CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B
QUYỀN LỰC VÀ PHỤC VỤ
Một trong những thèm thuồng mà khi có thể, con người ra sức chiếm bằng được là chức quyền. Khi đã có được chức quyền trong tay, họ sẽ bằng mọi giá để giữ lấy nó. Để tiếm quyền và giữ quyền, thậm chí họ đánh đổ và đánh đổi nhiều phận người, dẫu tàn độc nhất, thâm hiểm nhất, phi nhân nhất...
Chính trị ngày nay khéo léo hơn, nên cảnh tắm máu đối thủ ít cơ hội phơi bày hơn. Tuy nhiên, để có quyền lực trong tay, sự ác luôn có cơ hội hiện diện. Vì thế, không ai dám chắc, những nguyên tắc cơ bản của quyền lực, của tham vọng đã có thể thay đổi...
Thực tế thời nay, các chính trị gia và những người leo lên địa vị lãnh đạo, dù chức lớn hay nhỏ, mấy ai thực sự nghĩ, quyền lực là nhằm phục vụ quyền và sự sống con người. Nhưng điều luôn có thật là, tất cả những nhà lãnh đạo (dù có lương tâm hay không) đều nấp dưới chiêu bài phục vụ để củng cố, thâu tóm quyền lực và tạo ảnh hưởng, chỗ đứng, dáng hình cá nhân mình...
Các tông đồ đi bên Chúa, sống với Chúa, nhưng họ chưa hiểu đường lối của Chúa. Họ vẫn tham quyền, tranh địa vị. Dẫu không tàn khốc như các chính trị gia, họ vẫn cho thấy nỗi tham quyền, sự thèm thuồng được ở "chiếu trên", anh em mình phải ngồi "chiếu dưới", phải lệ thuộc mình, là điều rất thực.
Cả nhóm Mười Hai, từ người lên tiếng: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy" đến những người "nghe chuyện đó liền bực tức", đều ham muốn quyền lực không trừ một ai, chỉ khác ở chỗ người này dám mở miệng xin, còn người kia thì không...
Thái độ của các tông đồ, dẫu họ chỉ là ngư dân bình thường, chất phác, thô kệch đã cho thấy sức hút của quyền lực mạnh mẽ, thì biết bao nhiêu kẻ có bằng cấp, có đầy đủ tính toán, đầy đủ sự hiểu rộng, đêm ngày chỉ ôm giấc mộng quyền lực, còn kinh khủng, dữ dội và bạo tàn đến mức nào.
Còn Chúa Giêsu, Đấng là chính Thiên Chúa, xuất phát từ Thiên Chúa, quyền của Ngài là quyền trên khắp vũ trụ, trên cõi trời, cõi đất, trên muôn vật hữu hình và vô hình, qua mọi thời đại và vĩnh cửu, lại tự nói về mình: "Ta không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
Để chứng minh cho mọi người về tình yêu phục vụ, Chúa thể hiện sự chan hòa, đồng cảm với hết mọi người, nhất là người nghèo, người thân cô thế cô. Chúa không ngừng thông ban nỗi lòng của mình trước những hoàn cảnh khổ đau, những khó khăn mà con người phải trải qua.
Chúa chạnh lòng thương đám đông bơ vơ tất tưởi. Chúa hóa bánh ra nhiều nuôi những người đang đói, đó là phép lạ biểu tượng cho bí tích Thánh Thể là bí tích Chúa thực sự hiến mình thành tấm bánh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
Chúa cho đi tất cả, cho cả bản thân và mạng sống khi hiến dâng mình làm lễ tế đời đời cứu chuộc trần gian. Chúa trao ban đến cùng của kiếp người nơi trần thế. Nay thống trị bên Chúa Cha, Chúa tiếp tục ban ơn cứu độ và đón nhận chúng ta, để từng người được hạnh phúc muôn đời hưởng gia nghiệp của Chúa.
Bài học về phục vụ theo gương Chúa Giêsu là bài học lớn trong cuộc đời người tín hữu. Có nhiều cách để phục vụ. Chẳng hạn, ta giúp đỡ anh em mình về kinh tế, nâng cao tri thức, ủy lạo vật chất và tinh thần.
Ta có thể ban phát thực phẩm hoặc các vật dụng khác cho người cần chúng; giúp người túng thiếu bằng đóng góp sự hy sinh của chính ta. Ta có thể làm bạn với người mới đến. Hoặc ta đến thăm, thu dọn nhà cửa, trồng trọt, làm vườn cho người lớn tuổi. Hay chăm sóc người đau yếu, giúp tắm rửa người không còn khả năng tự chăm sóc. Có khi ta giảng dạy Lời Chúa, nói về giáo lý đức tin cho người cần biết lẽ thật hoặc an ủi người đau buồn...
Không chỉ phục vụ người nghèo, người yếu thế, người cần sự phục vụ rõ rệt mà còn phải phục vụ nhau. Chúa Giêsu dạy: "Ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người".
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu cũng nói cùng một nội dung: "Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho cáqc con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Điều quan trọng là tất cả chúng ta phải sẵn lòng phục vụ, và phục vụ trong vui tươi, không đòi hỏi thu nhập, địa vị xã hội, không nhen nhúm thói tham quyền, hoặc tìm kiếm hư danh.
Người tín hữu tuyệt đối không cấu kết với bất cứ quyền lực nào của thế gian, không bao giờ được phép tham gia quyền lực chính trị để quay mặt với anh em, tìm cách trả thù hay củng cố quyền hành chính trị của mình bằng sự bạo tàn với người khác...
Sống giả dối, hai mặt, thâm độc, lời nói như thánh nhân nhưng lòng như quỷ dữ, tìm mưu mô để trút nỗi hờn, trút sự ghen tương, những kiểu thâm thù hoặc tư thù, "ném đá dấu tay"... luôn luôn là điều xa lạ và đi ngược giáo huấn của Chúa Kitô và của Hội Thánh.