NGAY LÚC NÀY, GIỜ NÀY, Ở ĐÂY...
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Tôi đã đặt chân lên đất Giêricô, đã thăm nơi mà xưa Chúa Giêsu từng gặp và gọi ông Giakêô, đã chạm vào cây sung ở chính nơi mà mọi người tin là Chúa Giêsu, đám đông theo Chúa từng đi qua, trong lúc Giakêô đang ngồi vắt vẻo trên cây sung ấy để tận mắt nhìn Chúa. Tôi cũng đã ăn hạt của sung mà một cửa hàng Ả rập bán và nói rằng, đó là hạt của sung Giakêô.

Loài sung cao từ 8 đến 16m. Cây sung hiện tại không phải cây nguyên thủy mà ông quan thuế vụ bé và lùn đã từng "có sáng kiến" trèo lên xem Chúa đi qua. Nhưng nó to, phải hai người ôm mới kín thân. Nó đã có trên 700 năm.

Cây sung được nói đến nhiều trong Thánh Kinh: Cây sung có nhiều ở miền hạ lưu xứ Do thái và trong thung lũng sông Giodan (1V 10,27; 1Sbn 27,18; 2Sbn 1,15. 9,27) - Tiên tri Amốt là người chăm sóc những cây sung (Am 7,14) - Chúa trách cứ sự kiêu ngạo của dân Chúa khi họ cho rằng, họ sẽ lấy bá hương thay cho loài sung (Is 9,9)...

Còn Giêricô là nơi mà trên đường đi Giêrusalem, Chúa qua đó. Theo Tin Mừng Nhất lãm, Chúa đi Giêrusalem để bước vào thương khó và phục sinh.

Với Thánh Kinh Tân Ước và với các Kitô hữu, từ khi Chúa đưa mắt nhìn ông Giakêô và mời gọi ông về với ơn cứu độ, Giêricô trở nên nổi tiếng.

Các học giả đều đồng ý: Giêrichô là thành cổ nhất của nhân loại. Nó hình thành cách nay hơn 10.000 năm. Nó là vùng đầu tiên của Đất hứa Canaan mà người Do thái phải đánh chiếm. Nó cũng chính là nơi thủ lãnh Môisen được nhìn thấy từ trên núi Nebô phía bên kia sông Giodan, bên ngoài Đất hứa.

Sách Giosuê chương 6 kể lại cuộc đánh chiếm Giêricô tỉ mỉ. Trước khi vào Đất hứa, thủ lãnh Giosuê lãnh đạo dân Do thái phá tường thành Giêricô để xông vào. Trên đà chiến thắng, dân Chúa, dù chỉ là dân du mục suốt 40 năm từ khi thoát Ai cập, đã bắt nhiều sắc dân dang sống ổn định tại Canaan quy phục.

Giêricô còn được gọi là "thành cây chà là", vì có một rừng chà là rất lớn. Nó còn có những vườn thuốc thơm nổi tiếng quốc tế và các vườn hoa hồng. Thời Chúa Giêsu làm người, Do thái bị La mã đô hộ. Chính quyền La mã chở trái chà là và dầu thơm của thuộc địa này mang đi bán khắp thế giới.

Giêricô có biệt danh thơ mộng: "Moon city" (thành Nguyệt Nga). Nó là vùng trũng, thấp hơn mặt nước biển 256m. Vì thế, tuy nằm trên đồi, Giêricô thấp nhất thế giới. Nó cách bờ tây sông Giodan khoảng 8 cây số, cách phía bắc biển Chết khoảng 11 cây số và cách Giêrusalem 37 cây số.

Rồi một ngày hồng phúc, nơi cây sung, Chúa nhìn thân phận bị khinh của quan thuế vùng Giêricô. Đó là ánh nhìn yêu thương, ánh nhìn mời gọi, ánh nhìn đón nhận và tha thứ. Ánh nhìn của trái tim Thiên Chúa nhìn vào lòng người.

Giakêô hoàn toàn bị thu hút bởi ánh nhìn của Chúa. Đúng hơn, ông chìm trong biển yêu thương của Đấng Cứu Thế, Đấng luôn tìm kiếm những điều đã mất, Đấng luôn nâng dậy những tâm hồn đổ ngã, Đấng không bao giờ chê chối những cõi lòng rách rưới, Đấng từ muôn đời xưa cho đến muôn đời sau thắp sáng những ngọn đèn đã tắt, Đấng không bao giờ dừng trao ơn phục sinh cho những thực tại tưởng chừng đã chết...

Trái tim Giakêô bừng lên sự sống mới mà ánh nhìn của Đấng toàn năng, Đấng hằng cứu chuộc trao cho mình. Bằng lời đoan hứa tự cột trói mình cho lẽ công bằng: "Thưa Ngài, này đây phần nửa tài sản tôi, tôi cho người nghèo; và nếu đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn", ông chứng tỏ lòng hoán cải tuyệt vời mà mấy ai trên cõi đời này có thể làm được như ông!

Với tất cả lòng sám hối, Giakêô được Chúa minh xác bằng lời khôn tả của Đấng là Thiên Chúa ngự giữa trần gian: "Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này".

Bài học từ câu chuyện Chúa nhìn ông Giakêô cần thiết vô cùng cho mỗi chúng ta. Chỉ sợ chúng ta quên Chúa. Chỉ sợ chúng ta bỏ Chúa và mê mang trong tội. Chỉ sợ chúng ta thất vọng về bản thân và không con hy vọng vào tình thương của Chúa. Hãy nhớ: Không bao giờ Chúa quay lưng với chúng ta.

Nếu giữa đám đông bu quanh, Chúa vẫn nhìn kẻ có thân hình bé con, thì ta phải tin rằng, từng người, từng người một, không có ai vô danh trước Chúa.

Nếu Đấng Tạo Hóa phải đưa mắt nhìn để được gặp thụ tạo, thì chúng ta phải biết rằng, Chúa không bao giờ muốn bỏ rơi một ai.

Nếu Đấng vô cùng thánh thiện phải ngước nhìn lên mới gặp kẻ tội lỗi, thì chúng ta phải biết rằng, sự kiêu ngạo của chúng ta dù lớn đến đâu, vẫn phải gục đầu trước tình thương vô biên, một tình thương mà núi không thể đo, biển không thể dò của Thiên Chúa.

Nếu Đấng Cứu Độ phải thân chinh đến nhà kẻ tội lỗi, thì chúng ta phải biết, không bao gời Chúa bỏ mặt chúng ta cho bóng tối, cho thế giới tội lỗi và sự dữ.

Nếu Đấng có quyền tha tội từng công bố ơn cứu độ và tha thứ, thì chúng ta phải biết rằng, bất cứ lúc nào ta lội ngược dòng với thế giới tội lỗi mà ta từng ngụp lặn với nó, Chúa sẽ có cách để giải phóng ta.

Hãy luôn thâm tín: Chúa tin tưởng chúng ta, Chúa đợi chờ chúng ta, Chúa vui mừng để được một lần ôm ghì chúng ta mà dõng dạc công bố: "Hôm nay người này đạt được ơn cứu độ".

Hãy nhớ ơn cứu độ là ơn mà Thiên Chúa lúc nào cũng có, lúc nào cũng sẵn sàng. Nó sẽ được ban ngay lúc này, giờ này, ở đây, nếu chúng ta mở lòng cho tình yêu của Chúa chạm đến bằng sự hối ăn năn của mình.