1. Tòa án Nga phạt linh mục vì chỉ trích chiến tranh

Một linh mục Chính Thống Giáo Nga đã là người đầu tiên nhận án hình sự vì phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine vì lý do tôn giáo.

Diễn đàn 18, một tổ chức tự do tôn giáo có trụ sở tại Oslo, cho biết một tòa án ở Nga đang bắt một linh mục phải nộp phạt vì những lời chỉ trích trực tuyến về “hoạt động quân sự đặc biệt” của Vladimir Putin ở Ukraine.

Cha Nikandr Pinchuk nói: “Tôi là một linh mục và có quyền tố cáo cái ác, bất kể ai có liên quan và tình hình chính trị ra sao.”

Vào thứ Hai, Cha Pinchuk, 50 tuổi, trở thành người đầu tiên nhận án hình sự vì phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine vì lý do tôn giáo. Trước tòa án ở dãy núi Ural, nơi ngài sinh sống, vị linh mục bị kết tội liên tục “làm mất uy tín” của Lực lượng vũ trang Nga. Ngài bị phạt 100,000 rúp, tức là khoảng 1,629 đô la. Ngài chỉ trích hình phạt và nói rằng lương của ngài chỉ có 15.000 rúp, hay 244 đô la, một tháng.

Cáo buộc được đưa ra theo một luật mới cấm “các hành động công khai làm mất uy tín việc sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga để bảo vệ lợi ích của Liên bang Nga và công dân của nó… và các lời kêu gọi công khai ngăn chặn việc sử dụng các lực lượng vũ trang cho những mục đích này.”

Vị linh mục đã bị đưa ra tòa sau khi lên án “đám đông những kẻ bài Kitô Giáo” đang tấn công Ukraine.

Trong khi đó, một linh mục khác, là Cha Ioann Kurmoyarov, sẽ bị đưa ra xét xử ở St. Petersburg vào ngày 14 tháng 11. Ngài đang bị truy tố vì đăng video trên kênh YouTube của mình những lời chỉ trích Thượng Phụ Kirill vì sự ủng hộ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đối với cuộc chiến. Vị linh mục gợi ý rằng “những kẻ xâm lược” sẽ không được lên thiên đàng và lập luận rằng “mọi sự lên án về hành động xâm lược này, cuộc chiến Ukraine này, là một vấn đề tâm linh. Tất cả các Kitô hữu phải làm điều đó, và đó là vấn đề nguyên tắc”.

Các nhân vật tôn giáo khác có những tuyên bố và lập trường đã khiến họ gặp rắc rối kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 của Nga bắt đầu bao gồm linh mục Chính thống giáo Nga Ioann Burdin thuộc Giáo phận Kostroma của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, người đã bị phạt một tháng lương trung bình tại địa phương cho các nhận xét trực tuyến và một bài giảng vào Chúa Nhật trong nhà thờ lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của điều răn, “Ngươi không được giết người;” Phó tế Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa Sergey Shcherbyuk ở Samara, người đã bị phạt khoảng một tháng lương địa phương trung bình vì “làm mất uy tín của lực lượng vũ trang Nga” trong các cuộc trò chuyện với giáo dân và đồng nghiệp; và một số linh mục Chính thống giáo Nga đã tự nguyện từ chức hay bị buộc phải từ chức sau khi phản đối chiến tranh, khiến họ xung đột với các giáo phận Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa của họ.

Nhiều người biểu tình đã bị phạt theo luật do Putin ký vào ngày 4 tháng 3 cấm “làm mất uy tín việc sử dụng Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga”.
Source:Aleteia

2. Liên Hội đồng Giám mục Âu châu nhóm hội nghị về mục vụ giới trẻ

Hội nghị chuyên đề về việc mục vụ giới trẻ Âu châu đã tiến hành từ chiều ngày 20 đến hôm 22 tháng Mười và Trung tâm Đền thánh Gioan Phaolô II ở Cracovia, Ba Lan với sự tham dự của 150 đại biểu đến từ 30 nước Âu châu và có chủ đề là “Hãy đứng dậy! Chúa Kitô đang gọi bạn”.

Hội nghị do Ủy ban giới trẻ thuộc Liên Hội đồng Giám mục Âu Châu và Tổng giáo phận Cracovia tổ chức, và các tham dự viên quốc gia thuộc 5 lãnh vực mục vụ là giới trẻ, học đường, đại học, ơn gọi và huấn giáo. Các tham dự viên suy tư về những thách đố của đại lục Âu châu, đức tin Kitô ngày nay, và cũng có những buổi cầu nguyện và mừng lễ.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Cha Gintaras Grusas, Tổng giám mục giáo phận Vilnius, thủ đô Lituani, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, nhận định rằng: “Chúng ta đến đây với bao nhiêu hy vọng, nhưng cũng rất buồn trong lòng: giữa lúc đại dịch Covid-19 giảm bớt các cuộc tấn công và tại mỗi nước người ta lạc quan hướng nhìn về tương lai thì tại Ukraine lại bùng nổ chiến tranh. Trước đây chúng ta đã xác tín rằng sẽ không còn chiến tranh tại Âu châu nữa, thế mà một lần nữa sự cám dỗ của quyền lực và tham lam của một vài người đã đưa tới chiến tranh”.

Đức Tổng Giám Mục Grusas liệt kê tất cả những trang đen tối trong hai năm gần đây và ngài nhắc đến sự chen chúc của những người di dân tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan, Lituani và Lettoni, ‘Họ bị lạm dụng như những khiên thuẫn người trong cuộc chiến tranh hỗn hợp để khuynh đảo vùng này và “tống tiền” Cộng đồng Âu châu. Rồi tháng Hai năm nay, Nga xâm lăng Âu Châu. Giờ đây có cuộc khủng hoảng năng lượng: thiếu dầu khí và giá cả tăng vọt làm cho nhiều gia đình, xí nghiệp, công nghệ và chuyên chở bị quỵ xuống. Chúng tôi, các giám mục Âu châu, tiếp tục hiệp với Đức Thánh Cha lên tiếng kêu gọi làm cho võ khí im tiếng, chấm dứt ngay chiến tranh và làm việc cho hòa bình.”

Đức Tổng Giám Mục Grusas nói thêm rằng “Bản thân tôi, cũng như bao nhiêu giám mục khác và các phái đoàn quốc gia, đã viếng thăm Ukraine để bày tỏ sự gần gũi và lòng quý mến của các cộng đoàn Kitô chúng ta với nhân dân Ukraine, nhất là giới trẻ, trong lúc lo sợ và bấp bênh về tương lai và đất nước của họ”.

Đức Tổng Giám Mục giáo phận Marek Jedraszewski của giáo phận Cracovia cũng chào mừng các tham dự viên và nhắc đến Hội nghị chuyên đề lẽ ta tiến hành tại Cracovia hồi năm 2020 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh Gioan Phaolô 2, nhưng bị hủy bỏ vì Co-vid-19.

Sau những diễn văn chào mừng, có phần trình bày chứng từ về những quan hệ bản thân với Chúa Kitô của một số tham dự viên.

3. Đức Bênêđíctô nhận định Công đồng Vatican II “không những có ý nghĩa mà còn cần thiết nữa”.

Theo CNA, trong một bức thư mới, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã mô tả Công đồng Vatican II “không những có ý nghĩa mà còn cần thiết nữa”.

Được công bố hôm thứ Năm, lá thư được gửi đến Cha Dave Pivonka, TOR, viện trưởng Đại học Franciscan ở Steubenville, bang Ohio, nơi kết thúc một hội nghị hai ngày hôm thứ Sáu tập trung vào thần học của Đức Bênêđíctô XVI / Joseph Ratzinger.

Bức thư dài gần ba trang rưỡi được đánh máy, cung cấp những quan sát mới mẻ về Công đồng Vatican II từ một trong số ít các nhà thần học còn lại trong Giáo Hội Công Giáo từng đích thân tham dự Công đồng lịch sử, khai mạc cách đây 60 năm vào tháng này. Bạn có thể đọc toàn bộ bức thư ở cuối câu chuyện này.

“Khi tôi bắt đầu học thần học vào tháng Giêng năm 1946, không ai nghĩ đến một Công đồng chung,” vị giáo hoàng về hưu 95 tuổi nhớ lại trong bức thư.

Đức Bênêđíctô nhận xét, “Khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố điều đó, trước sự ngạc nhiên của mọi người, có rất nhiều nghi ngờ về việc liệu nó có ý nghĩa gì hay không, đúng hơn, liệu nó có khả thi hay không, để sắp xếp những hiểu biết và câu hỏi sâu sắc vào trọn một tuyên bố công đồng và do đó đem lại cho Giáo hội một hướng đi cho cuộc hành trình xa hơn của mình”.

Ngài nói tiếp, “Trên thực tế, công đồng mới được chứng tỏ không những có ý nghĩa mà còn cần thiết. Lần đầu tiên, vấn đề thần học về các tôn giáo đã tự biểu lộ trong tính triệt để của nó”.

Đức Bênêđíctô viết, “Điều này cũng đúng đối với mối liên hệ giữa đức tin và thế giới chỉ biết đến lý trí. Cả hai chủ đề đã không được dự đoán theo cách này trước đây. Điều này giải thích tại sao Vatican II lúc đầu đe dọa sẽ gây bất ổn và rung chuyển Giáo hội hơn là mang lại cho Giáo hội một sự rõ ràng mới cho sứ mệnh của mình”.

Ngài nói thêm: “Trong khi đó, nhu cầu phát biểu lại vấn đề bản chất và sứ mệnh của Giáo hội đã dần trở nên rõ ràng. “Bằng cách này, sức mạnh tích cực của Công đồng cũng đang dần xuất hiện”.

Đức Bênêđíctô cho rằng Giáo hội học - nghiên cứu thần học về bản chất và cấu trúc của Giáo hội - đã phát triển sau Thế chiến thứ nhất. Ngài nói: “Nếu cho đến nay, Giáo hội học vẫn được bàn đến một cách chủ yếu theo ngôn từ định chế”, thì chiều kích tâm linh rộng lớn hơn của khái niệm Giáo hội giờ đây được tri nhận một cách hân hoan”.

Đồng thời, ngài viết, khái niệm về Giáo hội như thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô đang được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Ngài nói, chính trong tình huống này, ngài đã viết luận án tiến sĩ của mình về chủ đề “Dân và Nhà Thiên Chúa trong Học thuyết về Giáo hội của Thánh Augustinô”.

Ngài viết rằng “việc tâm linh hóa hoàn toàn khái niệm về Giáo hội, về phần nó, bỏ sót chủ nghĩa hiện thực của đức tin và các định chế của nó trên thế giới”; ngài nói thêm rằng “trong Công đồng Vatican II, vấn đề Giáo hội trong thế giới cuối cùng đã trở thành vấn đề trọng tâm thực sự”.

Vị giáo hoàng đã nghỉ hưu, người đã từ chức vào năm 2013, kết thúc bức thư bằng cách tóm tắt mục đích viết thư của ngài.

Ngài viết, “Với những cân nhắc này, tôi chỉ muốn chỉ ra hướng đi trong đó công việc của tôi đã dẫn dắt tôi. Tôi thành thực hy vọng rằng Hội nghị Chuyên đề Quốc tế tại Đại học Phanxicô ở Steubenville sẽ hữu ích trong cuộc đấu tranh để có được sự hiểu biết đúng đắn về Giáo hội và thế giới trong thời đại của chúng ta”.

Nguyên văn lá thư của Đức Bênêđíctô XVI gửi cho Cha Pivonka,

Kính Cha Pivonka

Quả là một vinh dự và niềm vui lớn đối với tôi khi tại Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, tại Đại Học Phanxicô ở Steubenville, một Hội nghị Chuyên đề Quốc tế bàn luận về giáo hội học của tôi, do đó, đã đặt suy nghĩ và cố gắng của tôi vào một dòng suối lớn trong đó nó di chuyển.

Khi tôi bắt đầu học thần học vào tháng Giêng năm 1946, không ai nghĩ tới một Công Đồng Chung. Khi Đức Gioan XXIII công bố nó, trước sự ngạc nhiên của mọi người, nhiều người hoài nghi không biết liệu nó có ý nghĩa gì không, đúng hơn, liệu nó có thể diễn ra hay không, vì phải tổ chức những cái nhìn thông sáng và nhiều vấn đề vào trọn một tuyến bố của Công Đồng và do đó đem lại cho Giáo Hội một hướng đi để tiếp tục cuộc lữ hành. Trên thực tế, Công Đồng mới đã chứng tỏ không những có ý nghĩa, mà còn cần thiết nữa. Vì lần đầu tiên, vấn đề thần học về các tôn giáo đã tự biểu lộ trong tính triệt để của nó. Điều này cũng đúng đối với mối liên hệ giữa đức tin và thế giới chỉ biết đến lý trí. Cả hai chủ đề đã không được dự đoán theo cách này trước đây. Điều này giải thích tại sao Vatican II lúc đầu đe dọa sẽ gây bất ổn và rung chuyển Giáo hội hơn là mang lại cho Giáo hội một sự rõ ràng mới cho sứ mệnh của mình. Trong khi đó, nhu cầu phát biểu lại vấn đề bản chất và sứ mệnh của Giáo hội đã dần trở nên rõ ràng. Bằng cách này, sức mạnh tích cực của Công đồng cũng đang dần xuất hiện.

Công trình giáo hội học của tôi được đánh dấu bởi tình thế mới xuất hiện trong Giáo Hội ở Đức cuối Thế chiến I. Nếu cho đến nay, Giáo hội học vẫn được bàn đến một cách chủ yếu theo ngôn từ định chế, thì chiều kích tâm linh rộng lớn hơn của khái niệm Giáo hội giờ đây được tri nhận một cách hân hoan. Romano Guardini mô tả sự khai triển này bằng các lời sau đây: “một diễn trình có tầm quan trọng mênh mông đã bắt đầu. Giáo Hội đang thức giấc trong các linh hồn”. Do đó, “Nhiệm thể Chúa Kitô” trở thành ý niệm phụ trợ về Giáo Hội, một ý niệm năm 1943, đã tìm được biểu thức của nó trong Thông điệp “Mystici Corporis”. Nhưng với việc chính thức hóa nó, ý niệm Giáo Hội như nhiệm thể Chúa Kitô cùng một lúc đã lên đến cao điểm của nó và được xem xét một cách có phê phán. Chính trong tình huống này, tôi đã nghĩ và viết luận án của tôi về “Dân và Nhà Thiên Chúa trong Học thuyết về Giáo hội của Thánh Augustinô”. Đại hội về Thánh Augustinô tổ chức tại Paris năm 1954 đem lại cho tôi cơ hội để thâm hậu hóa quan điểm của tôi về chủ trương của Thánh Augustinô trong cơn lốc chính trị thời ấy.

Vấn đề ý nghĩa của Civitas Dei (Kinh thành Thiên Chúa) xem ra cuối cùng đã được giải quyết vào thời điểm ấy. Luận án của H. Scholz về “Glaube und Unglaube in der Weltgeschichte” (Tin và Không tin trong Lịch sử Thế giới), lớn mạnh trong trường phái Harnack và được xuất bản năm 1911, đã chứng tỏ rằng hai Civitates (Kinh thành) không hề có nghĩa bất cứ cơ chế công hợp nào mà đúng hơn đại diện cho hai lực lượng căn bản là tin và không tin trong lịch sử. Sự kiện nghiên cứu này, viết dưới sự hướng dẫn của Harnack, được chấp nhận summa cum laude (ưu hạng) tự nó đã bảo đảm được mọi người chấp thuận. Hơn nữa, nó rất phù hợp với công luận nói chung, một công luận vốn gán cho Giáo Hội và đức tin của Giáo Hội một vị thế đẹp đẽ nhưng cũng vô hại. Bất cứ ai dám phá hủy sự nhất trí đẹp đẽ này chỉ có thể bị coi là cố chấp. Bi kịch năm 410 (chiếm và cướp phá Rôma bởi người Visigoth) đã làm thế giới thời ấy, và cả suy nghĩ của Thánh Augustinô, rung chuyển sâu xa. Dĩ nhiên, Civitas Dei không đơn giản đồng nhất với định chế Giáo Hội. Về phương diện này, Augustinô trung cổ quả là một sai lầm sinh tử, một sai lầm mà ngày nay, may mắn thay, cuối cùng đã được vượt qua. Nhưng việc tâm linh hóa hoàn toàn khái niệm về Giáo hội, về phần nó, bỏ sót chủ nghĩa hiện thực của đức tin và các định chế của nó trên thế giới. Do đó, trong Công đồng Vatican II, vấn đề Giáo hội trong thế giới cuối cùng đã trở thành vấn đề trọng tâm thực sự.

Với những cân nhắc này, tôi chỉ muốn chỉ ra hướng đi trong đó công việc của tôi đã dẫn dắt tôi. Tôi thành thực hy vọng rằng Hội nghị Chuyên đề Quốc tế tại Đại học Phanxicô ở Steubenville sẽ hữu ích trong cuộc đấu tranh để có được sự hiểu biết đúng đắn về Giáo hội và thế giới trong thời đại của chúng ta.

Thân mến trong Chúa Kitô

Bênêđíctô XVI