91. KHÔNG DÁM DÀI DÒNG

Người nọ viết thư, ngôn ngữ dài dòng, có người bạn khuyên anh ta:

- “Bút pháp của lão huynh còn có thể được, nhưng mấy lời dài dòng đó bỏ đi.”

Người nọ liền tán thành.

Sau đó, anh ta viết thư cho người bạn ấy như sau:

- “Lúc trước đây được ngài chỉ giáo chính xác, tôi rất cảm kích và bội phục. Từ đó đến nay, tôi tuyệt đối không dám dùng lời dài dòng rườm rà để làm phiền ngài nữa”.

Viết thư xong, anh ta viết bên cạnh chữ “tuyệt đối” mấy hàng chú giải:

- “Chữ “tuyệt đối” này là viết chữ chân phương phía trên không có dấu, chính là chữ “tuyệt đối” viết tắt. Đáng lẽ tôi phải viết hoa chữ “tuyệt đối” để tỏ lòng cung kính, nhưng vì chữ nhiều nét quá nên viết tắt vậy. Tóm lại, thư viết sơ sài bất kính, xin vui lòng bỏ qua, hân hạnh”.

(Hi đàm lục)

Suy tư 91:

Ở đời, có người viết sách hay nhưng giảng bài lại không hay, và ngược lại, có người giảng hay nhưng không biết viết sách, nhưng cũng có người viết sách hoặc giảng bài đều hay cả, thế mới biết con người ta không ai giống ai cả...

Có một vài linh mục khi giảng thì dài dòng, có một vài giáo dân “can đảm” góp ý thì lắng nghe và hứa sẽ không giảng dài dòng nữa, nhưng hễ cứ lên tòa giảng thì ngài lại giảng dài dòng, cứ đem bài đọc một ra phân tích câu này như thế này, câu kia như thế nọ.v.v...hết bài đọc một rồi đến phân tích bài đọc hai, phân tích xong hai bài đọc thì đã qua hai mươi phút, rồi diễn giải câu đáp ca, cuối cùng thì đem bài Phúc Âm ra phân tích theo đúng bài bản đã học trong chủng viện thì cũng gần bốn mươi lăm phút, đến khi ngài đưa ra câu ý lực sống, thì giáo dân cặp mắt đã lờ đờ vì hôm qua thức coi đá banh, hoặc đứng ngồi không yên vì trể giờ đi làm, trể giờ đến lớp...

Con người thời nay không thích giảng dài dòng, nhưng chỉ thích ngắn gọn đầy ý nghĩa và thực tế, bởi vì bài giảng trong thánh lễ không phải là một lớp thần học thánh kinh của các tu sĩ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info