87. THƠ CƯỜI QUÁN ĂN

Có một ông chủ rất keo kiết, đối đãi với thầy giáo của con mình chỉ một dĩa thịt vừa mỏng vừa ít.

Thầy giáo làm một bài thơ để chế nhạo như sau:

- “Dao của chủ nhân sắc mà nhọn, tay của bà chủ nhẹ mà mềm, cắt lát thịt mỏng như tờ giấy, nhè nhẹ bỏ vào không nặng lắm. Đột nhiên dưới cửa gió thổi nhẹ, thổi nó bay vào chín tầng mây, khiến người vội vả đi tìm nó, đã qua Vu sơn mười hai đỉnh”.

(Hi đàm lục)

Suy tư 87:

Miếng thịt thái càng mỏng thì lòng dạ càng mỏng hơn, bởi vì nhìn thức ăn đãi khách thì người ta cũng có thể biết được sự rộng hẹp của tâm hồn người chủ.

Khách được mời đến chỉ với mục đích ăn và uống thì tất nhiên sẽ nhìn thấy miếng thịt to và miếng thịt nhỏ; nhưng khách đến để chia sẻ niềm vui với mọi người thì không nhìn thấy miếng thịt dày hay mỏng, có nghĩa là họ vẫn vui vẻ khi món ăn không hợp khẩu vị và thức ăn thì ít hoặc người phục vụ không được chu đáo, bởi vì họ không đến với mục đích duy nhất là ăn uống, nhưng là đến để “vui với người vui” như thánh Phao-lô tông đồ dạy.

Người Ki-tô hữu có cái suy nghĩ hơi “ngược đời” là: thấy miếng thịt thái rất mỏng, thì hiểu được hoàn cảnh của người mời mình ăn cơm, cho nên họ vui vẻ ăn uống mà không nói thịt thái quá mỏng hay quá dày, bởi vì đó là đức ái của Đức Chúa Giê-su dạy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info