LUÔN CÓ CƠ HỘI
“Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho Ta!”.
Hoạ sĩ người Mỹ, John Sargent, đã từng vẽ bức “Hoa Hồng”, được giới phê bình hết lời khen ngợi. Đó là một kiệt tác đạt đến mức hoàn hảo. Dẫu hội hoạ sĩ đã đưa ra một mức giá rất cao, nhưng Sargent vẫn từ chối bán nó. Anh coi đây là tác phẩm tốt nhất của anh; và bất cứ khi nào nản lòng hoặc nghi ngờ về khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ nơi mình, anh sẽ nhìn nó và tự nhắc nhở, “Tôi đã vẽ nó!”. Nhờ đó, anh ‘luôn có cơ hội’ đi tiếp, tiến tới sự nghiệp hoạ sĩ lớn lao của mình!
Kính thưa Anh Chị em,
Như bức hoạ của Sargent, Bí tích Rửa Tội là kiệt tác nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa đã ban ân sủng dẫy đầy để chúng ta bắt đầu, rồi lại bắt đầu, hầu có thể tiến tới sự nghiệp của mình; sự nghiệp đó, chính là kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã vạch ra cho mỗi người. Lời Chúa hôm nay cũng nói lên điều đó. Israel đòi một vị vua, Ngài cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là thần dân của vua; với dụ ngôn Tin Mừng, những người vô công rỗi nghề đứng suốt ngày ngoài chợ, chủ vườn cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là được trọng dụng, và thế nào là sự công bằng của chủ.
Bài đọc sách Thủ Lãnh cho thấy lòng dạ Israel, dân Chúa, “Khi ấy, mọi người Sikem và gia tộc Mêllô tụ họp lại, kéo nhau đến gần cây sồi ở Sikem, họ tôn Abimêlech lên làm vua”; Thánh Vịnh đáp ca cho thấy suy nghĩ thiển cận của họ, “Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng!”; nhưng, Thiên Chúa nào có vui mừng đâu! Giotham, người đứng ra, chỉ cho họ sự mù quáng này, ‘Đang khi Chúa ngự giữa các ngươi, các ngươi lại nói, ‘Xin cho chúng tôi một vua cai trị chúng tôi’’. Ấy thế, Thiên Chúa vẫn chiều họ, Ngài cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là làm tôi một vị vua!
Với bài Tin Mừng, chủ vườn là hình ảnh của một Thiên Chúa xót thương, quảng đại và hào hiệp. Ngài đón nhận bất cứ ai sẵn sàng vào làm ‘vườn nho’ nhà Ngài, ở bất cứ thời điểm nào; sáng sớm, đúng ngọ hay chiều tà. Với Ngài, mọi người đều ‘luôn có cơ hội!’. Một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất, là ‘chấp nhận’ rằng, chúng ta đã đánh mất cơ hội để làm điều mình ao ước; một trường đại học, một việc làm… Ấy thế, trong đời sống thiêng liêng, mỗi người ‘luôn có cơ hội’ để sống cho Thiên Chúa, để nên thánh, và được cứu chuộc; chúng ta luôn có khả năng để bắt đầu lại. Tại sao? Bởi lẽ, Thiên Chúa đã ban cho mọi người một quỹ thời gian trên trái đất này đủ để đi về phía Ngài; vì vậy, cả khi chúng ta ngã quỵ, Ngài vẫn tiếp sức, hầu chúng ta có thể đứng lên và tiếp tục đi tới. Đó là lý do tại sao Bí tích Hoà Giải thật quan yếu; vì lẽ, một khi đánh mất ân sủng, mỏi mòn sức thiêng, chúng ta vẫn có thể lấy lại nó trong các Bí tích, đặc biệt là khi chúng ta đi xưng tội.
Với Thiên Chúa, con người không chỉ ‘luôn có cơ hội’ để bắt đầu lại, nhưng còn có thể trải nghiệm những nghịch lý xót thương của Ngài. Tình huống dụ ngôn hôm nay là một bằng chứng; người làm nhiều, kẻ làm ít, đều nhận được một quan tiền. Tất cả chúng ta thường có khuynh hướng quên rằng, với Thiên Chúa, về mặt thiêng liêng, mọi sự đều là quà tặng. Không ai có quyền đòi Ngài công bằng về ân sủng; những gì chúng ta làm cho Thiên Chúa không là những ‘ân huệ’ dành cho Ngài; đó là những nghĩa vụ ‘hiện sinh’; nói cách khác, đó là lý do chúng ta có mặt trên đời. Chúa Giêsu thật tinh tế, “Lúc đã hoàn tất mọi việc, hãy nói, ‘Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi!’”. Từ đó, Ngài cho phép chúng ta mong đợi nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng. Thiên Chúa không bao giờ mắc nợ một ai! Mọi sự Ngài mang đến đều là nhưng không và là hoa trái của một tình yêu vô bờ. Chúng ta thường dễ dàng đối xử với Ngài theo cách loài người, đang khi quên rằng, Ngài là Thiên Chúa; với Ngài, mỗi người ‘luôn có cơ hội’.
Anh Chị em,
Bức “Hoa Hồng” của Sargent là biểu tượng sống động của ấn tín Bí tích Rửa Tội nơi mỗi người; qua đó, ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa được tặng. Vì thế, mỗi khi nản lòng và không muốn đi tiếp, chúng ta hãy nhớ đến kiệt tác ân sủng của mình. Cũng vậy, lời mời gọi, “Hãy đi làm vườn nho cho Ta”, biểu tượng của mọi lời gọi, nhắc chúng ta hãy nhìn những con người đã được Chúa Giêsu trao cơ hội; họ là thu thuế, phong cùi, người nữ ngoại tình, biệt phái hay ngay cả người trộm lành… và họ đã đi tiếp, đi tận tới Nước Trời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết luôn tạ ơn Chúa về hồng ân Bí tích Thánh Tẩy và biết quý trọng Bí tích Giải Tội; đó là linh dược phục hồi ân sủng và phẩm giá ‘con của Trời’ cao quý trong con. Nhờ đó, con có thể đứng lên và đi tới; bởi lẽ, con ‘luôn có cơ hội’, vì đó là điều Chúa muốn”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho Ta!”.
Hoạ sĩ người Mỹ, John Sargent, đã từng vẽ bức “Hoa Hồng”, được giới phê bình hết lời khen ngợi. Đó là một kiệt tác đạt đến mức hoàn hảo. Dẫu hội hoạ sĩ đã đưa ra một mức giá rất cao, nhưng Sargent vẫn từ chối bán nó. Anh coi đây là tác phẩm tốt nhất của anh; và bất cứ khi nào nản lòng hoặc nghi ngờ về khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ nơi mình, anh sẽ nhìn nó và tự nhắc nhở, “Tôi đã vẽ nó!”. Nhờ đó, anh ‘luôn có cơ hội’ đi tiếp, tiến tới sự nghiệp hoạ sĩ lớn lao của mình!
Kính thưa Anh Chị em,
Như bức hoạ của Sargent, Bí tích Rửa Tội là kiệt tác nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa đã ban ân sủng dẫy đầy để chúng ta bắt đầu, rồi lại bắt đầu, hầu có thể tiến tới sự nghiệp của mình; sự nghiệp đó, chính là kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã vạch ra cho mỗi người. Lời Chúa hôm nay cũng nói lên điều đó. Israel đòi một vị vua, Ngài cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là thần dân của vua; với dụ ngôn Tin Mừng, những người vô công rỗi nghề đứng suốt ngày ngoài chợ, chủ vườn cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là được trọng dụng, và thế nào là sự công bằng của chủ.
Bài đọc sách Thủ Lãnh cho thấy lòng dạ Israel, dân Chúa, “Khi ấy, mọi người Sikem và gia tộc Mêllô tụ họp lại, kéo nhau đến gần cây sồi ở Sikem, họ tôn Abimêlech lên làm vua”; Thánh Vịnh đáp ca cho thấy suy nghĩ thiển cận của họ, “Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng!”; nhưng, Thiên Chúa nào có vui mừng đâu! Giotham, người đứng ra, chỉ cho họ sự mù quáng này, ‘Đang khi Chúa ngự giữa các ngươi, các ngươi lại nói, ‘Xin cho chúng tôi một vua cai trị chúng tôi’’. Ấy thế, Thiên Chúa vẫn chiều họ, Ngài cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là làm tôi một vị vua!
Với bài Tin Mừng, chủ vườn là hình ảnh của một Thiên Chúa xót thương, quảng đại và hào hiệp. Ngài đón nhận bất cứ ai sẵn sàng vào làm ‘vườn nho’ nhà Ngài, ở bất cứ thời điểm nào; sáng sớm, đúng ngọ hay chiều tà. Với Ngài, mọi người đều ‘luôn có cơ hội!’. Một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất, là ‘chấp nhận’ rằng, chúng ta đã đánh mất cơ hội để làm điều mình ao ước; một trường đại học, một việc làm… Ấy thế, trong đời sống thiêng liêng, mỗi người ‘luôn có cơ hội’ để sống cho Thiên Chúa, để nên thánh, và được cứu chuộc; chúng ta luôn có khả năng để bắt đầu lại. Tại sao? Bởi lẽ, Thiên Chúa đã ban cho mọi người một quỹ thời gian trên trái đất này đủ để đi về phía Ngài; vì vậy, cả khi chúng ta ngã quỵ, Ngài vẫn tiếp sức, hầu chúng ta có thể đứng lên và tiếp tục đi tới. Đó là lý do tại sao Bí tích Hoà Giải thật quan yếu; vì lẽ, một khi đánh mất ân sủng, mỏi mòn sức thiêng, chúng ta vẫn có thể lấy lại nó trong các Bí tích, đặc biệt là khi chúng ta đi xưng tội.
Với Thiên Chúa, con người không chỉ ‘luôn có cơ hội’ để bắt đầu lại, nhưng còn có thể trải nghiệm những nghịch lý xót thương của Ngài. Tình huống dụ ngôn hôm nay là một bằng chứng; người làm nhiều, kẻ làm ít, đều nhận được một quan tiền. Tất cả chúng ta thường có khuynh hướng quên rằng, với Thiên Chúa, về mặt thiêng liêng, mọi sự đều là quà tặng. Không ai có quyền đòi Ngài công bằng về ân sủng; những gì chúng ta làm cho Thiên Chúa không là những ‘ân huệ’ dành cho Ngài; đó là những nghĩa vụ ‘hiện sinh’; nói cách khác, đó là lý do chúng ta có mặt trên đời. Chúa Giêsu thật tinh tế, “Lúc đã hoàn tất mọi việc, hãy nói, ‘Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi!’”. Từ đó, Ngài cho phép chúng ta mong đợi nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng. Thiên Chúa không bao giờ mắc nợ một ai! Mọi sự Ngài mang đến đều là nhưng không và là hoa trái của một tình yêu vô bờ. Chúng ta thường dễ dàng đối xử với Ngài theo cách loài người, đang khi quên rằng, Ngài là Thiên Chúa; với Ngài, mỗi người ‘luôn có cơ hội’.
Anh Chị em,
Bức “Hoa Hồng” của Sargent là biểu tượng sống động của ấn tín Bí tích Rửa Tội nơi mỗi người; qua đó, ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa được tặng. Vì thế, mỗi khi nản lòng và không muốn đi tiếp, chúng ta hãy nhớ đến kiệt tác ân sủng của mình. Cũng vậy, lời mời gọi, “Hãy đi làm vườn nho cho Ta”, biểu tượng của mọi lời gọi, nhắc chúng ta hãy nhìn những con người đã được Chúa Giêsu trao cơ hội; họ là thu thuế, phong cùi, người nữ ngoại tình, biệt phái hay ngay cả người trộm lành… và họ đã đi tiếp, đi tận tới Nước Trời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết luôn tạ ơn Chúa về hồng ân Bí tích Thánh Tẩy và biết quý trọng Bí tích Giải Tội; đó là linh dược phục hồi ân sủng và phẩm giá ‘con của Trời’ cao quý trong con. Nhờ đó, con có thể đứng lên và đi tới; bởi lẽ, con ‘luôn có cơ hội’, vì đó là điều Chúa muốn”, Amen.
(Tgp. Huế)