CHÚA NHẬT XXI MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20
ĐƯỢC CỨU ĐỘ BỞI ĐỨC KITÔ VÀ TRONG GIÁO HỘI

Trong cuốn sách nổi tiếng “Muối Cho Đời,” Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có một xác tín rất vững chắc là: “Chúng ta được cứu độ bởi Đức Kitô và trong Giáo Hội.”

Đây là một xác tín giúp chúng ta trở về với những gì căn bản của đức tin Kitô giáo. Và một cách nào đó phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói tới hai điều này.

1. Người ta bảo Thầy là ai?

Trước hết, người Kitô hữu tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Tin Mừng kể lại:
“Đức Giêsu hỏi các môn đệ rằng: Người ta bảo Con Người là ai? Các ông thưa: Người thì nói là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, có người lại cho là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ” (Mt 16,13-14).

Câu trả lời này cho thấy dư luận biết về Đức Giêsu một cách mơ hồ và lẫn lộn Người với các tiên tri trong Cựu Ước.

Nếu ngày hôm nay, Chúa hỏi chúng ta rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Chúng ta có thể trả lời: “Người thì nói là Ngài Đấng sáng lập tôn giáo như Phật Thích Ca, như Mahommed, kẻ thì nói Ngài là một nhà cách mạng tôn giáo, một bậc thánh hiền; kẻ khác lại nói Ngài là vị thầy tâm linh.” Hay theo nhà văn Mỹ Dan Brown thì Đức Giêsu chỉ là một con người bình thường và đã có vợ có gia đình với bà Maria Mađalêna. Đây là những cái nhìn không đầy đủ nếu không muốn nói là méo mó về Đức Giêsu. Nói cho cùng người ta nghĩ Người chỉ là một con người thôi.

2. Anh em bảo Thầy là ai?

Chúa Giêsu không dừng lại ở đó, Người muốn đi xa hơn nên hỏi:
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).

Nhân danh tất cả các Tông Đồ, Phêrô trả lời:
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Đây là một tuyên tín rất quan trọng về Đức Kitô và kể từ năm 325 (Công Đồng Nicée) trở thành định tín của Giáo Hội: Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người (vrai Dieu et vrai homme).

Đức Giêsu là một con người bình thường như mọi người, chỉ trừ tội lỗi. Người cũng biết khóc biết cười, Người cũng có nhu cầu ăn uống và nghỉ ngơi… Nhưng Người là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,” nghĩa là Người là chính Thiên Chúa, là Chúa Con, đã nhập thể làm người, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của nhân loại. Chỉ nhờ Người mà chúng ta được cứu độ. Chỉ qua Người chúng ta tới Thiên Chúa.

Người Kitô hữu trước hết là người tin vào Đức Kitô đúng như Người là, đúng như mạc khải bày tỏ. Và như thánh Gioan nói:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Ai tin sẽ được cứu độ. Đức tin vào Đức Kitô đó không phải là một sự hiểu biết lý thuyết suông, nhưng là một sự hiểu biết hướng tới đời sống, nghĩa là đức tin đó là sự gặp gỡ, sự gắn bó mật thiết với Đức Kitô mỗi ngày trong đời này. Đức tin đó là một cách sống mới, cách thế hiện hữu mới trong Đức Kitô. Và nói như thánh Phaolô:
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Người Kitô hữu là người lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm của đời mình. Đó là một đức tin trưởng thành và mang tính cá vị. Đó là một đức tin mà Chúa chờ đợi mỗi người Kitô hữu.

3. Chúng ta được cứu độ trong Giáo Hội

Không ai nên thánh một mình, cũng không ai được cứu độ một mình. Chúng ta được cứu độ bởi Đức Kitô và trong Giáo Hội. Giáo Hội vừa là bí tích vừa là phương tiện chuyển thông ơn cứu độ của Đức Kitô cho chúng ta. Giáo Hội hiện hữu là do ý muốn của Thiên Chúa, được chuẩn bị trong Cựu Ước, được thiết lập bởi Đức Kitô, được làm cho sống động bởi Chúa Thánh Thần. Giáo Hội hiện hữu là vì ơn cứu độ con người, vì sự truyền giáo cho thế giới.

Sau lời tuyên tín của Phêrô, Chúa Giêsu đặt ngài làm thủ lãnh các Tông Đồ, người đứng đầu của Giáo Hội:
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Rồi Chúa Giêsu nói đến sứ mạng của của Phêrô:
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19).

Trao chìa khóa cho Phêrô là trao quyền tháo gỡ và cầm buộc của Thiên Chúa cho Giáo Hội như là người gìn giữ và chuyển ban ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Quyền bính trong Giáo Hội được thiết lập để phục vụ và cứu độ các linh hồn. Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu của Giáo Hội, người kế tục các Tông Đồ, đại diện cho Thiên Chúa trên trần gian.

Thật là hạnh phúc và tuyệt vời khi chúng ta được gia nhập vào một đại gia đình Giáo Hội sống động và rộng lớn này. Dù trong lòng Giáo Hội có những yếu tố yếu đuối và vấp ngã, nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại và sống mãnh liệt. Trong Giáo Hội chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa là Cha, Giáo Hội là Mẹ hiền, Đức Kitô là người anh cả và mọi người là anh em với nhau.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tin nhận Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng con, ngoài Chúa ra không có ai khác. Xin cho chúng con cũng biết yêu mến Giáo Hội do Chúa thiết lập, biết thực thi Lời Chúa qua giáo huấn và huấn quyền Giáo Hội, nhất là biết xây dựng Giáo Hội bằng sự cộng tác của chúng con. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/