Những năm cuối
Bất chấp năng lực sáng tạo dường như không hề giảm thiểu, những năm cuối đời của Balthasar ngày càng khó khăn hơn. Trở lại năm 1962, có lần ngài đã viết rằng: "Tôi thường bị cám dỗ đến không còn thích thú điều gì, bởi vì mục tiêu quá xa vời, nhưng sau đó tôi lại tập trung được và bắt đầu lại". Vào những năm bảy mươi, những lời phàn nàn trở nên chuyên biệt hơn:
“Một sự trợ giúp nào đó cho việc xuất bản sẽ làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn. Nếu không có sự giúp đỡ như vậy, những điều căn bản nhất, hết lần này đến lần khác, đơn giản sẽ không thực hiện được. Nhưng nay, đó là hình thức đời sống tôi. Tôi có thể thay đổi nó cách nào được? (1971). Với tất cả các công việc phụ (truyền thanh, các giảng khóa, thư từ bất tận), tôi ít khi đọc được và thực hiện. Ấy thế nhưng tôi muốn đạt được tiến bộ với cuốn "Bi Kịch cần thiết" này (1974). Tôi không đạt được nhiều tiến bộ trong công việc của mình, Quá nhiều công việc lặt vặt ở mọi phía. Việc điểm sách cộng với việc xuất bản là cọng rơm cuối cùng (1976). Về nguyên tắc, tôi tự do, nhưng trên thực tế, ngày càng ít tự do hơn cho bản thân, vì tôi luôn bị mọi người sai khiến, và bạn không thể nói Không với mọi điều (1976)”.
Sau đó, vào năm 1977, bệnh lại tới và kéo dài hơn, và vào năm 1978, ngài lại viết:
“Công việc ở đây ngày càng trở nên khó khăn. Thư từ đang gia tăng khó lường, cả khách khứa nữa v.v... Và chẳng ích gì để bỏ đi nếu bạn không có bất cứ cuốn sách nào. Vì vậy, tôi như bò chậm chạp với cuốn Bi Kịch [Dramatic].
Và một lần nữa vào năm 1979:
“Không có gì mới ở đây. Tôi gần như hoàn toàn bị ràng buộc với các bài diễn giảng và bài báo đủ loại. Điều này ngăn cản tôi lái thẳng đường và tiếp tục với cuốn Bi Kịch của mình. Tốt xấu - có lẽ chẳng quan trọng chi..
Năm 1980/81, ngài bị giải phẫu vì bệnh đục thủy tinh thể ở cả hai mắt, sau đó ngài phải học "cách nhìn mới." Năm 1983, ngài lại viết: "Đối với một người già như tôi, số lượng gia tăng các cuộc tĩnh tâm và các khóa học khác là điều rất gây mệt mỏi, rồi hàng núi thư từ hầu như không giảm bớt nữa".
Kích thước thư từ và số lượng khách khứa của ngài là một dấu hiệu cho thấy trong những năm cuối cùng này, phạm vi cuộc sống của Balthasar đã mở rộng như thế nào. Ba vòng kết nối bạn bè mới đang được xây dựng. Đầu tiên, là tình bạn của ngài với Don Luigi Giussani và phong trào Hiệp thông và Giải phóng (Communione e Liberazione) của vị này, trong đó Balthasar thấy một điều gì đó tương tự như những gì ngài từng phấn đấu cho các cộng đồng của mình. Ngài đã đề tặng cuốn sách In Gottes Einstatz leben [Sống trong cam kết với Thiên Chúa] năm 1971 của mình cho tổ chức này. Nó cũng có nghĩa là một lời cảnh báo, theo đường hướng của điều chính ngài đã nêu ra trong cuốn Wer ist ein Christ [Kitô hữu là ai].
Sau khi đả phá thái độ đắc thắng phẩm trật [hierarchical triumphalism], vẫn còn thái độ đắc thắng tinh thần, tinh tế hơn, tức thái độ đắc thắng tìm thấy trong ý thức hệ của các cộng đồng hoặc nhóm.... Sự khiêm nhường của các nhóm nhỏ là nhu cầu lớn nhất của Giáo hội ngày nay, nhưng nó cũng là một mối nguy lớn. Một mặt, có cơn cám dỗ muốn can dự quá nhiều vào thế giới; mặt khác, có cơn cám dỗ muốn tự chủ khép kín. Giải pháp duy nhất là cởi mở đối với mạc khải của Thiên Chúa trong tính Công Giáo không rút gọn của nó (53).
Nhóm bạn thứ hai bao gồm các sinh viên tiến sĩ và các linh mục trẻ, những người từ những năm sáu mươi trở đi đã nghiên cứu về thần học của Balthasar. Bây giờ hơn bốn mươi luận án đã được viết ra. Hai bản đầu tiên được đệ trình vào năm 1970 tại Rôma và Milan. Balthasar luôn vui vẻ và không mệt mỏi cung cấp cho họ mọi loại thông tin có thể cung cấp được. Ngài hơi ngạc nhiên khi có quá nhiều nghiên cứu học thuật có thể được rút ra từ công trình hoàn toàn không có tính học thuật của ngài (và hơi buồn khi không ai dám phát triển thêm tư tưởng của ngài). Ngài khen ngợi tác phẩm đã hoàn thành với sự quên mình hết sức và đã làm tất cả những gì có thể để giúp chúng được in ra. Nhiều người trong số các sinh viên tiến sĩ vẫn là bạn lâu dài của ngài.
Vòng bạn hữu thứ ba, vòng rộng lớn nhất, đến với ngài qua tạp chí Communio. Năm này qua năm khác, ngài tổ chức một cuộc họp nhỏ của các ấn bản khác nhau ở Basel. Năm này qua năm nọ, chính ngài là điểm tham chiếu chính không thể tranh cãi của cuộc họp mặt quốc tế lớn lao hơn. Ngài làm cho các gợi ý có tính kích thích về từng chủ đề được đề xuất, chỉ ra các khó khăn, và có thể đề cử các tác giả thích đáng — bất luận còn sống hay đã qua đời. Chỉ có những người bạn của ngài mới biết các khó khăn ngài lãnh chịu để xây dựng và duy trì tình “hiệp thông” (Communio!) này của mười hai nhóm biên tập thuộc các nền văn hóa rất khác nhau. Cũng chỉ có họ mới có thể kể về vô số cuộc đàm đạo bên lề của các cuộc họp mặt.
Sau khi trở về từ cuộc họp mặt của các chủ bút quốc tế năm 1988 tại Madrid, được tổ chức sau một hội nghị chuyên đề về thần học của ngài, tin tức về ngài được bổ nhiệm làm Hồng Y đã đến với Balthasar. Mặc dù bị mệt và ốm đau trở lại, nhưng lần này, ngài chấp nhận, vì vâng lời Đức Giáo Hoàng, điều mà đối với ngài là một vinh dự gây bối rối. Ngài cũng đã lên đường qua Rôma để được đo kích thước cho áo choàng Hồng Y (một điều, cũng như trước đây với áo dài thần học gia của ngài, có thể ngài vẫn đã để ở Rôma). Nhưng trong thâm tâm ngài biết Thiên Đường đã có những kế hoạch khác. Ngài viết cho một người bạn, “Các đấng ở trên cao dường như có một kế hoạch khác". Cái chết nhẹ nhàng đến với ngài. Ngài đã hơn một lần phải chứng kiến những người thân thiết nhất của ngài chiụ cơn hấp hối kéo dài hàng tháng - một cái chết với máy đếm giọt. Nhưng bản thân ngài được phép qua đời trong phút chốc và trong khi ngài vẫn còn hoạt động đầy đủ. Nó xảy ra khi ngài đang chuẩn bị cử hành Thánh lễ buổi sáng. Giống như thánh tổ phụ Inhaxiô của ngài, ngài chết một mình, không ai lưu ý. Đó là ngày 26 tháng 6 năm 1988, chỉ hai ngày trước khi được nâng lên hàng Hồng Y. Trong cuộc nghiên cứu của ngài về Thánh Têrêxa thành Lisieux, ngài đã từng nhận xét: '' Ai có thể chết? Người thấy nó khó nhất có lẽ là người có ý thức tỉnh táo, việc tự chủ đã thấm sâu vào những tầng sâu thẳm nhất của linh hồn họ... ” (54). Cái chết nhẹ nhàng đến với ngài. Trên bàn giấy của ngài là bản thảo đã hoàn tất tặng phẩm Giáng Sinh hàng năm của ngài gửi bạn bè: cuốn Trừ khi Anh em Trở nên giống như Đứa trẻ Này. Đó là di sản thực sự của ngài.
Thánh Gioan
Làm thế nào người ta có thể tóm tắt trong một vài từ ngữ một cuộc sống quá phong phú, một công trình quá dồi dào như trên? Balthasar đã dùng tên "Thánh Gioan" đặt tên cho hai việc sáng lập quan trọng nhất của ngài, cho "tâm điểm công trình của ngài”: Cộng đồng Thánh Gioan và Nhà Xuất Bản Thánh Gioan (Johannesverlag). Đó không phải là tên của vị thánh bổn mạng của ngài. Vì Thánh Quan Thầy của ngài là Thánh Gioan Baotixita, “Bạn của Chàng Rể” (Ga 3:29), cùng với dũng sĩ tử vì đạo Ursus (con gấu!). Không, ngài có ý chỉ Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu dấu. Cuối các buổi tĩnh tâm ngài dành cho các sinh viên vào những năm bốn mươi, ngài cũng đã trình bầy chương cuối cùng của Tin Mừng theo Thánh Gioan - với giọng điệu biểu cảm đến nỗi nó vẫn văng vẳng bên tai người thời nay: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?".Hai mươi năm sau, ngài đặt bút viết:
“Hai người họ chạy ‘cùng với nhau’. Đó là điều đầu tiên phải nói. Đó là sự thật tất yếu không bị vô hiệu hóa bởi điểm thứ hai, tức là, tình yêu, một cách ít bị kiềm chế hơn, "chạy trước”, khi đảm nhiệm chức vụ, có nhiều điều cần xem xét, nhưng đến đích sau. Tình yêu nhìn thấy những gì có thể nhìn thấy (từ bên ngoài), nhưng hãy để chức vụ vào trước. Chức vụ xem xét kỹ mọi điều (kể cả những gì không thể nhìn thấy từ bên ngoài) và từ vị trí của chiếc khăn từng đặt trên đầu Người, người ta đã đạt tới một loại ‘Nihil Obstat” (không có gì trở ngại). Chức vụ để tình yêu đi vào, để tình yêu (bằng cách nhìn các dấu hiệu, bằng cách nhìn thấy những gì Pherô đã khám phá ra?) đạt đến niềm tin... Phêrô có nhiệm vụ làm người phục vụ phần còn lại không phải là chuyện của ngài. Nhiệm vụ của ngài không phải là biết chính xác phải tìm thấy ở đâu các ranh giới giữa Giáo hội chính thức và Giáo hội của tình yêu. Giáo hội của tình yêu sẽ "ở lại" cho đến khi Chúa tái lâm, nhưng bằng cách nào và ở đâu, chỉ có Chúa mới biết. Điều cuối cùng nói với đầy tớ Phêrô, lời cuối cùng của Chúa trong Tin Mừng, là khẩu hiệu cho Giáo hội và thần học mọi thời đại: "Việc gì đến anh?" (55).
Balthasar coi sứ mệnh của ngài là trở thành Giáo hội Gioan, cả hai đều đi trước Giáo Hội Phêrô nhưng lại nhường cho nó vào trước. Sự kiện chạy trước nhưng lại nhường bước mỗi điều đều có thể nổi bật vào những thời điểm khác nhau cho thấy tính thống nhất của sứ mệnh. Cả hai đều chỉ khả hữu với thái độ của người môn đệ yêu dấu. Về tình yêu, không cần phải nói nhiều, mặc dù Balthasar đã bao gồm nó vào tựa đề cuốn sách nổi tiếng nhất của ngài. Về mặt con người, tình yêu tự biểu lộ qua cách ngài chuộng "hiệp thông" (Communio), đúng ra là tình bạn, hơn các cơ cấu và tổ chức. Nó nổi bật qua dục lực (eros) thần học của ngài, qua sự ngạc nhiên của ngài trước id quo majus cogitari nequit (Điều mà so với nó không thể nghĩ có điều lớn lao hơn), nhưng cũng qua việc ngài cực kỳ bảo vệ các ưu tính (prerogatives) của Thiên Chúa. Và nó không ngừng tự nuôi dưỡng, không được thế giới và ngay cả bạn bè lưu ý, bằng 'sự im lặng của Lời' (56).
Viết theo Peter Henrici S.J., Communio 16 (Fall) 1989, bản dịch tiếng Anh của John Saward
Ghi chú
(1) Các trích dẫn không có ghi chú lấy từ thông tin riêng. Mọi tác phẩm trích dẫn không ghi tác giả đều của Hans Balthasar.
(2) Unser Auftrag. Bericht und Entwurf [Nhiệm vụ của chúng ta. Báo cáo và bản thảo] (Einsiedeln, 1984), 30
(3) Đd., 31
(4) “Uber amt und Liebe in der Kirch. Ein offener Brief an Alois Schenker” [Về chức vụ và tình yêu trong Giáo Hội. Thư ngỏ gửi Alois Schenker], Neue Zurcher Nachrichten, phụ bản của “Christian Culture” số 29 (17 tháng 7, 1953)
(5) Geschichte des eschatologischen Problems in der modernen deutschen Literatur [Lịch sử Vấn đề Cánh chung trong Văn chương Đức hiện đại] (Luận án tiến sĩ, Zurich, 1930), 221.
(6) Rechenschaft [Trách nhiệm giải trình] 1965 (Einsiedeln, 1965), 34.
(7) Unser Aufrag [Nhiệm vụ của chúng ta], 30
(8) Prufet alles – das Gute behaltet [Kiểm tra mọi thứ - giữ những gì tốt] (Ostfildern, 1986), 8
(9) Geschichte des eschatologischen Problems [Lịch sử vấn đề cánh chung], lời nói đầu.
(10) Pourquoi Je me suis fait prêtre, Témoignages receuillis par Jorge et Ramón Sans Vila [Tại sao tôi trở thành linh mục, các chứng từ thu thập bởi Jorge et Ramón Sans Vila] (Tournai, 1961), 21.
(11) Đd., 22
(12) Herrlichkeit. Eine theologische Asthetik [Vinh quang. Thần học thẩm mỹ], Bd II: Facher der Stile [Đối tượng của phong cách] (Einsiedeln, 1962) 736-741. Bản dịch tiếng Anh dưới tựa đề The Glory of The Lord: A Theological Aesthetics [Vinh Quang của Chúa: Một nền Thẩm mỹ Thần học] (San Francisco, 1983-). Bốn cuốn đã xuất bản cho tới nay.
(13) Rechenchaft [Trách nhiệm giải trình] 1965, 34.
(14) Prufet alles [Kiểm tra mọi thứ - giữ những gì tốt], 9.
(15) Adrienne von Speyr, Erde und Himmel. Ein Tagebuch [Trái đất và bầu trời. Nhật ký]: Zweiter Teil, Die Zeit der grobel Diktate, ed. Và với phần dẫn nhập của Hans Urs von Balthasar (Einsiedeln, 1975), 195tt.
(16) Prufet alles [Kiểm tra mọi thứ - giữ những gì tốt], 9
(17) Đd.
(18) Đd.
(19) Des Weizenkorn. Aphorismen [Hạt lúa mì. Cách ngôn] (Eisiedeln, 1953), 99.
(20) Danh sách loại thuyết trình này có thể tìm thấy trong Unser Auftrag [Nhiệm vụ của chúng ta], 62.
(21) Hans Urs von Balthasar (ed.) Der Ruf des Hern. Aus den Briefen von Robert Rast [Danh tiếng Con Diệc. Từ Thư từ của Robert Rast] (Lucerne, 1947), 21
(22) Spiritus Creator, Skizzen zur Theologie [Chúa Thánh Thần. Phác thảo Thần học] III (Einsiedeln, 1967), 470.
(23) Rechenschaft [Trách nhiệm giải trình], 1965, 38
(24) Unser Auftrag [Nhiệm vụ của chúng ta], 85.
(25) Kleiner Lageplan zu meinen Buchern [Bản đồ nhỏ Các Sách của Tôi] (Eisiedeln, 1955),7; Rechenschaft [Trách nhiệm giải trình], 1965, 16, 35.
(26) M. Michel Labourdette, ''La théologie et ses sources" [Thần học và Các Nguồn của nó] Revue Thomiste 46 (1946): 353-371.
(27) Đd., 370.
(28) Reginald Garrigou-LaGrange, "La nouvelle théologie où va-t-elle?" [Thần học Mới đi về đâu] Angelicum 23 (1946): 126-145 (p. 143 cited).
(29) Xuất bản bằng bản dịch tiếng Ý trong Il Sabato (23-29 Tháng 7, 1988): 28
(30) Erster Blick auf Adrienne von Speyr [Cái nhìn đầu tiên về Adrienne von Speyr] (Einsiedeln, 1968), 38
(31) Adrienne von Speyr, Erde und Himmel. EineTagebuch [Trái đất và bầu trời. Nhật ký], Teil III: Die Spaten Jahre [Phần III: Những năm cuối] (Einsiedeln, 1976), 55.
(32) Đd., 165
(33) “Friedlichen Fragen an das Opus Dei” [Những Câu hỏi Thân thiện Đối với Opus Dei], Der christliche Sonntag (Chúa nhật Kitô giáo] 16 no. 15 (1964): 117tt.
(34) Kleiner Lageplan [Bản đồ nhỏ Các Sách của Tôi]19
(35) Đd., 20.
(36) Erde und Himmel [[Trái đất và bầu trời] III: 349
(37) Erster Blick [Cái nhìn đầu tiên về Adrienne von Speyr], 227.
(38) Rechenschaft [Trách nhiệm giải trình] 1965, 35.
(39) Kurze Darstellung der Johannesgemeinschaft" (bởi một thành viên của Cộng đồng) trong Adrienne von Speyr und ihre kirchliche Sendung [Adrienne von Speyr và sứ mệnh giáo hội của bà], Biên bản Hội nghị Chuyên đề ở Rôma, 27-29 Tháng Chín 1985 (Einsiedeln, 1986), 49-57.
(40) Anton Cadotsch, "Dank an den Seelsorger” [Cảm ơn Mục sư], trong Hans urs von Balthasar 1905-1988 (Basel, 1989), 25.
(41) Unser Auftrag [Nhiệm vụ của chúng ta], 68tt.
(42) Diễn văn tại Innsbruck, 22 Tháng Năm, 1987, nhân dịp lãnh giải thưởng Mozart của Qũy Goethe (MS, p. 1).
(43) Unser Auftrag [Nhiệm vụ của chúng ta], 80
(44) Herrlichkeit. Ein theoligische Asthetik [Vinh quang. Thần học tẩm mỹ] Bd III/I: Im Raum der Metaphysik [Trong không gian của siêu hình học] (Einsiedeln, 1965) 492-551; Bd. III/2: Alter Bund [Cựu Ước] (Einsiedeln, 1966), 199-282.
(45) Unser Auftrag [Nhiệm vụ của chúng ta], 62, n.3
(46) Đd., 81tt.
(47) Diễn văn tại Innsbruck, 1
(48) Wer ist ein Christ? [Kitô hữu là ai?] (Einsiedeln, 1965), 30f.
(49) Đd., 29.
(50) Đd., 105tt.
(51) Die Wahrheit ist symphonisch. Aspekte des christlichen Pluralismus [Sự thật có tính giao hưởng. Các khía cạnh của Chủ nghĩa Đa nguyên Kitô giáo] (Einsiedeln, 1972), 75.
(52) Kleiner Lageplan [Bản đồ nhỏ Các Sách của Tôi], 18.
(53) In Gottes Einsatz leben [Sống trong cam kết với Thiên Chúa] (Einsiedeln, 1971), 104.
(54) Schwestern im Geist. Thérése von Lisieux und Elisabeth von Dijon [Chị em trong tinh thần. Thérése thành Lisieux và Elisabeth thành Dijon] (Einsiedeln, 1970), 105.
(55) Theologie der drei Tage [Thần học Tam nhật] (Einsiedeln, 1969), 190-192
(56) Die Stille des Wortes. Dürers Weg mit Hieronymus [Sự Im lặng của Lời. Đường đi của Dürers và Hieronymus (Einsiedeln, 1979).