TÌNH YÊU NÀO DÀNH CHO NGƯỜI TÌNH GIÊSU?

Có người đặt câu hỏi: tại sao nhiều tu sĩ gọi Chúa Giêsu là người tình, là hôn phu của các nữ tu, thậm chí là hôn thê của các nam tu sĩ? Tại sao người tu sĩ diễn tả đi tu là được “kết hôn” với Chúa Giêsu? Nghe lạ quá. Có ý tưởng phê bình, rằng tại sao các tu sĩ đã đi tu rồi còn có những ý tưởng rất đời thường như vậy?

Xét lại đời tu của mình, tôi tự hỏi, có bao giờ mình có ý tưởng như vậy không nhỉ? Thật sự, chưa bao giờ tôi có suy nghĩ đi tu là một hình thức “kết hôn” với Chúa, cũng chưa bao giờ có những suy nghĩ đối tượng để tôi hiến dâng đời mình được hiểu như một người tình. Tuy nhiên, nhớ lại, cách đây 21 năm, khi tôi khấn dòng, một người dì tặng cho tôi chiếc nhẫn bằng vàng, với lời nhắn nhủ: Con hãy đeo chiếc nhẫn này vào ngón tay, để nhắc nhở chính mình, rằng từ đây con đã thuộc trọn vẹn về Chúa. Hãy sống trung thành và giữ trọn những điều con đã khấn hứa với Chúa trước mặt bề trên con. Tôi chỉ biết cảm ơn về những lời nhắn nhủ rất chân thành của dì và nỗ lực sống trọn lời khấn mình đã khấn hứa, còn chiếc nhẫn vàng, tôi đã đem cho mẹ tôi nhờ mẹ cất hộ, vì tôi không có thói quen đeo nhẫn.

Nhiều lần tham dự lễ khấn của quý sơ, tôi được chứng kiến trong nghi thức khấn dòng, vị chủ tế hoặc các đấng bề trên thường trao cho các khấn sinh chiếc nhẫn, biểu trưng cho sự giao ước giữa các nữ tu và chính Chúa Giêsu. Trong nghi thức này, chủ tế cũng nhắc bảo các khấn sinh, chiếc nhẫn mà các chị mang trên tay là dấu chỉ nhắc nhở các nữ tu đã thuộc trọn về Chúa Kitô và Hội Dòng. Trong chiều kích thiêng liêng đây hoàn toàn là một “cuộc hôn nhân” được thiết lập giữa các tu sĩ và vị tân lang Giêsu. Và để hiểu được ý nghĩa thẳm sâu của giao ước này chúng ta cũng nên đi tìm hiểu những căn nguyên của cuộc “hôn nhân” giữa người tình Giêsu và các tu sĩ.

GIÁO HỘI, TÂN NƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU

Trong truyền thống Kinh Thánh, các tác giả thường diễn tả tương quan giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội như là môt cuộc hôn nhân, trong đó Giáo Hội được miêu tả như là tân nương hay là hiền thê của vị tân lang trung thành là Đức Kitô. (Kh 19, 8). Khi Giáo hội được ví như một hiền thê của Chúa Kitô thì được hiểu với ý nghĩa chung, chỉ có một tân lang và một hiền thê chứ không theo nghĩa riêng biệt. Không một bản văn nào trong Kinh Thánh diễn tả chúng ta là một hiền thê theo ý nghĩa cá thể của Chúa Kitô. Chúa Kitô là tân lang của Giáo hội, của hết cả mọi thành phần trong Giáo hội, chứ không phải của riêng một ai. Vậy từ bao giờ nhiều người lại cho rằng Giêsu là “người tình” của mình?

NGƯỜI TÌNH GIÊSU

Khái niệm về người tình Giêsu có thể xuất phát từ các nhà tu đức và thần học thần bí về tân nương (bridal mysticism) của thời Trung Cổ. Vào thời điểm đó, có một sự thay đổi lớn về lối lý giải Kinh Thánh, từ ý tưởng cho rằng Giáo Hội là tân nương của Chúa Kitô thành ý tưởng rằng mỗi chúng ta là hiền thê của Ngài. Những nhà tu đức và thần học nổi tiếng trong đó có thánh Catharine thành Siena, Têrêxa thành Avila, Gioan Thánh Giá, đã ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tu đức của Giáo Hội. Điểm đặc biệt của các vị thánh này là có đời sống cầu nguyện liên lỷ và kết hiệp mật thiết với Chúa. Các ngài cũng để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, trở thành những hướng dẫn quan trọng cho các giáo hữu nhất là các tu sĩ về đời sống thiêng liêng và cầu nguyện.

Cụ thể, thánh Têrêxa thành Avila đã từng viết: “Lạy Chúa của con, lạy Đức Lang Quân của con.” Một lời nguyện nói lên sự khiêm tốn nhưng đầy thân mật của chị thánh với Thiên Chúa mà chị hằng tin tưởng và phó thác. Giáo Hội, chính vì thế đã ca ngợi thánh nữ là người đã để Thiên Chúa yêu, trong cuộc đời của mình, chị đã dành một tình yêu say đắm, chị đã đi vào một cuộc hôn nhân huyền nhiệm với Đấng Tình Quân Chí Thánh.

“KẾT HÔN” VỚI GIÊSU

Tiếp đó, trong Giáo Hội, nhiều nữ tu cho rằng việc mình đi tu là “kết hôn” với Chúa Giê-su được phát xuất từ đây. Với tinh thần này, nhiều Hội Dòng, nhất là các Dòng nữ, trong ngày lễ khấn trọn, các sơ khấn sinh không chỉ được nhận chiếc “nhận cưới” mà còn được đội lên đầu một vòng hoa trông giống như một cô dâu đã trang điểm rực rỡ trong ngày cưới. Để tìm tài liệu cho bài viết này, khi tôi tìm đọc các trang Công Giáo khác nhau trên mạng, tôi đã dễ dàng tìm thấy nhiều bài viết, trong đó các nữ tu ngày nay tin rằng họ đã kết hôn với Chúa Giêsu với một tình yêu và lòng trung thành tuyệt đối. Thật dễ thương, có nữ tu đã diễn tả rằng, Giêsu là một người tình “ga lăng” nhất trên đời để rồi sơ muốn dành trọn tình yêu của mình cho Chúa, chỉ một mình Chúa thôi.

TÌNH YÊU NÀO DÀNH CHO NGƯỜI TÌNH GIÊSU?

Có thể điều chúng ta vừa đề cập nghe rất kỳ lạ đối với nhiều người, tuy nhiên chúng ta nên bàn luận thêm về ý nghĩa của tình yêu mà các tu sĩ dành cho Chúa Giêsu. Tôi xin mượn cách lý giải về ý nghĩa tình yêu theo tư tưởng của người Hy Lạp. Người Hy Lạp cổ hiểu TÌNH YÊU với bốn cấp độ khác nhau, đó là storge (tình cảm tự nhiên), philia (tình bạn và mong muốn thuần khiết), eros (tình yêu có sự ham muốn, tình dục) và agape (tình yêu thánh thiện, tự quên mình).
o Storge: Được hiểu như là cảm xúc và tình thương giữa cha mẹ, con cái, anh em trong gia đình và họ hàng thân thuộc.
o Philia: Là một tình yêu có tính đạo đức, được Socrates diễn tả như là “yêu” bao gồm sự trung thành với bạn bè, gia đình và xã hội. Tình yêu này đòi hỏi phải có đức hạnh, sự bình đẳng và tính tự nguyện.
o Eros: Đây là tình yêu có tính chất nồng nàn và lãng mạn, đôi lúc với sự ham muốn nhục dục. Đối với triết gia Plato, tình yêu này giúp linh hồn thấy được cái đẹp của siêu nhiên, của siêu việt.
o Agape: Đây là một thứ tình yêu mang tính thánh thiêng và thuần khiết nhất, sâu sắc nhất, là một tình yêu vượt trội và vô điều kiện. Nó sâu sắc hơn tất cả những tình yêu khác vì nó có tính cách chữa lành, viên mãn và hoàn thiện dành cho người mình yêu.

Như vậy, việc các tu sĩ cho rằng mình được “kết hôn” với người tình Giêsu được hiểu như là tình yêu Agape, một tình yêu có tính siêu việt và linh thiêng không hề mang tính tư lợi hay vì dục vọng, cũng không phải một thứ tình thương giữa người thân hay bạn bè. Họ yêu Chúa bằng một thứ tình yêu cao siêu, khiến họ tự nguyện đi đến tận cùng trái đất, bằng tất cả những gì họ có, để phục vụ người nghèo và đồng hành với những người chịu đau khổ.

Kinh thánh sử dụng thuật ngữ này để mô tả tình yêu thương mãnh liệt của Thiên Chúa với loài người, một tình yêu vượt qua mọi sự hiểu biết và vượt qua mọi không gian và thời gian: “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13, 8); “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 36, 1). Kinh Thánh dùng ý tưởng của tình yêu Agape để diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại, khiến các tu sĩ phải bỏ hết tất cả để có được tình yêu đó. Như lời miêu tả của Thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Phi 3, 8-9).

Thật vậy, đây là một tình yêu đang nối kết người tu sĩ với Chúa, tình yêu này dẫn tới sự viên mãn và trọn vẹn như một khúc tình ca mà chúng ta thường hát: “Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ. Con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con. Mũi tên nào say đắm bắn trúng con tim hồng. Để từ nay con sống là sống cho, cho tình yêu. Và dầu cho con chết là chết cho, cho tình yêu” (Linh mục nhạc sĩ Ân Đức).
Ước chi mỗi người chúng ta, nhất là các tu sĩ, luôn biết kết hợp với Chúa trong mọi giây phút của đời thánh hiến, để họ luôn trở thành “tân nương” đích thực của Chúa Giêsu. Xin Chúa luôn đốt nóng ngọn lửa yêu thương, để trái tim của những người đã được thánh hiến luôn thuộc về Chúa, nhờ đó họ sẵn sàng dấn thân, can đảm ra đi loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân với một tình yêu rất thiêng liêng, thuần khiết và vô điều kiện mà Đấng Tình Quân đã dành cho họ.

Washington DC, ngày 14/7/2021, nhân kỷ niệm 21 năm ngày khấn dòng.