95. HIỂU NHẦM HỌC CHỮ MÔNG CỔ

Có một người không biết chữ nhưng thích nói chuyện thời sự, nói với người khác:

- “Gần đây tôi cảm thấy mình không biết chữ thật là đáng tiếc, cần phải đi học gấp, không biết có sách gì thật hay không?”

Có người nói với anh ta:

- “Học biết chữ, đương nhiên là phải đến trường để học vỡ lòng trước”.

Người ấy thở dài nói:

- “Coi như đó là học phái cũ, tôi chưa nghe nói có người học tập văn tự của Mông Cổ (1) . Tôi là tân học phái, tại sao anh muốn tôi hạ mình xuống để học tập văn tự của người Mông Cổ (2) chứ?”

(Tân tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 95:

Không có gì khổ cho bằng không biết chữ, dù cho có vàng bạc cao như núi, thì người không biết chữ vẫn cứ thấy khổ tâm vô cùng, và con người ta thường kính trọng những người có chữ hơn những người có tiền bạc.

Có một vài người Ki-tô hữu chữ Tây chữ Tàu đều biết đọc biết viết và biết nói, nhưng lòng họ không đọc được chữ “yêu thương” nơi tha nhân, không đọc được chữ “phục vụ” trong công việc, không đọc được chữ “nhẫn nại” trong cuộc sống, không đọc được chữ “tha thứ” trong hiểu lầm...

Đừng khoe khoang mình là tân học phái (tu đức, lễ nghi...) khi mình chưa chịu hòa đồng thông cảm với tha nhân, bởi vì cái mới chính là mỗi ngày mỗi thăng tiến cái thói quen cũ của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm, bằng không thì người ta sẽ hiểu lầm tân học phái của mình là lạc đạo...

Anh mù chữ muốn đi học chữ nhưng lại muốn mình là người tân học phái khi nghe chữ này thì hiểu qua chữ kia, bởi vì anh ta muốn cho mọi người biết mình là người giỏi chữ trong khi một chữ cắn đôi cũng không biết.

Ôi, tai hại thay sự kiêu ngạo !

(1) 啟蒙 nghĩa là vỡ lòng, tiếng Hán Việt là "khởi mông". Hiểu lầm là bắt đầu học chữ Mông Cổ.

(2) 蒙古 nghĩa là Mông Cổ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info