“Một Tiếng Yêu Xin Trao Cho Nhau”.
CN 18 C
Nhạc sĩ Phó Tế Vũ Thành An viết và hát ca khúc “Rồi cũng già” thật tâm tình với những triết lý nhân sinh. (x.youtube.com/watch?v=4YPgb9Z_XgQ).
Ngày mai rồi mình cũng già, không thể nào níu lại nữa.
Ngày xưa như mới hôm qua, một cánh hoa trong cơn phong ba.
Thời gian tựa cánh chim bay, tiếng cầu kinh đời đời vẫn vậy.
Từ nghìn trùng ta gặp nhau đây, rồi thiên thu mãi mãi xum vầy.
Ngày mai rồi mình cũng già, thân thể này sẽ tàn úa.
Được thua thì cũng thế thôi, một tiếng yêu xin trao cho nhau.
Còn dăm ngày nữa vui chơi, hãy nhìn xem vẻ đẹp cõi đời,
được làm người ôi diệu kỳ thay, tạ Ơn Trên cho sống chốn này.
Ngày mai rồi mình cũng già, nhưng đời người không thể hết.
Hồn ta là đốm tinh hoa về viễn phương bay xa.. bay xa..
Là con người, ai ai rồi cũng đến lúc già nua, bệnh tật, cuối cùng là về với Thiên Chúa tình yêu. Của cải, tiền bạc và quyền lực không phải là cùng đích của đời người. Mỗi người không thể mang theo bất cứ gì ngoài công đức của mình.
Sống ở đời, mỗi người đều phải làm việc để nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình, đó là bổn phận tự nhiên. Tiết kiệm, dành dụm phòng khi cơ nhỡ là việc chính đáng. Kiếm được nhiều tiền để cuộc sống thư thái, được thưởng thức những niềm vui lành mạnh, làm tăng chất lượng cuộc sống, cũng là điều được khích lệ. Nhưng Chúa muốn các môn đệ ghi nhớ về mục đích tối hậu cần phải đạt tới của những người theo Chúa là sự sống đời đời, chứ không phải chỉ chăm chăm thu tích của cải trần thế.
Tin Mừng hôm nay nói về dụ ngôn ông phú hộ dại khờ. Ông phú hộ nghĩ rằng: tiền bạc, của cải là tài sản có giá trị tuyệt đối. Với nhiều tài sản, ông tưởng rằng bản thân mình từ nay sẽ được sung sướng, được an toàn mạng sống. Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan, nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya, hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến. Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả. Tài sản không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ. Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay. “Đồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, mọi điều ngươi đã sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Tiền bạc, của cải, quyền lực, danh vọng, cuối cùng vẫn chỉ là phù vân (Gv 1,2), chẳng có nghĩa lý gì hết nếu người ta không biết sử dụng nó. Người ta làm việc mong kiếm được thật nhiều của cải để hưởng thụ. Nhưng chính sự sống, điều kiện để có thể thụ hưởng công lao mình làm ra lại không thuộc quyền quyết định của con người chúng ta. “Vì không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12,15).
Những dự định ông phú hộ cho là khôn ngoan thì Chúa Giêsu lại bảo đó dại khờ.
Nói về chuyện “khôn dại, dại khôn” ai cũng nhớ chuyện vua Salômon. Vua Salômon xem ra “dại” nhưng thực ra lại quá “khôn”. Chúa đã bảo : “Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Ông dại quá, không xin giàu có, không xin sống lâu, không xin một thế lực hùng mạnh... mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên, thực ra ông quá khôn, bởi vì Khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác : nhờ khôn ngoan nên sau đó ông trở thành minh quân, triều đình ông vững bền, đất nước ông giàu mạnh... và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ.
Ông phú hộ dại khờ vì không phân định đâu là tài sản đích thực và đâu là tài sản tạm thời chóng qua, mau hư nát. Dại khờ vì ông nghĩ rằng có thể xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng của cải nhưng nó chỉ là những thứ chóng tàn phai, nay còn mai mất. Dại khờ vì ông chỉ nghĩ đến của cải vất chất mà quên mất Thiên Chúa.
Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy: Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trở nên giàu có như Chúa Giêsu, luôn "yêu thương, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng" (Cl 3,12) và "trên tất cả là lòng mến, giềng mối của mọi trọn lành" (Cl 3,14). "Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương" (Cn 22,1).Trong cuộc đời này, có biết bao người giàu tình thương, tự nguyện chăm lo cho bệnh nhân, chăm sóc trẻ em tật nguyền, cô nhi, tiếp đón người khổ đau bất hạnh, ưu tư lo lắng cho người sầu khổ, dấn thân phục vụ cho các hoạt động xã hội, bác ái và thăng tiến con người...
Có thể nói được là không ai giàu có, tự do, và mạnh mẽ hơn ‘người giàu trước mặt Chúa”, người mà niềm tin vào Chúa giúp họ vượt lên trên mọi tài sản trần gian, vì đã có “Chúa là nơi họ ẩn náu”(Tv 13,6). Vì thế, mối phúc đầu tiên được dành cho người nghèo, người “đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Người giàu trước mặt Chúa không phải là người có nhiều tài sản, mà là người tài sản chỉ đủ dùng nhưng biết lo tìm kiếm Nước Trời : “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1Tm 6,7-8). Phải biết coi trọng con người hơn tiền bạc. Tình người đáng giá hơn giàu sang phú quý. Tiền bạc rồi sẽ hết. Chẳng ai mang theo gia tài khi chết. Có chăng là tình yêu thương đã chia sẻ với tha nhân nơi trần thế này để trở nên "giàu có trước mặt Thiên Chúa" trên Thiên Quốc. Hãy sống quảng đại, mở rộng trái tim, mở rộng bàn tay để chia sẻ và cảm thông với mọi người, như thánh Phaolô khuyên dạy : “Hãy làm ơn làm nghĩa, hãy giàu có việc lành, hãy hào phóng, rộng rãi chia sẻ để tích trữ vốn liếng cho cuộc đời mai sau”.
Ai có thể được coi là ‘giàu có’ trước mặt Thiên Chúa? Phải chăng là các bậc tài cao học rộng, những người đạo đức thánh thiện, hay các vị chân tu đạo sĩ…? Đối với một thương gia thì ‘làm giàu’ là làm ra nhiều tiền của; đối với một nghệ nhân thì giàu là phát triển tài năng thiên phú; đối với nhà thông thái thì lại là trau dồi học thức uyên thâm…Còn ‘làm giàu trước mặt Chúa’ thì cũng tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm chúng ta có về Thiên Chúa. Cựu Ước đề cao hình ảnh một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, khôn ngoan, công minh. Các mẫu người ‘giàu trước mặt Thiên Chúa’ như Môsê hùng mạnh, như Êlia thánh thiện, như Salômôn khôn ngoan, như Đavít công minh… Chúa Giêsu khi kêu gọi hãy ‘lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa’, Ngài đang nói hình ảnh nào về Thiên Chúa? Thiên Chúa mà Đức Giêsu phác họa chắc chắn không thiếu các ưu phẩm trên. Nét nổi bật và độc đáo nhất mà Cựu Ước chưa hề có, hoặc mới chỉ được các ngôn sứ phác thảo chưa rõ ràng, đó là: Thiên Chúa nhân ái và đầy lòng xót thương, một Thiên Chúa cứu độ. Đây mới là nét chân dung trung thực nhất về Thiên Chúa mà Đức Kitô Giêsu, và chỉ duy nhất mình Ngài nói đến. Đó đồng thời cũng là bản chất của ‘vương quốc’ giàu sang mà Ngài công bố và mời gọi chúng ta hết lòng chăm lo tìm kiếm cho bằng được. Hiểu như thế: ‘làm giàu trước mặt Thiên Chúa’ theo cách nói của Đức Giêsu, còn cao xa hơn cả sống thánh thiện, khôn ngoan, công chính, làm phép lạ…nó phải là nội dung trung thực nhất của đời sống Kitô hữu; đó chính là đón nhận lòng nhân ái xót thương vô điều kiện Thiên Chúa ban và thực thi lòng nhân ái đó cách quảng đại đối với tha nhân. (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty).
Khi bận tâm thu tích của cải, con người để lòng mình bị trần thế giam cầm, không còn được tự do tìm kiếm Thiên Chúa, ý nghĩa đích thực của đời mình. Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Sự giàu có những giá trị Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu tôi có thể giúp ít nhất là một người có đời sống tốt hơn, thì với việc đó thôi cũng đã đủ để làm thành lễ vật đời tôi rồi” (GE 274).
Thánh Phaolô diễn tả: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa…Quê hương đích thực của chúng ta là trời cao. Tại sao chúng ta xả thân miệt mài thu tích của cải dưới đất nơi mối mọt rúc rỉa? Hãy tìm kiếm những sự cao siêu hơn: Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất (Col 3,1-2). Của cải duy nhất đáng cho chúng ta tích luỹ là của cải của tâm hồn. Một tâm hồn quảng đại là một kho tàng. Có tâm hồn quảng đại là luôn “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.
Giáo huấn của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 gởi tín hữu Côlôsê là: anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá. Đấng Tạo Hoá là Chân Thiện Mỹ. Hướng về Chân Thiện Mỹ, mọi người đều được nâng cao, trở nên con người đúng nghĩa hơn, trọn vẹn hơn, gần với Thiên Chúa hơn, giống Chúa Giêsu hơn.
Xin Chúa cho chúng ta đừng trở thành người dại mà phải nên người khôn trước mặt Thiên Chúa, để chúng ta biết tích luỹ của cải đời sau bằng cách sẵn sàng cho đi với lòng mến, “một tiếng yêu xin trao cho nhau”.