Cha Hugh Mackenzie, Linh mục tại Nhà thờ Westminster, viết trên trang mạng của Giáo Phận Westminster, Anh Quốc về di sản của Thánh Nữ Triết gia Edith Stein, cách nay ba ngày (Tiêu đề: mazur/cbcew.org.uk):
“Bất cứ ai tìm kiếm chân lý đều đang tìm kiếm Chúa, dù có ý thức hay vô thức” Thánh Teresa Benedicta Thánh giá.
Một đêm năm 1921, Edith Stein, 28 tuổi, thức trắng đêm để đọc một cuốn sách mà cô mới phát hiện ra. Cuốn sách này là tự truyện của Thánh Teresa thành Avila, một vị thánh nổi tiếng của dòng Cát Minh. Edith vô cùng xúc động trước mô tả huyền nhiệm của Teresa về mối liên hệ của linh hồn với Thiên Chúa tuyệt đối. Sáng hôm sau, cô tuyên bố, "Đây là chân lý" và được rửa tội vào năm sau. Ngay sau đó, cô gia nhập dòng Cát Minh, lấy tên là Teresa Benedicta Thánh giá.
Khi phong bà làm người bảo trợ của châu Âu vào năm 1999, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã nhấn mạnh rằng nền tảng triết học của bà trong hiện tượng học, một trường phái tư tưởng thế kỷ 20 tập trung vào trải nghiệm có ý thức của con người, đã chuẩn bị cho bà để "đối mặt trực tiếp... với lời chứng về trải nghiệm tâm linh của Ki-tô giáo do Teresa thành Avila đưa ra". Hiện tượng học nhấn mạnh vào việc bắt đầu triết học bằng cách xem xét tác động có ý nghĩa và đạo đức của thế giới hiện tại đối với chủ thể con người có ý thức, phù hợp với những gì Stein đọc được trong những suy gẫm của Thánh Teresa về hành trình của tâm hồn đến với Thiên Chúa.
Năm 1916, Stein trở thành trợ lý bản thân của Edmund Husserl, người sáng lập ra hiện tượng học. Trong khi công trình của Husserl tập trung vào sự tương tác của cá nhân với môi trường của họ, thì các nghiên cứu của riêng Edith, bắt đầu từ luận án tiến sĩ năm 1917 của bà về "Sự tương cảm" [empathy], nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa con người.
Cả bà và Đức Giáo Hoàng John Paul II đều chịu ảnh hưởng của nhà hiện tượng học Max Scheler, người đã viết về cách thế giới khách quan mang lại khả năng xây dựng cộng đồng một cách tích cực. Scheler nhấn mạnh các giá trị đạo đức trong trải nghiệm của con người, trong khi Edith tập trung vào sự tương cảm và cảm xúc đối với người khác trong trải nghiệm đó, dẫn đến những hành động có chủ ý.
Nhận thức sâu sắc này khiến bà đặc biệt phấn khích khi khám phá các tác phẩm của Thánh Thomas Aquinas, người nhấn mạnh khái niệm "hữu thể" là thứ vượt qua nhưng vẫn thu hút người tìm kiếm. Phần lớn các tác phẩm sau này của Edith nhằm mục đích tổng hợp các ý tưởng của Husserl và Aquinas.
Đức Giáo Hoàng John Paul II, Tự Sắc năm 1999 của ngài, đã giải thích cách đào tạo triết học của Edith đã dẫn bà đến việc “nhạy cảm với một thực tại khách quan, không phải cuối cùng sẽ tan biến trong chủ thể, … phải được chú ý và nắm bắt trên hết trong con người, nhờ vào khả năng “tương cảm” - một từ mà bà rất yêu thích - cho phép một người theo một cách nào đó chiếm hữu trải nghiệm sống của người khác”.
Trong một nền văn hóa châu Âu ngày càng ưu tiên trải nghiệm và quyền lợi cá nhân, việc Edith Stein công nhận Husserl là "nhà triết học của ngày nay" là một lời tiên tri. Thậm chí còn phù hợp hơn nữa là quyết định của Đức Giáo Hoàng John Paul II khi phong bà làm thánh bổn mạng của một châu lục như vậy.
Khám phá của bà về sự thật con người vào năm 1922, được truyền cảm hứng từ các nghiên cứu hiện tượng học của bà, đã đưa bà trở thành một nữ tu Công Giáo tận tụy, dòng Cát Minh, và cuối cùng là một vị tử đạo, bị sát hại tại Auschwitz vào ngày 9 tháng 8 năm 1942, vì vừa là người Do Thái vừa là người Công Giáo sau khi các Giám mục Hòa Lan lên án Đức Quốc xã.
Mong rằng lời chứng của bà, khẳng định rằng tâm hồn con người được định sẵn để kết hợp một cách huyền nhiệm với Thiên Chúa, sẽ giúp chống lại chủ nghĩa cá nhân của thời đại chúng ta.