THIÊN CHÚA - ƯU TIÊN TRÊN MỌI ƯU TIÊN
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C
Trong Thánh Kinh, từ Cựu ước đến Tân ước, không thiếu những lời dạy về nhiệm vụ phải thờ cha kính mẹ. Chẳng hạn:
- "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu ngươi được sống lâu trên đất, mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi ban cho" (Xh 20, 12).
- "Hãy hiếu kính cha mẹ; Ai nguyền rủa cha mẹ, phải bị xử tử" (Mt 15, 4).
- "Hỡi những người làm con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong Chúa, vì đây là điều phải lẽ. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi; ấy là điều răn thứ nhất, có kèm theo lời hứa" (Êph 6,1-2).
- "Hỡi những người làm con, hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì điều nầy đẹp lòng Chúa". (Cl 3, 20).
Đặc biệt, trong Thập điều, thì điều thứ IV, thảo kính cha mẹ, chỉ đứng sau ba điều dành cho Thiên Chúa và đứng đầu bảy điều còn lại dành cho con người.
Thế mà hôm nay Chúa Giêsu lại dạy: "Ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta được". Vậy Chúa có đi ngược với chính mạc khải của mình không?
I. GƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU.
Chúa không dạy chúng ta bằng lời suông. Trước tất cả mọi lời dạy, Chúa đã thực hiện hành vi từ bỏ. Chúa từ bỏ trời cao để nên một với loài người, trở thành "Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Chúa chính là "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Mt 1, 23). Với sự từ bỏ hoàn toàn như thế, Chúa thật sự là người như chính chúng ta là người, trừ ra tội lỗi.
Chọn lựa "trở nên người phàm" của Chúa Giêsu là chọn lựa mãi mãi không thay đổi. Ðó cũng là chọn lựa tuân hành thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã sống một cuộc đời cho điều đã chọn lựa, và dấn thân trọn vẹn cho chọn lựa ấy: Chúa Kitô đã "nên giống anh em mình về mọi phương diện" (Dt 2, 17).
Hay "Ðức Giêsu Kitô vốn vĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Phil 2,6-8).
Không chỉ làm người, sự từ bỏ vừa hoàn toàn, vừa dứt khoát, vừa mạnh mẽ ấy còn được thể hiện rõ nét qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của nhân loại, tự nguyện chết thay cho nhân loại. Chúa còn ban thần lương là chính Thịt Máu Chúa làm của ăn cho linh hồn ta.
Tắt một lời, vì loài người, Chúa đi đến cùng của sự từ bỏ và chấp nhận thánh ý Chúa Cha, chấp nhận thiệt thòi cho bản thân để loài người đạt tới sự sống mà Chúa Cha thương ban.
II. KHÔNG CÓ ĐỐI TƯỢNG NÀO BẰNG CHÚA.
Từ ngàn xưa, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã đòi hỏi: "Phải thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự" (Mười Điều răn). Trong nhóm từ "Trên Hết mọi sự", đủ cho thấy Thiên Chúa đứng trên đỉnh của tất cả. Ngoài Chúa, không có bất cứ ai, bất cứ điều gì đứng chung hàng ngũ với Ngài.
Gia đình, tình yêu ruột thịt vốn là những thực tại quý, bất khả so sánh đối với mọi thứ tình cảm trong trần thế, nhưng vẫn đứng sau Thiên Chúa. Chỉ một mình Chúa là Đấng Tuyệt Đối. Chỉ một mình Chúa là đối tượng duy nhất ta phải chọn lựa. Chỉ một mình Chúa là đối tượng duy nhất để ta hy sinh mọi thứ trong đời. Chỉ một mình Chúa là động cơ duy nhất để ta dâng hiến chính mình.
Hiểu vị trí của Chúa, nhiều anh chị em can đảm dấn thân sống đời tận hiến; nhiều vị tử đạo dám chia lìa gia đình đổ máu làm chứng cho Chúa; nhiều bậc giàu sang, quý phái đánh đổi để chọn Chúa làm lẽ sống; nhiều anh chị em thành công tột bậc tự tước bỏ mọi thứ để nép mình vào lòng Chúa thương xót...
Chúa phải đứng hàng đầu, phải ở vị trí trung tâm của toàn bộ cuộc sống, sự suy nghĩ, mọi tương quan, mọi hành động của con người.
Chúa là nền tảng của toàn nhân loại. Chỉ có Chúa là sự thúc bách dành cho ta trong mọi quyết định, mọi hướng đi của đời mình. Chỉ một mình Chúa là lý do khiến ta hoạch định đích đến cho lẽ sống của mình.
III. CẦN HIỂU Ý NGHĨA CỦA "TỪ BỎ".
Khi dạy từ bỏ "cha mẹ, vợ con anh em, chị em, và cả mạng sống", Chúa không cho phép thù ghét, truất phế hay loại trừ những tình cảm căn bản ấy. Đúng hơn, khi mời gọi "hãy từ bỏ", Chúa sử dụng kiểu nói mạnh để làm nổi bật vị trí của Chúa trong mọi tương quan của nhân loại, giúp ta hiểu rằng, Chúa là nguồn cội, là đỉnh điểm của mọi tình cảm, mọi tương quan trong cuộc đời.
Chẳng những không được phép xem thường những tương quan thiêng liêng (gia đình, mạng sống), ngược lại, ta phải nuôi dưỡng và đến với tất cả những tình cảm trên xuyên qua tình yêu tuyệt đối mà mình dành cho Thiên Chúa.
Có những trường hợp cụ thể người ta đành bỏ người thân, bản thân vì Nước Chúa. Chính Chúa Giêsu đã bỏ tình cảm dành cho Đức Mẹ, cho chính gia đình của Ngài để chấp nhận chết cho sự cứu rỗi của loài người.
Từ bỏ không phải là không quí những điều phải bỏ lại, nhưng là đặt chúng phía sau hay bên dưới điều mà mình chọn. Ta không loại trừ điều mà mình buộc phải từ bỏ - cho một lý tưởng khác quan trọng hơn - như cắt bỏ khối u. Nhưng vì điều buộc phải bỏ lại không quí bằng lý tưởng mà mình đã chọn để theo.
Người theo Chúa là người ưu tiên chọn Chúa trên hết, xem Chúa là quan trọng hơn cả. Dù mạng sống và người thân đều rất quý, nhưng một khi theo Chúa, họ nhìn thấy trong tình yêu dành cho Chúa có cả tình yêu lớn lao mà họ dành cho người thân, cho gia đình của họ.