Ngày 6 tháng 12, trên chuyến máy bay chở ngài về Rôma, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo tháp tùng ngài một cuộc phỏng vấn rất đáng lưu ý. Ngài đề cập tới nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng như việc ngài xin lỗi Chính Thống Giáo, việc ngài sắp gặp người anh em Kirill, Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, tính đồng nghị trong Giáo Hội, việc ở Liên hiệp Âu Châu có đề nghị "lỗi thời" thay đổi lời chúc lễ Giáng sinh, việc "thoái lui" của nền dân chủ Âu Châu, các chính phủ dân túy, phúc trình lạm dụng tình dục ở Pháp, việc từ chức của Đức Tổng giam mục Aupetit, nhất là vấn đề di dân và vai trò của Liên Hiệp Châu Âu.
Chúng tôi dựa vào bản tiếng Ý để chuyển ngữ trọn cuộc phỏng vấn nói trên.
Matteo Bruni
Con xin kính chào buổi sáng Đức Thánh Cha! Xin chào buổi sáng và cảm ơn các bạn đã hướng dẫn chúng tôi trong những ngày căng thẳng này, cũng như đụng vào điều mà các bạn gọi là "các vết thương". Và cũng cảm ơn vì không gian này, để chúng ta có thể cùng nói với nhau về nó. Xin cảm ơn.
Đức Phanxicô
Chào buổi sáng và cảm ơn các bạn! Tôi sợ rằng cuộc họp báo này sẽ không diễn ra vì sự chậm trễ, nhưng không, nó diễn ra. Cảm ơn các bạn rất nhiều và tôi lắng nghe câu hỏi của các bạn.
Matteo Bruni
Cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi đầu tiên đến từ Constandinos Tzindas của đài truyền hình Síp.
Constandinos Tzindas của truyền hình Síp (trong ING)
Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng con cơ hội và cả chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến Síp và Hy Lạp nữa. Thưa Đức Thánh Cha, những nhận xét mạnh mẽ của ngài về đối thoại liên tôn giáo [đại kết] ở cả Síp lẫn Hy Lạp đã khơi dậy những kỳ vọng đầy kích thích ở bình diện quốc tế. Họ nói rằng xin lỗi là điều khó nhất. Nhưng Đức Thánh Cha đã làm điều đó một cách ngoạn mục. Nhưng trên thực tế, Vatican có kế hoạch nào đem người Công Giáo và Chính thống giáo lại với nhau? Một Thượng Hội đồng có được lên lịch trình không?
Tính đồng nghị là bản chất của Kitô giáo, bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi và là kết quả của tiếng nói chung của Giáo hội trên thế giới. Như bây giờ đã được chứng minh, chỉ một Giáo hội thống nhất trong một môi trường hoàn cầu hóa và phi nhân hóa mới thực sự có hiệu quả. Thánh Gioan Chrysostom, như Đức Thánh Cha nói, là một điển hình cho sự thẩm thấu giữa tư tưởng Hy Lạp và Công Giáo; ngài khẳng định rằng "về mặt con người, Giáo hội là giáo sĩ và giáo dân, trong khi đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là đoàn chiên của Người".
Cùng với Thượng phụ Đại kết Bartholomew, Đức Thánh Cha đã kêu gọi tất cả các Kitô hữu cử hành vào năm 2025 mười bẩy thế kỷ kể từ Thượng hội đồng Đại kết đầu tiên ở Nixêa. Các bước tiếp theo trong diễn trình này là gì?
Và cuối cùng – con xin lỗi vì câu hỏi dài này, nhưng đó là tinh thần trong hành trình của Đức Thánh Cha - một viễn kiến đã được phát biểu gần đây ở Liên hiệp châu Âu: chúng tôi đã thay thế câu "Chúc Giáng sinh vui vẻ" bằng "chúc những ngày lễ nghỉ vui vẻ". Tại sao người ta không nhận ra rằng Kitô giáo không phải là một ý thức hệ mà là một kinh nghiệm sống nhằm mục đích đưa con người từ cõi phàm trần về cõi vĩnh hằng? Vì vậy, tôi hiện hữu bởi vì đối tác của tôi cũng hiện hữu. Đó là chúng tôi chứ không phải tôi. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều.
Đức Phanxicô
Vâng, làm ơn. Tôi đã xin lỗi, tôi xin lỗi trước mặt Đức Ieronymos, người anh em Ieronymos của tôi. Tôi xin lỗi vì tất cả những chia rẽ đang tồn tại giữa các Kitô hữu, nhưng trên hết là những chia rẽ mà những người Công Giáo chúng tôi đã gây ra. Tôi cũng muốn xin lỗi, khi nhìn vào cuộc chiến tranh giành độc lập. Đức Ieronymos đã dạy tôi một điều: rằng một bộ phận người Công Giáo đứng về phía các chính phủ châu Âu để ngăn cản nền độc lập của Hy Lạp; mặt khác, ở các đảo, người Công Giáo các đảo ủng hộ nền độc lập, ra trận, một số đã hy sinh vì quê hương đất nước. Nhưng tâm điểm - hãy nói theo cách này - vào thời điểm đó đã được triển khai ở châu Âu... Và cũng xin lỗi về vụ tai tiếng chia rẽ, ít nhất là vì những gì chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Tinh thần tự lấy mình làm đủ. Chúng ta ngậm miệng khi cảm thấy phải xin lỗi, nhưng với tôi, điều luôn luôn tốt là nghĩ rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ, không bao giờ. Chúng ta là những người mệt mỏi với việc xin tha thứ, và khi chúng ta không cầu xin Thiên Chúa tha thứ, chúng ta sẽ khó xin anh em mình tha thứ. Xin sự tha thứ từ một người anh em khó hơn là từ Thiên Chúa, bởi vì chúng ta biết rằng Người từng nói: "Rồi, con hãy đi, con hãy đi, con đã được tha thứ". Thay vào đó, với anh em, có sự xấu hổ và sỉ nhục... Nhưng trong thế giới ngày nay, chúng ta cần thái độ sỉ nhục và việc xin lỗi. Có quá nhiều điều đang xảy ra trên thế giới, quá nhiều người mất mạng, quá nhiều cuộc chiến tranh… Làm sao chúng ta có thể không xin lỗi?
Trở lại chuyện này, tôi muốn xin lỗi vì những chia rẽ, ít nhất là những chia rẽ chúng tôi đã gây ra. Đối với những định chế khác, chính các nhà quản lý phải làm điều đó, nhưng đối với định chế của chúng tôi, tôi xin lỗi. Và cũng đối với giai đoạn chiến tranh đó, trong đó một phần người Công Giáo đứng về phía chính phủ châu Âu, và những người trên các hòn đảo đã chiến đấu để bảo vệ... Tôi không biết liệu như vậy có đủ không...
Và cũng là một lời xin lỗi cuối cùng - điều này xuất phát từ trái tim tôi -: đối với vụ tai tiếng là thảm kịch di dân, đối với vụ tai tiếng của biết bao sinh mạng bị chết chìm trong biển cả.
Matteo Bruni
Câu hỏi thứ hai là về khía cạnh đồng nghị. Ông viết: "Giáo hội là việc tổng hợp, về mặt con người, Giáo hội là giáo sĩ và giáo dân trong khi đối với Thiên Chúa, chúng ta là một đoàn chiên".
Đức Phanxicô
Đúng, chúng ta là một đoàn chiên, đó là sự thật. Còn sự phân chia này - giáo sĩ và giáo dân - là một sự phân chia chức năng, vâng, về phẩm năng, nhưng có một sự thống nhất, một đoàn chiên duy nhất. Và năng động tính giữa những khác biệt trong Giáo hội là tính đồng nghị: nghĩa là, lắng nghe nhau và đồng hành với nhau. Synodos: dẫn đường cùng với nhau. Đây là ý nghĩa của tính đồng nghị, hiệp hành. Các Giáo hội Chính thống của ông, thậm chí của cả các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, họ cũng vẫn giữ điều này. Thay vào đó, Giáo hội Latinh đã quên Thượng hội đồng, và chính Thánh Phaolô VI là người đã tái lập cuộc hành trình Thượng hội đồng cách nay 54, 56 năm. Và chúng tôi đang thực hiện một cuộc hành trình để lặp lại thói quen đồng nghị, cùng bước đi với nhau.
Matteo Bruni
Mặt khác, câu hỏi cuối cùng là về Lễ Giáng sinh, trong đó ông nói: "Có thể nào chúng ta không hiểu rằng Kitô giáo không phải là một ý thức hệ, mà là một kinh nghiệm sống?" Họ lại muốn hủy...
Đức Phanxicô
À, bạn có ý nói đến tài liệu của Liên hiệp Châu Âu về lễ Giáng sinh... Đây là một điều lỗi thời. Trong suốt lịch sử, rất nhiều chế độ độc tài đã cố gắng làm như vậy. Hãy nghĩ tới Napoléon. Hãy nghĩ tới chế độ độc tài của Đức Quốc xã, chế độ Cộng sản… Đó là mốt thời thượng của một chủ nghĩa thế tục pha loãng, chắt lọc… Nhưng nó là thứ chủ nghĩa đã không có tác dụng trong suốt lịch sử. Điều này khiến tôi nghĩ đến một điều, liên quan tới Liên hiệp châu Âu, mà tôi tin là cần thiết: Liên hiệp châu Âu phải nắm lấy các lý tưởng của các Tổ phụ sáng lập, đó là các lý tưởng thống nhất, vĩ đại, và hãy ý tứ đừng dành chỗ cho các cuộc thực dân hóa ý thức hệ. Điều này có thể dẫn đến việc chia rẽ các quốc gia và khiến Liên hiệp châu Âu thất bại. Liên hiệp châu Âu phải tôn trọng từng quốc gia như nó được nên cấu trúc ở bên trong. Sự đa dạng của các quốc gia, chứ không phải ý muốn được tiêu chuẩn hóa. Tôi tin rằng nó sẽ không làm điều đó, đó không phải là chủ ý của nó, nhưng hãy cẩn thận, vì đôi khi có người sẽ đến và đưa ra những dự án như thế này và người ta không biết phải làm gì... Không, mỗi quốc gia có tính đặc thù riêng, nhưng mỗi quốc gia đều cởi mở đối với các quốc gia khác. Liên hiệp châu Âu: chủ quyền của nó, chủ quyền của những người anh em trong một thể thống nhất, phải tôn trọng tính độc đáo của mỗi quốc gia. Và hãy ý tứ đừng trở thành phương tiện của việc thực dân hóa ý thức hệ. Vì lý do này, việc can thiệp đó vào Lễ Giáng sinh là một sự lỗi thời.
Matteo Bruni
Cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi thứ hai - hoặc câu hỏi thứ ba, với những điều này - đến từ Iliana Magra, của Kathīmerinī: đó là một tờ báo tiếng Hy Lạp.
Iliana Magra, của Kathīmerinī ở ING
Con xin chào buổi sáng Đức Thánh Cha, xin cảm ơn Đức Thánh Cha đã đến thăm Hy Lạp. Trong bài phát biểu của Đức Thánh Cha tại Phủ Tổng thống ở Athens, Đức Thánh Cha đã nói về sự "rút lui" của nền dân chủ trên thế giới, và đặc biệt là ở châu Âu...
Matteo Bruni
[Phiên dịch cho Đức Giáo Hoàng...] Đức Thánh Cha đã nói về một nền dân chủ đang rút lui, một nền dân chủ đang nhường bước, đang nhường bước...
Iliana Magra
Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết đôi điều về việc này, và Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết Đức Thánh Cha đề cập đến những quốc gia nào không? Và Đức Thánh Cha muốn nói gì với các nhà lãnh đạo và cử tri cực hữu ở Châu Âu, những người tự xưng là những Kitô hữu sùng đạo, nhưng đồng thời cổ vũ các giá trị và chính sách phi dân chủ?
Đức Phanxicô
Đúng, dân chủ là một kho tàng, một kho tàng của nền văn minh, và nó phải được bảo vệ, nó phải được bảo vệ, và không chỉ được bảo vệ bởi một thực thể cao hơn, mà được bảo vệ giữa chính các quốc gia: bảo vệ nền dân chủ của người khác. Chống lại nền dân chủ ngày nay có lẽ tôi thấy có hai nguy cơ. Một là những người nổi tiếng, ở đây đó, và đang bắt đầu để lộ móng vuốt. Và tôi nghĩ về một chủ nghĩa dân túy vĩ đại của thế kỷ trước: Chủ nghĩa Quốc xã. Chủ nghĩa Quốc xã là một chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo vệ các giá trị quốc gia - do đó nó nói – phải tìm cách hủy diệt sinh hoạt dân chủ, thực sự, bằng cái chết của người dân, phải tận diệt, để trở thành một chế độ độc tài đẫm máu. Hôm nay tôi xin nói - bởi vì bạn đã hỏi về các chính phủ cánh hữu - hãy cẩn thận để các chính phủ - ý tôi không phải là các chính phủ cánh hữu và cánh tả, mà là một điều khác -: để các chính phủ không sa vào con đường của chủ nghĩa dân túy [populism], của điều gọi là "chủ nghĩa dân túy" chính trị. Điều này không liên quan gì đến các chủ nghĩa bình dân [popularisms], vốn là các phát biểu tự do của người dân: những người tự phát biểu qua bản sắc riêng của họ, qua văn hóa dân gian, qua các giá trị của họ, nghệ thuật của họ và duy trì chính mình. Chủ nghĩa dân túy là một chuyện, chủ nghĩa bình dân lại là chuyện khác hẳn. Mặt khác, nền dân chủ suy yếu, đi vào con đường suy thoái chậm chạp, khi các giá trị quốc gia bị hy sinh, chúng bị pha loãng bằng cách đi tới - xin nói một hạn từ xấu xí, tôi không muốn nói hạn từ này nhưng tôi không tìm được hạn từ khác. - hướng tới một "đế quốc", Một loại chính phủ siêu quốc gia. Và đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Cũng đừng sa vào các chủ nghĩa dân túy, nơi mà người ta kêu gọi nhân dân, nhưng không phải nhân dân, mà đó là chế độ độc tài đúng nghĩa đối với chúng ta và những người khác - hãy nghĩ tới chủ nghĩa Quốc xã -; cũng đừng sa vào việc pha loãng danh tính của họ trong một chính phủ quốc tế. Có một cuốn tiểu thuyết về điều này được viết vào năm 1903. Bạn sẽ nói rằng vị Giáo hoàng này đã lỗi thời về văn chương... Do Benson viết, một nhà văn người Anh. Ông Benson này đã viết một cuốn tiểu thuyết có tựa đề: "Chúa tể của Trái đất" hoặc "Chúa tể của thế giới" - ông nhận cả hai tựa đề -, người mơ về tương lai của một chính phủ quốc tế, nơi, bằng các biện pháp kinh tế, các biện pháp chính trị, quản trị mọi quốc gia khác. Và ông ta giải thích, khi bạn chấp nhận chính phủ này, kiểu chính phủ này, bạn mất tự do và cố gắng làm cho mọi người bình đẳng. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi có một siêu cường áp đặt các tác phong văn hóa, kinh tế và xã hội lên các quốc gia khác. Sự suy yếu của nền dân chủ, vâng, quả do sự nguy hiểm của các chủ nghĩa dân túy - vốn không phải là chủ nghĩa bình dân, một chủ nghĩa thật tuyệt - và sự nguy hiểm của việc nhắc đến các thẩm quyền quốc tế: kinh tế, văn hóa, bất kể nó là gì. Tôi không biết, nhưng đó là những gì tôi nghĩ đến, tôi không phải là một nhà khoa học chính trị, tôi nói vì những gì nó có vẻ đối với tôi.
Matteo Bruni
Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi thứ ba đến từ Manuel Schwartz của Dpa (Deutsche Presse-Agentur), hãng thông tấn Đức:
Manuel Schwartz của hãng thông tấn Đức:
Thưa Đức Thánh Cha, trước hết xin cảm ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng con đồng hành cùng Đức Thánh Cha trong cuộc hành trình quan trọng này. Di dân là chủ đề trọng tâm không những ở Địa Trung Hải, mà còn ở các khu vực khác của châu Âu, đặc biệt là ở Đông Âu, ngày nay, với rất nhiều sợi dây thép gai, như Đức Thánh Cha đã gọi, và cả với cuộc khủng hoảng ở Belarus. Đức Thánh Cha mong đợi điều gì từ các quốc gia trong khu vực này, chẳng hạn từ Ba Lan và cả Nga, và sau đó, Đức Thánh Cha mong đợi điều gì từ các quốc gia quan trọng khác ở châu Âu, ví dụ như Đức, nơi giờ đây sẽ có một chính phủ mới sau thời đại của Angela Merkel?
Đức Phanxicô
Đối với những người ngăn cản di dân hoặc những người đóng cửa biên giới - bây giờ nó là một cái mốt, dựng tường, rào dây thép gai, thậm chí cả dây thép gai cuộn nữa, người Tây Ban Nha biết điều này có nghĩa là gì: bình thường phải làm những điều này để ngăn cản việc xâm nhập - điều đầu tiên tôi xin nói, nếu tôi có một người quản gia ở trước mặt tôi: "nhưng hãy nghĩ đến thời điểm khi bạn là một người di cư và họ không cho bạn vào, khi bạn muốn trốn khỏi vùng đất của mình, thế mà bây giờ bạn lại xây dựng những bức tường". Điều này tốt, bởi vì những người xây tường mất cảm thức về lịch sử, về lịch sử của chính họ, về lúc họ còn là nô lệ cho một quốc gia khác. Không phải ai cũng có kinh nghiệm này, nhưng ít nhất một phần lớn những người xây tường có kinh nghiệm này: từng là nô lệ. Bạn có thể nói với tôi rằng: “Nhưng các chính phủ có nhiệm vụ cai trị và nếu làn sóng di cư đến như vậy thì không thể cai trị được!”. Tôi xin nói điều này: mọi chính phủ phải nói rõ ràng: “Tôi có thể tiếp nhận nhiều người”, vì các nhà cai trị biết họ có khả năng tiếp nhận bao nhiêu: đó là quyền của họ, điều này đúng. Nhưng các di dân phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hội nhập. Nếu một chính phủ không thể làm được điều này, thì họ phải đối thoại với những chính phủ khác và các chính phủ khác, mỗi chính phủ, phải chăm sóc. Và đây là lý do tại sao Liên hiệp châu Âu quan trọng, vì Liên hiệp châu Âu có khả năng tạo ra sự hài hòa giữa tất cả các chính phủ để phân phối người di cư. Tuy nhiên, bạn hãy nghĩ tới Síp, hãy nghĩ tới Hy Lạp, hãy nghĩ tới Lampedusa, hãy nghĩ tới Sicily: những người di cư đến và không có sự hòa hợp nào giữa tất cả các nước trong Liên hiệp Châu Âu để gửi những người này đến đây, đến đó, đến đó... sự hài hòa chung này.
Và sau đó, chữ cuối cùng tôi nói là hội nhập, đúng không? Họ phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hội nhập. Hội nhập, tại sao? Bởi nếu bạn không hội nhập người di cư, người di cư này sẽ có quốc tịch khu ổ chuột. Ví dụ - tôi không biết đã nói trên máy bay một lần chưa – điển hình khiến tôi xúc động nhất là thảm kịch của Zaventem: những cậu bé thực hiện vụ thảm sát ở sân bay là người Bỉ, nhưng là con cái của những người di cư tị nạn ổ chuột, không được hội nhập. Nếu bạn không hội nhập người di cư – bằng giáo dục, việc làm, chăm sóc người di cư - bạn có nguy cơ có người du kích, một người làm những điều này cho bạn. Việc chào đón người di cư không dễ, việc giải quyết vấn đề người di cư cũng không dễ; nhưng nếu chúng ta không giải quyết vấn đề người di cư, chúng ta có nguy cơ hủy hoại nền văn minh. Ngày nay, ở châu Âu, như mọi điều đang diễn ra. Không những người di cư bị đắm tàu ở Địa Trung Hải, mà cả nền văn minh của chúng ta nữa. Vì lý do này, đại diện của các chính phủ châu Âu phải đi đến một thỏa thuận. Đối với tôi, trong thời của nó, mô hình hội nhập, chào đón và hội nhập, là Thụy Điển, nơi đã chào đón tất cả những người di cư Mỹ Latinh của các chế độ độc tài quân sự - Chile, Argentina, Uruguay, Brazil -, chào đón họ và hội nhập họ. Và hôm nay tôi đến một trường học, ở Athens, tôi nhìn và nói với người phiên dịch: “Nhưng xem này, ở đây - tôi dùng một hạn từ quen thuộc - có một “món rau trộn trái cây” gồm các nền văn hóa, tất cả chúng đều được trộn lẫn với nhau!". Và ông ta trả lời: "Đây là tương lai của Hy Lạp". Hội nhập. Lớn mạnh trong hội nhập. Điều này quan trọng.
Và rồi một thảm kịch khác, tôi muốn nhấn mạnh đền nó: khi những người di cư, trước khi đến, rơi vào tay những kẻ buôn người, những kẻ cướp đi tất cả số tiền họ có và đưa họ lên thuyền. Khi họ bị bác bỏ, những kẻ buôn người này lấy họ lại. Trong Thánh bộ lo Di dân [Thánh Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện – Phân bộ di dân và tị nạn] có các video về những gì xảy ra ở những nơi những người di cư buộc phải trở về. Họ không thể được chào đón và bị bỏ rơi, trong khi chúng ta phải đồng hành với họ, cổ vũ và hội nhập thế nào, thì khi tôi gửi một người di cư trở về, tôi cũng phải đồng hành với họ, cổ vũ họ và hội nhập họ vào đất nước của họ như vậy, chứ không thể để họ ở bờ biển Libya. Đó là sự tàn nhẫn. Nếu bạn muốn biết thêm về điều này, hãy hỏi Bộ Di Dân nơi có những video này. Và có cả một đoạn video - chắc các bạn cũng biết - về "Mở rộng vòng tay", hơi lãng mạn một chút nhưng vẫn cho thấy thực tại của những vụ chết đuối. Điều này thật đau đớn. Nhưng chúng ta hãy mạo hiểm vì nền văn minh, chúng ta hãy mạo hiểm vì nền văn minh!
Matteo Bruni
Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Và bây giờ là một câu hỏi từ các nhà báo nói tiếng Pháp: có Tiến sĩ Cécile Chambraud của tờ Le Monde, người sẽ đặt câu hỏi tiếp theo.
Cécile Chambraud của tờ Le Monde (bằng tiếng Tây Ban Nha)
Thưa Đức Thánh Cha, con đặt câu hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha cho các đồng nghiệp. Vào thứ Năm, khi chúng con đến Nicosia, chúng con được biết rằng Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ chức của Tổng giám mục Paris, Đức Cha Aupetit. Ngài có giải thích cho chúng ta lý do tại sao, và tại sao lại vội vàng như vậy không? Câu hỏi thứ hai: thông qua hoạt động của một ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục, Hội đồng Giám mục Pháp đã công nhận rằng Giáo hội có trách nhiệm định chế đối với sự đau khổ của hàng ngàn nạn nhân. Người ta cũng nói về một khía cạnh hệ thống của bạo lực này. Đức Thánh Cha nghĩ gì về tuyên bố này của các giám mục Pháp? Nó có ý nghĩa gì đối với Giáo hội hoàn vũ? Và, câu hỏi cuối cùng: Đức Thánh Cha có tiếp các thành viên của ủy ban độc lập này không?
Đức Phanxicô
Tôi bắt đầu với câu hỏi thứ hai, sau đó chúng ta quay lại câu hỏi thứ nhất. Khi thực hiện các nghiên cứu này, chúng ta phải cẩn thận trong việc giải thích, được đưa ra cho các lĩnh vực lúc ấy. Khi nó được thực hiện trong một khoảng thời gian dài như vậy, sẽ có nguy cơ nhầm lẫn giữa cách cảm nhận vấn đề của một thời đại, 70 năm trước đây. Tôi chỉ muốn nói điều này, như một nguyên tắc. Một hoàn cảnh lịch sử phải được giải thích bằng khoa thông diễn của thời đó, không phải bằng khoa thông diễn của chúng ta. Ví dụ, chế độ nô lệ: chúng ta nói "đó là sự tàn bạo". Những vụ lạm dụng của 100 năm trước hay 70 năm trước, chúng ta nói "đó là sự tàn bạo". Nhưng cách họ sống thời đó không giống như ngày nay: đã có một phép thông diễn khác. Ví dụ, trong trường hợp lạm dụng trong Giáo hội, bao che, đó là cách được sử dụng - không may - trong các gia đình, thậm chí cả ngày nay, trong một số lượng lớn các gia đình, trong các khu phố, để cố gắng che đậy, chúng ta nói "không, điều này không đúng, chúng ta phải tìm hiểu”. Nhưng luôn luôn phải diễn giải một thời đại bằng khoa thông diễn của thời đại đó chứ không phải bằng khoa thông diễn của chúng ta. Đó là điều đầu tiên. Ví dụ, xưởng phim Indianapolis nổi tiếng: nhưng nó đã thất bại vì thiếu cách giải thích đúng đắn. Có những chuyện thật, một số, một số thì không; các kỷ nguyên được trộn lẫn với nhau. Tại thời điểm này, việc phân biệt lãnh vực sẽ hữu ích cho ta.
Về [bản tường trình] thiếu thông tri: Tôi chưa đọc, tôi đã lắng nghe các nhận định của các Giám mục Pháp. Không, tôi thực sự không biết phải trả lời như thế nào. Các Giám mục Pháp sẽ đến thăm trong tháng này, và tôi sẽ yêu cầu họ giải thích điều đó cho tôi.
Và câu hỏi đầu tiên, về vụ Aupetit. Tôi tự hỏi: Aupetit đã làm gì mà nghiêm trọng đến mức phải từ chức? ngài đã làm gì? Ai đó trả lời tôi...
Cécile Chambraud
Con không biết. Con không biết.
Đức Phanxicô
Nếu chúng ta không biết lời tố cáo thì không thể lên án. Lời kết án ra sao? Ai biết? [không ai trả lời] Thật là xấu xí!
Cécile Chambraud
Một vấn đề của chính phủ [của giáo phận] hay một vấn đề khác, chúng ta không biết.
Đức Phanxicô
Trước khi trả lời tôi xin nói: hãy điều tra. Hãy làm cuộc thăm dò. Bởi vì có một sự nguy hiểm khi nói: "ngài đã bị kết án". Nhưng ai đã lên án ngài? "Công luận, bàn tán xôn xao...". Nhưng ngài đã làm gì? "Chúng tôi không biết. Điều gì đó...". Nếu bạn biết tại sao, hãy nói như vậy. Ngược lại, tôi không thể trả lời. Và bạn sẽ không biết tại sao, bởi vì thiếu ngài, thiếu điều chống lại điều răn thứ sáu, nhưng không phải là tất cả mà chỉ là những cái vuốt ve và xoa bóp nhỏ mà ngài đã làm: lời buộc tội chỉ có thế. Đây là một tội lỗi, nhưng nó không phải là một trong những tội nặng nề nhất, bởi vì tội xác thịt không phải là tội nặng nhất. Những tội nặng nhất là những tội có tính “thiên thần” nhiều hơn như: kiêu căng, thù hận… những tội này nặng hơn. Vì vậy, Aupetit là một tội nhân như tôi. Tôi không biết bạn có cảm thấy như vậy không, nhưng có lẽ… giống như Thánh Phêrô, vị giám mục mà Chúa Kitô đã thành lập Giáo hội. Tại sao cộng đồng thời đó lại chấp nhận một giám mục tội lỗi? Mà đó lại là những tội lỗi với nhiều "tính thiên thần", như bác bỏ Chúa Kitô, đúng không? Nhưng đó là một Giáo hội bình thường, một Giáo Hội quen với việc luôn cảm thấy mình tội lỗi, mọi người: đó là một Giáo hội khiêm tốn. Chúng ta thấy rằng Giáo hội của chúng ta không quen có một giám mục tội lỗi, và chúng ta cao ngạo nói " giám mục của tôi, ngài là một vị thánh". Không, đây là Cô bé quàng khăn đỏ. Tất cả chúng ta đều là người có tội. Nhưng khi việc bàn tán phồng lên và cứ thế phồng thêm đến lấy mất tiếng thơm của một người, thì người đó sẽ không thể cai trị, vì họ đã mất tiếng thơm, chứ không phải vì tội lỗi của họ - đó là tội lỗi, như của Thánh Phêrô, như của tôi, như của bạn: đó là một tội lỗi! -, nhưng sự bàn tán phải chịu trách nhiệm kể những điều ấy. Một người bị tước mất danh tiếng một cách công khai như vậy không thể cai trị được. Và đây là một sự bất công. Vì lý do này, tôi chấp nhận đơn từ chức của Aupetit không phải vì lý do sự thật, mà vì lý do đạo đức giả. Đó là ý của tôi. Cảm ơn.
Matteo Bruni
Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Có lẽ chúng ta vẫn còn vài phút cho một câu hỏi cuối cùng? Của Vera Shcherbakova, thuộc thông tấn xã Tass.
Đức Phanxicô
À! Tốt! "Người kế vị" của Alexei Bulgakov... ông ấy thật tốt...
Vera Shcherbakova
Vâng, và con nhớ rất nhiều; con nhớ ông ấy rất nhiều, con luôn nói như vậy. Xin chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha về thái độ của ngài đối với Bulgakov của chúng con, người vốn là di sản của Nga và cơ quan của chúng con. Nhưng con muốn hỏi những điều sau: trong chuyến đi này, Đức Thánh Cha đã gặp các vị đứng đầu các Giáo hội Chính thống, Đức Thánh Cha đã nói những lời đẹp đẽ về sự hiệp thông và tái hợp nhất. Vậy cuộc gặp tiếp theo của Đức Thánh Cha với Thượng phụ Kirill sẽ là khi nào? Đâu là các dự án chung với Giáo Hội Nga? Và Đức Thánh Cha có lẽ sẽ gặp phải những khó khăn gì trong diễn trình xích lại gần nhau này? Cảm ơn.
Đức Phanxicô
Cảm ơn. Đó là một câu hỏi hay!
Cuộc gặp gỡ với Thượng phụ Kirill sẽ diễn ra trong một tương lai gần. Tôi nghĩ tuần tới Hilarion sẽ đến gặp tôi để sắp xếp một cuộc gặp có thể xảy ra, vì Thượng phụ phải đi công du - tôi không biết ngài đi đâu… ngài đi Phần Lan, nhưng tôi không chắc. Tôi luôn sẵn lòng, tôi cũng sẵn lòng đến Mạc Tư Khoa: nói chuyện với một người anh em đâu cần giao thức. Anh em là anh em, giao thức [đâu phải] trước hết. Và tôi với người anh em Chính thống giáo - người được gọi là Kirill, người được gọi là Chrysostomos, người được gọi là Ieronymos, đều là anh em - chúng tôi là anh em và chúng tôi nói nhiều điều với nhau. Chúng tôi không nhảy điệu minuet, không, chúng tôi nói nhiều điều thẳng vào mặt nhau. Nhưng với tư cách là anh em. Thật là vui khi thấy anh em tranh luận: đẹp, vì cùng thuộc một Mẹ, Mẹ Giáo Hội, nhưng họ hơi chia rẽ đôi chút, một phần vì do thừa hưởng, một phần vì lịch sử đã chia rẽ họ... Nhưng chúng ta phải đi với nhau và cố gắng làm việc và đi với nhau trong sự hợp nhất và vì sự hợp nhất. Tôi biết ơn Ieronymos, Chrysostomos, tất cả các Thượng phụ, những người có mong muốn được đi với nhau này. Sự hợp nhất... Nhà thần học Chính thống giáo vĩ đại Zizioulas đang nghiên cứu về cánh chung, và có lần tôi nói đùa rằng sự hợp nhất sẽ diễn ra trong cánh chung, sự hợp nhất sẽ ở đó. Nhưng đó là một cách nói. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải ngồi yên chờ các nhà thần học đi đến thỏa thuận, không. Đây là một cụm từ, một cách nói, nó là những gì họ cho là Athenagoras đã nói với Đức Phaolô VI: "Hãy đặt tất cả các nhà thần học trên một hòn đảo còn chúng ta cùng nhau đi nơi khác". Đó là một câ bông đùa. Nhưng các nhà thần học vẫn tiếp tục nghiên cứu, điều này tốt cho chúng ta và dẫn chúng ta tới chỗ hiểu rõ và tìm được sự hợp nhất. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta cùng nhau tiến về phía trước. "Nhưng bằng cách nào?" Vâng, bằng cách cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm việc bác ái. Ví dụ, tôi đang nghĩ đến Thụy Điển, quốc gia có Caritas của cả Công Giáo lẫn giáo phái Luther. Làm việc với nhau, đúng chứ? Cùng nhau làm việc và cùng nhau cầu nguyện: chúng ta có thể làm được điều này. Phần còn lại, hãy để các nhà thần học làm, điều mà chúng ta không hiểu phải làm như thế nào. Nhưng hãy làm điều này: sự hợp nhất bắt đầu từ ngày hôm nay, dọc theo nẻo đường này.
Matteo Bruni
Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho các câu hỏi của chúng ta. Tôi nghĩ rằng ít nhiều chúng ta cũng đã đến giờ ăn trưa.
Đức Phanxicô
Cảm ơn rất nhiều, và chúc một bữa ăn trưa tốt đẹp!
Matteo Bruni
Một số nhà báo muốn tặng Đức Thánh Cha bản sao Acropolis của Athens, của Parthenon, vì họ rất tiếc Đức Thánh Cha đã không thể chạm tay vào nó.
Đức Phanxicô
Vâng, có một mối nguy là tôi sẽ lên đường mà không nhìn thấy nó [Parthenon] và đêm qua tôi đã nói: "Không, tôi muốn xem nó!". Họ đưa tôi đến đó, tôi nhìn thấy nó từ xa, được chiếu sáng: ít nhất tôi đã thấy nó. Tôi không chạm vào nó, nhưng tôi nói: "cảm ơn vì lòng tốt này".