ÂN SỦNG VÀ BÌNH AN
“Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an!”.

Hải ly, một loài động vật có vú, sống lưỡng cư, nghĩa là nửa nước nửa cạn. Nó có tài đắp đập, tạo nên những con đê kiên cố, khống chế mực nước chúng cần. Nguyên liệu là cành cây và sỏi đá; những chỗ có kẽ hở, hải ly dùng đuôi đập nát đất rồi trát kín. Những con đê này thường rất kiên cố, 5-6 người có thể đi qua mà không sập; đôi khi, những đập chắn của hải ly dài hơn cả 100 mét.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không nói đến những con hải ly đóng mở các đập nước do chúng đắp nên, nhưng nói đến việc mỗi người chúng ta cũng có thể ‘mở và đóng cửa thiên đàng’. Việc chúng ta có sẵn sàng ‘mở cửa’ thiên đàng hay đang tâm ‘đóng’ nó lại, một phần, sẽ quyết định dòng chảy ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa trào xuống trên chúng ta và trên người khác!

Trong suốt tuần này và qua cả tuần sau, chúng ta sẽ đọc thư gửi tín hữu Thessalonica, đây là một trong những tài liệu cổ nhất mà Giáo Hội sở hữu. Khởi đầu thư, thánh Phaolô viết, “Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an!”; tiếp đến, ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cách đặc biệt, “về lòng tin, công việc của lòng bác ái, và sự vững lòng trông cậy” của giáo đoàn này, “Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em”. Với Phaolô, tín hữu của giáo đoàn này là những người đã “được Thiên Chúa tuyển chọn”, “đầy niềm tin”, “với quyền năng, với Thánh Thần, và với lòng xác tín”. Phaolô tạ ơn Thiên Chúa, vì lẽ, cộng đoàn này gồm những người đã ‘mở cửa’ thiên đàng cho ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa dẫy đầy, không chỉ trên họ, nhưng trên cả những giáo đoàn non trẻ khác, vì “Chúa mến chuộng dân Ngài!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Tương phản với các tín hữu Thessalonica tốt lành là những con người không mấy tốt lành mà Chúa Giêsu khiển trách trong Tin Mừng hôm nay. Ngài gọi họ là những kẻ ‘đóng cửa’ thiên đàng, khiến cho ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa tắc nghẽn đối với họ và cũng không đến được với người khác. Thiên Chúa là Cha rất nhân hậu, luôn muốn con cái mình được đầy tràn ‘ân sủng và bình an’; vì thế, khi nhìn thấy các vị lãnh đạo tôn giáo ngăn chận suối nguồn ân phúc này, Chúa Giêsu buộc lòng phải lên tiếng với những lời lẽ không thể nặng hơn, “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi đóng cửa Nước Trời, không cho người ta vào; vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào!”. Cũng trong chương này, Matthêu ghi lại liên tiếp bảy lần những lời cứng hơn thép Ngài dành cho hạng ăn trên ngồi trốc này, “Khốn cho các ngươi!”, “Khốn cho các ngươi!”. Ngài gọi họ là “những kẻ dẫn đường đui mù”, “những kẻ đạo đức giả”, “những ngôi mộ quét vôi trắng”, “những con rắn độc”, “cha những kẻ bạo tàn” và “những kẻ giết người”. Rõ ràng, Ngài đã hết lời với họ, Ngài không còn gì để nói!

Tại sao Chúa Giêsu lại đay nghiến họ đến thế? Ngài nặng lời; bởi lẽ, họ đang làm một trong những điều xấu xa nghiêm trọng nhất mà một người có thể làm. Họ đang nhân danh Thiên Chúa mà kéo lôi người khác đi vào con đường lầm lạc. Không gì có thể tồi tệ hơn! Thật không may, họ đã không nhận ra điều Chúa Giêsu dạy! Đang khi những lời quở trách của Chúa Giêsu không hàm ý một sự tức giận hay một ác ý vô cớ nào; đúng hơn, những lời này được nói ra với lòng thương xót và sự chờ đợi của một Thiên Chúa nhẫn nại và từ bi. Ngài hy vọng rằng, sự thật trần trụi này sẽ chìm sâu vào trong, khiến họ suy nghĩ và rồi, sẽ ăn năn; nhờ đó, ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa mới có thể đổ xuống trên họ và qua họ, đến với những ai họ dẫn dắt.

Anh Chị em,

Hơn lúc nào hết, trong những ngày hôm nay, chớ gì mỗi người chúng ta sẽ là khí cụ đem ‘ân sủng và bình an’ của Chúa đến cho anh chị em mình. Ai trong chúng ta cũng muốn trở thành những người ‘mở cửa’ thiên đàng; nói cách gần gũi hơn, mở ra niềm vui, trao tặng hạnh phúc, cống hiến yêu thương cho anh chị em mình. Không đâu và không ai mà chúng ta có thể kín múc ‘ân sủng và bình an’ thật sự ngoài Thánh Thể, Lời Chúa và các Bí tích. Những người khác có quyền chờ đợi vào những gương lành, gương sáng của chúng ta; họ có quyền hy vọng vào những sự thật không chỉ qua những gì chúng ta nói, nhưng còn qua chứng tá sống động của chúng ta mỗi ngày. Chớ gì, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta xét mình, thống hối; hầu biến đổi và đứng lên, để trở nên một người tạo cảm hứng cho tha nhân, băng bó họ, nhất là những anh chị em dễ bị tổn thương nhất.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin, Chúa đang dành cho con những lời khiển trách thánh thiện này; xin cho con biết ăn năn tội mình; nhờ đó, con tràn đầy ‘ân sủng và bình an’ của Chúa, và như thế, dòng chảy này cũng đến được với anh em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)