MỘT SO SÁNH VÔ CÙNG KHẬP KHIỄNG
“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.
Ngày kia, Paderewski đến London công diễn. J. Parker, một nhạc sĩ tài năng, đến nghe. Quá cảm kích; về nhà, Parker gọi người hầu, “Mang cây rìu cho tôi! Tôi chưa bao giờ nghe một bản nhạc tuyệt vời đến thế; nếu phải so sánh, dẫu là ‘một so sánh vô cùng khập khiễng’, những gì tôi làm chẳng là gì cả! Phải bổ cây đàn của tôi toác ra từng mảnh!”. Và dù không làm thế, nhưng Parker nhận ra rằng, không bao giờ ông có thể trở thành một Paderewski, may lắm là nên giống người nhạc sĩ! Để được vậy, ông cần một trái tim vĩ đại như trái tim của người nhạc sĩ vĩ đại!
Kính thưa Anh Chị em,
J. Parker “Cần một trái tim vĩ đại như trái tim của người nhạc sĩ vĩ đại!”. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa cũng có một trái tim! Và thú vị hơn, nếu phải so sánh dù là ‘một so sánh vô cùng khập khiễng’ về mức độ nhân ái, Chúa Giêsu buộc chúng ta lấy trái tim mình đem so với trái tim của Thiên Chúa! Ngài nói, “Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.
Đó không phải là một câu nói chót lưỡi đầu môi, mà là một cam kết sống! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa là một tình yêu không ngưng nghỉ, không mệt mỏi, dành cho nhân loại. Ngài yêu thương nó với một tình yêu không thể hiểu thấu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là đỉnh cao của câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người, một tình yêu lớn đến nỗi chỉ một mình Ngài mới có thể hiểu! Rõ ràng, so với tình yêu vô bờ này, tình yêu của con người sẽ luôn què quặt, chắp vá, dẫu đó là ‘một so sánh vô cùng khập khiễng’.
Trái tim con người thì sao? Chúa Giêsu không ngại cảnh báo những gì chúng ta thường vấp phải, “Đừng xét đoán!”, “Đừng kết án!”. Ngài biết, trái tim của chúng ta là một chiến trường thực sự! Hãy xem, mặc dù rất khó, nhưng chúng ta thường tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để tự bào chữa cho những bất công đã chịu; hoặc mặc dù không còn nhớ đến những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn tìm cách ‘cung phụng’ vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta biết nhìn vào trái tim người xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Đó là đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, cuối cùng, sự thiện hấp dẫn trái tim hơn là cái ác được thần tượng hoá. Chúa Giêsu luôn nhìn vào trái tim, Ngài đặt cược vào mặt tốt!
Vậy đâu là thái độ đúng đắn? Đaniel trong bài đọc hôm nay là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta! Lời nguyện sám hối của ông ‘mang tính quốc gia’, mô tả sự trọn hảo của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người; đó là một lời cầu nguyện khiêm nhường, thờ phượng, xưng thú và cầu xin lòng thương xót, “Chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác”. Thật là ‘hàm ân’ với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.
Anh Chị em,
“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”. Nói cách khác, chúng ta cần một trái tim như trái tim của Thiên Chúa; và Chúa Giêsu đã làm người, với một trái tim, cho con người noi theo! Ngài đã từ bỏ áo trong áo ngoài, từ bỏ danh lợi, từ bỏ tất cả. Trên thập giá, Ngài phơi trần một trái tim thoi thóp và rồi, bị đâm thủng; những giọt máu, giọt nước cuối cùng nhỏ xuống cho đến khi trái tim Ngài khô đét. Bởi lẽ, trong đó, chỉ có xót thương! Thông thường, chúng ta cảm thấy hài lòng khi tự so mình với người khác; thế mà, không phải với họ, chính Chúa Giêsu mới là ‘người mẫu’ để chúng ta so sánh, dẫu đây là một so sánh không tưởng. Trong sự tha thứ và xót thương, sự rộng lượng của Chúa Giêsu là không thể đo lường. Ngài đã chuộc lấy nhân loại, trong đó có bạn và tôi. Vì thế, trái tim của Ngài đáng cho chúng ta ao ước và bắt chước!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thế giới cần nhiều hơn những con người có một trái tim mềm, xin ban cho con một trái tim có tên “Giêsu!”, Amen.
(Tgp. Huế)