Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 31 tháng 5 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của Đấng Đáng kính Matteo Ricci. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Chúng ta đang tiếp tục những bài giáo lý nói về lòng nhiệt thành tông đồ, nghĩa là, điều mà người Kitô hữu cảm thấy để thi hành việc loan báo Chúa Giêsu Kitô. Và hôm nay tôi muốn trình bày một mẫu gương tuyệt vời khác về lòng nhiệt thành tông đồ: chúng ta đã nói về Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Phaolô, lòng nhiệt thành tông đồ của những người nhiệt thành vĩ đại; hôm nay chúng ta sẽ nói về một người – người Ý, nhưng đã đến Trung Quốc: Matteo Ricci.
Xuất thân từ Macerata, thuộc vùng Marches, sau khi học tại các trường Dòng Tên và gia nhập Dòng Tên ở Rôma, ngài đã bị thu hút bởi những báo cáo của những nhà truyền giáo mà ngài đã lắng nghe và ngài trở nên nhiệt tình, giống như rất nhiều người trẻ khác cũng cảm thấy như vậy, và ngài xin được cử đi truyền giáo ở Viễn Đông. Sau nỗ lực của Thánh Phanxicô Xaviê, 25 tu sĩ Dòng Tên khác đã cố gắng vào Trung Quốc mà không thành công. Nhưng Ricci và một trong những người bạn của ngài đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nghiên cứu kỹ về ngôn ngữ và phong tục của Trung Quốc, và cuối cùng, họ đã định cư được ở miền nam đất nước. Phải mất mười tám năm, với bốn giai đoạn qua bốn thành phố khác nhau, để đến Bắc Kinh, vốn là trung tâm. Với sự kiên trì và nhẫn nại, được truyền cảm hứng từ niềm tin không thể lay chuyển, Matteo Ricci đã có thể vượt qua khó khăn và nguy hiểm, ngờ vực và chống đối. Anh chị em hãy nghĩ xem, trong thời gian đó, đi bộ hay cưỡi ngựa, những khoảng cách như vậy… và ngài cứ thế tiếp tục. Nhưng đâu là bí quyết của Matteo Ricci? Lòng nhiệt thành của ngài đã thúc đẩy ngài bằng con đường nào?
Ngài luôn đi theo con đường đối thoại và tình bạn với tất cả những người mà ngài gặp gỡ, và điều này đã mở ra cho ngài nhiều cánh cửa để loan báo đức tin Kitô giáo. Tác phẩm đầu tiên của ngài bằng tiếng Trung hoa thực sự là một chuyên luận Về Tình Bạn, đã gây được tiếng vang lớn. Để hòa nhập vào cuộc sống và văn hóa Trung Quốc, đầu tiên ngài ăn mặc như các nhà sư Phật giáo, theo phong tục của đất nước, nhưng sau đó ngài hiểu rằng cách tốt nhất là đảm nhận lối sống và y phục của giới sĩ phu. Giới sĩ phu ăn mặc như giáo sư đại học, và ngài ăn mặc như vậy. Ngài đã nghiên cứu sâu sắc các bản văn cổ điển của họ, để có thể trình bày Kitô giáo trong cuộc đối thoại tích cực với óc khôn ngoan Nho giáo của họ và phong tục của xã hội Trung Quốc. Và điều này được gọi là thái độ hội nhập văn hóa. Nhà truyền giáo này đã có thể “hội nhập văn hóa” đức tin Kitô giáo, như các giáo phụ xưa đã làm khi đối thoại với văn hóa Hy Lạp, [trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội].
Kiến thức khoa học tuyệt vời của ngài đã thu hút sự quan tâm và ngưỡng mộ của những người có văn hóa, bắt đầu từ bản đồ nổi tiếng của ngài về toàn thế giới như nó được biết đến vào thời điểm đó, với các lục địa khác nhau, lần đầu tiên tiết lộ cho người Trung Quốc thấy một thực tại ở bên ngoài Trung Quốc, rộng lớn hơn nhiều so với những gì họ nghĩ. Ngài cho họ thấy rằng thế giới thậm chí còn rộng lớn hơn cả Trung Quốc, và họ hiểu, vì họ thông minh. Nhưng kiến thức toán học và thiên văn học của Ricci và những người theo truyền giáo của ngài cũng góp phần tạo nên cuộc gặp gỡ hữu hiệu giữa văn hóa và khoa học của phương Tây và phương Đông, vốn đã trải qua một trong những thời kỳ hạnh phúc nhất, được đặc trưng bởi đối thoại và tình bạn. Thật vậy, công việc của Matteo Ricci sẽ không bao giờ có thể thực hiện được nếu không có sự cộng tác của những người bạn Trung Quốc tuyệt vời của ngài, chẳng hạn như “Bác sĩ Paul” (Xu Guangqi) nổi tiếng và “Bác sĩ Leon” (Li Zhizao).
Tuy nhiên, danh tiếng của Ricci như một nhà khoa học không nên che khuất động cơ sâu xa nhất trong mọi nỗ lực của ngài: tức là công bố Tin Mừng. Bằng đối thoại khoa học, với các nhà khoa học, ngài đi trước nhưng ngài làm chứng cho đức tin của mình, cho Tin Mừng. Tính khả tín có được nhờ đối thoại khoa học đã cho ngài quyền đề xuất chân lý đức tin và luân lý Kitô giáo, được ngài nói tới một cách rất sâu sắc trong các tác phẩm chính bằng tiếng Trung hoa của ngài, chẳng hạn như Ý nghĩa thực sự của Chúa Trời – như tên gọi của cuốn sách. Bên cạnh giáo lý, ngài còn làm chứng bằng đời tu, nhân đức và cầu nguyện: các thừa sai này cầu nguyện. Họ đi rao giảng, họ hoạt động tích cực, họ thực hiện các động thái chính trị, tất cả những điều đó; nhưng họ đã cầu nguyện. Đó là những gì đã nuôi dưỡng đời sống thừa sai, một đời sống bác ái; họ giúp đỡ người khác một cách khiêm tốn, hoàn toàn không quan tâm đến danh dự và giàu sang, điều này đã khiến nhiều môn đệ và bạn bè của ngài tiếp nhận đức tin Công Giáo. Bởi vì họ nhìn thấy một con người quá thông minh, quá khôn ngoan, quá sắc sảo – theo nghĩa tốt của từ này – trong việc hoàn thành công việc, và rất sùng đạo, nên họ nói, “Nhưng những gì ông ấy rao giảng đều đúng, bởi vì đó là một phần của một nhân cách biết làm chứng, ông ấy làm chứng cho những gì ông ấy rao giảng bằng chính cuộc sống của mình”. Đây là sự nhất quán của những người loan báo Tin Mừng. Và điều này áp dụng cho tất cả chúng ta, những Kitô hữu truyền giảng Tin Mừng. Chúng ta có thể đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính, chúng ta có thể nói tất cả những gì chúng ta tin, nhưng nếu cuộc sống của chúng ta không nhất quán với điều này, thì cũng chẳng ích gì. Điều thu hút người ta là chứng tá của sự nhất quán: Kitô hữu chúng ta phải sống như chúng ta nói, và không giả vờ sống như Kitô hữu nhưng thực ra sống theo cách thế tục. Anh chị em hãy cẩn thận về điều này, hãy nhìn vào nhà truyền giáo vĩ đại này – và ngài là người Ý đấy nhé, phải không – nhìn vào những nhà truyền giáo vĩ đại này, hãy thấy rằng sức mạnh lớn nhất là sự nhất quán: họ đã nhất quán.
Trong những ngày cuối đời, với những người thân thiết nhất và hỏi xem ngài cảm thấy thế nào, “ngài trả lời rằng lúc đó ngài đang nghĩ đến việc điều nào lớn hơn: niềm vui và hân hoan ngài cảm thấy trong lòng khi nghĩ rằng mình đã gần đến ngày ra đi và được hưởng nhan Thiên Chúa, hay nỗi buồn khi phải rời xa những người bạn đồng hành của ngài trong toàn bộ sứ mệnh mà ngài vô cùng yêu thích, và sự phục vụ mà ngài vẫn có thể làm cho Thiên Chúa, Chúa chúng ta trong sứ mệnh này,” (S. De Ursis, Báo cáo về M. Ricci, Văn khố Lịch sử Dòng Tên Rôma.) Đây cũng là thái độ của Thánh Tông đồ Phaolô (x. Pl 1:22-24), người muốn đến với Chúa, tìm gặp Chúa, nhưng ở lại “để phục vụ anh em”.
Matteo Ricci qua đời ở Bắc Kinh năm 1610, ở tuổi 57, một người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sứ mệnh. Tinh thần truyền giáo của Matteo Ricci tạo thành một mô hình sống động có liên quan. Tình yêu của ngài đối với người Trung Quốc là một mô hình; nhưng con đường thực sự hợp thời là sự nhất quán của đời sống, của việc làm chứng cho niềm tin Kitô giáo của mình. Ngài đã đưa Kitô giáo đến Trung Quốc; ngài vĩ đại, vâng, bởi vì ngài là một nhà khoa học vĩ đại, ngài vĩ đại vì ngài can đảm, ngài vĩ đại vì ngài đã viết nhiều sách – nhưng trên hết, ngài vĩ đại vì ngài kiên định với ơn gọi của mình, kiên định với mong muốn theo Chúa Giêsu Kitô của mình. Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta, mỗi người chúng ta, hãy tự hỏi nội tâm mình: “Tôi có nhất quán không, hay tôi hơi ‘đại khái’?”. Cảm ơn anh chị em.