Mở rộng và đơn giản hóa
Các Danh Dự
Trong hai thập niên cuối cùng của đời ngài, Balthasar đã trở thành điều mà ngài vốn đã được công chúng coi là như vậy. Sau cái chết của Adrienne, gần đến tuổi nghỉ hưu, ngài vẫn không một lúc nào nuôi ý nghĩ otium cum dignitate [một sự nhàn hạ có phẩm cách]. Việc kinh doanh xuất bản ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu hơn đối với ngài, và tập cuối cùng của bộ Herrlichkeit [Vinh quang] đang nằm trên bàn của ngài, chưa hoàn thành. Được dịch sang tiếng Pháp, Ý, Anh và Tây Ban Nha, tác phẩm này đã xác định hình ảnh thần học mà người ta có về Balthasar. Nhưng nó cũng có một đặc điểm khác. Kể từ khi được thành lập vào năm 1969 cho đến cuối đời ngài, Balthasar là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế của Đức Giáo Hoàng — mặc dù ngài đã yêu cầu được giải nhiệm. Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ hai vào năm 1971, về chức linh mục thừa tác, ngài đã làm việc với tư cách là một trong các thư ký thần học và soạn thảo tài liệu về nền linh đạo linh mục. Giờ đây, ngài bắt đầu tích lũy hết danh dự này đến danh dự khác. Cùng một năm, ngài nhận lãnh Giải thưởng Romano Guardini của Hàn lâm viện Công Giáo Bavaria. Hai năm sau, ngài được bổ nhiệm làm Viện sĩ thông tấn [corresponding Fellow] của Viện Hàn lâm Anh, và vào ngày sinh nhật lần thứ 70 của ngài, Viện Hàn lâm Pháp đã phong ngài làm viện sĩ cộng tác người nước ngoài [associé étranger]. Ngài đã nhận được giải thưởng dịch thuật của Quỹ Hautviller ở Paris, và Giải thưởng Gottfried Keller của Quỹ Martin Bodmer ở Zurich. Vào mùa thu năm 1977, hội nghị chuyên đề Balthasar đầu tiên diễn ra tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, và từ đó ngài liên tục được mời đến Hoa Kỳ, vào năm 1980 để nhận bằng tiến sĩ danh dự từ cùng một trường đại học. Năm 1984, ngài được nhận vinh dự cao quý nhất của ngài, Giải thưởng Quốc tế Paul VI, từ tay Đức Giáo Hoàng Gioan Paholô II, và một năm sau, để vinh danh sinh nhật lần thứ tám mươi của ngài, một hội nghị chuyên đề đã được tổ chức tại Rôma về "Adrienne von Speyr và Sứ mệnh Giáo hội của Bà". Cử hành sinh nhật ngài vào ban đêm tại Castel Sant'Angelo đã bị phủ bóng bởi cái chết thương tâm của đứa cháu út.
Năm 1987, tại Innsbruck, ngài nhận được vinh dự cuối cùng của mình: Giải thưởng Wolfgang Amadeus Mozart, kết thúc một đời người mà niềm đam mê thầm kín là âm nhạc. Trong bài phát biểu cảm ơn của mình, ngài đã hồi tưởng lại:
“Tuổi trẻ của tôi được định nghĩa bởi âm nhạc. Cô giáo dạy piano của tôi là một mệnh phụ lớn tuổi từng là học trò của Clara Schumann. Bà đã dẫn nhập tôi vào Chủ nghĩa lãng mạn. Là một sinh viên ở Vienna, tôi thích thú với tác phẩm cuối cùng của các nhà Lãng mạn — Wagner, Strauss, và đặc biệt là Mahler. Tất cả chấm dứt khi tôi có Mozart trong tai. Cho đến ngày nay ông ấy vẫn chưa bao giờ rời bỏ đôi tai ấy. Trong cuộc sống sau này, Bach và Schubert vẫn quý giá đối với tôi, nhưng Mozart mới là Sao Bắc Cực bất động, mà quanh đó, hai ngôi kia xoay quanh (Đại hùng và Tiểu hùng)" (47).
Nhưng niềm đam mê công khai của ngài là một điều hoàn toàn khác. Nó chói sáng qua sự tiến bộ đĩnh đạc và cân đối của bộ ba tác phẩm- không thể và không được phép có một nền thần học thiếu đam mê. Và nó đột phá, không bị kiềm chế, trong các tác phẩm nhỏ hơn vào những năm cuối cùng của Balthasar. Liên tục được tái bản và dịch ra bảy thứ tiếng, những cuốn sách nhỏ bé này đã mang thần học của Balthasar ra thế giới — thậm chí còn hơn cả bộ ba cuốn, mà trước chúng nhiều người phải tìm lại một cách tôn kính và kinh ngạc. Cuốn đầu tiên trong số những cuốn sách nhỏ được phát hành lúc Adrienne vẫn còn sống. Nó bắt đầu vào năm 1963 với Glaubhaft ist nur Liebe (Chỉ Có Tình Yêu Đáng Tin Cậy), một trước tác ngắn làm bùng lên ý niệm căn bản của bộ ba cuốn, một bản đối tác tích cực của Schleifung der Bastionen (San Bằng Các Pháo Đài). Sau Công đồng, cùng một niềm đam mê bùng phát nhưng ít thanh thản hơn. Trong hai mươi năm, Balthasar đã cam kết với ý niệm này là phải tìm trung tâm Giáo Hội ở nơi mà hầu hết mọi người nhìn thấy ngoại vi của Giáo Hội: trong hành động cam kết của Giáo Hội nhân danh thế giới. Giờ đây, Balthasar thấy sự cởi mở đối với thế giới đang bị hiểu lầm theo nghĩa thích nghi với thế giới, bắt kịp thời đại. Trung tâm, trái tim thực sự của Kitô giáo, đã bị lãng quên, đang bị mất đi hoàn toàn.
Người ta nói, muốn tỏ ra đáng tin, Giáo hội phải hòa hợp với thời đại. Nếu xem xét một cách nghiêm túc, thì điều này có lẽ có nghĩa Chúa Kitô đã hòa hợp với thời đại khi Người thi hành sứ mệnh của Người và chết trên Thập giá, một gương mù đối với người Do Thái và sự điên rồ đối với dân ngoại. Tất nhiên, gương mù này diễn ra phù hợp với thời đại — vào thời điểm thuận lợi của Chúa Cha, trong thời viên mãn, đúng lúc dân Israel trưởng thành, như trái cây sắp bung ra, và dân ngoại sẵn sàng đón nhận đất mở toang. Hiện đại là điều Chúa Giêsu Kitô chưa bao giờ là, và, nếu Thiên Chúa muốn, sẽ không bao giờ là (48).
Vị cựu tuyên úy sinh viên đã dành tặng cuốn sách nhỏ Wer ist ein Christ? (Ai Là Kitô Hữu?), mà từ đó đoạn văn sau đây được trích dẫn, cho các bạn hữu của ngài từ thời có cuốn Akademische Verbindung Renaissance (Phục Hưng Kết Nối Học Thuật). Giọng văn vẫn đầy thiện cảm và hòa giải:
“Việc quét dọn nhà đầu năm hiếm khi thành công trừ khi người dọn dẹp hoặc bà nội trợ có một niềm vui thích bận bịu nào đó với nó. Vì vậy, chúng ta có thể dung thứ cho việc xúc cảm dâng cao ảnh hưởng đến các Kitô hữu ngày nay (49). Nhưng các yêu cầu thì không khoan nhượng:
Thất bại, thất vọng, lui bước, hành tỏi, khinh thường, và cuối cùng, như tinh hoa của cuộc sống, phá sản lớn. Đó là bánh hằng ngày của Chúa Kitô và sẽ luôn là số phận của Giáo hội trong thế giới này. Bất cứ người nào muốn trở thành chi thể của Giáo hội đều phải chuẩn bị cho những điều như vậy, vì sẽ không có quá trình tiến hóa nào loại bỏ được chúng”.
Vì vậy, tất cả sự dấn thân của Kitô hữu vào thế giới đều dẫn đến việc cầu nguyện. Điều này đúng đối với giáo dân cũng như đối với các viện thế tục.
Những sức mạnh chủ yếu nhất của [Giáo hội] — cầu nguyện, đau khổ, trung thành vâng lời, sự sẵn sàng (có lẽ chưa được khai thác), sự khiêm tốn — vốn không được thống kê phân tích. Vì vậy, cách tiếp cận chính xác là cách tiếp cận của các viện thế tục (Instituta saecularia), những viện bác bỏ hoạt động tông đồ trực tiếp (có thể đo lường được về mặt thống kê) để chuyên về việc đơn giản hiện diện trong thế giới phi Kitô giáo (hiện diện trong đời). Các cộng đồng khác, những cộng đồng chủ trương dùng mọi phương tiện sẵn có để đạt được các vị trí quyền lực thế tục và văn hóa để, (họ tuyên bố như thế), giúp Giáo hội, chỉ đơn thuần làm tổn thương Giáo Hội; không phải một cách vô cớ họ đã làm cho chính họ và Giáo hội trở nên đáng ghét trong mắt người khác (50).
Mấy mệnh đề cuối cùng trên đây nói lên đủ âm điệu căn bản của Balthasar trong các trước tác luận chiến của ngài. Chúng ít được hiểu biết. Những ai suy nghĩ hời hợt theo các phạm trù phải và trái, bảo thủ và cấp tiến, đã nhìn thấy nơi chúng một sự xoay chiều hoàn toàn, một phán đoán có lúc bị ngài bác bỏ có lúc được ngài chấp nhận một cách nồng nhiệt. Những ai bị ngài tấn công coi nó chỉ là chuyện cay đắng và thiếu hiểu biết nơi một người cô đơn và lạc hậu. Nhưng sự cay đắng không bao giờ rõ nét trong các bản văn, đôi khi chỉ là một sự hài hước hơi ác một chút gần như châm biếm. Sự kiện những cuốn sách gây tranh cãi này được viết bởi một cây bút sắc bén như vậy và với một niềm sảng khoái được viết như vậy có lẽ khiến chúng bị tổn thương nhiều hơn mức cần thiết. Tuy nhiên, Balthasar giới hạn việc luận chiến sắc bén nhất của mình trong các bài báo và bài phê bình sách mà ngài không bao giờ để chúng được in lại: "không nên biến các cuộc luận chiến thành vĩnh cửu". Đằng sau tất cả là kiến thức nền tảng đủ loại, cũng như có lẽ là cái nhìn quá tiêu cực, bị tổn thương trước tình huống của Giáo hội, giống như tình huống của bạn ngài là de Lubac, thêm vào đó, còn là việc không đủ thông tin về những phát triển tích cực. Tuy nhiên, người đọc nào không có thành kiến đối với các bài viết có tính luận chiến sẽ tìm thấy sự cân bằng trong chúng hơn là những gì hiển hiện đối với những người nhìn mọi việc qua sàng lọc của các phương tiện truyền thông.
"Tiếng kèn" của cuốn Bastionen (San bằng các Pháo đài) được theo sau bởi "nhịp trống" của cuốn Cordula. Đối với mọi thử nghiệm trí thức trong thần học, nó tương phản bằng 'thử nghiệm quyết định' của tình yêu đi xa đến mức tử vì đạo. Chủ trương Hoặc là – Hoặc là (Either-Or) của Kierkegaard trở nên nổi tiếng nhờ cuốn “Nhật ký của Một Tên Rù quyến” (Diary of a Seducer) thế nào, thì cuốn Cordula cũng trở nên nổi tiếng nhờ cuộc đối thoại giữa một Kitô hữu và một chính ủy có thiện chí như vậy, một châm biếm hậu công đồng, hơi nhức nhối. Toàn bộ sự việc được nhìn như một cuộc bút chiến nhắm vào Karl Rahner. Thực thế, người ta có thể lập luận rằng ''Các Kitô hữu nặc danh " của Rahner (không do chính ngài sáng chế ra) chỉ đơn thuần là một cái mắc áo trên đó Balthasar máng vào một lời phê bình tổng quát hơn, mà, ít nhất là vào thời điểm đó, vốn là một thái độ phổ biến. Ở đây chúng ta nên nói một vài điều về mối liên hệ của Balthasar với Karl Rahner. Họ chưa bao giờ cùng học với nhau, mặc dù vào mùa hè năm 1939, họ đã cộng tác trong đề cương của một cuốn tín lý học, cuốn mà Rahner đã xuất bản trong tập đầu tiên của bộ Những điều tra thần học (Theological Investigations) của ngài. Sau đó, họ có nhiều tranh cãi về văn học. Mỗi người đều trách móc người kia là không có óc hài hước, nhưng lòng tôn trọng lẫn nhau vẫn tuyệt vời. Vào thời điểm sinh nhật thứ sáu mươi của họ, họ bày tỏ sự ngưỡng mộ và tôn trọng lẫn nhau theo cách vượt xa sự lịch sự bình thường. Nhiều năm trước, khi tập đầu tiên của bộ Điều tra ra mắt, Balthasar đã phát biểu ý kiến sau:
“Chắc chắn đây là cuốn sách duy nhất ngày nay có thể biện minh cho bất cứ loại hy vọng nào trong lĩnh vực này. Hiếm khi khát vọng thần học leo được cao hay dốc đứng như vậy. Ngài càng gần tới chỗ tìm ra chính mình, chúng ta lại càng cần phải coi trọng ngài một cách nghiêm túc và lắng nghe những gì ngài nói một cách tôn kính hơn. Tôi rất mong đợi các tập tiếp theo. Tôi chỉ hy vọng rằng những kẻ săn da đầu [scalphunters] ở Rôma không kết liễu ngài trước”.
Năm 1969, ba năm sau cuốn Cordula, ngài lại viết: "Cái chết của Rouquette đã làm tôi buồn. Tôi hy vọng Rahner sẽ qua khỏi. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?" Vài tháng sau, họ bắt đầu cộng tác với nhau tuy đôi khi tranh cãi nhau trong Ủy ban Thần học Quốc tế. Dù rất tôn trọng lẫn nhau, chưa bao giờ họ hiểu nhau ở mức độ thực sự sâu sắc. Khởi điểm của Rahner là Kant và phái Kinh viện, trong khi khởi điểm của Balthasar là Goethe và các Giáo phụ. Họ mãi là một tượng đài đương thời cho tính đa dạng của thần học.
Sau cuốn Cordula 5 năm là cuốn Klarstellungen [Các Minh Xác] (1971) với một phụ đề hùng hồn, ''Sự biện phân các Thần trí " (On the Discernment of Spirits). Nó được Herder xuất bản dưới dạng bìa mềm để tới tay lượng độc giả lớn hơn. Cuốn Der antirömische Affekt [Ảnh hưởng Phản Rôma] được xuất bản vào năm 1974, một lần nữa dưới dạng bìa mềm của Herder. Đây là "đứa con hai tháng: Bao gồm cả việc đọc, nó được viết từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 25 tháng 12. Bạn có thể nói điều đó". Ấy thế nhưng cuốn sách này chứa đựng giáo hội học tóm lược của Balthasar. Như đã rõ từ phụ đề oái oăm của nó (“Làm thế nào ngôi vị Giáo hoàng được tích nhập vào Giáo hội nói chung?”), không nên đọc cuốn này một cách đơn giản. Trong Neue Klarstellungen [Các Minh xác Mới](1979) và Kleine Fibel für verunsicherte Laien [Sách Vỡ lòng Nhỏ dành cho Giáo dân Bất an] (1980), Balthasar có giọng điệu nhẹ nhàng hơn. Đây là những cuốn sách giúp đỡ và khuyến khích hơn là luận chiến.
Song song với những cuốn sách thần học gây tranh cãi này, Balthasar đã xuất bản một bộ sách khác nhằm dẫn dắt người đọc đến trung tâm của Kitô giáo. Trong những cuốn sách gây tranh cãi, ngài đã mạnh mẽ chống lại những người chuyên đơn giản hóa một cách đáng sợ. Trong loạt bài khác này, ngài muốn hướng dẫn mọi người đến tính đơn giản của đức tin - trong và bất chấp mọi phức tạp không thể tránh của thần học. Ở đây, khởi điểm cũng là một cuộc tranh cãi, và một lần nữa chủ yếu với Rahner. Trước hết, nó xẩy ra một cách ôn hòa, tại các cuộc họp của Ủy ban Thần học Quốc tế. Vấn đề là tính đa nguyên. Liệu người ta có phải tìm một loại đồng thuận nào đó từ tính đa dạng của các nền thần học, một tính đa dạng vốn đã hiển nhiên trong Tân Ước? Hay tính hợp nhất đã được ban cho, ngay từ đầu, trong Chúa Kitô, một sự hợp nhất có thể được triển khai thành tính đa dạng? Einfaltungen. Auf Wegen Aspekte christlicher Einigung [Các khía cạnh của việc hợp nhất Kitô giáo] (1969) và Die Wahrheit ist symphonisch. Aspekte des christlichen Pluralismus [Sự thật có tính giao hưởng. Các khía cạnh của Chủ nghĩa Đa nguyên Kitô giáo] (1972) trình bầy các thí dụ về việc từ trung tâm Kitô giáo "một bức tranh toàn cảnh tuyệt vời của tự do mở ra! ‘mọi điều đều của bạn'... Sự đa dạng của mọi hình thức trên thế giới và trong lịch sử, bao gồm sự chết và tương lai, có thể tiếp cận được với suy nghĩ và hành động của Kitô hữu, nếu họ thực sự phó mình cho Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô” (51). Cuốn sách tiếp theo, Katholisch. Aspekte des Mysteriums [Công Giáo. Các khía cạnh của Mầu nhiệm] (1975), một cách nào đó thay thế cho cuốn còn thiếu nói về đại kết của bộ Aesthetic [Thẩm mỹ] theo nghĩa nó cho thấy học thuyết có tính Công Giáo một cách khác biệt thuộc về trung tâm của Kitô giáo ra sao. Cuối cùng, với cuốn Christen Sind einfältig [Kitô hữu có đầu óc đơn sơ] (1983), mọi điều đều dẫn đến một đức tin đơn giản không loại trừ tính viên mãn.
Cuối cùng, là cuộc tranh cãi chót, với phe tả, nhưng chủ yếu với phe hữu. Nó là một cuộc tranh cãi chót về những điều thực sự là cuối cùng: hy vọng vượt qua sự phán xét và khả năng bị trầm luân. Ở đây tư tưởng của Balthasar đi một vòng hoàn chỉnh. Dürfen wir hoffen? [Chúng ta có hy vọng như vậy không](1986) và Kleine Diskurs über die Hölle [Tiểu luận về Hỏa ngục](1987) không chỉ quay lại thuyết phục nguyên vạn vật [apocatastasis] của Origen và học thuyết chọn lựa phổ quát của Barth và cung cấp cho chúng một cách giải thích có thể bênh vực được theo quan điểm Công Giáo, chúng cũng nhắc lại mối quan tâm của bộ Apokalypse [Chung Cuộc] trong việc kết hợp mọi điều khả thể vào ơn cứu chuộc trong Chúa Kitô. Ở tuổi trung niên, nhìn trở lại cuốn sách đầu tiên của ngài, Balthasar viết: " Vào ngày cuối cùng, các thiên thần sẽ gặp loại công việc đòi phải khéo léo nào? Các vị sẽ phải lượm chân lý của Thiên Chúa ở những nơi xa xôi hẻo lánh và dùng phẫu thuật cắt bỏ nó khỏi những trái tim nơi mà trước đó nó từng sống với bóng tối!" (52).
Như thế, bây giờ mọi thứ đã vuông tròn. Công trình đời ngài đã kết thúc. Mọi điều, hay hầu như mọi điều, ngài muốn viết và xuất bản đều đã được xuất bản. Ngài đã có thể tự tin nhìn về phía cái chết: thực thế, sau cái chết của em gái ngài, ngài rất vui vì ngài cũng sẽ “sớm được về nhà”.
Kỳ tới: Những năm cuối