SỨC MẠNH VÀ YẾU ĐUỐI, BẤT LỰC VÀ QUYỀN NĂNG
“Ngài ban cho các ông sức mạnh và quyền năng”; và Ngài nói, “Các con đừng mang gì cả!”.

Một buổi chiều năm 1865, nội các của A. Lincoln bước vào phòng họp, người ta thấy ông mặt vùi vào tay. “Thưa các ngài, chẳng bao lâu nữa, sẽ có tin quan trọng!”, ông nói. Mọi người xôn xao. “Đêm qua, tôi mơ thấy mình đơn độc trên một chiếc thuyền, không mái chèo, không bánh lái. Tôi bất lực trong một đại dương vô tận!”. Im lặng vần vũ! Lincoln nói tiếp, “Nhiều lần trong chiến tranh, tôi đã có giấc mơ đó; mỗi lần, một trận chiến lớn lại đến trong một hai ngày. Vâng, có lẽ ngày mai, có lẽ chỉ vài giờ nữa, quý vị sẽ có tin quan trọng!”. Năm giờ sau, ông bị ám sát! Ấy thế, Lincoln là một trong ba tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, ông trở nên ‘một huyền thoại’, vốn luôn cảm thấy mình bất lực, yếu hèn; thế nhưng, ông thật mạnh mẽ, can trường, trong niềm tin vào Thiên Chúa!

Kính thưa Anh Chị em,

Như những người dân Hoa Kỳ đã nhìn thấy sức mạnh và yếu đuối nơi vị tổng thống thứ 16 của họ, chúng ta cũng sẽ bất ngờ khám phá một nét tương phản nổi bật, nếu không nói là mâu thuẫn trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi trong ‘sức mạnh và yếu đuối, bất lực và quyền năng’; sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, yếu đuối và bất lực của con người.

Sai nhóm Mười Hai lên đường, Chúa Giêsu cho các môn đệ được thông chia những gì Ngài có, “Ngài ban cho các ông sức mạnh và quyền năng”. Thế nhưng, cùng lúc, Ngài buộc họ ra đi trong yếu đuối và khó nghèo; Ngài thu nhỏ vali của họ, gần như không có gì, “Các con đừng mang gì cả!”. Phải chăng, Ngài muốn nói, hành trang của họ chính là Ngài và chỉ một mình Ngài! Ngài yêu cầu họ hạn chế tối đa để họ nhận biết rằng, sức mạnh sinh hoa kết trái của họ nằm ở tình yêu và lòng tín thác họ dành cho Ngài, hơn là ở tài sản vật chất hay kỹ năng, tài nghệ, riêng của họ.

Qua đó, chúng ta có thể kết luận, chính Chúa Giêsu đang hướng dẫn đường đi nước bước của người môn đệ ‘từ một khoảng cách kín đáo’; Ngài muốn quyền năng của Ngài được bộc lộ chính trong sự yếu hèn và dễ bị tổn thương của người được sai đi. Vì lẽ, Thiên Chúa thường hoạt động mạnh mẽ qua ‘kinh nghiệm bất lực và yếu đuối’ của con người. Chính trong tình trạng dễ bị tổn thương này, Ngài muốn chúng ta chỉ cậy dựa vào một mình Ngài; nói cách khác, ‘Thiên Chúa là lá chắn’ của người môn đệ, thay cho sự dựa dẫm vào chính mình hay những gì thế giới ban tặng.

Esdra trong bài đọc hôm nay, một con người lấy Thiên Chúa làm lá chắn, “Tôi quỳ gối xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa của tôi”. Nhìn nhận sự yếu hèn bất lực, ông van xin, “Tội chúng con đã quá nhiều!”. Ông nhận ra quyền năng và sức mạnh của Chúa khi Ngài đổi lòng vua Ba Tư để vua xót thương dân, hầu dân có thể xây đền thờ Chúa và được định cư. Nhờ đó, họ có thể hát mừng Ngài qua tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng muôn đời hằng sống!”. Esdra trải nghiệm thế nào là ‘sức mạnh và yếu đuối, bất lực và quyền năng’ qua các biến cố.

Anh Chị em,

Chính Chúa Giêsu đã sống sự tương phản và mâu thuẫn này. Nơi Bêlem, Ngài sinh ra trong lạnh lẽo tối tăm; trên đồi Sọ, Ngài chết trong tủi nhục u sầu! Vậy mà chính trong sự yếu đuối và bất lực tột cùng đó, sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện. Như các môn đệ, Chúa Giêsu sai chúng ta đi, chia sẻ cho chúng ta sức mạnh từ trời để làm chứng cho Ngài; bao lâu chúng ta không còn bám víu vào bất cứ điều gì khác ngoài Ngài, chúng ta sẽ đủ sức để chiến thắng. Trong những ngày hôm nay, ai trong chúng ta cũng cảm thấy yếu đuối và bất lực trước dịch bệnh. Như đã yêu cầu các môn đệ bỏ lại những gì mà hầu hết mọi người cậy dựa, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta bỏ lại một điều gì đó trong những ngày hạn chế ‘mới mẻ’ này. Chúng ta phải xa Thánh Thể, xa cộng đoàn; nhưng trong thời điểm mất mát này, quyền năng Thiên Chúa vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta và giữa chúng ta. Thời gian này sẽ nên hữu ích khi nó khiến chúng ta như Esdra, biết quỳ gối trước Thiên Chúa, trở lại với Ngài, Đấng ở với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta tin rằng, Ngài cũng đang nâng đỡ chúng ta ‘từ một khoảng cách kín đáo’; Ngài là chuyên gia, lấy ra điều tốt nhất từ những gì xem ra rủi ro nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sức mạnh và quyền năng Chúa trong yếu đuối và bất lực của con; con biết, Chúa đang đỡ nâng con ‘từ một khoảng cách kín đáo’ nào đó, ngay hôm nay!”, Amen.

(Tgp. Huế)