KHÔNG SỢ SAI LẦM
“Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!”.

Một người bạn nói với mục sư Adoniram Judson rằng, một bài báo đã ví anh như một số tông đồ. Judson trả lời, “Tôi không muốn giống Phaolô hay bất kỳ ai khác. Tôi muốn giống Chúa Kitô! Tôi chỉ muốn theo Ngài, uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân tôi vào dấu chân Ngài, sống lời Ngài, và dạy lời Ngài mà ‘không sợ sai lầm’. Ồ, tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”. Phải chăng đây cũng là ý chí kiên định của Phaolô khi ngài quyết tâm đánh đổi tất cả để nên giống Chúa Kitô, có Chúa Kitô, và muốn muôn dân biết Chúa Kitô, “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!”. Uống Thánh Linh của Chúa Kitô, sống lời Ngài, Phaolô can đảm bôn tẩu, rong ruổi, loan báo Tin Mừng Đức Kitô mà ‘không sợ sai lầm’.

Thế nhưng, với chúng ta, phải bắt đầu từ đâu? Phải rao giảng làm sao mà ‘không sợ sai lầm?’. Như Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, coi “mọi sự như rác rưởi trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô”; trước hết, chúng ta phải được nung nấu bởi tình yêu của Chúa Kitô, hiểu biết Ngài nhờ quyền năng của Thánh Thần. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sẽ giải thích điều này rõ hơn; Ngài nói, “Người mù có thể dắt người mù được sao?”. Nghĩa là, trước tiên, tông đồ phải là người biết thật rõ, thấy thật rõ, mình đang đi đâu, trên con đường nào, và sẽ dẫn đến đâu? Là một người chỉ đường, rao giảng Chúa Kitô, chúng ta cần xác tín, ngoài con đường Giêsu, không có con đường nào khác! Ngài là Đấng đến từ Chúa Cha, nên Ngài biết rõ đường. Hãy suy gẫm về tầm quan trọng và vị trí trung tâm của Chúa Kitô đối với hành trình tiến về Nhà Cha của chính chúng ta và của những người chúng ta sẽ hướng dẫn mà ‘không sợ sai lầm!’.

Thứ đến, là người dẫn đưa người khác đến với Chúa, chúng ta cần có ‘một lo lắng’ nào đó; không phải sợ hãi, nhưng thực sự là không thể coi thường! Trước trách vụ lớn lao và cấp bách đó, cách khôn ngoan nhất là chúng ta dựa vào Giáo Hội. Chúa Giêsu không chỉ thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sự dạy dỗ của Ngài, nhưng còn ban cho Giáo Hội ân sủng Thánh Thần để gìn giữ Giáo Hội khỏi sai lầm. Chúng ta không cậy mình, nhưng biết rằng, tôi không hề lẻ loi. Sự tự tin của chúng ta cần bắt nguồn từ sự hiểu biết rằng, chúng ta đang ở trong Giáo Hội, hợp nhất với Giáo Hội và thực hành giáo huấn của Giáo Hội.

Học tập là một ‘tiến trình thường huấn’ kéo dài suốt đời; vậy mà, chúng ta hay coi thường, không cần đào sâu cho mình những hiểu biết đức tin. Vì thế, tuy không sợ sai lầm, nhưng việc giảng dạy của chúng ta thường chỉ dừng lại ở cấp Rước Chúa lần đầu hoặc Thêm Sức! Tại sao, vì chúng ta tự mãn, chúng ta không biết mình ‘nghèo’, nên những người chúng ta dạy dỗ không bao giờ ‘giàu’; và như thế, không ít người lớn chỉ được chúng ta đào tạo với những gì đủ cho một đứa trẻ! Vậy hãy học biết Chúa Kitô mỗi ngày, đào sâu đức tin, suy tư, nghiên cứu, chiêm ngắm những mầu nhiệm của Ngài; đồng thời, cho phép ân điển Thánh Thần biến đổi cuộc sống chúng ta mỗi ngày. Được như thế, chúng ta mới có thể nâng cao đời sống đức tin, làm nóng sốt hồn tông đồ nơi chính mình và nơi những người chúng ta hướng dẫn mà ‘không sợ sai lầm’.

Anh Chị em,

“Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!”. Chớ gì mỗi người chúng ta có chung một thao thức như Phaolô! Vậy mà, chúng ta chỉ có thể rao giảng Chúa Kitô, giúp đỡ và dạy dỗ người khác đến với Ngài bằng chính những gì chúng ta đã học biết và nhận được từ Ngài. Ngài là vị Thầy, Hướng Đạo thông thái, Đức Hôn Phu tuyệt vời của Hiền Thê Giáo Hội vốn là người mẹ khôn ngoan nhất của chúng ta. Ngài còn là Thầy Thuốc đa khoa có thể chữa lành sự mù loà, đánh bại mọi tội lỗi, băng bó mọi thương tích, nâng đỡ bao yếu đuối và lấp đầy những nông nổi của chúng ta. Được như thế, chúng ta có thể dẫn dắt người khác mà ‘không sợ sai lầm!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hạ thấp dãy núi tự mãn nơi con, cho con biết mình ‘nghèo’; xin dạy con mỗi ngày trên đầu gối Giáo Hội. Từ đó, con làm cho anh chị em con ‘giàu’ mà ‘không sợ sai lầm!’”, Amen.

(Tgp. Huế)