TÔI TỚ TIỀN TẠO TÌNH TỐT

Đồng tiền có 2 mặt đối nghịch: Tiền có thể đưa con người lên cao hoặc đè con người xuống thấp. Nhờ tiền, con người có thể giúp nhau, nhưng cũng vì tiền, con người đã giết nhau. Tiền có sức mạnh làm đổi đời hay tiêu đời con người. Thực sự thì tiền trở nên tốt hay xấu, giúp ích hay phá hỏng cuộc đời là tùy thuộc vào thái độ của con người với tiền: Coi tiền là gì, kiếm tiền ra sao, tiêu tiền thế nào?

1. Tiền là tôi tớ. Có câu tục ngữ nổi tiếng: Tiền là đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu. Thực tế ngày nay nhiều người cần tiền. Người đời cần tiền, người đi tu còn cần tiền hơn. Cần tiền để làm việc bác ái, xây nhà thờ, nhà giáo lý, trường học, bệnh viện… Tiền đúng là đầy tớ tốt giúp ta làm được nhiều điều tốt đẹp. Thế nên, nếu ai không cần tiền nữa thì xin đưa đây, nhận liền. Tuy nhiên, tiền lại là ông chủ xấu gây ra lắm tội khi người ta coi tiền là trên hết. Khi ấy, thần tiền sẽ hủy diệt nhân phẩm và các mối liên hệ của người đó. Thế nên Chúa đã cảnh báo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.

2. Tiền tạo tình nghĩa. Khi coi tiền là đầy tớ, thì tiền lại là phương tiện để tạo tình nghĩa, để giúp đỡ nhau như diễn tả trong các câu thành ngữ: Bán anh em xa, mua láng giềng gần. Lá lành đùm lá rách. Gian nan mới biết bạn hiền. Chính Chúa Giêsu đã khuyên: hãy dùng tiền của mà mua bạn bè, để rồi, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Chúa muốn chúng ta dùng tiền vì yêu thương và hướng tới vĩnh cửu. Trong yêu thương, tiền trở thành những món quà tình nghĩa trao tặng trợ giúp nhau. Những đồng tiền cho đi ấy trở thành khoản đầu tư dài hạn trong Nước Trời vĩnh cửu.

Như thế, tiền là phương tiện chứ không phải thần tiên. Tiền không thể đè đầu, mà là người hầu, là nhịp cầu kết nối con người với nhau và với cả đời sau. Amen.