Ngay sau chuyến nghỉ lễ giáng sinh cuối năm 2022, đầu năm 2023 ở Shelly Beach thuộc vùng Central Coast của New South Wales trở về, các cháu nhà tôi đã nghĩ đến chuyến nghỉ lễ tiếp theo vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Điều hiếm hoi và lạ lùng là các cháu đã thống nhất ý nghĩ sẽ cùng đi Việt Nam. Ý nghĩ này sáng rực trong tôi. Mặc dù đã từng về Việt Nam 5 lần rồi. Lần đầu cuối năm 2000 đầu năm 2001. Lần thứ hai năm 2007, lần thứ ba năm 2008 để tham dự 50 năm Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, nơi tôi từng tu học từ 1960 tới 1966. Lần thứ tư năm 2011 vì báo động giả thân mẫu nhà tôi thập tử nhất sinh tại Bệnh Viện Vì Dân cũ. Lần thứ năm 2015 để tiễn đưa nhạc mẫu, lần đó, quả đã về Nhà Cha thật. Lần này có khác. Những lần trước, cùng lắm, vợ chồng tôi chỉ có thể cùng đi với gia đình người con rể thứ hai, vì anh là một bác sĩ mà tôi rất cần có bên cạnh do cơn nhồi máu cơ tim lớn khiến phần lớn tim tôi thành thẹo năm 1998, lúc tôi vừa tròn 60 năm cuộc đời. Lần này, vợ chồng tôi được 23 đứa con, dâu rể, các cháu và bạn trai bạn gái của chúng tháp tùng. Tất cả cùng khóa cửa nhà ở Sydney để cùng về Việt Nam, đi khắp Bắc Trung Nam. Lóe lên trong tâm trí tôi là ý nghĩ đưa chúng về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi, để cùng tôi bái lạy thầy mẹ tôi cùng các cụ tổ cho tới đời thứ năm đã được ông anh cả tôi gom mộ về một khu chung thuộc nghĩa trang của làng. Khi bỏ làng ra Hải Phòng năm 1953 và sau đó đáp tầu của Hải quân Mỹ vào Mỹ Tho hơn một năm sau đó, tôi chỉ vỏn vẹn một thân một mình. Nay trở về với 23 người khác cùng chia sẻ cuộc sống với mình để bái lạy các cụ, chắc các cụ hài lòng, quên đi nỗi buồn tôi “ăn cơm Nhà Đức Chúa Trời” mà không thành thân trong nhà ấy! quả là một chuyện náo nức. Tôi trình bầy ý nghĩ ấy với các cháu, chúng đã hủy bỏ chuyến đi Sapa 2 ngày để cùng từ Hạ Long đi Nam Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng để tôi thực hiện biến cố có một không hai trong đời.

Thế là các cháu đặt mua vé máy bay về Việt Nam ngay từ đầu năm 2023 và lo “book” các “tours” viếng thăm Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn lần hai, Mỹ Tho. Mọi sắp xếp đều trôi chẩy. Chỉ có hai chuyện trục trặc nhỏ: Trước nhất là E-Visa về Việt Nam. Theo hướng dẫn, thì việc điền đơn rất đơn giản. Mặc dù hết sức thận trọng và theo sát nút các bước của thủ tục, đơn của tôi không qua được giai đoạn trả tiền đến lần thứ ba. Nản lòng, tôi để đứa con gái thứ hai làm hộ, và cháu đã thành công. Nhưng khi in ra mới hay Visa sai ngày về, thay vì 13 tháng 1 năm 2024, Visa chỉ cho đến ngày 12/1, mặc dù mình nói rõ ngày về là ngày 13 tháng 1! Gửi e-mail khiếu nại, không được trả lời, đành phải nạp đơn lại. Mất thêm 25 USD. Vẫn còn hơn thằng cháu ngoại đầu tiên cùng về Việt Nam lần này với tôi, cũng trục trặc với E-Visa, nhưng phải về tận phi trường Tân Sơn Nhất mới điều chỉnh được, với phí tổn lên tới 500 USD!Thứ hai, bảo hiểm du lịch. Mắc quá và nhiều hãng bảo hiểm từ chối bảo hiểm cho đàn ông trên 77 tuổi và đàn bà trên 75 tuổi, trong khi tôi 82 theo giấy khai sinh và nhà tôi 77. Hãng bảo hiểm Medibank Private mà tôi là hội viên đã trên 30 năm nay, dù đã bớt 15%, vẫn đòi tôi phải trả hơn 1 ngàn úc kim cho một “comprehensive policy”. May quá, gặp được hãng bảo hiểm Southern Cross, chỉ bắt tôi phải trả 800 úc kim cho cùng một loại bảo hiểm.



Sài Gòn

Rồi cũng đến ngày khởi hành: ngày 23 tháng 12, 2023, trước lễ Noel 2 ngày. Tới Sài Gòn tối hôm 23/12, lúc Sài Gòn bắt đầu lên đèn. Người tài xế Taxi chở chúng tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất về số 364 Bến Vân Đồn Quận Tư cho chúng tôi nhận xét đầu tiên: Năm nay, Sài Gòn không tưng bừng mừng Lễ Giáng Sinh như mọi năm. Quả tình như thế, anh đưa chúng tôi qua rất nhiều con đường, qua cả Kinh Nhiêu Lộc, Ngã Ba Ông Tạ, nhưng ít thấy cảnh trang trí “hoành tráng” cho thấy Sài Gòn mừng Chúa Giáng Sinh như các năm trước. Ngoại trừ Nhà Thờ Đồng Tiến trên đường Nguyễn Tri Phương, nơi tôi từng cư ngụ 6 tháng tại Trú sở Nha Tuyên Úy Công Giáo, cùng với hai bác sĩ Lý Trung Dung và Trần Kim Tuyến, lúc mới rời Giáo Hoàng Học Viện Piô X, với những chùm đèn rự rỡ trên một diện tích lớn, ngoài ra chỉ là những ánh đèn leo lét trên các ngọn cây dọc đường và hắt ra từ các cửa tiệm hàng phố. Anh Tài xế giải thích: chẳng qua tại kinh tế xuống dốc. Làm sao khá được khi lái xe mà có bất cứ nồng độ rượu nào trong máu cũng bị phạt trị giá hơn cả chiếc xe. Không ai dám uống thì làm sao bán được bia. Quả thế, tôi nhận thấy nhiều nhà hàng, dù là tối thứ bẩy, vẫn vắng tanh “như chùa bà đanh”. Bớt được chết người vì tai nạn, nhưng kinh tế, chuyện làm ăn buôn bán xuống hẳn.

Tuy nhiên, người Sài Gòn ngược xuôi vẫn hết sức tấp nập. Khiến người tài xế taxi xê dịch từng thước một. Anh ta bảo: không biết họ đi đâu, làm gì, mà tối ngày chạy ở ngoài đường! Cũng có thể anh ta sốt ruột không làm sao kết thúc chuyến đi, để còn làm chuyến khác! Vì xe anh thuộc hệ thống vận chuyển Grab, một hệ thống vận chuyển cho khách hàng biết trước giá cả của chuyến đi, nên tài xế không thể định giá cho chuyến đi được, gặp lúc kẹt đường như lúc này, anh ta cũng đành chịu giá đã được thông báo trước cho khách hàng thôi!

Điều đầu tiên là Sài Gòn mùa đông nóng hơn cả Sydney mùa hè. Lẽ dĩ nhiên, mùa hè Sydney có hôm lên đến 44, 45 độ celsius, nhưng mấy ngày này, Sydney mùa hè chưa đến 30 độ celsius, trong khi Sài Gòn mùa đông lên đến 34 độ celsius, mồ hôi cứ gọi là nhễ nhãi mỗi khi ra đường. Phải để máy lạnh chạy gần như suốt đêm mới ngủ được. Đại gia đình chúng tôi chia thành 3 nhóm. Một nhóm ở khách sạn khu vực Quận 1, hai nhóm còn lại ở chung cư The GoldView đường Bến Vân Đồn Quận 4, một chung cư hơn 30 tầng lầu, nghe đâu mới bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2017 của tập đoàn TNR Holdings, do Thụy Điển thiết kế và Pháp giám sát việc xây cất. “Apartments” chúng tôi thuê đủ tiện nghi gồm 3 phòng ngủ, 2 toilets, phòng nào cũng có máy lạnh, phòng khách có đến hai chiếc, đầy đủ TV ở các phòng, và giá rất phải chăng. Điều đáng lưu ý là thủ tục ra vào chung cư rất an toàn. Quận 4 trước đây là một khu ổ chuột với nhiều nhà máy gây ô nhiễm. Nay đã lột xác, trở thành một trong những quận phát triển địa ốc bậc nhất thành phố, giáp giới với Quận Bẩy nổi tiếng vì Khu Phú Mỹ Hưng, được nhìn nhận là khu đô thị điển hình của Việt Nam, nơi thực tế dành cho người nước ngoài. Thực tế, rải rác, vẫn có những khu ổ chuột trên các con kênh Bến Nghé và Tẻ cùng với Sông Sài Gòn tạo thành quận 4 hình tam giác. Và ít nhất một tài xế Taxi than phiền về các cư dân Đại Hàn tại quận 7: khủng khiếp về ồn ào trên đường phố, hành hung cả đồng bào họ trên đó.

Cô em nhà tôi, dù bị tai biến mạch máu não từ năm 2010, bị liệt một nửa người, vẫn đã lấy Taxi từ thị trấn Nhà Bè đến thăm chúng tôi tại chung cư, mang theo đủ thứ trái cây: mận (roi), đu đủ, ổi, vú sữa, soài, thơm (dứa), mít, chuối. Còn cô em họ của tôi, được thằng con trai dùng xe Honda chở từ Hố Nai lên thăm, mang theo trái mít, nói là của Thái Lan, phải nặng tới 20 kg. Cho tới ngày chúng tôi đi Hà Nội, một tuần lễ sau đó, vẫn ăn chưa hết. Thật quý hóa và ngon miệng. Chưa bao giờ được ăn trái cây nhiều như tuần lễ này.

Vọng Giáng sinh, biết rằng không có cách chi tham dự thánh lễ nửa đêm tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn, đại gia đình chúng tôi rủ nhau tới nhà thờ Vĩnh Hội cùng đường. Trước giờ Thánh Lễ, cộng đoàn cùng nhau suy niệm lịch sử cứu độ từ lúc “tạo thiên lập địa” đến lúc Chúa Giêsu Hài Đồng xuất hiện, với việc rước Tượng Chúa Hài Đồng lên gian cung thánh và được cha chủ tế, một linh mục rất trẻ, cung kính đặt vào hang đá đèn nến sáng chưng cạnh bàn thờ. Thánh Lễ bắt đầu với người dự lễ tràn qua cả Đường Bến Vân Đồn, đông vô kể. Dĩ nhiên, tôi phải đứng ngoài nhà thờ, nhưng được may mắn là ngay tại đường dẫn thẳng tới bàn thờ, nên theo dõi thánh lễ từ đầu đến cuối. Điều đáng lưu ý là có người đã nhường ghế gỗ cho tôi từ lúc có các bài đọc. Nếu tôi nhớ không lầm, thì đây là lần đầu tiên suốt trong 40 năm qua, tôi được nhường ghế ngồi tại một buổi cử hành phụng vụ công cộng ở ngoài trời. Chưa bao giờ tôi được hưởng ơn huệ này lúc ở Sydney! Dường như người ta nghĩ tôi chưa đến nỗi già để phải bận tâm nhường ghế.

Ngày Giáng Sinh, đại gia đình chúng tôi đến quán Hương Cau đường Lê Văn Sỹ, Quận Tân Bình ăn mừng lễ vào buổi tối, có mời một số thân hữu cư dân Sài Gòn tham dự. Nhà hàng này, trước đây hơn 10 năm, rất đông khách, nhưng hôm nay, ngoài đại gia đình chúng tôi ra, rải rác có thêm một vài bàn khác có thực khách mà thôi. Kinh tế Sài Gòn quả có đi xuống thật. Tuy nhiên, bữa ăn diễn ra rất vui, các món ăn tương đối ngon và dàn karaokê đã được tận dụng để góp vui.

Điều đáng buồn là sau khi tham dự bữa ăn thân mật và ngon miệng này với đủ cả dàn karaokê vui nhộn, cô em nhà tôi, trên đường về nhà ở Thị trấn Nhà Bè bằng xe taxi đã bị anh tài xế của tập đoàn Grab chơi xỏ. Như đã nói, cách đây hơn 10 năm, cô bị tai biến mạch máu não, bị liệt một nửa người, nên đi lại khá khó khăn. Lúc về đến nhà, cô tính lượm chiếc giỏ lên thì người tài xế nói cô cứ ra trước, anh ta sẽ trao chiếc giỏ cho cô sau. Nào ngờ sau đó anh ta đóng cửa xe và cho xe chạy mất hút. Điều đáng nói là trong chiếc giỏ, có số tiền lớn nhà tôi mới tặng cô. Điều đáng nói nữa là ngày hôm sau, khiếu nại với tập đoàn Grab, biện pháp duy nhất của họ là khóa tài khoản của người tài xế. Khiếu nại với Cảnh sát, họ bảo không bằng chứng, họ không giúp gì được!

Tôi vừa nhắc đến Thị Trấn Nhà Bè, dường như thuộc quận 7, của cô em nhà tôi. Bên cạnh những khu “hoành tráng” dành cho khách nước ngoài, quận 7 còn rất nhiều khu, tuy cũng cao tầng, nhưng không thể nào không xếp vào loại ổ chuột, với đường dẫn vào thô sơ và rác rưởi được vất tự do, phơi phới giữa bầu trời lộng gió. Nhà cô em nhà tôi thuộc một trong những khu này.

Đêm vọng giáng sinh, khu trung tâm Sàigòn nhộn nhịp là thế, người người ngược xuôi, dọc theo đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Duẩn đầy ánh đèn muôn mầu rực rỡ, chen vai sát cánh nhau. Thế mà từ Nhà Hàng Hương Cau, đêm Giáng Sinh, đại gia đình chúng tôi tới đó, chỉ còn lác đác một số người, phần đông ngồi trong các quán ăn hoặc quán giải khát. Bùng binh ngã tư Nguyễn Huệ và Lê Lợi đèn đóm không còn, chìm vào bóng đêm ảm đạm. Người Sài Gòn mừng Giáng Sinh ít quá!

Chúng tôi dự tính ở Sài Gòn 8 ngày, để một số bọn trẻ đi Phú Quốc, còn người lớn chúng tôi thì đi khám răng để hoặc mổ hoặc nhổ hoặc bọc. Như tôi chẳng hạn, ở Sydney, nha sĩ M. vẫn cho rằng tôi cần phải bọc “nhiều răng”, khổ nỗi, mỗi chiếc răng, ông ấy tính đến 6, 7 trăm úc kim sau khi đã “claim” của hãng bảo hiểm một mớ. Thấy đau tiền quá, nên dịp về Sài Gòn lần này, tôi quyết chí đi bọc một số. Chúng tôi chọn Platinum Dental ở đường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 vì nơi này có chỗ trống cho chúng tôi vào ngày 26 tháng 12, đủ thời gian để xoay trở trước khi bay qua Hà Nội vào ngày 31. Hóa ra, đây là một chọn lựa may mắn vì Platinum Dental quả đáp ứng mọi điều chúng tôi mong chờ: nhân viên lịch thiệp, tận tình và nhất là không vẽ vời, chỉ chữa trị những gì cần chữa trị. Trung thực hình như nói lên phẩm tính của cơ sở này. Như tôi chẳng hạn, họ nói chỉ cần bọc một chiếc răng đã lấy gân máu ở Sydney, còn những chiếc khác, chỉ cần trám thôi. Mà trám thì tôi không ngán, bởi nha sĩ M. ở Sydney luôn gần như “bulk bill” tôi (thực tế là không lấy thêm tiền, ngoài tiền “claimed” của bảo hiểm). Chính cái trung thực này đã khiến người con rể do dự của tôi cũng để cho cơ sở này mổ một chiếc răng và nhổ hai chiếc răng “khôn”. Tất cả đều được tiến hành một cách rất nghề nghiệp, thành thạo, nhanh chóng, không gây đau đớn, khiến chúng tôi, sau đó, ăn uống ngon lành, không trở ngại và đủ thời gian bay đi Hà Nội an toàn, đúng ngày cuối năm 31 tháng 12.

Ngày hôm sau, chúng tôi tới Khu Tân Chí Linh, Ngã Ba Ông Tạ, nơi gia đình tôi vốn cư ngụ từ năm 1969 cho đến ngày nhà tôi và các cháu qua đoàn tụ với tôi năm 1984 tại Sydney. Tại đây, đầu tiên, chúng tôi tới Nhà Thờ Tân Chí Linh, nơi tôi và nhà tôi cử hành bí tích Hôn Phối năm 1968, và cũng là nơi cử hành lễ tang cho nhạc phụ tôi năm 1984 và nhạc mẫu tôi năm 2015. Tại đây, chúng tôi đã được ban hành giáo nhà xứ giúp đỡ viếng hài cốt hai vị hiện được đặt tại phòng Tưởng Niệm của Nhà Thờ. Nhà tôi không cầm được nước mắt.

Từ Nhà Thờ, chúng tôi rẽ qua thăm hai đứa cháu con ông anh cả nhà tôi. Hai cháu có cơ sở làm ăn vững chãi, khiến chúng tôi rất vui. Rồi từ nhà các cháu, chúng tôi trở lại “mái nhà xưa” trước đây ở số 29/2 khu hai, nay số đã đổi và người chủ mới không cho ghi số cũ, nên không biết đường nào mà mò. Con gái thứ hai, vì thế, nhận lầm ngôi nhà ngày xưa. Rất may, người hàng xóm hiện nay của căn nhà chỉ cho chúng tôi “căn nhà của cô Xuân” (em gái nhà tôi). Trước đây, căn nhà này chỉ là một căn nhà trệt, được tôi mua với giá 305,000 đồng tiền Việt Nam lúc đó, trong đó, tôi chỉ vỏn vẹn có 5,000 đồng, còn 3 trăm ngàn kia vay của nhạc phụ và của hai ông bác họ làm nghề bán nệm giường ở đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay), mỗi vị 100,000. Mãi đến năm 1974, nhờ đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ gần 5 tháng, tôi mới có tiền hoàn lại các vị. Khi đi đoàn tụ năm 1984, nhà tôi đã phải ký giấy trao nhà cho Sở Quản Lý Nhà Đất và Công Trình Công Cộng. Trên tờ biên nhận, Sở này viết rằng, đây là căn nhà “do ông, bà đang quản lý sử dụng”. Tôi không chịu như thế, nên trong tờ đơn xin tạm trú trước khi buộc phải đi kinh tế mới sau hơn 5 năm “học tập cải tạo”, tôi viết rằng: “tôi xin phép được tạm trú tại căn nhà do vợ tôi làm chủ”. Nộp đơn ấy qua phường, rồi qua quận và cuối cùng lên thành được hai ngày thì tôi vượt biển thành công qua Đất Lý Quang Diệu! Rất may, nhờ cô em nhà tôi có hộ khẩu ở đó, nên giữ được căn nhà. Sau này cô sở hữu hóa được căn nhà sau khi đã nạp thuế bằng nửa trị giá căn nhà, và đã xây thêm hai tầng lầu, khang trang trông thấy. Nay đứa con gái của cô đã bán nó đi để chuyển đến nơi khác, nghe đâu ngoài phố. Nhưng cả khi cô và con gái cô sở hữu căn nhà, tôi vẫn chưa bao giờ vào lại căn nhà này sau khi rời nó vào tháng 10 năm 1980 để vượt biển qua Singapore.

Tôi quên không nói đến việc đến thăm một người bạn. Người bạn này là một linh mục, vốn cùng lớp với tôi hồi còn ở tiểu chủng viện Chân Phúc Liêm, Mỹ Tho, và Phanxicô Xaviê, Sài Gòn. Lên đại chủng viện thì ngài học tại Xuân Bích, Huế, tôi thì học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, nhưng chúng tôi tiếp tục liên lạc mật thiết với nhau. Và khi tôi lấy vợ năm 1968, trong túi không có một đồng xu, chính ngài giúp một mớ để tôi có thể mua trầu cau bánh trái theo tục lệ cưới hỏi, không cần nhờ đến bà má vợ, người từng nói với tôi: anh kiếm căn nhà nào đó, tôi mua trầu cau và bánh trái mang đến đó cho anh. Dù lúc đó, ngài mới làm linh mục được 1, 2 năm gì đó. Trước khi đến thăm, tôi điện thoại cho ngài. Vẫn bài ca "và con tim đã vui trở lại" quen thuộc của Đức Huy vang lên, nhưng không thấy ngài nhấc máy như thường lệ. Mãi đến lần thứ năm, mới có người nhắc máy, đưa cho ngài, nhưng ngài chỉ nói được câu: "có khỏe không?", rồi im lặng luôn. Người giúp việc giải thích: "Ông Cố yếu lắm, chỉ nằm một chỗ". Trời đất. Lần đầu tiên nghe thấy như vậy. Đã đành là ngài bị tai biến mạch máu não năm 2017 đúng vào dịp mừng kim khánh linh mục. Nhưng sau đó, ngài đã bình phục, còn đi cả Hoa Kỳ thăm bè bạn nữa. Thế mà giờ đây nằm một chỗ. Tôi vội đến thăm ngài vào đúng Lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12.

Ấn tượng đầu tiên: ngài không còn gì, ngoài chiếc giường trải chiếu. Tôi vẫn thích mấy giá sách của ngài. Ngài chịu mua sách, đủ thứ sách. Từ cái tủ sách ấy, tôi từng được ngài đồng ý cho lấy hai cuốn: cuốn Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu do Tủ Sách Muối Đất xuất bản năm 2001 và cuốn The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, do Raymond E. Brown, Joseph A. Fitzmyer và Ronald E. Murphy chủ biên, do nhà Geoffrey C hapman tái bản năm 2000. Điều đáng nói: cuốn thứ nhất do chính tôi dịch của Jack Dominian năm 1999. Không hiểu Tủ Sách Muối Đất bới đâu ra bản dịch của tôi mà cho xuất bản. Ngài cũng không biết Tủ Sách Muối Đất ở trời trăng mây khói nào và tại sao họ lại có bản dịch của tôi. Sau này tôi còn được một người bạn tặng tôi hai cuốn sách nữa cũng của tôi dịch là cuốn Gia Tài Công Giáo, nguyên tác của Lawrence S. Cunningham và cuốn Linh Đạo Hôn Nhân Hiện Đại, nguyên tác của vợ chồng Evelyn Eaton và James D. Whitehead. Chưa hết, một linh mục bạn khác còn tặng tôi cuốn Từ Điển Bách Khoa Kinh Thánh cũng do tôi soạn thảo dựa phần lớn vào cuốn “A-Z Bible Encyclopedia” do Pat Alexander chủ biên và do nhà Sandy Lane Books, London, ấn hành, có tham khảo cuốn Từ Điển Công Giáo của linh mục John Hardon S.J. Cuốn này thì chính tôi gửi cho Cha Nguyễn Ngọc Tỉnh của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ để xuất bản, nhưng vì một lý do nào đó, cha đã không xuất bản chính thức, mà đã “âm thầm” in ra và phổ biến hình như dưới dạng biếu không, như quà tặng kèm theo việc bán các cuốn sách khác. Có người gợi ý: đưa cho ngài 1,000 Mỹ Kim là ngài in ngay. Tôi không tin như vậy vì chính ngài nói với tôi: "kinh phí là điều dễ dàng thôi, Thánh Kinh Hội sẵn sàng tài trợ". Hay là tại phần lớn nội dung được tôi lấy từ một tác giả Thệ Phản. Tôi thấy không hẳn như vậy, vì Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ hoạt động rất gần gũi với anh chị em Thệ Phản. Vả lại về phương diện nghiên cứu Kinh Thánh, Thệ Phản tiến xa hơn Công Giáo. Dù sao, tôi nghĩ đức công bằng không được tôn trọng trong các điển hình này.

Trở lại với vị linh mục bạn hiện nằm một chỗ. Đúng là trơ trụi một mình trên chiếc giường trải chiếu, trong một căn phòng không cửa sổ. Căn phòng này và phòng ăn trước đây thuộc nhà xứ của giáo xứ Ph.H., Phú Nhuận, được nghĩa tử kế thừa ngài làm chánh xứ tách ra để ngài nghỉ hưu. Toàn bộ nhà thờ [nhà thờ đầu tiên ở Sài Gòn được hoàn toàn điều hòa không khí] và khu nhà xứ đồ sộ 3 tầng lầu này là công trình của ngài, bằng tiền ngài vận động từ Hoa Kỳ, giáo dân không phải đóng góp chi cả.

Nói đến nhà thờ và khuôn viên giáo xứ mà không nói tới “trụ sở Hải Phòng” ở miền Nam là không đầy đủ. Vì cơ sở này quả tình vốn là trụ sở của giáo phận Hải Phòng di cư, trước biến cố 1975, bao gồm cả cơ sở Thành Đạt, song song với ngôi thánh đường hiện hữu, nhưng sau 1975, bị Nhà Nước trưng dụng vì trước đó được một cơ quan Hoa Kỳ sử dụng. Mỗi lần về Sài Gòn có việc, tôi đều cư ngụ tại đây, tọa lạc trên đường Chi Lăng, nay là Phan Đăng Lưu. Và cũng nhờ thế mà qua được năm dự bị ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Số là nhân năm đi giúp xứ ở Quảng Ngãi, tôi có ghi danh học năm dự bị ở Đại học này. Bạn tôi là Nguyễn Tiến Thuật có nhiệm vụ lấy “cours” để cuối niên học ấy, khi hết hạn “giúp xứ”, tôi có thể học để dự thi.

Phiền một nỗi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh không cho in “cours” như các giáo sư khác. Khiến tôi không có một ý niệm gì là có Thiền sư dạy năm dự bị năm ấy. Một ngày trước kỳ thi, tới “trụ sở Hải Phòng” gặp một số tu sĩ Đồng Công trọ học ở đó, họ hỏi: "anh có “cours” của Thầy Nhất Hạnh không?" Trời đất, có thầy Nhất Hạnh sao? Tôi bèn ngấu nghiến đọc các ghi chép của vị tu sĩ này. Sáng hôm sau, đề thi triết đông là của Thầy Nhất Hạnh: thực tại tôn giáo và ngôn ngữ tôn giáo!

Hai thực tại trên không lạ lẫm gì đối với tôi, người từng lê đũng quần suốt 3 năm học triết ở Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, miệt mài với “via negativa” (con đường tiêu cực) của những đại trí như Tôma Aquinô. Nhưng các hình ảnh được thầy Nhất Hạnh trình bầy trong khóa giảng quả là tuyệt vời: dõi theo ngón tay mà nhìn mặt trời, bỏ thuyền khi đã đến bến... Con đường tiêu cực rõ nét hẳn lên! Tôi đậu kỳ thi năm dự bị là nhờ tới “trụ sở Hải Phòng”. Trụ sở này, trong biến cố 1975, hầu như bị bỏ hoang. May mắn không rơi vào tay người lạ là nhờ một thiếu nữ trọ học ở đó và có “hộ khẩu”. Rồi một vị linh mục gốc Hải Phòng từ Phan Thiết “chạy loạn” đến cư ngụ và được nhập hộ khẩu. Hai cha con họ giữ được quyền sở hữu của cơ sở, lẽ dĩ nhiên mất phần Thành Đạt. Cha bạn của tôi đến sau đó, sau thời gian cải tạo, sấp sỉ bằng với thời gian tù đầy của Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Nhưng ngài đã phát triển toàn bộ cơ sở, đến không còn vết tích gì của “trụ sở Hải Phòng” ngày xưa, trở thành một giáo xứ nghe đâu gồm tới khoảng 4 ngàn giáo dân, sinh hoạt tấp nập. Và một điều tôi rất thán phục là giáo xứ này không nặng về các hình thức sùng kính bình dân khác, mà sáng nào, họ cũng cùng nhau đọc kinh thần vụ, một cách thành thạo, sốt sắng...như các linh mục, tu sĩ!

Có điều, mặt tiền nhà thờ bị tới 7 căn hộ “chiếm đóng”. Giáo dân ra vào nhà thờ phải sử dụng cổng phía sau trên đường Ký Con. Cũng chính cha bạn của tôi đã giải tỏa được 7 căn hộ này, không rõ chính xác năm nào, nhưng nhất định không trước năm 2000, vì năm đó, tôi nhớ vẫn phải vào nhà xứ qua cổng Ký Con. Nay thì mặt tiền nhà thờ thênh thang, dù vì vậy mà âm thanh từ Phan Đăng Lưu vọng vào lúc nào cũng rõ mồn một. Không rõ ngài dùng “chiến lược” nào, nhưng Đức Cha Hoàng Đức Oanh, nguyên giám mục Kontum (cha bạn tôi trước 1975 vốn thuộc giáo phận Kontum) và cùng lớp với tôi ở Giáo Hoàng Học Viện Piô X, từng nói với tôi: “đó là một kỳ công!”

Cha bạn của tôi không phải chỉ có thế. Cái “tài” xoay ra tiền của ngài đã có từ thuở còn mài đũng quần ở đại chủng viện. Trong khi tôi phải hàng năm nhờ vào túi tiền của cha nghĩa phụ, thì cha bạn của tôi túi lúc nào cũng có tiền riêng. Có lẽ nhờ vậy mà Đức Hồng Y Nguyễn Minh Mẫn đã trao cho ngài quản lý quỹ hưu bổng cho các linh mục của giáo phận, với vốn sơ khởi là 1 triệu mỹ kim, do Đức Hồng Y vừa quyên góp được trong một chuyến Mỹ Du. Quỹ này trước đây do một linh mục xuất thân từ Giáo Hoàng Học Viện Piô X quản lý. Vị này từng cho tôi biết “dại gì mà đầu tư chi cho lôi thôi, lỡ mất, ai chịu, tớ chỉ gửi ở ngân hàng, được lãi bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Kết quả là một năm, các linh mục nghỉ hưu chỉ được lãnh non dưới 1 triệu đồng từ quỹ này. Dưới thời quản lý của cha bạn tôi, dĩ nhiên với việc “đầu tư kinh doanh”, mỗi linh mục nghỉ hưu mỗi tháng được lãnh 2 triệu đồng, ngoài ra còn được cung cấp tiền chữa bệnh, nằm bệnh viện. Tôi không rõ những cách đầu tư kinh doanh của cha bạn tôi, nhưng nghe đâu phần lớn qua ngả địa ốc.

Nói về địa ốc, chính ngài kể cho tôi nghe câu truyện “cha Trọng rọi”: Cha Trọng trước đây vốn là một sư huynh hoạt động tại giáo phận Hải Phòng, Bắc Việt, sau vào đại chủng viện, thụ phong linh mục thuộc giáo phận Bùi Chu. Cha đi du học Pháp, không hiểu học ngành nào, nhưng từ ngày về Việt Nam, cha dạy chúng tôi tại tiểu chủng viện Phanxicô Xaviê, cạnh nhà thờ Huyện Sĩ, và nổi tiếng khám bệnh và chẩn bệnh bằng quả rọi, nên chúng tôi đặt cho ngài tên “Cha Trọng rọi”. Sau này, Cha “khẩn hoang” lập xứ đạo ở khu vực Hàng Xanh, Sài Gòn, và do đó sở hữu nhiều khu đất rộng. Khoảng năm 2010 hay gì đó, cha lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, cha bạn tôi tới thăm và khám phá ra ngài có một miếng đất hơn một nghìn thước vuông, gần Xa Lộ Biên Hòa (nay là Xa Lộ Hà Nội), để không. Máu “bất động sản” trong con người cha bạn tôi thúc giục ngài đưa ra đề nghị: dâng tặng miếng đặt này cho quĩ hưu bổng của các linh mục Sài Gòn. Cha Trọng “rọi” đã đồng ý, và nghe đâu, quỹ hưu bổng của giáo phận Sài Gòn tăng lên đáng kể, gấp 3 lần trước đây... Khỏi nói, quỹ này và người quản lý nó thu hút nhiều sự chú ý, người người tấp nập chạy tới, muốn trở thành thành viên của nó, dù tư cách “nhập tịch” Sài gòn không có chi là chính đáng cả.

Tôi cũng nghe, “thừa thắng” xông lên, Cha bạn tôi đã đầu tư vào một dự án bất động sản to lớn ở Cầu An Hạ, trị giá lên đến cả 5, 6 chục tỷ đồng Việt Nam. Nhưng rồi gặp lúc thị trường bất động sản ngưng đọng, cha bạn tôi bị kẹt vốn ở đó và sau cùng toàn bộ tiền bán dự án bị “phỗng tay trên” bởi một trung tá Công An trông coi khu bất động sản ấy. Có lẽ vì vậy, mà ngài bị đột quị và rơi vào tình huống gần như bị bỏ rơi hiện nay.

Còn nhớ trong thánh lễ mừng Kim Khánh linh mục của ngài, không có vị Giám Mục nào của Sài Gòn đến tham dự, chỉ có Đức Cha Thiên của Hải Phòng. Trái lại, trong thánh lễ mừng Kim Khánh Linh Mục của Cha Minh Quế, cũng cùng lớp với chúng tôi, ở Tân Phú, không những có Đức Tổng Giám Mục Đọc của Sài Gòn mà còn có thêm 8 Giám Mục khác. Tôi có nghe, Đức Tổng Giám Mục hiện nay của Sài Gòn, Đức Cha Nguyễn Năng, có đến thăm cha bạn tôi một lần trên giường bệnh, Đức Cha Thiên cũng đến thăm ngài một lần. Nhưng người ở ngay bên cạnh ngài, là cha sở giáo xứ Ph. H. hiện nay, chưa lần nào đến thăm ngài cả.

Tôi chỉ biết nắm tay cha bạn tôi và nói với ngài: mình làm việc vì Chúa, đâu phải vì người ta. Cha bạn tôi gật đầu đồng ý. Thật tình, sự việc ở đời có rất nhiều bí ẩn. Cái nhìn của tôi có thể sai, không đúng hay bất cập trong chi tiết. Nhưng nỗi sót sa của tôi với người bạn lâu đời chắc chắn không sai. Tôi trao ngài lại cho lòng thương xót Chúa.

Hình ảnh cha bạn ám ảnh tôi suốt chuyến về Việt Nam lần này. Bạn đọc thông cảm nếu thấy tôi quá lạc đề.

Kỳ tới: Hà Nội