63. THIẾU LĂNG KHẢ SÁT

Giữa năm Càn Long, tư nghiệp (1) Lâm Liêm Chi và chánh học (2) Bành Trung Cử đi chơi ở Thiên Trúc, ăn uống và luận thơ văn.

Khi hai người ngà ngà say thì nói đến chỗ kỳ diệu của thơ Đổ Phủ:

- “Đỗ Thiếu Lăng khả sát ( 可煞 )” (3) .

Có người ngồi kế bên nghe được, bèn nói cho mọi người nghe:

- “Có một chuyện đại sự, Lâm tư nghiệp và Bành chánh học đang âm mưu giết người ( 可殺 )” (4).

Có người hỏi:

- “Người bị giết là ai vậy?”

Người ấy đáp:

- “Chính là Đỗ Thiếu Lăng, không biết là người ở đâu?”

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 63:

Ở đời, có những người cẩn thận trong phát ngôn và có những người bộp chộp trong khi nói, người cẩn thận trước khi nói thì uốn lưỡi bảy lần, nhưng người bộp chộp thì nói trước bảy câu rồi uốn lưỡi sau, cho nên cuộc đời mới xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười...

Ki-tô hữu là người cẩn thận, bởi vì họ biết rằng lời nói của họ sẽ là lời phán xét họ trong ngày Chúa đến, bởi vì họ biết rằng lời nói không suy nghĩ sẽ tổn thương rất lớn đến tinh thần và thể xác của tha nhân...

Nghe cho rõ, nhìn cho chính xác với tâm hồn ngay thẳng, thì người Ki-tô hữu đã làm sáng danh Thiên Chúa trong cuộc sống của mình rồi vậy.

(1) Tên một chức quan, giúp cho quốc tử giám, phụ trách giám vụ.

(2) Tên một chức quan, tương đương giáo sư của phủ học.

(3) + (4) 可煞 và 可殺 đều phiên âm là “ke sha” nghĩa Hán Việt là “khả sát”, nhưng 可煞 có nghĩa là: khiến người ta vừa ý, và 可殺 nghĩa là: có thể giết. Đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info