Tưởng niệm Đức Ông Philipphê Trần Văn Hoài
(1929- 2010)

Đôi dòng về cuộc đời Đức Ông Philipphê Trần Văn Hoài

- Sinh năm 1929 tại làng Di-Loan, giáo xứ An-Ninh, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, giáo phận Huế.
- Năm 1943, nhập tiểu chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, giáo phận Huế.
- Năm 1951, chuyển lên đại chủng viện Phú Xuân, Kim-Long, Huế. Vì hoàn cảnh đất nước chia đôi, lại chuyển vào đại chủng viện Thánh Giuse, đường Cường Để, Sài gòn. Trước ngày thụ phong linh mục, bị bịnh phải tĩnh dưỡng tại thánh địa Thánh Mẫu La-Vang tại Quảng Trị.
- Năm 1959, thụ phong linh mục. Tiếp đó được trao phó phận vụ làm cha phó tại giáo xứ Bác Vọng, Thừa Thiên.
- Năm 1961, giáo sư tại tiểu chủng viện Phú Xuân, Huế
- Năm 1962 -1968: giáo sư tại tiểu chủng viện Hoan-Thiện, Huế. Tốt ngiệp bằng cử nhân văn chương Pháp tại Đại Học Huế. Cùng với linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, tiên phong đưa Phong Trào Hướng Đạo vào sinh hoạt trong chủng viện.
- Năm 1968, du học tại Rôma, Ý.
- Sau thời gian tu học, được cử làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Urbaniana của Vatican.
- Sau năm 1975, tiên phong tổ chức công cuộc cứu trợ người Việt tị nạn, đặc biệt những người tị nạn bằng thuyền trên vùng Nam Thái Bình Dương.
- Tiên phong trong nỗ lực thành lập hiệp hội USU và tờ Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu, liên kết các linh mục tu sĩ Việt-Nam tị nạn tại Âu Châu để phối trí các sinh hoạt tông đồ phục vụ cộng đồng VN tị nạn.
- Năm 1987, được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại.
- Năm 1988, được Toà Thánh cử làm Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Phong Hiển Thánh (19/6/1988) cho 117 vị tử đạo trên đất Việt-Nam.
- Năm 1988, thành lập Văn phòng tông đồ giáo dân VNHN.
- Năm 1992, chủ trì việc thành lập Phong trào giáo dân Việt Nam hải ngoại.
- Tổ chức Cuộc Gặp Gỡ qui tụ các vị lãnh đạo các tôn giáo, lần đầu tiên trong lịch sử Việt-Nam, nhân Ngày Cầu Nguyện Hòa Bình cho Việt-Nam tại Vatican, với sự hiện diện của các vị lãnh đạo của năm tôn giáo lớn của VN (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo, Cao đài) và các chức sắc cao cấp (các hồng y) của nhiều Thánh Bộ của Vatican.
- Được các vị lãnh đạo các tôn giáo trong công đồng VNHN ủy thác phận vụ làm Trưởng ban vận động công cuộc gặp gỡ và đối thoại tôn giáo.
- Năm 1995, chủ trì việc thành lập Trung tâm văn hóa Nguyễn-Trường-Tộ và tập san Định Hướng.
- Tháng 8 năm 1996, chủ trì ngày gặp gỡ và thảo luận (lần đầu tiên trong lịch sử) về thần học Việt nam tại Đan viện Xitô VN, Orsonnens, Thụy Sĩ.
- Năm 1996, trong khuôn khổ sinh hoạt của Trung tâm văn hóa Nguyễn-Trường-Tộ, chủ trì Tuần Lễ Đại Học Hè, nơi gặp gỡ của các giáo sư, các chuyên gia và sinh viên, lần đầu tiên tổ chức trong công đồng VNHN.
- Năm 1997, Chủ trì Tuần Lễ Xã Hội, lần đầu tiên được tổ chức trong cộng đồng VNHN với chủ đề: Đạo Lý, nền tảng canh tân và phục hoạt đất nước.
- Khai sinh Tờ liên lạc HIỆP THÔNG, phương tiện truyền thông chính thức của Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại
- Năm 2000, hưu dưỡng tại Rôma, Ý
- Tạ thế vào ngày 02 tháng 02 năm 2010.

Lội dòng ngược dòng để canh tân

"Đáng lý trong giây phút nầy, con phải ở bên cạnh cha để nói với cha lời vĩnh biệt. Nhưng cũng như những ngày tháng khó khăn cha đã sống qua sau cơn bị trụy tim năm 1991 trong dịp công tác tại Đan viện Xitô VN, Orsonnens, Thụy Sĩ, tình trạng sức khỏe của con hôm nay đã cầm chân không con đến Rôma tiển đưa cha được. Kính xin dâng những lời nói chân tình nầy đến cha thay lời từ tạ." (Nguyễn Đăng Trúc, Strasbourg, Pháp, ngày 05 tháng 02 năm 2010)

Những ngày tháng được ở gần cha, lúc cha còn là một thầy phó tế đang dưỡng bịnh tại Thánh Địa La-Vang, trong những năm tháng cha làm giáo sư tại tiểu chủng viện Phú Xuân, rồi Hoan Thiện, Huế, đặc biệt suốt thời gian từ ngày cha nhận công tác tông đồ mục vụ cho cộng đồng người Việt hải ngoại, cha thường tâm sự với con:

"Cuộc đới của cha là những chuổi bất ngờ đầy may mắn, nhưng cũng là chuổi những thách đố quá khó khăn phải đương đầu trước những hoàn cảnh như chưa bao giờ xảy đến trong lịch sử".

Phải, Đức Ông Philipphê Trần-Văn-Hoài, tên gọi ấy gợi lên trong tâm tưởng của con hình ảnh một con người mà lắm vị đồng liêu của cha, - không biết là để tán dương hay vì e ngại -, nói đùa rằng: ngài là kẻ bên lề.

Nhưng riêng đối với chúng con, những người đã đồng hành với cha để sống đạo giữ đời, thì đúng cha là người bên lề khi cha vượt ra bên ngoài lối suy nghĩ cố hữu và cung cách sống “bầy đàn, khép kín” của “thiên hạ”, để can đảm chấp nhận những nguy cơ của thất bại, những thách đố của những ngày tháng bị hiểu lầm và cô đơn mà bất cứ ai dấn thấn cho canh tân đều gặp phải:

- Canh tân vì đó là sinh lực của Phúc Âm mà cha là kẻ làm chứng,
- Canh tân do đòi hỏi của giáo huấn Giáo hội mà cha là một tín hữu,
- Canh tân một cộng đoàn tôn giáo mà cha là một trong những chủ chăn, một cộng đoàn khẩn thiết phải đổi thay để có thể tiếp nhận sứ điệp của Đấng Cứu Chuộc và đủ sức chuyển sứ điệp của Ngài cho người chung quanh,
- Canh tân xã hội, đất nước mà cha là một người công dân: một xã hội khẩn thiết phải đổi thay khi phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa mà cha tôn thờ, đang bị chà đạp.

Là một linh mục trẻ trong những năm Giáo hội hoàn vũ đang chuẩn bị và đang tiến hành Công Đồng Vaticanô II, cha là một trong những chủ chăn đã canh tân cung cách giao tiếp với người tín hữu anh em ở giáo xứ Bác Vọng, cũng như đối với những người em chủng sinh mà Giáo phận Huế giao phó cho cha dẫn dắt và đào tạo. Cha là một người anh em trong gia đình Dân Chúa, chứ không phải là một ông quan địa phương thời phong kiến, không phải một chủ chăn đã quên sứ điệp rửa chân cho anh em mình để đồng hóa một cách sai lạc quyền phát xuất từ sinh lực Yêu Thương trong Phúc Âm với quyền uy trần thế.

Hình ảnh cha Hoài gần gũi, thân thuộc với anh chị em tín hữu ở giáo xứ Bác Vọng; hình ảnh cha Hoài đá banh, chơi domino, chia sẽ những tin tức thời sự sau bửa cơm chiều, đi du ngoạn, ca hát sinh hoạt với anh em chủng sinh; hình ảnh cha Hoài trong bộ đồng phục hướng đạo, một huynh trưởng, một tuyên úy giữa những ‘chủng sinh-hướng đạo’…, những hình ảnh ấy vừa nói lên mối liên hệ thân tình phát xuất từ xác tín sâu xa của nguồn sinh lực Yêu Thương đến từ Thiên Chúa là cha chung của mọi người, vừa phản ảnh ý chí can cường của một cha Hoài dám tiên phong canh tân nếp sinh hoạt cố hữu.

Cha không những tiên phong trong nếp sinh hoạt liên quan trực tiếp đến phận vụ mục tử giới hạn của mình, nhưng cha còn tiên phong trong nỗ lực xóa bỏ hình ảnh một lối giữ đạo chỉ lo cho phần rỗi cá nhân mình, chỉ biết đến người cùng tôn giáo với mình, chỉ bảo vệ cho một giáo hội tưởng chừng như giới hạn vào một cộng đoàn dành cho người cùng phe với mình …, để vượt qua biên giới của ngã-chấp và cổ súy lối sống đạo loan truyền Tin Mừng Yêu Thương mà Thiên Chúa hứa ban cho mọi người. Ngoài việc đưa Phong Trào Hướng Đạo vào chủng viện để giúp chủng sinh có môi trường tiếp cận với người ngoài nhà tu, kể cả người không công giáo, cha đã ghi danh học ở Đại Học Huế, không phải chỉ để có thêm những kiến thức thuộc lãnh vực trần tục, hoặc để có một cấp bằng đại học mà thôi, nhưng mục đích chính là tiếp cận với những con người đa biệt, hiện diện ở giữa những sinh hoạt xã hội khác lạ so với nếp sống của một giáo xứ. Cha không những không xa lạ với các sinh hoạt đoàn thể xã hội, tham gia các sinh hoạt sinh viên, nhưng rất nhạy bén với những lãnh vực mà Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II đề cập khi nói đến những vui mừng và hy vọng, những khổ đau và khắc khoải của xã hội con người.

Phải chăng chính vì muốn vượt ra ranh giới những người của mình, những cái của mình để gặp gỡ kẻ khác, phải chăng vì ngoài việc lo mục vụ giới hạn trong nhà xứ của mình, cha lại còn nhạy cảm về tình cảnh xã hội quá đau thương mà anh chị em đồng bào lúc bấy giờ đang gánh chịu, mà thiên hạ e ngại gọi cha là kẻ bên lề?

Nhưng, chính vì nhu cầu canh tân Giáo Hội và thăng tiến con người, những người cùng đồng hành với cha lại gọi kẻ bên lề ấy là vị tiên phong cổ suý đưa đạo vào đời.

Tiên phong cổ suý đưa đạo vào đời

Sau năm 1975, tình hình nghiệt ngã của dân tộc Việt-nam đã buộc lịch sử khai sinh ra một cộng đồng của những người tha phương tị nạn. Vào những ngày tháng đầu tiên của biến cố đau thương nầy, cha đã ra khỏi Rôma để hiện diện tại các địa điểm tiếp cư người Việt tị nạn tại một số nước Đông Nam Á, lưu lại từng tháng trên những chiếc tàu tìm vớt những thuyền nhân ‘liều mạng tìm tự do’. Chia sẻ cảnh bơ vơ của kẻ ly hương, cha tìm mọi cách để liên lạc gặp gỡ đồng bào tị nạn đây đó tại khắp các nước, các châu trên thế giới. Cùng với các linh mục tu sĩ Việt Nam sống tại Âu Châu, cha tham gia công việc thành hình USU, một hiệp hội nối kết các linh mục tu sĩ để phối trí nỗ lực tông đồ mục vụ cho các cộng đồng người Việt tị nạn. Và cùng với sự xuất hiện của hội USU nầy, tập san Dân Chúa Âu Châu, cơ quan truyền thông của người tị nạn công giáo Việt-nam tại Âu Châu được khai sinh.

Năm 1987, trong lúc đang giữ chức vụ phó viện trưởng Viện Đại Học Urbaniana của Vatican, Toà thánh đã trao phó cho cha hai trách vụ tưởng chừng như quá sức con người: Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại và Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Phong Hiển Thánh cho 117 vị tử đạo trên đất Việt-Nam.

Phối kết tông đồ mục vụ cho một cộng đồng người tị nạn hơn 300.000 kitô hữu sống rải rác trên gần một trăm quốc gia trên thế giới ! Một trách vụ bao la với đầy gian nguy vì Giáo luật tưởng chừng như chưa minh định một qui chế gì rõ ràng cho người chủ chăn cũng như cộng đoàn liên hệ. Một chức vụ có một không hai, một cộng đoàn tị nạn “không đất, không nhà” của những kitô hữu tha hương!

Thay mặt cho hàng giáo phẩm và nhân danh giáo hội công giáo Việt-nam, tổ chức một Lễ phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo! - Bên trong, cộng đồng kitô hữu Việt nam hải ngoại với từng trăm ý kiến về phương cách tổ chức được đề xuất, tình thế đòi hỏi phải phối hợp để đi đến một quyết định chung. - Bên ngoài những chống phá từ phía nhà nước cộng sản, những hiểu lầm đây đó trong cộng đồng người Việt khi nhìn những vị tử đạo, chứng nhân cho Tình Yêu đến từ Trời Cao, như là những con rối trong mưu đồ của những chế độ chính trị thực dân ngoại bang …

Không phải không ý thức về sức lực và tài năng rất giới hạn của mình, nhưng cha đã không ngại nói tiếng xin vâng với Tòa Thánh.

Hẳn nhiên tiếng xin vâng ấy dám nói lên, vì hẳn cha xác tín có một Đức Kitô hiện diện ở giữa dân tộc và Giáo hội Việt-nam trong những lúc giông tố. Nhưng qua những ngày tháng đồng hành với cha, con thoáng nhận ra lý do tại sao cha can đảm đến như thế. Năm 1993, năm năm sau ngày Lễ Phong Thánh cho 117 vị tử đạo trên đất Việt-Nam, cha từng cô động tâm tư của mình như thế nầy trong trang đầu tập san Định Hướng số ra mắt do chính cha chủ trương và cố vấn:

Cho đến ngày hôm nay, cộng sản và tư bản đã định hướng cho cộng đồng nhân loại. Nhưng trước ngưỡng cửa của năm 2000, tư bản khủng hoảng, cộng sản sụp đổ. Các vị lãnh đạo cộng đồng nhân loại đang loay hoay tìm một trật tự thế giới mới, nghĩa là đang tìm một định hướng mới cho nhân loại. Trong bối cảnh nầy, quốc gia dân tộc chúng ta cũng đang hốt hoảng, mất cả hướng đi, như con thuyền gãy lái trên biển cả một giông tố.

Trong thời điểm nguy ngập nầy, chúng ta bàng hoàng ngồi nhìn vô tư hay sao? (…)

Không bao giờ nữa.

Chúng ta đừng để chúng ta một lần nữa hỗ thẹn với người thiếu phụ Miền Bắc! Trong một đêm mưa gió bão táp tơi bời, ngọn hải đăng là hy vọng sống còn độc nhất của chồng bà bị gió đánh gãy tắt. Người thiếu phụ ở nhà ẳm con mong đợi. Ngọn hải đang tắt. Bà thất vọng ?

Không. Bà đã không thất vọng. Bà cam đảm. Một tia sáng loé lên (…): Bà châm lửa đốt cháy căn nhà là tài sản độc nhất của bà! Bà thắp lên một ánh sáng định hướng cho chồng bà thấy đường về!
(…).”

Lạ thay, phép lạ đã đến cho cha, cho cộng đồng người Việt công giáo tị nạn và cho giáo hội Việt nam: Lễ tổ chức phong thánh năm 1988 thành công.

Vấn đề còn lại là làm sao chứng tá Yêu thương của 117 vị tử đạo phải được thắp sáng lên để định hướng cho tương lai, một sứ vụ mà, với tư cách lãnh đạo cộng đồng kitô hữu Việt-nam hải ngoại, cha không thể không ý thức và tránh né không dám thực hiện.

Thật thế. Cha đã múc lấy hứng khởi cho tác vụ của mình nơi nguồn Tình Yêu của Đức Kitô mà các vị tử đạo Việt-nam là chứng nhân.

- Ngọn đuốc Tình Yêu đó giải thích tại sao cha đã cam đảm ưu tiên canh tân nếp sống đạo của kitô hữu Việt-nam khi đưa giáo huấn của công đồng Vaticanô II về tông đồ giáo dân áp dụng ngay trong bước đầu của mục vụ của mình. Một Văn Phòng Tông Đồ Giáo Dân được thành lập, chỉ một vài tháng sau ngày Phong Thánh. Đức Kitô, Đấng Yêu Thương đã chết mình đi để cứu độ. Kitô hữu Việt nam không chỉ lo phần rỗi cá nhân mình trong khuôn viên nhà xứ của mình, nhưng mọi thành phần dân Chúa, giáo dân, giáo sĩ phải làm chứng Tình Yêu của Đức Kitô khi dám bước ra cửa, ngoài khu đất quá an toàn cố hữu, để nhập cuộc vào khổ đau và hy vọng của nhân thế. Giáo dân cần được trang bị kiến thức đạo đời, có cơ hội học hỏi trao đổi, có cơ hội cùng chung nhau bước ra tuyến đầu, nơi môi trường trần thế, làm chứng cho Tình Yêu của Đức Kitô, như giáo huấn Giáo hội truyền dạy. Thao thức mục vụ căn cơ đó đã thúc đẩy cha kêu gọi các nhóm tông đồ giáo dân trong các nước nên cùng nhau gặp gỡ và cùng nhau thành lập Phong TràoGiáo Dân VNHN (tháng 10 năm 1992).

- Ngọn đuốc Tình Yêu đó giải thích tại sao cha đã cam đảm kêu gọi các vị lãnh đạo của năm tôn giáo lớn của Việt-Nam gặp gỡ nhau ngay tại Vatican để cùng với Tòa Thánh Vatican (qua các vị hồng y bộ trưởng các thánh bộ) ‘cầu nguyện hoà bình’. Ngày gặp gỡ ấy phải xóa tan những vướng mắc nghi kỵ dấy lên thù hận qua lịch sử khi những vị tử đạo bị hiểu lầm là con rối các thế lực ma quái của đế quốc. Ngày gặp gỡ ấy phải tôn vinh Thần Lực yêu thương và hòa bình đang tác động trong các tôn giáo và trong tâm hồn các tín đồ. Ngày gặp gỡ ấy phải khẳng định với đồng bào Việt-Nam rằng chủ trương chính trị sắt máu, nghi khị, thù hận là đi ngược với đạo lý làm người. Ngày gặp gỡ năm ấy, đầu tiên diễn ra trong lịch sử dân tộc, đề nghị một cung cách sống đạo mới của kitô hữu Việt-nam trong cộng đồng dân tộc. Cũng trong ngày gặp gỡ năm ấy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có dịp gặp gỡ trực diện các vị lãnh đạo tôn giáo của Việt-nam, vui cười nắm tay trò chuyện với đồng bào Việt-nam, lương giáo, nam nữ, điều kiện xã hội cũng như chính kiến đa biệt.

- Ngọn đuốc Tình Yêu đó giải thích tại sao năm 1993 cha khai sinh Tập San Định Hướng, một dụng cụ truyền thông mà bất cứ người thiện chí nào muốn quảng bá những nghiên cứu, những đề xuất thăng tiến phẩm giá con người, lợi ích cộng đồng xã hội, đều có thể xem đó là vùng đất của mình, bên trên những khác biệt về tư tưởng, tôn giáo, chính kiến…

- Ngọn đuốc Tình Yêu đó giải thích tại sao cha đã tổ chức cuộc ‘Gặp Gỡ và Thảo Luận về Thần Học Việt nam vào tháng 08 năm 1996 tại Đan viện Xitô, Orsonnens, Thụy Sĩ. Trong bài thuyết trình với đề tài Tìm một hướng đi cho nền thần học Việt Nam, cha nói rõ rằng: “Lý do thúc đẩy chúng ta bất chấp mọi hy sinh, chính là lợi ích của Giáo hội và dân tộc thân yêu Việt nam của chúng ta”. Đạo công giáo không còn có thể được xem là dụng cụ truyền bá một hệ thống tư tưởng, một đường lối chính trị, một tập tục xã hội nào đó bất kỳ, dù nỗ lực liên đới văn hóa rất cao cả, nhưng trước hết và trên hết là chứng nhân của Tình Yêu từ Trời Cao đến cho từng người, từng dân tộc để mỗi người mỗi dân tộc phát huy và thăng tiến phẩm giá của mình, hoàn thành nhân tính “linh ưu vạn vật” trong hoàn cảnh lịch sử cá biệt và ngôn ngữ riêng của mình.

- Ngọn đuốc Tình Yêu đó giải thích tại sao cha kêu gọi các cộng đồng tôn giáo, các hội đoàn văn hóa trong cộng đồng VNHN cùng nhau tìm một phương thức phối trí khả dĩ giúp thực hiện những sinh hoạt có tầm vóc qui mô: một mặt nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt nam trong cộng đồng, đưa giới trẻ tiếp cận được với lớp người đi trước, mặt khác cùng nhau đề xuất những phương cách hội nhập văn hóa lành mạnh dựa trên những căn bản đạo lý làm người. Lời kêu gọi của cha được nhiều người đáp ứng; và tháng 10 năm 1995, Trung tâm văn hóa Nguyễn-Trường-Tộ ra đời. Một năm sau, Đại Học Hè đầu tiên của Cộng Đồng VNHN được Trung tâm văn hóa Nguyễn-Trường-Tộ tổ chức do viên trưởng, Đức Ông Trần Văn Hoài khai mạc. Tiêu biểu cho sinh lực văn hóa của cộng đồng VNHN, Đại Học Hè nầy tiếp tục sinh hoạt hàng năm ở những địa điểm khác nhau tại Âu Châu, qui tụ các sinh viên, chuyên viên trẻ đồng hành với các vị giáo sư đại học, các vị lãnh đạo cộng đồng, các nhân sĩ…

- Ngọn đuốc Tình Yêu đó giải thích tại sao tháng 8 năm 1997 cha chủ trì Tuần Lễ Xã Hội, lần đầu tiên được tổ chức trong cộng đồng VNHN với chủ đề: Đạo Lý, nền tảng canh tân và phục hoạt đất nước. Cuộc gặp gỡ qui tụ những vị lãnh đạo các tôn giáo, các cộng đồng, các đảng phái chính trị, các hội đoàn, các nhà thần hoc, các giáo sư các đại học, các nhân sĩ … đến từ nhiều quốc gia. Múc lấy hứng khởi nơi giáo huấn của thông điệp Hào quang Chân Lý của Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, cha đã tìm ra được ánh sáng mà đồng bào chúng ta, dù là kitô hữu hay tín đồ của bất cứ tôn giáo nào, dù thuộc phe phái chính trị nào, cũng một lòng muốn thắp lên để canh tân đất nước và mang lại phúc lợi cho dân tộc. Ánh sáng đó là ánh sáng của chân lý, ánh sáng của đạo lý làm người đúng với phẩm giá tự do và cao cả mà Trời Cao phú ban cho mỗi người.

Vì là sứ giả của Tình Yêu Thương luôn đổi mới khuôn mặt buồn thảm của thực tại trấn thế, cha nóng lòng muốn là người tiên phong của canh tân để kết dệt những mối gặp gỡ làm nên hòa bình và an lạc.

Nhưng có một điểm không hề đổi mà cha là một biểu tượng sáng chói, đó là lập trường trung kiên với chủ trương cổ võ cho tự do để thăng tiến phẩm gía con người, lập trương từ chối thỏa hiệp với tác nhân gây thù hận và áp bức làm khổ đồng bào. Lập trường ấy trong sáng phản ảnh khát khao của những con người đã từng dám liều cả mạng sống mình đi tìm tự do; lập trường ấy trung thành với tâm tư của những con người kết dệt nên ý nghĩa của chữ hải ngoại trong thành ngữ Cộng Đồng Người Công Giáo Việt Hải Ngoại mà linh mục Trần Văn Hoài được chỉ định làm người lãnh đạo.

Những người Việt khao khát tự do không thể không ghi công và hãnh diện về Đức Ông Trần Văn Hoài, một vị lãnh đạo tinh thần biểu hiện được tâm tư và nguyện vọng sâu xa của chính họ.

Một kitô hữu luôn phó thác cuộc đời mình cho Thánh Mẫu Maria, Mẹ Đức Giêsu

Một cuộc chiến lội dòng nước ngược cho tự do của một con người không ngại những rủi ro bất ngờ, những giới hạn rất ‘con người’ mà cá nhân mình khó tránh khỏi, những e dè hay hiểu lầm của “thiên hạ”…, một cuộc chiến như thế hẳn khó có thể thực hiện nếu cha đã không đồng hành với người Mẹ đầy quyền năng mà cha hằng nương tựa.

Thật thế, điểm sánh chói của người kitô hữu nơi cha mà con cảm phục lúc cùng cha sinh hoạt, đó chính là sự phó thác không ddiều kiện của cha vào sự nâng đỡ của Mẹ Maria, Đấng đã đứng vững dưới chân Thánh Giá để cùng Chúa Kitô thể hiện Tình Yêu Thiên Chúa đới với con người, đề nối kết con người lại trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Người tín hữu Philipphê, người đã níu lấy Mẹ trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống của mình, hôm nay đã tạ thế. Xin Mẹ đưa người thân yêu nầy của Mẹ đến với vinh quang Thiên Đàng nơi con Mẹ đang hiển trị.

Vĩnh biệt và cám ơn Cha, Đức Ông Philipphê Trần-Văn Hoài.