đơn trống rỗng, nhưng tràn đầy an vui và hạnh phúc, vì ông đã gặp được Đức Giêsu, và trái tim ông đã hòa cùng nhịp đập với Ngài.

Quả là cuộc hạnh ngộ làm biến đổi phận người. Không chỉ là sự biến đổi cá nhân của Giakêu, nhưng còn là cả nhà ông: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Sự biến đổi hay ơn cứu độ cũng giống như vết dầu loang, nó lan rộng đến những người xung quanh. Khi tôi tốt hơn thì cũng khiến anh em tôi nên tốt hơn, hay ít ra sự tốt lành nơi tôi là nhân tố tạo điều kiện để sự tốt lành của anh em tôi xuất hiện.

Ước gì chúng ta có được tấm lòng bao dung như Đức Giêsu, không bị giới hạn bởi thành kiến hay cái nhìn từ bên ngoài, để có thể đi đến và đón nhận anh em trong mọi tình trạng. Đó là thái độ mở đường để Chúa đến với mọi tâm hồn. Và ước chi chúng ta cũng quảng đại như Giakêu, vừa mở lòng khao khát đón đợi Chúa, vừa rộng lòng chia sẻ với anh em, dám mất đi những cái cần phải mất, âu cũng là đền bù những thiệt hại mà ta đã gây ra cho người khác, để rồi được những cái cao quí cần phải được: đó là lẽ sống, là tình yêu, là niềm vui của ơn cứu độ muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

xem ra mọi chuyện như tình cờ,

người ta vẫn ngỡ do may rủi,

nhưng thật ra luôn có duyên cơ,

là chính Chúa vẫn hằng che chở.

Xem ra ông Gia-kêu cũng không ngờ,

được gặp Chúa khi đời ông trăn trở,

được Chúa gọi ông bỡ ngỡ dường bao,

khiến trong ông niềm vui sướng dâng trào.

Phải chăng Chúa biết ông đang ray rứt,

đang băn khoăn thao thức muốn đổi đời,

nên Chúa đã ngỏ ý đến nhà ông,

là điều mà vượt quá những ước mong.

Con thấy Chúa với thái độ thân tình,

không đòi ông phải điều chỉnh điều chi,

chẳng bắt ông phải hoán cải điều gì,

ông thấy mình là người được yêu quí,

nên đời ông biến đổi thật diệu kỳ.

Đời con có nhiều lần được gặp Chúa,

nhưng xem ra chỉ gặp ở bên ngoài,

nên đời con biến đổi chẳng bao nhiêu,

có lẽ cuộc gặp gỡ thiếu tình yêu,

vì lòng con chưa có nhiều khao khát.

Xin cho con có thái độ Gia-kêu,

biết mở rộng tâm hồn chờ đón Chúa,

biết can đảm sửa chữa những lỗi lầm,

đền bù những thiệt hại cho tha nhân,

dám mất đi những gì cần phải mất.

Xin cho con được một lần hạnh ngộ,

gặp Chúa trong sâu thẳm trái tim mình,

để đời con được diễm phúc tái sinh,

vang hát mãi bài tình ca gặp gỡ,

là niềm vui muôn thuở của đời con. Amen.