YÊU THƯƠNG KHÔNG OÁN GIẬN
LỄ TRO 2023
Chúa nhật thứ VII thường niên năm A vừa mới qua, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm Chúa Giêsu truyền dạy: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình… Các con hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ…” (Lc 6, 27- 38).
Nếu mùa Chay là mùa của bác ái, tha thứ, khoan dung, chia sẻ… thì nội dung Tin Mừng trong Chúa nhật thứ VII vừa qua, là sự chuẩn bị vô cùng thuận lợi, giúp ta lấy đó mà suy xét bản thân, lấy đó làm hành trang bước vào mùa Chay.
Nhờ sự chuẩn bị đó, lòng mình thật sự có chất liệu cần thiết ngày đầu tiên của mùa chay, bằng việc xức tro lên đầu, ta không xức cho có, không xức tro hình thức, mọi người đi, tôi cũng đi. Nhưng là đường đường chính chính khai mạc mùa Chay bằng tâm hồn đã chuẩn bị từ trước, chuẩn bị thật sự, giờ đây được thể hiện qua việc tôi chịu xức tro với một quả tim đã thấm đẫm tình yêu, chan chứa lòng khoan dung, nhân hậu và thứ tha...
Cùng với việc khai mạc mùa Chay bằng nghi thức xức tro, và một tâm hồn đã được chuẩn bị như thế, tôi sẽ bước vào mùa Chay và sống mùa Chay với tất cả nỗi lòng của một người biết thống hối. Có ý thức, có dọn lòng ngay từ buổi đầu như thế, mới mong ta sống trọn vẹn ý nghĩa của mùa Chay.
Riêng tôi, được gợi hứng từ Tin Mừng của Chúa nhật thứ VII thường niên, sẽ quyết tâm sống lòng bác ái trong mùa Chay, thể hiện qua một nghĩa cử cụ thể đó để cho thấy lòng bác ái với cho anh chị em của mình.
Bởi tự bản thân, tôi thấy mình còn yếu kém về tình yêu thương tha nhân lắm. Đã nhiều lần cố gắng, nhưng rất nhiều lần thất bại. Được gợi hứng từ Tin Mừng, tôi đúc kết thành một lời ngắn gọn khác, làm quyết tâm cụ thể giúp bản thân sống mùa Chay này. Quyết tâm này chẳng phải điều gì xa xôi. Nó được rút ra từ ý nghĩa của Lời Chúa trong thư thứ I thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô, chương 13: “LÒNG MẾN KHÔNG OÁN GIẬN”.
Hôm nay tôi muốn chia sẻ quyết tâm này đi liền với tấm gương cao cả và thánh thiện mà vị Cha già kính yêu của Giáo Hội đã từng sống: Đó là gương của thánh Gioan Phaolô II, con người của sự hiếu hòa, con người của lòng mến và không oán giận.
Nói đến lòng mến, thường chúng ta áp dụng cho cả hai chiều kích:
1. Thiên Chúa và con người.
Thiên Chúa yêu con người, tha thứ cho con người. Con người sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa: con người yêu mến Thiên Chúa.
2. Con người với nhau.
Lòng mến là đón nhận nhau, tha thứ cho nhau, bác ái yêu thương nhau, hiền hòa, chịu đựng lẫn nhau…
Nhưng ở đây tôi muốn giới hạn thêm: “Lòng mến không oán giận” có nghĩa là trong bài này, tôi muốn nói riêng về sự tha thứ dành cho anh chị em.
Tôi học được bài học tha thứ và xin tha thứ của thánh Gioan Phaolô II. Trong cuộc đời làm giáo hoàng của mình, thánh nhân nhiều lần lên tiếng xin lỗi.
Đặc biệt, dịp cử hành năm Thánh 2.000, chính ngài đại diện cả Giáo Hội, xin lỗi thế giới, xin lỗi các giáo hội ly khai và nhiều tôn giáo khác. Đặc biệt, ngài xin Thiên Chúa tha lỗi cho Giáo Hội. Sau đó, Đức Gioan Phaolô lại còn làm sổ kê khai nhiều lỗi lầm của Giáo Hội trong suốt thiên niên kỷ thứ II.
Thực ra, trước thánh Gioan Phaolô, thánh Phaolô VI có một lần xin lỗi thế giới tại Công Đồng Vatican II. Nhưng sau đó, lời xin lỗi của Đức Phaolô VI chìm vào quá khứ. Vì thế, hành động của Đức Gioan Phaolô II, được coi là hành động can đảm, mang tầm cở lịch sử.
Đức Gioan Phaolô II được coi là vị Giáo hoàng đầu tiên trong 264 vị Giáo hoàng của Giáo Hội từ xưa tới nay, chính thức xin thế giới, xin các tôn giáo, và xin mọi người đồng thời với việc xin Thiên Chúa tha thứ cho Giáo Hội.
Là một người hiếu hòa, ưa thích hòa giải, Đức Thánh Cha chắc chắn rất đau lòng khi nhìn thấy nhân loại thiếu khoang dung, chỉ nuôi lòng thù hận.
Không đau lòng sao được, khi vị lãnh đạo của một tôn giáo lớn, nhìn thấy quê hương của Chúa Giêsu, người Palestine và người Israel cứ mải miết trong bạo lực, hận thù. Ngày nay, chắc chắn vị thánh của sự hiếu hòa đang cầu nguyện cho chiến tranh tại Ukraine, cũng như nhiều bức tường ngăn cách khác rải rác trên khắp thế giới... Bởi chúng là bằng chứng cho thấy lòng khoan dung nơi con người đã thất bại nặng nề.
Mặt khác, nguy cơ giết người trên thế giới nói chung, và tại nhiều điểm nóng của thế giới lớn đến mức làm cho người ta phải sống trong hồi hộp từng ngày.
Bởi thế lòng yêu thương con người là cần thiết, là điều kiện trên mọi điều kiện để nhân loại có hòa bình. Vì lòng yêu thương, trước hết, sẽ làm cho lòng người không chấp nhất, không oán hận.
Nhớ lại sự kiện hồi tháng 5.1980, sau khi bị ám sát trọng thương, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phải nằm viện một thời gian lâu. Nhưng ngay sau khi lành bệnh, ngài đã đến nhà tù thăm kẻ sát hại mình. Chính trong nhà giam ấy, vị Giáo hoàng như người cha âu yếm đứa con của mình. Ngài thân thiện đến gần anh, trao cho anh tình thương và sự tha thứ. Ít lâu sau, anh đã được tha bỏng.
Vị Cha chung của Giáo Hội đã đi đầu trong vấn đề yêu thương và không oán hận, lẽ nào chúng ta không lấy đó làm gương cho mình mà sống với anh chị em xung quanh. Nhất là viễn cảnh của mùa Chay, mùa phụng vụ thích hợp nhất để sống tình yêu, lòng bác ái, lời xin lỗi và hối hận vì đã lầm lỗi.
Tôi nghĩ, việc giữ chay kiêng thịt, hy sinh hãm mình của chúng ta chỉ có kết quả thật sự khi bản thân biết xóa bỏ hận thù, oán ghét.
Ăn chay mà lòng đầy căm giận thì thật là khó hiểu.
Nhưng tha thứ không phải dễ.
Ta phải chấp nhận nhiều sự từ bỏ, chấp nhận hạ mình mới mong lòng tha thứ thành công.
Lòng tha thứ chính là sự hy sinh hãm mình lớn nhất để ta sống trọn vẹn ý nghĩa của mùa Chay.
Bên cạnh nỗ lực cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng lãnh bí tích hơn, nhất là bí tích giao hòa, ăn chay, hy sinh, hãm dẹp thói hư tật xấu, xa tránh tội lỗi, xa tránh dịp tội… lòng tha thứ không oán giận đối với anh chị em sẽ là điểm sáng đáng để chúng ta nhân lên và cố gắng ngày một hơn.
Tuy đây chỉ là quyết tâm riêng, nhưng cũng có thể coi là lời đề nghị cụ thể chúng ta sống tinh thần mùa Chay.
Hành vi rắc tro lên đầu là nhắc nhỡ ta tự ý thức mình hèn mọn, bé nhỏ, yếu đuối. Từ đó ta ý thức hơn về bản thân, đừng cố chấp lỗi lầm của anh chị em.
Ta rắc tro lên đầu để bày tỏ lòng thống hối, vì thế đừng mang lòng thù hận mà xin rắc tro.
Hãy yêu thương và hãy tha thứ.
Vì yêu thương thì không oán giận.