Hà Nội
Ngày 31/12, đại gia đình chúng tôi cùng bay ra Hà Nội, sau khi tất cả các cháu đã từ Phú Quốc trở lại Sài Gòn. Lúc này, mọi người đều mạnh khỏe, chỉ riêng một mình tôi là phục hồi cơn đau cổ họng kéo dài cũng đến cả gần tuần lễ. Không gì lo lắng bằng bị “bệnh trên đất khách quê người”. Tôi tự đi tìm mua thuốc đau cổ họng, nhân lúc đi bọc răng ở đường Nguyễn Cư Trinh. Hỏi người giữ an ninh của cơ sở chữa răng về địa chỉ nhà bán thuốc, anh ta bảo ngay trước mặt kìa. Nhưng nhìn mãi mới nhận diện được tiệm thuốc, nó giống như một tiệp tạp hóa ở một khu ngoại ô thời trước 1975. Vừa nói thuốc đau cổ họng, cô bán thuốc đã gói cho 5 gói, mỗi gói có đến năm thứ thuốc khác nhau, tôi bảo có thuốc ngậm chữa đau cổ họng không, cô bán trao cho một thứ thuốc ngậm của Đức. Ít nhất cũng bảo đảm hơn vì thuốc “có tên có tuổi”, chứ 5 thứ thuốc kia không “có tên có tuổi” ai mà dám uống! Anh con rể bác sĩ bảo tôi như thế.
Đến Hà Nội vào buổi chiều. Hãng du lịch đón chúng tôi từ phi trường Nội Bài bằng một xe buýt 45 chỗ ngồi, chở về khách sạn Dal Vostro ở Ngõ Bảo Khánh cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Xe vượt cầu Thăng Long, bắc qua Sông Hồng, song song và nằm cạnh cầu Long Biên, đưa chúng tôi vào khu vực cổ thành Hà Nội, qua các phố đầy trang trí Hàng Gai, Hàng Lược, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Mã... Xe buýt phải đậu ngoài đường Bảo Khánh không vào được ngõ Bảo Khánh khá hẹp, nên chúng tôi buộc phải xuống đi bộ vào khách sạn cách đó chừng mấy chục thước, lần đầu tiên chạm trán với lượng người ngược xuôi của Hà Nội. Cũng giống như ở Sài Gòn, mình mà nhường người lái xe ôtô và môtô ở đây, thì đến “tận thế” cũng không thể đi đến nơi về đến chỗ được.
Đêm ấy, Hà Nội lên cơn sốt. Mấy ông công an ở khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm cứ luôn mồm: đã cấm mà cứ chạy xe vào “nà nàm sao?”. Chúng tôi khá vất vả mới tụ tập nhau được ở Mẹt Vietnamese Restaurant ở Hàng Gai để tiễn năm 2023, đón mừng năm 2024. Hóa ra thức ăn ở đây cũng thường thôi. Các thực khách chúng tôi lại cứ đòi uống cho được Bia Sài Gòn, chứ không chịu uống Bia Hà Nội, làm mấy chiêu đãi viên hơi ngạc nhiên. Vì mệt, sau bữa ăn, người lớn chúng tôi về lại khách sạn nghỉ ngơi, để bọn nhỏ khám phá Hà Nội đêm giao thừa. Lạ một điều, đêm ấy tôi ngủ rất ngon.
Sáng hôm sau, sau khi dùng bữa sáng ở Khách Sạn, chúng tôi chia tay nhau đi thăm thú Hà Nội, tôi và nhà tôi chọn đi quanh Hồ Hoàn Kiếm ngay bên cạnh Khách Sạn. Dù sân khấu khổng lồ dựng lên ở đường Đinh Tiên Hoàng đã lần lượt được gỡ đi, nhưng lượng người quanh Hồ Hoàn Kiếm, nhất là dọc Đường Đinh Tiên Hoàng, vẫn đông vô kể từ sáng sớm đến chiều hôm. Thật khác với năm 2001, khi lần đầu tiên, vợ chồng tôi và vợ chồng con gái thứ hai đến đây, cũng vào dịp đầu năm dương lịch, nhưng quanh Hồ Hoàn Kiếm chỉ lác đác một số người, chúng tôi muốn chụp hình lúc nào cũng được, không bị trở ngại như dịp này. Người Hà Nội quả đã “phú quý sinh lễ nghĩa”, lũ lượt kéo nhau dạo quanh hồ. Có điều, người đông như thế, nhưng không hề có một trò giải trí nào cả, dù là của mấy anh chị nghệ sĩ “nghiệp dư” hát hay trình diễn kiếm “đồng xu lẻ”. Người ta chỉ đi đi lại lại quanh hồ Hoàn Kiếm, dọc theo Đường Đinh Tiên Hoàng, “ngắm nhau”. Những người “kiếm đồng xu lẻ” duy nhất quanh hồ là các họa sĩ vẽ chân dung. Ôi thôi đủ cả ông già, cô gái, chàng trai. Ai cũng trưng những hình chân dung đẹp đẽ để mời mọc. Tôi “sa chước cám dỗ” cũng đã ngồi để người họa sĩ dạo vẽ chân dung. Anh ta bảo tôi ngồi yên, không cần cười và nhìn thẳng để anh ta vẽ. Chỉ khoảng 20 phút sau, bức chân dung của tôi được hoàn thành, tôi bảo: đâu có giống, nhưng anh ta quả quyết: giống chứ! Trông mặt tôi dài ra và trẻ hơn. Bức chân dung của người họa sĩ khác vẽ cả gia đình đứa con trai út của tôi gồm 4 người cũng thế, ai cũng trẻ hơn và không giống lắm. Thôi, một trăm năm mươi nghìn cho một bức chân dung thì làm sao giống cho được!
Lượng người đông như thế mà “toilets” công cộng chỉ có 1 hoặc 2 chiếc, thì làm sao “giải quyết” được vấn đề. Tôi vốn gặp rắc rối về phương diện này. Còn nhớ ở Đài Bắc năm 2012, trên đường đi thăm ngọn núi lưu huỳnh, tôi đã nói với hướng dẫn viên du lịch về nhu cầu “phải giải quyết vấn đề” của tôi, nhưng anh ta cứ nằng nặc cho rằng sắp đến nơi rồi, thành thử chưa đến nơi, tôi đã làm ướt cả quần. Rồi năm 2018, ở Dubai, hôm ấy vì thấy chân xưng lên, nên tôi phải uống Frusemide để thoát nước, hy vọng đến khu Burj Al-Arab Jumeirah sẽ có toilet cho mình “giải quyết vấn đề”, bất ngờ tôi không tìm thấy toilet nào ở đó cả, do dự kiện chúng tôi chỉ đứng ở bên ngoài tòa nhà giống như chiếc buồm. Tôi phải nép sau một trạm xe buýt dọc đường gần đấy để “giải quyết vấn đề”, may mà không bị ai phát hiện. Lần này cũng thế, sau 2, 3 giờ dạo quanh hồ, tôi cảm thấy có nhu cầu, nên vội đi tìm McDonald ở góc đường Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay. Chạy vội lên lầu, thấy toilet nhưng nhiều người trước mình đang đứng chờ, tôi phải xin lỗi, vượt hàng rào nhào tới trước. Vậy mà cũng không kịp! Chiều về đành phải ra Càfê Sinh gần đó nhờ giặt đồ. Chẳng biết hai bộ quần áo của tôi nặng bao nhiêu ký (họ tính ký), nhưng người quản lý bảo tôi trả 96 nghìn đồng, tôi đưa cho anh ta trọn 1 trăm nghìn. Anh ta cám ơn, nói: cái ông bà người Úc trước chú kẹo quá, trả giá từng đồng!
Tôi biết Nhà thờ lớn Hà Nội nằm đâu đó gần Hồ Hoàn Kiếm, nhưng mãi buổi chiều hôm 1 tháng 1, tôi mới tới được, kịp tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Nhà thờ này vốn có từ rất lâu, theo sử sách được khánh thành vào dịp lễ Giáng Sinh năm Đinh Hợi (1887), tuy từ thập niên 1920, mới được dùng làm nhà thờ chính tòa và tòa giám mục của Địa phận Tây Đàng Ngoài, chuyển từ Sở Kiện đến vị trí ngày nay. Có lẽ vì thế, bên ngoài, nhà thờ lớn Hà Nội trông xấu xí, vì đen đúa, mặc dù khách ngọai quốc tuôn đến đó rất đông và phần lớn trầm trồ khen ngợi và chụp hình lưu niệm ở bên ngoài, nhưng bên trong thì tuyệt đẹp. Tôi cho rằng từ ngày Đức Cha Thiên về tri nhậm tổng giáo phận Hà Nội, gian cung thánh nhà thờ này đã có nhiều cải thiện, trông rực rỡ hơn năm 2001 nhiều, nhất là ngai tòa Giám Mục, hết sức hoành tráng, kiểu Gôtích, vút cao tới trần nhà thờ. Ca đoàn hát cũng hay hơn, tôi đã ghi âm các ca khúc của họ. Hôm đó có đám cưới của một thanh niên có tên nửa tây nửa ta còn người vợ thì tên Việt hoàn toàn. Nhà thờ rất đông, nhưng nhìn kỹ thì đa phần không đứng, quỳ, bái gối đúng phép, nhiều người vào chụp hình rồi rời khỏi. Nhà tôi cứ trách tôi tham dự thánh lễ mà mặc áo thung. Nghĩ cho cùng, tôi đâu có chủ ý tham dự Thánh Lễ, chỉ muốn đến Nhà Thờ thăm thú, nào ngờ có thánh lễ, lại là Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, lễ trọng, làm sao bỏ dịp may cho được. Chúa nào chấp áo thung hay áo vét.
Chiều tối hôm đó, tôi và nhà tôi cùng bọn trẻ cuốc bộ đến khu vực thưởng thức xe lửa chạy sát qua bên mình! Một trò tiêu khiển, nhất là của khách ngoại quốc khi đến Hà Nội, mà các cháu nhà tôi thì “ngoại quốc” hết cả rồi. Đi bộ với chúng quả hụt hơi. Rồi cũng tới nơi. Nhưng tôi và nhà tôi đành bỏ cuộc không thưởng thức cảm giác xe lửa chạy sát bên mình, vì thái độ của các chủ quán cà phê hai bên đường xe lửa. Họ tự động bít đường đoạn xe lửa chạy sát nhất, không cho ai ra vào cho đến khi xe lửa chạy qua, chỉ cho những người chịu trả tiền cho các ly cà phê của họ vào mà thôi. Thực ra thì trả tiền uống cà phê của họ đâu có chi là sái luật, nhưng việc họ bít đường thì quả là người trọng luật không thể chịu đựng được. Không chịu được thì cút đi! Đó là nguyên văn lời một chủ quán. “Người ngoại quốc” là các cháu của tôi chẳng ngại gì lời thóa mạ ấy, vì đến Hà Nội mà không thưởng thức trò giật gân này là không xong.
Ninh Bình
Sáng hôm sau, chúng tôi từ giã Hà Nội đi Ninh Bình, đất dấy nghiệp của ba họ Đinh, Lê, Lý, nổi tiếng về thịt dê, thịt dê tươi, thịt dê đủ thứ, có cả “dê ủ chấu” [nguyên văn, phải là trấu] và những ngôi nhà to xây theo lối tây phương có “dome” tròn nổi bật. Xe búy đưa chúng tôi qua ngả Hưng Yên đến Ninh Bình vào buổi trưa, dừng lại dùng bữa trưa tại một nhà hàng ven đường. Ngoài chúng tôi ra, không có một thực khách nào khác tại phòng ăn rộng mênh mông. Dù nhà hàng quảng cáo thịt dê, nhưng trong bữa ăn, chúng tôi không gọi món ăn này.
Theo chương trình, sau bữa ăn trưa, chúng tôi sẽ tới Tam Cốc, ngụ tại Tam Cốc Bungalow, được tự do cả buổi chiều hôm ấy. Nhưng hướng dẫn viên chuyến đi, dựa vào tiên đoán thời tiết sẽ có mưa vào ngày hôm sau, đã thay đổi chương trình, dẫn chúng tôi tới Hang Múa ngay chiều hôm đó.
Đường vào Hang Múa vẫn chưa trải nhựa và tương đối hẹp, hẹp đến nỗi tôi không biết các xe ngược chiều sẽ xoay trở ra sao. Nhưng họ đã xoay trở được. Vào đến địa điểm thì đường tuy đã đổ bêtông nhưng vẫn hẹp như đường bên ngoài. Lúc chúng tôi tới chỉ lác đác một vài chiếc xe chở khách, nhưng lúc rời đó, rất nhiều xe chở khách đậu kín cả bãi đậu xe. Có thể nói, người “muôn nước” đổ về đây từng đoàn, đông nhất và đáng chú ý hình như người Ấn Độ, vì họ nói năng ồn ào như “ở nhà”.
Lần đầu tiên tôi thấy dê tung tăng trên lưng chừng núi, mầu trắng rất dễ nhận dạng. Đất dê có lẽ vì vậy chăng, đi khắp thành phố, ra cả ngoại ô đến 30 phút chạy xe, vẫn thấy các bảng quảng cáo về thịt dê! Đường từ bãi đậu xe vào đến chân Hang Múa rất hẹp, phải cuốc bộ thôi. Cuốc bộ đường thẳng không có vấn đề gì với tôi, vì ngày nào tôi cũng cuốc bộ một tiếng đồng hồ, kể cả Chúa Nhật và ngày lễ. Nhưng leo bậc thang thì chắc chắn là một vấn đề lớn đối với tôi. Dù đã trang bị chiếc gậy tôi vốn có từ hồi 2018 lúc leo lên Dome chính của Nhà thờ Thánh Phêrô ở Rôma, tôi cũng chỉ leo được 243 bậc trong số 500 bậc của Núi Múa. Con số này tôi biết được, vì khi dừng lại cùng một bậc với tôi, một em bé, dường như Ấn Độ, nói với bố two hundred and forty three! Đường đi xuống có khi còn gây trở ngại cho tôi nhiều hơn đường đi lên. Được cái vừa dựa vào gậy vừa dựa vào tường, nên từ từ tôi xuống tới nơi an toàn, dọc đường nhận được không ít lời khích lệ, “ba con bằng tuổi bác không đi được như vậy đâu”. Không biết chị bạn này có biết tuổi thật của tôi hay không?
Xe buýt đưa chúng tôi tới Tam Cốc, dừng lại tại bến thuyền chở du khách đi sông. Từ đó, chúng tôi phải cuốc bộ chừng 10 phút dọc theo sông để tới Tam Cốc Bungalow, một quần thể gồm tới 15, 16 căn hộ mái tranh tường tre, có máy lạnh, giữa cảnh trí khá nên thơ vì dựng ngay cạnh Sông Ngô Đồng trên đó những con thuyền gỗ được các phụ nữ chèo bằng chân đưa du khách đi tham quan. Căn số 5 của vợ chồng tôi thực tế nằm sát bờ con sông, thấy thuyền du khách mặc áo phao chạy qua thong thả trên một dòng sông phẳng lặng thấp thoáng sau hàng bưởi đầy trái chín vàng, mà vui. Có điều đèn đóm hơi tù mù. Tôi có thói quen làm việc với chiếc laptop mang theo, nên hơi thất vọng khi không thực hiện được việc này vì thiếu ánh sáng. Muốn làm như thế, tôi phải tới khu sinh hoạt chung, lúc nào đèn đóm cũng sáng choang.
Tối hôm đó, chúng tôi ra ngoài khu phố Tam Cốc dùng bữa tối cả gia đình. Hóa ra thực phẩm Tam Cốc không đến nỗi tệ, ít nhất cũng khá hơn Mẹt Vietnamese Restaurant ở đường Hàng Gai, Hà Nội mà lại rẻ hơn nhiều. Điều đáng nói là bọn nhỏ “ăn đến phát sợ”, gọi đủ món, kể cả một con vịt nướng than, chưa bao giờ từng thấy! Tiện đi dạo phố Tam Cốc, ngắn thôi nhưng cũng đủ mặt hàng, kể cả Pizza đúng điệu Ý và đầy du khách ngoại quốc, ngồi nhâm nhi bia, hoặc đọc sách. Trên đường trở về Bungalow, một đoàn phụ nữ đang diễn tập thể vũ nhịp nhàng, có đến hơn 5 chục chị, khiến nhiều người trong chúng tôi nhập đoàn. Tam Cốc về đêm thật yên tĩnh giữa cảnh sông nước hai bên tràn đầy ánh sáng.
Ngày hôm sau, trời trở mưa thật và có gió lạnh. Lần đầu tiên các áo mùa đông được mang ra sử dụng, bõ công mang theo từ Sydney mà chưa bao giờ trước đó được sử dụng, kể cả ở Hà Nội. Hôm nay, chúng tôi đi Tràng An, khu vực được UNESCO liệt kê là di sản của thế giới. Tại đây có di tích của ba triều vua cai trị Việt Nam cuối thiên niên kỷ thứ nhất đầu thiên niên kỷ thứ hai: Đinh, Lê, Lý. Chúng tôi thăm đền Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Lý Công Uẩn. Điều đập vào mắt tôi là lối xây các ngôi nhà từ ngoài vào trong, lối đi qua các ngôi nhà này không hoàn toàn mở mà được xây ngang bằng một bức tường đủ cao để người vào phải cúi đầu khi bước qua, vô tình, tỏ lòng cung kính nhà vua. Điều thứ hai là long sàng, giường vua, không biết có đúng lịch sử không, nhưng tất cả đều bằng xi măng. Các đền vua này thật vô nghĩa khi so sánh với Tử Cấm Thành của Bắc Kinh hay các đền vua của Hán Thành, những nơi tôi từng được đến thăm. Ở lối dẫn vào Đền Đinh Tiên Hoàng, có một con trâu và người “mục đồng” cầm sẵn một bó bông lau hay tương đương gì đó. Tôi thấy một cặp tây phương dừng lại để người đàn ông tiến tới người “mục đồng” xin đội nón và ngồi lên con trâu tay mang bó bông lau đúng điệu Đinh Bộ Lĩnh lúc còn nhỏ.
Trừ triều Lý tương đối dài (đến 200 năm), triều Đinh chỉ vỏn vẹn 12 năm, triều Lê cũng không hơn gì, qua được 3 đời vua, chấm dứt với Lê Long Đĩnh. Thái Hậu Dương Vân Nga của nhà Đinh, thức thời ở điểm vì họa Nhà Tống, nên đã bằng lòng trao ngôi vua của con là Đinh Phế Đế, lúc đó mới có 6 tuổi, cho Lê Hoàn nhờ thế Lê Hoàn, tức Lê Đại Hành, đã đánh đuổi được quân Nhà Tống. Điều không nên là bà đã trở thành hoàng hậu của Lê Đại Hành, vi phạm đạo đức Khổng Mạnh một cách lộ liễu. Điều đáng nói là với tôi Lê Long Đĩnh, tức Ngọa Triều, vốn là ông vua trác táng, vô dụng để mất sản nghiệp cha ông về tay Lý Công Uẩn. Nhưng Wikipedia vẽ nên một Lê Long Đĩnh khác: Ông đầy tham vọng, tuy là con thứ năm của Lê Đại Hành, nhưng khi người con đầu vốn được Lê Đại Hành chọn làm đông cung thái tử qua đời sớm, Long Đĩnh đã tự ứng cử làm thái tử. Động thái này được Lê Đại Hành hoan nghinh, nhưng không được triều đình ủng hộ, chọn Lê Long Việt con cùng mẹ với Long Đĩnh. Cai trị được đúng 3 ngày, Long Việt bị Long Đĩnh giết. Long Đĩnh lên ngôi lấy tên hiệu dài thoòng Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế.
Việc đầu tiên là Long Đĩnh lùng sục các hoàng tử anh em, giết đi hoặc loại trừ để tránh hậu họa. Nhưng về ngoại giao, Long Đĩnh thân thiện với Trung Hoa, nhận được của Vua Nhà Tống “bộ Cửu kinh gồm: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ; là 9 bộ sách nền tảng của văn minh Trung Hoa, lần đầu tiên nhập vào Việt Nam là do Lê Long Đĩnh lấy về. Cả bộ “kinh Đại Tạng là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa sưu tầm và dịch thuật suốt 1,000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5,000 quyển”. Ngoài ra, ông cũng chăm lo kinh tế bằng cách cho xây đắp các tuyến đường lớn, những con đường thủy bộ cho vững chắc để tiện việc giao thương.
Wikipedia cũng cho rằng “Vào những năm cuối đời, sách sử đa số nhận định rằng Lê Long Đĩnh là một hôn quân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nói, Lê Ngọa Triều tính hiếu sát thường thiêu sống, dìm nước hay dùng dao cùn mà tùng xẻo tù nhân; sư sãi vốn có thế lực rất lớn đối với chính sự nhưng Ngọa Triều từng sai người róc mía trên đầu sư Quách Ngang để làm trò cười; lại nuôi nhiều bọn hề làm trò khôi hài trong triều để làm loạn lời tâu việc của các quan. Do những việc làm đó, Ngọa Triều bị quan lại và dân chúng căm ghét. Sử cũng chép rằng, vì chơi bời sa đọa, nên Lê Long Đĩnh bị bệnh trĩ không ngồi được, phải nằm mà coi chầu, nên được gọi là Lê Ngọa Triều. Tuy nhiên, nhiều người nhận định chơi bời sa đọa không phải là nguyên nhân sinh ra bệnh trĩ, mà có thể Lê Long Đĩnh bị suy nhược bởi nhiều nguyên nhân nào đó. Vào lúc này, vị vua họ Lê suy nhược đang không biết có một người mình tin cậy lại là người có khả năng thay thế mình. Chính là vị trưởng quản lính thân vệ Lý Công Uẩn”.
Long đĩnh chết lúc 24 tuổi, các con còn trẻ, nên triều đình đã tôn Lý Công Uẩn, người vốn được Long Đĩnh tin cậy đến phút chót tuy vẫn nghi ngờ nhà họ Lý nói chung, lên làm vua, mở đầu nhà hậu Lý. Lý Công Uẩn hay Lý Thái Tổ, là người đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La vào năm 1010, đổi tên thành Thăng Long, nay là Hà Nội.
Trưa hôm nay, chúng tôi được hãng du lịch đãi ăn trưa tại khu vực Tràng An có cả thịt dê luộc, cuốn bánh tráng với rau sống và chấm nước chấm. Có điều, thịt dê không ngon như quảng cáo, nên chỉ được chúng tôi dùng một hai miếng, để lại phần lớn, khiến hướng dẫn viên du lịch không hài lòng. Ước chi họ nấu lẫu dê giống như có lần tôi được thưởng thức tại nhà một người bạn ở Lakemba, một khu ngoại ô của Sydney, do một đầu bếp người Miền Nam nấu.
Ăn trưa rồi, chúng tôi tới “hải cảng” để đi thuyền. Không giống như Tam Cốc, địa điểm lên thuyền ở đây trang trọng hơn: đường dẫn tới bến được trang trí đèn lồng rực rỡ, đường chữ chi dẫn tới thuyền có lan can bằng gỗ sơn bóng. Từng 5 người một lên một con thuyền, được một người thường là phụ nữ chèo. Người hướng dẫn du lịch dặn dò chúng tôi: tiền vé [dường như một triệu đồng] phần lớn vào tay chủ thuyền, người chèo nhận được rất ít, nên xin mỗi thuyền “tip” cho người chèo 200 nghìn đồng. Không ai phản đối việc này.
Ai nấy mặc áo phao cho đúng “qui định của Nhà Nước”. Nhờ thế mà mặt sông tươi vui hẳn lên. Thằng cháu đích tôn 9 tuổi của tôi hứng chí cầm mái chèo hân hoan chèo theo sức đẩy của người chèo thuyền. Tôi cũng bắt chước cháu. Thuyền chúng tôi băng qua các Hang Lấm, cái tên thật lạ, Hang Vạng (dài 250m, khi vào hang, nói chuyện sẽ có tiếng vang lớn), Hang Thánh Trượt (dài 300m, có hệ thống thạch nhũ đẹp giống như những búp sen, lung linh, huyền ảo. Dân gian tương truyền rằng, từ xa xưa có một vị thánh mải mê ngắm cảnh đẹp nơi đây nên trượt chân ngã xuống), và Hang Đại (dài 200m; lòng hang này rất rộng, thông thoáng) và 3 ngôi đền: Đền Cao Sơn (gồm 3 ngôi đền được vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành quanh kinh đô Hoa Lư, vì thế nên có tên gọi là Hoa Lư tứ trấn. Phía Tây thì có thần Cao Sơn trấn giữ, phía Đông thì có thần Thiên Tôn, phía Nam có thần Quý Minh trấn giữ); Hành cung Vũ Lâm (một căn cứ quân sự đời Trần trong chiến tranh Mông Cổ thế kỷ 13; phía trước cụm di tích Hành cung Vũ Lâm là Thủy Đình, bên trong Thủy Đình có một quả chuông lớn và được thỉnh lên vào những ngày lễ). Đền Suối Tiên (cách hang Thánh Trượt khoảng 20 phút đi thuyền: tương truyền rằng ở nơi đây có con suối trong xanh và mát mẻ nên các nàng tiên thường đến đây tắm vì thế nên gọi là đền Suối Tiên. Đền Suối Tiên thờ Đức thánh Quý Minh Đại Vương, một trong ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh).
Vui nhất là lúc thuyền qua Hang Thánh Trượt, hang duy nhất vừa dài vừa khúc khuỷu, nhiều thạch nhũ, lại được chiếu sáng với nhiều mầu sắc khác nhau, nên rất thú vị, tôi xém đụng đầu một thạch nhũ. Mới hay người chèo quả có nhiều kinh nghiệm. Và dĩ nhiên rất có ấn tượng khi giữa sông nước được giáp mặt với Thủy Đình. Thuyền nào cũng được người chèo thuyền chụp cho một bức hình kỷ niệm ở đây.
Hạ Long
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi từ giã Tam Cốc sớm, sau khi dùng vội tô phở của Tamcoc Bungalow, để lên đường đi Hạ Long. Có người gọi khu vực du lịch Tam Cốc và Tràng An này là Hạ Long của Ninh Bình. Tôi nghĩ sự so sánh không được chỉnh cho lắm. Bởi nếu chỉ tính về thiên nhiên thì sự so sánh phần nào đúng, nhưng còn về tổ chức du lịch và sự phát triển cảnh quang, thì sự so sánh này ít có giá trị.
Quả tình như thế, tôi đến Hạ Long lần này là lần thứ ba, hai lần trước là cuối năm 2000 và giữa năm 2011. Hạ Long của các năm đó rất thô sơ với phần lớn thuyền gỗ mầu gụ đưa du khách tới lui trong Vịnh, trên bờ, mấy tòa nhà thấp thè làm nơi cho du khách qua đêm. Tôi từng qua đêm tại đó năm 2011, sau một bữa ăn tối hết sức ngon miệng trên thuyền.
Thực ra thuyền đâu có cung cấp bữa ăn. Chúng tôi phải tự lo lấy. Số là đến Hạ Long vào buổi trưa, tưởng như năm 2000 có thể tìm thấy những hàng rong bán thực phẩm ngay tại bến tầu để giải quyết cơn đói sau chuyến bay Sài Gòn – Hải Phòng và chuyến xe đò Hải Phòng – Hạ Long trên con lộ gập ghềnh, nhưng mọi hàng rong ấy đã bị dẹp từ thuở nào, khiến chúng tôi bụng đói meo, càng đói thêm khi phải leo hết hang Sửng Sốt đến động Thiên Cung, đến chiều tối, thì bụng quả cồn cào, may thuyền đưa chúng tôi tới làng chài, nhờ thế mua được một con cá, to bằng bàn tay một ông tây. Hỏi người bán cá xem giá bao nhiêu, anh ta bảo một triệu. Một triệu hồi cuối năm 2000 không nhỏ, tương đương với 150 úc kim. Sao mắc quá vậy, “thì 400,000 đồng một cân mà cá này 2 cân rưỡi lận”. Cân đây là cân tây đấy, người bán cá nói thế. Biết làm sao hơn. Mang cá lên thuyền, nhờ thuyền làm cá với tiền công 250,000 đồng nữa, có bữa ăn tối chưa bao giờ ngon thế, giống như bữa ăn trưa tại Chùa Hương đầu năm 2001, sau khi cuốc bộ từ bến đò qua Động Tuyết Quynh leo đồi tới Chùa Hương quạnh hiu bụi bặm với thùng quyên tiền to gần bằng tượng Phật, rồi trở lui, lúc nào mồ hôi cũng ra như tắm, được chuyến du lịch cho ăn trưa, đâu có gì thịnh soạn, chỉ là canh bí, đậu hũ kho với giá sống, nhưng ngon ơi là ngon, ngon chưa từng thấy.
Hạ Long nay khác quá rồi. Xa lộ dẫn tới Hạ Long rộng thênh thang, êm ru, không còn gập gềnh như trước. Ngay từ xa, đã thấy hàng dẫy nhà cao tầng in trên nền trời và hàng hàng lớp lớp du thuyền chở khách tới lui. Mầu trắng đã thay mầu gụ. Và du khách thì ôi thôi. Đâu còn lác đác như xưa và mầu sắc của họ cũng đã thay đổi, đủ cả trắng, vàng và đen, tây, tầu, đại hàn, ấn độ, phi châu; tôi nghe loáng thoáng có cả ý, tây ban nha, lẫn ả rập. Họ đi đi lại lại, ăn nói tự nhiên “như ở nhà”, gọi nhau ơi ới, cười hô hố sau một câu bông đùa nào đó chắc. Hạ Long chào đón họ một cách nồng nhiệt. Nó cũng chào đón bọn tôi cách chân thành. Tôi giữ được cảm tình với anh Dân, hướng dẫn viên du lịch trên du thuyền qua đêm của chúng tôi. Chúng tôi lên du thuyền Amanda ở Bến Tuần Châu cùng với 19 người Ấn độ, 4 người Singapore và 4 người Ái Nhĩ Lan.
Bữa trưa trên du thuyền theo kiểu “buffet” diễn ra ngay sau đó. Con gái thứ hai của tôi nói toáng lên: trời ơi, ông Ấn Độ lấy tay bốc thức ăn! Tôi bảo cháu, nếu ông ta chỉ bốc duy nhất thứ ông ta cần chứ không rà khắp mọi thứ thì đâu có gì đáng phàn nàn, người Ấn Độ thích dùng tay mà. Nói thế, chứ tôi vẫn còn nhớ thái độ của đại tá Hoàng của Trung Hoa Quốc Gia ở một căn hộ chúng tôi thuê chung ở Davenport, Iowa, Hoa Kỳ năm 1974, lúc chúng tôi trọ ở đó để tham dự khóa Phân tích Quản trị của Lục quân Hoa Kỳ tại Rock Island, Illinois bên cạnh. Cùng trọ với chúng tôi là Trung tá Darvanto của Nam Dương. Darvanto có thói quen ăn bốc. Mỗi lần như thế, Hoàng đều nhìn đi hướng khác!
Hóa ra người Ấn Độ khá thân thiện, tôi bắt chuyện với hai người đàn ông trung niên của nhóm này. Họ rất vui vẻ tiếp chuyện với tôi, thành thực đưa ngón cái xuống khi tôi hỏi về Nehru và gia đình Indira Gandhi nhưng hết lời ca ngợi Modi. Chê gia đình Indira còn có lý. Chê cả Nehru nữa thì thật khó hiểu. Theo hai người này, họ quá tây phương! Modi đương nhiên duy quốc gia hơn hay đúng hơn duy ấn giáo, như có người nói, đề cao các giá trị Ấn Độ. Có lẽ vì vậy mà ông ta không mấy có cảm tình với Mẹ Têrêxa và ảnh hưởng của bà cũng như định chế của bà đối với Ấn Độ.
Người Ấn Độ cũng khá xông xáo và sẵn sàng truyền bá văn hóa của họ. Dạ tiệc đầu tiên của chúng tôi trên du thuyền khởi đầu bằng một bài hát và điệu nhẩy Ấn Độ do một người đàn ông trung niên Ấn Độ trình diễn. Dù không hiểu nội dung bài hát, chúng tôi cũng đã vỗ tay hoan hô vang dậy giữa bầu trời đêm Hạ Long êm ả. Bữa tiệc được chuẩn bị và chiêu đãi theo lối tây phương. Các du thuyền bên cạnh cũng vang vọng lời ca tiếng hát. Cả Vịnh sáng choang nhờ ánh đèn phát ra từ các du thuyền đậu trên vịnh. Màn trình diễn thứ hai là của Vincent, bạn trai con gái út tôi. Cháu trình bầy bản nhạc quen thuộc “Caroline” của Neil Diamond, được toàn thể cử tọa tham gia tích cực, nhất là hai nhóm Ái Nhĩ Lan và Singapore, đến chỗ “so Good” họ giơ tay cùng “hô” và vẫy vẫy thật vui nhộn; hứng chí một trong số khán giả Ái Nhĩ Lan đã lãnh Micro và đơn ca tiếp theo. Màn trình diễn tiếp theo là múa sạp (cheraw dance) tức điệu nhảy trên những thanh tre, được nhiều người tham dự sau màn biểu diễn điêu luyện của anh Dân, hướng dẫn viên du lịch. Và nhân lúc cho nghe nhiều bản nhạc không lời, anh đã mở bản “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, một việc hình như bắt buộc anh phải làm, tuy không có lời dẫn nhập.
Sau bữa tiệc, một số bọn nhỏ của chúng tôi đi câu cá mực ở cuối du thuyền. Cháu Mishea câu được một con. Vợ chồng tôi đi ngủ sớm, sau khi tắm trên thuyền. Phòng tắm của Amanda quả lớn hơn phòng tắm của du thuyền Perma trên biển Aegian, Địa Trung Hải, năm 2005 nhân chuyến hành hương tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne của vợ chồng tôi. Hồi ấy, tuy du thuyền Perma cao đến 7 tầng, nhưng 4 chúng tôi phải ngụ trong một “cabin”, tôi và cháu Thạc phải ngủ trên cao, nhường chỗ nằm dưới cho nhà tôi và vợ cháu. Phòng ngủ trên Amanda rộng rãi, có bàn làm việc để tôi viết bài cho Vietcatholic. Từ Việt Nam, tôi không thể tự đăng bài lên Vietcatholic được, phải gửi cho Đặng Minh An để anh đăng lên giùm, thành thử khi sai lỗi, như hai lần Cha Tuân ofm, ở Hoa Kỳ chỉ cho, sửa không được.
Từ phòng của vợ chồng tôi, có thể nhìn thấy các đảo và các du thuyền đủ loại đậu hoặc di chuyển trong Vịnh, làn nước êm ả của Vịnh lúc nào cũng làm tâm hồn bình thản trở lại, cảm giác mà lúc chưa đến đảo, lúc chỉ là một cậu học trò lớp nhất, tôi vốn đã nhắc đến, trong một bài luận được thầy giáo khen nức nở, khiến ông anh ruột cùng lớp lấy làm ngạc nhiên.
Tôi nhớ lại chuyến thăm đảo Titốp trong ngày. Tầu nhỏ chở chúng tôi đến đó. Trên tầu, anh Dân giải thích Titốp là phi hành gia Nga, “bạn” của “Bác”, hai người đến thăm đảo năm 1962, lúc ít người biết đến Hạ Long, huống chi là thăm đảo. Để kỷ niệm chuyến thăm này, “Bác” đã lấy tên Titốp đặt cho Đảo. Tượng của ông được dựng ngay ở chỗ chúng tôi đổ bộ lên bờ. Trên đỉnh núi có tòa nhà không biết đặt tên là gì, nhưng muốn lên đến đó, phải leo tới 450 bậc thang. Tôi và nhà tôi leo thử, nhưng chỉ đến bậc 100 là cùng, đành bỏ cuộc, kém hơn ở Hang Múa, Ninh Bình, phần vì bậc leo hẹp hơn, dốc hơn và lượng người chen chúc hơn khiến mình bị áp lực, đi không thoải mái. Đành leo xuống, ngồi cạnh bãi biển, ngắm bãi biển hình bán nguyệt có bãi cát được quảng cáo là luôn sạch và làn nước luôn trong xanh quanh năm. Nhận xét đầu tiên: ít người Việt đến đây. Nhìn khắp ngả, phần lớn là người nước ngoài, đông nhất dường như Đại Hàn và Trung Hoa, sau đến Ấn Độ và Tây Phương. Tôi lưu ý một hiện tượng nghịch lý: một người ông có tuổi dáng người Tây Phương, trên người vỏn vẹn chiếc quần lót nhỏ xíu, rõ ràng vừa ở dưới nước lên, khuyến khích thằng cháu trai cởi quần áo ngoài xuống tắm biển. Hắn lắc đầu hoài. Nhưng cuối cùng chiều người ông, cháu đã cởi quần áo ngoài, nhào xuống biển!
Tầu nhỏ lại chở chúng tôi trở lại tầu lớn, đón những người không đi thăm Đảo Titốp đi thăm Hang Sửng Sốt, trong số này có con gái thứ ba và thằng cháu ngoại thứ nhất của tôi. Từ dưới tầu lớn nhìn lên lối vào Hang Sửng Sốt trên cao mà ớn. Hình như nó cao hơn hồi năm 2011. Thế mới biết mình “già” đi hẳn rồi. Nhưng rồi cũng leo lên tới chốn. Ít nhất hơn 100 bậc. Nhờ gậy mang theo và lan can dọc lối lên. Hang Sửng Sốt vẫn như ngày xưa ở đèn đóm, tuy lối đi có vẻ rộng rãi hơn. Tôi nghĩ nếu là người Úc hẳn họ sẽ thay đổi lối chiếu ánh sáng làm nổi bật các thạch nhũ bên trong Hang hơn, như họ làm ở Jenolan Cave, New South Wales. Nhưng anh Dân không đồng ý: anh cho là làm vậy mất vẻ tự nhiên của Hang.
Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng, chúng tôi còn dùng thuyền đi thăm Hang Luồn. Đã thăm các hang ở Tràng An, Ninh Bình, nhất là Hang Thánh Trượt rồi, Hang Luồn không có chi đặc biệt, ngoại trừ được coi các chú khỉ vàng chạy nhẩy, ăn chuối do du khách đãi! Trở lại tầu Amanda trước 12 giờ, chúng tôi còn được tầu đãi bữa “brunch” trước khi rời tầu.
Kỳ tới: Nam Am, Hải Phòng