□ Lãnh Đạo Tự Trọng, Gioan 8:3-11
Nguyễn Trung Tây
Trong những cuộc tranh luận, ai cũng muốn phần thắng nghiêng về mình. Hai phe đối lập đều muốn mình là người nói lời cuối cùng, lời đúng đắn, lời xác thực đến mức đối phương không còn lý lẽ nào để phản biện. Sự im lặng trong trường hợp này thường được hiểu là chấp nhận thua cuộc.
Khi những nhà lãnh đạo Do Thái dẫn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Đức Giêsu, họ nghĩ rằng Ngài đã rơi vào cái bẫy họ giăng sẵn tại sân đền thờ Jerusalem. Họ tin rằng ván cờ này Đức Giêsu chắc chắn sẽ thua.
Nếu Đức Giêsu nói: “Đừng ném đá,” Ngài sẽ vi phạm bộ luật Môsê. Nhưng nếu nói: “Hãy ném đá,” Ngài sẽ đi ngược lại sứ điệp yêu thương và tha thứ mà Ngài giảng dạy. Hơn thế nữa, Đức Giêsu cũng sẽ vi phạm luật pháp của đế quốc Rôma, nhà nước duy nhất có quyền lên án và thi hành án tử hình.
Thấu hiểu sự giằng co của tình thế ấy, Đức Giêsu không trả lời “có” hay “không.” Ngài không sa vào thế cờ họ bày ra. Thay vào đó, Ngài điềm tĩnh ngẩng đầu và hỏi một câu duy nhất:
— Ai trong các ông không có tội, hãy là người đầu tiên ném đá chị ấy đi.
Sau câu nói ấy, không ai còn lên tiếng. Đám đông hung hăng lên án không tìm cách ngụy biện, không đánh trống lảng, cũng không dựng chuyện để xoay chuyển tình thế. Họ chọn im lặng, một sự im lặng đầy ý nghĩa. Bởi lẽ, từ ngàn xưa cho đến hôm nay, có ai chưa một lần lầm lỗi?
Giữa chốn đông người, ngay tại sân đền thờ, trung tâm tôn giáo và văn hóa của dân tộc Do Thái, nơi mà danh dự và sĩ diện được coi trọng bậc nhất, những nhà lãnh đạo Do Thái đã can đảm cúi đầu, công khai thừa nhận sự thật: họ không phải là người vô tội. Họ đã chọn cách âm thầm rút lui, người lớn tuổi rời đi trước, rồi đến người trẻ, từng người một.
Các nhà lãnh đạo Do Thái trong Tin Mừng Gioan 8:3–11 là những người có lòng tự trọng. Khi bị Đức Giêsu “chiếu tướng,” họ không cố chấp, cũng không tìm cách lấy lại thể diện bằng mọi giá. Họ không dùng mưu mẹo, cũng chẳng tung “chiêu hạ sách.” Nếu thiếu lòng tự trọng, có lẽ họ đã nhặt đá lên và tiếp tục.
Suy Niệm
Lòng tự trọng của các nhà lãnh đạo Do Thái trong bài Tin Mừng Gioan 8:3–11 là một bài học quý giá cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang thi hành sứ mạng lãnh đạo. Khi bị lật tẩy trước chân lý, họ không biện hộ, không chống trả, mà can đảm chấp nhận sự thật. Đó là dấu chỉ của một lương tâm tỉnh thức và một nhân cách trưởng thành.
Nguyễn Trung Tây
Trong những cuộc tranh luận, ai cũng muốn phần thắng nghiêng về mình. Hai phe đối lập đều muốn mình là người nói lời cuối cùng, lời đúng đắn, lời xác thực đến mức đối phương không còn lý lẽ nào để phản biện. Sự im lặng trong trường hợp này thường được hiểu là chấp nhận thua cuộc.
Khi những nhà lãnh đạo Do Thái dẫn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Đức Giêsu, họ nghĩ rằng Ngài đã rơi vào cái bẫy họ giăng sẵn tại sân đền thờ Jerusalem. Họ tin rằng ván cờ này Đức Giêsu chắc chắn sẽ thua.
Nếu Đức Giêsu nói: “Đừng ném đá,” Ngài sẽ vi phạm bộ luật Môsê. Nhưng nếu nói: “Hãy ném đá,” Ngài sẽ đi ngược lại sứ điệp yêu thương và tha thứ mà Ngài giảng dạy. Hơn thế nữa, Đức Giêsu cũng sẽ vi phạm luật pháp của đế quốc Rôma, nhà nước duy nhất có quyền lên án và thi hành án tử hình.
Thấu hiểu sự giằng co của tình thế ấy, Đức Giêsu không trả lời “có” hay “không.” Ngài không sa vào thế cờ họ bày ra. Thay vào đó, Ngài điềm tĩnh ngẩng đầu và hỏi một câu duy nhất:
— Ai trong các ông không có tội, hãy là người đầu tiên ném đá chị ấy đi.
Sau câu nói ấy, không ai còn lên tiếng. Đám đông hung hăng lên án không tìm cách ngụy biện, không đánh trống lảng, cũng không dựng chuyện để xoay chuyển tình thế. Họ chọn im lặng, một sự im lặng đầy ý nghĩa. Bởi lẽ, từ ngàn xưa cho đến hôm nay, có ai chưa một lần lầm lỗi?
Giữa chốn đông người, ngay tại sân đền thờ, trung tâm tôn giáo và văn hóa của dân tộc Do Thái, nơi mà danh dự và sĩ diện được coi trọng bậc nhất, những nhà lãnh đạo Do Thái đã can đảm cúi đầu, công khai thừa nhận sự thật: họ không phải là người vô tội. Họ đã chọn cách âm thầm rút lui, người lớn tuổi rời đi trước, rồi đến người trẻ, từng người một.
Các nhà lãnh đạo Do Thái trong Tin Mừng Gioan 8:3–11 là những người có lòng tự trọng. Khi bị Đức Giêsu “chiếu tướng,” họ không cố chấp, cũng không tìm cách lấy lại thể diện bằng mọi giá. Họ không dùng mưu mẹo, cũng chẳng tung “chiêu hạ sách.” Nếu thiếu lòng tự trọng, có lẽ họ đã nhặt đá lên và tiếp tục.
Suy Niệm
Lòng tự trọng của các nhà lãnh đạo Do Thái trong bài Tin Mừng Gioan 8:3–11 là một bài học quý giá cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang thi hành sứ mạng lãnh đạo. Khi bị lật tẩy trước chân lý, họ không biện hộ, không chống trả, mà can đảm chấp nhận sự thật. Đó là dấu chỉ của một lương tâm tỉnh thức và một nhân cách trưởng thành.