ĐÔI MẮT KÍNH CỦA ĐỨC TIN
“Anh đứng dậy, đi theo Ngài”.
Mable Newcomer nói, “Điều quan trọng là biết bạn sắp đi đâu, hơn là nhanh chóng đến đó!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, Tin Mừng lễ thánh Matthêu cho thấy một điều ngược với những gì Newcomer nói! Matthêu không biết mình đi đâu, cũng biết rất ít người gọi mình; thế nhưng anh vẫn nhanh nhẹn đi theo! “Anh đứng dậy, đi theo Ngài”. Trình thuật toát lên một sự đơn giản, chóng vánh, đến nỗi có xoe mắt trông, bạn cũng chỉ có thể hiểu được khi có cho mình ‘đôi mắt kính của đức tin!’.
Matthêu đã ký vào một tấm séc trống và đưa nó cho người gọi anh! Thật bất ngờ, hẳn anh là người có ‘đôi mắt kính của đức tin’ nên dám đánh cược cả cuộc đời còn lại của mình. Nếu tin rằng, Thiên Chúa vừa là quyền năng, vừa là Cha, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua những dự tính riêng để mau mắn làm những gì Ngài muốn. Và như thế, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận những biến cố không vui xảy đến trong đời cũng như nơi những người thân yêu của mình.
Matthêu, một người thu thuế, ‘được’ dán nhãn là “kẻ phản bội”. Một người Do Thái bình thường thậm chí sẽ không trò chuyện với anh; vậy mà Chúa Giêsu dừng lại, trìu mến nhìn anh, gọi anh! Và lập tức, không hỏi han hay đặt điều kiện… Matthêu ngơ khờ đứng dậy theo Ngài. Đơn giản đẹp đẽ làm sao! Anh không biết rằng, rồi đây, con người này sẽ biến anh thành một tông đồ; thay vì tiền bạc, sổ sách, anh sẽ viết lại đời Ngài. Đơn giản là hạnh phúc! Sau đó, đi một bước xa hơn, anh mời Chúa Giêsu về nhà dùng bữa. Với ‘đôi mắt kính của đức tin’, chúng ta nhận ra đó là dấu của thiết thân, tình bạn và tình yêu thiên linh của cái được gọi là ‘ơn thiên triệu!’.
Trái với sự ‘tiến về phía trước’ không tính toán của Matthêu là sự ‘lùi lại phía sau’ đầy toan tính của người Pharisêu. Việc dùng bữa với một tội nhân là “hành vi đáng xấu hổ” của ‘Rabbi’ này. Vấn đề là các biệt phái đã hỏng ngay từ điểm xuất phát, họ quá thiếu sót để không nhận ra nét đơn sơ nghèo khó của Đấng Messia. Họ nhìn Con Thiên Chúa từ góc độ duy lý, đang khi cái nhìn đúng đắn duy nhất là nhìn Ngài với ‘đôi mắt kính của đức tin’ và tình yêu.
Điều này cũng thường xuyên xảy ra trong cuộc sống khi chúng ta bắt đầu phán xét tha nhân, các sự kiện, hoàn cảnh, mà không có đức tin và đức ái. Trước khi kịp nhận ra điều đó, có thể chúng ta đã từ chối; thậm chí xúc phạm người anh em, một Linh mục, một Giám mục. Chúng ta không nhìn mọi thứ từ một vị trí thuận lợi siêu nhiên với ‘đôi mắt kính của đức tin’, mà từ những tiêu chí nhân loại đơn thuần. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nhắn nhủ, “Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái”. Để từ đó, khi thấy chúng ta hoà hợp yêu thương, thế giới biết có một ‘Ai đó’ bên trong; như thế, Danh Chúa được nhận biết. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.
Anh Chị em,
“Anh đứng dậy, đi theo Ngài”. Nhìn sự chóng vánh của Matthêu, bạn và tôi xem lại ơn gọi ì ạch của mình. Tất cả là ơn Chúa, Đấng đi bước trước, tìm kiếm, xót thương. Mỗi người chúng ta chỉ là một tội nhân không hơn không kém, một tội nhân được Chúa Giêsu cưu mang khiến Ngài chịu tiếng mang lời. Hãy nhận ra tình trạng đáng thương của mình, một người đau ốm cần đến thầy thuốc. Từ đó, bạn và tôi có thể nâng suy nghĩ của mình lên tầm siêu nhiên. Tại sao Chúa làm người? Sao Ngài lại cất công tìm tôi? “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Ngài đã từ trời xuống thế!”. Chúng ta biết mình “đi đâu”, đi với ai; để không còn lý do gì mà ì ạch! Hãy nhìn mọi sự với ‘đôi mắt kính của đức tin!’, hình thành “giác quan thứ sáu” này, thói quen này, qua cầu nguyện, tiếp xúc mật thiết với Chúa mỗi ngày, hầu có một cái nhìn mới về cuộc sống!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, may mắn hơn Matthêu, con biết mình đi đâu, đi với ai; xin giúp con trở nên đơn giản, chấp nhận Chúa với những đòi hỏi của Tin Mừng mà không tính toán và phức tạp!”, Amen.
(Tgp. Huế)